Nhớ những gì không được quên

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Ngay cái tựa bài thơ đã thấy lạ vì dung hòa hai khái niệm thời gian: đã và đang. Có vẻ trái khoáy với một cơ chế sinh học, một sự sống. “Những người chết không trẻ mãi” cùng với câu thơ trong bài “những người chết già đi chầm chậm” là một khẳng định thật tường minh. Thường con người chỉ “biết” điều còn lại của người đã chết là cái “tiếng” – “…người ta chết để tiếng”- chứ thực thể sinh tồn đâu còn? Vậy những người của bài thơ này vì sao khác?

Họ cũng bình thường thôi và đó là những người lính, là “các chị các anh” đã ngã xuống trong chiến tranh, đã “chết” cho những sự “sống” khác. Không một dòng chỉ rõ địa chỉ, chỉ có “dấu tích” đã thành thiêng liêng: “rã rời từng mảnh vải dù” là gọi tên các anh chị. Không gì trộn lẫn. Những mảnh vải dù hòa với sắc lá rừng còn lưu lạc, thật nhiều lưu lạc. Lặng im lưu lạc.

Bài thơ không nói chuyện lưu lạc. Chỉ viết về một thế giới của lặng im. Thế giới này vốn cũng bắt đầu bằng lằn ranh “những đường biên câm”, “những không gian âm ao”. Thế giới này chỉ có cảm nghiệm hay suy tưởng vì là “thế giới khác”. Dù được mô tả cụ thể: “Không màu mè không cao giọng/ lặng im sờ sẫm lặng im/ không hình hài/ những bàn tay siết nhau không biết”. Mô tả vậy để có thể đếm tuổi thế giới này cho những người đã chết:

Hai mươi năm ba mươi năm bốn mươi năm
tuổi chết dần hơn tuổi sống

Thế giới im lặng này chỉ có một chi tiết mô tả là có tính liên tưởng: “không màu mè không cao giọng”. Rồi liên tưởng hoàn chỉnh với hai câu thơ quan trọng nhất của toàn bài:

những người chết già đi chầm chậm
đôi lúc họ quay về nhìn trần gian qua một lớp kính mờ

Thì ra tất cả đều liên quan đến trần gian, đến thế giới người sống, thế giới có thể nói, một phần được “làm nên” từ những người đã chết.

Và bây giờ sự “khác” nói trên đã có lời giải: đúng là những người chết của bài thơ đã già đi, không phải vì “tuổi chết dần hơn tuổi sống” theo kiểu tính đếm số năm.

Khi nói “những người chết già đi chầm chậm” nghĩa là tới lúc những người chết sẽ chết. Thêm một lần chết nữa, là sự lãng quên! Và dù không hề trách móc, ánh nhìn “đôi lúc” của những người chết quay về trần gian thật ám ảnh, gợn rợn.

Sao nhẹ bẫng vậy thơ về một điều không thể xem nhẹ?

Bởi có sự “nhẹ bẫng” của “trần gian” này ấy mà!

Nhà thơ Thanh Thảo viết nhiều về chiến tranh. Đề tài chiến tranh, về người lính chắc là theo suốt đời thơ ông, từ khởi đầu Những dấu chân qua trảng cỏ đến gần đây, trường ca Metro, Chân đất, và từng bài thơ mới nữa. Dù trực tiếp, dù liên tưởng, ký ức, suy nghiệm…, chiến tranh trong thơ ông thường lặng trầm và chất chứa niềm yêu thương, sau này thêm những day dứt, khắc khoải dành cho những con người đã “biết” đi trên “đường ra chiến trường”.

Thơ ông nhắc chúng ta nhớ những gì không được quên.

Những người chết không trẻ mãi

THANH THẢO

Ngày các chị các anh nằm xuống
vừa tuổi hai mươi
thôi cũng đành coi như một chuyến đi
về một thế giới khác

Làm sao nói được
thế giới ấy thế nào
những không gian âm ao
những đường biên câm

Tắt phụt ngọn gió
rã rời từng mảnh vải dù
ong ong u u
những mắt nhìn xa vắng

Không màu mè không cao giọng
lặng im sờ sẫm lặng im
không hình hài
những bàn tay siết nhau không biết

Hai mươi năm ba mươi năm bốn mươi năm
tuổi chết dần hơn tuổi sống
những người chết già đi chầm chậm
đôi lúc họ quay nhìn trần gian qua một lớp kính mờ.

LÊ HOÀI LƯƠNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…