Nhịp trầm luân câu hát…

(VNBĐ – Ghi chép). Với những nghệ sĩ, nghệ nhân tâm huyết với câu ca điệu thức Hát bội, Bài chòi luôn canh cánh nỗi nghề. Dịch Covid-19 ập đến, sân khấu nghệ thuật truyền thống lại đứng trước nhiều thách thức.

Nguội lạnh sân khấu
Với đặc thù riêng biệt, sân khấu nghệ thuật truyền thống muốn đạt hiệu ứng cảm xúc tốt nhất thì phải biểu diễn trước khán giả, tương tác trực tiếp với người xem. Tuy nhiên, trước đại dịch Covid-19, hơn một năm qua, hầu hết các sân khấu biểu diễn chuyên và không chuyên trong tỉnh đều trở nên “nguội lạnh”.

Theo kế hoạch năm 2021, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định phục hồi, nâng cao vở Ca kịch Bài chòi Chuyện tình nàng Sita và vở Hát bội Xử án Mộc Đài Sơn. Cuối tháng 6.2021, Nhà hát đã diễn báo cáo tổng duyệt vở Chuyện tình nàng Sita, còn vở Xử án Mộc Đài Sơn dù các diễn viên, nhạc công đã tập luyện bài bản nhưng chưa tổng duyệt vì ảnh hưởng của dịch.

Cuối tháng 9.2020, khi nhà hát mới được xây dựng khang trang chính thức đưa vào hoạt động, nghệ sĩ Văn Bá Dũng – Giám đốc Nhà hát đã tràn trề niềm tin về một diện mạo mới. Ông chia sẻ về việc Nhà hát sẽ kết hợp nghệ thuật truyền thống với du lịch, đó là hướng đi tất yếu và là cơ hội để Nhà hát có thêm nguồn thu, anh chị em nghệ sĩ có thêm đất diễn. Nhưng mọi thứ giờ đây “đóng băng”.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định biểu diễn vở Chuyện tình nàng Sita. Ảnh: Phi Nguyễn

Trong hai năm qua, vì ảnh hưởng của dịch Covid, tần suất biểu diễn của các nhà hát trên cả nước giảm rõ rệt. Đã có nhiều nghệ sĩ sân khấu ở các nhà hát không còn trụ lại với nghề, nhất là các diễn viên trẻ. Theo ông Văn Bá Dũng, Nhà hát hiện có 8 diễn viên trẻ của đoàn Hát bội, Bài chòi được “giữ chân” bằng việc trả phụ cấp từ nguồn thu nhập tăng thêm của Nhà hát. Dịch giã kéo dài làm ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, các diễn viên trẻ cũng không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nên việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ kế cận thêm khó khăn.

Nghệ sĩ Thùy Dung chia sẻ: “Trước khi có dịch, Đoàn Ca kịch Bài chòi đi diễn phục vụ bà con ở nhiều nơi. Nhưng hai năm nay, vắng dần vì phải tuân thủ quy định phòng chống dịch”. Sân khấu nguội lạnh, thu nhập của người nghệ sĩ vốn khiêm tốn lại càng khó khăn. Nhiều năm qua, Thùy Dung nhận hát diễn thêm ở các cơ quan, đơn vị, phòng trà nghệ sĩ, bán hàng online… để trang trải thêm cuộc sống. Nhưng từ đầu năm 2021 đến giờ, mọi suất diễn thưa vắng rồi ngưng hẳn vì phải tuân thủ theo chỉ đạo phòng chống dịch. Chị bộc bạch: “Chúng tôi ở trong Nhà hát còn có lương hàng tháng, những nghệ nhân hoạt động nghệ thuật tự do còn khổ hơn”.

Nỗi niềm nghệ nhân chân đất
Ngày 28.7.2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số: 3141/ QĐ-UBND phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Theo đó, có 44 nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống được nhận hỗ trợ với mức 3.710.000 đồng/ người. Điều đó phần nào làm ấm lòng những nghệ sĩ đang gặp khó khăn mùa dịch. Không lương, không được nhận hỗ trợ trợ cấp như các nghệ sĩ trong đơn vị sự nghiệp công lập, những nghệ nhân chân đất phải tự bươn chải trong giai đoạn dịch giã này. Trong tỉnh, hiện còn khoảng 10 đoàn Hát bội không chuyên đang hoạt động. Nhưng gần hai năm nay, họ hầu như đều chịu chung cảnh ngộ: ngưng nghỉ chờ hết dịch.

NNƯT Thu Hường (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) kể: “Giờ các diễn viên tản mác mỗi người một nơi cả rồi. Muốn tập hợp lại, cũng khó…”. Sau mất mát quá lớn khi hai diễn viên trụ cột của đoàn Ánh Dương là NNƯT Công Lễ và Trưởng đoàn Bảo Hiến lần lượt qua đời, NNƯT Thu Hường đã cố gắng tập hợp những nghệ nhân yêu nghề lại với nhau để tiếp tục vực dậy một đoàn nghệ thuật Hát bội có bề dày và được yêu thích. Thế nhưng năm 2020, khi vừa bắt nhịp trở lại thì đã đối mặt với dịch Covid. NNƯT Thu Hường nhớ lại: “Năm ngoái, chúng tôi đã ký được hợp đồng biểu diễn với nhiều địa phương như Tuy Phước, Nhơn Hải, Phù Cát… Anh chị em trong đoàn đang hào hứng biểu diễn thì được lệnh phải ngừng để phòng chống dịch. Nhiều diễn viên phải chật vật xoay sở tìm việc làm để kiếm sống qua ngày. Có người phải đi vào Nam để tìm việc khác ổn định hơn”. Vừa nhen lên niềm hy vọng khi đoàn hồi sinh thì dịch ập đến, dằng dưa kéo dài. Nghĩ về Hát bội, về những chuyến đi, những đêm diễn trong tiếng vỗ tay rào rào mà NNƯT Thu Hường thêm khắc khoải. Nữ nghệ nhân trải lòng: “Nghệ nhân chân đất đổ mồ hôi nuôi nghệ thuật. Chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ, chỉ sợ dịch giã kéo dài, nghệ nhân không được biểu diễn. Mong dịch sớm qua để đoàn còn có thêm cơ hội vực dậy. Chứ thế này mãi, nhiều diễn viên sẽ bỏ nghề”.

Như đoàn Ánh Dương, Đoàn nghệ thuật Hát bội Nhơn Hưng cũng chung hoàn cảnh. Theo NNƯT Minh Lưỡng – Trưởng đoàn đoàn Nhơn Hưng, từ đầu năm đến nay, các nghệ nhân trong đoàn phải xoay trở đủ mọi công việc để lo cuộc sống vì không còn đi diễn. Đoàn Nhơn Hưng là đoàn khá đa năng cả Bài chòi và Hát bội, có diễn viên trụ cột đều là thành viên trong một gia đình. Vì thế, nỗi lo về việc thiếu hụt diễn viên bớt đi phần nào. Hiện tại, các nghệ nhân trong đoàn chú tâm vào việc sinh nhai trong mùa dịch. Nghệ nhân Kiều My – con gái NNƯT Minh Lưỡng làm thêm việc bán hàng online. Thấy thu nhập từ việc này cũng không ăn thua, My bàn với ba mẹ rồi lấy cá tôm giao cho bà con trong xóm và khách mua khu vực lân cận. Còn nghệ nhân Minh Lưỡng, hàng đêm lặn lội trên sông Gò Chàm cạnh nhà để thả lưới kiếm thêm thu nhập. Nhớ nghề, có lúc cả nhà mở video ghi lại cảnh biểu diễn của đoàn xem cho vơi vãng đi phần nào. Giọng My như chùng lại: “Giờ lo cái lo trước mắt, là chống chọi với đại dịch, đảm bảo an toàn cho mọi người trong gia đình. Nhưng mỗi lần nghĩ về nghề lại thấy phía trước còn nhiều thách thức. Lúc bình thường, sân khấu truyền thống đã có phần hiu quạnh. Sau mùa dịch, chắc còn khá lâu nữa mới phục hồi lại được”.

Khi chúng tôi kết nối cùng NNND Minh Đức, bà gượng cười như cố giấu che đi tình cảnh hiện tại. Giờ đây, một mình bà phải chăm lo người mẹ già hơn chín mươi tuổi nơi quê nhà Cát Hưng, Phù Cát. Nguồn thu nhập chính của bà là những ngày ngược gió ngược nắng từ Phù Cát về Quy Nhơn, mang câu hô thai, điệu Bài chòi dân dã phục vụ cho khách du lịch. Tuy số tiền công sau khi ăn uống di chuyển, còn lại chẳng bõ bèn gì nhưng được sống với Bài chòi, niềm vui như nhen lên ấm áp. Đã khá lâu rồi, bà không được biểu diễn, không được tương tác với người mộ điệu. Dịch tràn qua làng quê, xứ bà cũng kẹt cứng trong vòng vây của dịch. Bà tâm sự: “Gần hai năm nay, vì ảnh hưởng của dịch nên các nghệ nhân chúng tôi ít được hợp đồng đi diễn. Từ tháng 4 đến nay thì tôi ngưng hẳn. Buồn và nhớ nghề lắm. Nhưng những ngày ở quê cũng thấy ủi an phần nào khi học trò, bạn bè và người yêu mến Bài chòi hay gọi điện hỏi han, căn vặn giữ gìn sức khỏe. Có đứa nó nói là thèm nghe cô hát quá, mong hết dịch để cô cháu gặp nhau. Nghe thế, tôi xúc động lắm. Tôi cũng nói lại là cô cũng thèm được hát kinh khủng, mong cho dịch chóng qua để các nghệ nhân tiếp tục cháy với đam mê của mình”.

Những tâm huyết
Trong khoảng thời gian khó khăn vì dịch bệnh, các nghệ sĩ, nghệ nhân động viên nhau cùng vượt qua đại dịch, chấp hành nghiêm túc quy định của cơ quan chức năng về công tác phòng chống dịch. Nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân thầm lặng với những hoạt động đóng góp cho nghệ thuật và công việc phòng chống dịch. Khi chia sẻ cùng chúng tôi, NSƯT Tuyết Mai cũng không giấu được tâm trạng lo lắng. Bà nhớ nghề, nhớ cái rộn rịp phố phường, nhớ ánh đèn sân khấu ở tuyến phố Văn hóa Nghệ thuật Quy Nhơn, nơi mà bà cũng các đồng nghiệp trước đây nhập vai vào các tuồng tích cổ, biểu diễn cho đông đảo khách du lịch và bà con Bình Định xem. Bà chia sẻ: “Dịch ngày càng phức tạp. Ở thành phố Quy Nhơn đã có nhiều ca dương tính. Gia đình tôi chủ yếu ở nhà, không đi đâu cả. Dù nhớ nghề, nhớ các học trò nhưng phải tuân thủ an toàn phòng chống dịch”.

Với nghệ nhân Hoàng Việt, khoảng thời gian dịch này là lúc anh dành hết tâm sức cho việc may phục trang Hát bội để hoàn thiện bộ sưu tập trang phục Hát bội của gia đình mà anh ấp ủ bấy lâu nay. Sau gần 20 năm sưu tầm, nghiên cứu và thực hiện, Hoàng Việt đã sở hữu 20 bộ trang phục Hát bội. Tất cả trang phục được anh làm thủ công, chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Hiện anh đang dành thời gian để may các loại mão Hát bội như Cửu Long, Cửu Phụng, Bình Thiên, Thẻ Ngang… phù hợp với từng nhân vật tướng lĩnh, công chúa, võ quan, nịnh thần… Anh cố gắng may lại theo đúng nguyên bản trang phục Hát bội những năm 1930 để góp phần lưu giữ, bảo tồn trang phục nghệ thuật Hát bội truyền thống Bình Định. Anh thổ lộ: “Mình có ước nguyện sau này sẽ hiến tặng tất cả bộ trang phục Bát bội truyền thống này cho quê nhà An Nhơn và thành lập một bảo tàng nghệ thuật Hát bội mang tên người cha quá cố – Bảo tàng Hát bội Hoàng Chinh”.

Nghệ nhân Hoàng Việt may trang phục Hát bội trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Phi Nguyễn

Những ngày đầu tháng 9.2021, chúng tôi gặp nghệ nhân Nguyễn Phú khi anh đang lái xe lưu động phục vụ tuyên truyền phòng chống dịch của Trung tâm VHTT-TT huyện Tuy Phước. Ngoài nhiệm vụ công tác tại Trung tâm, nhiều năm nay anh tích cực sáng tác tiểu phẩm, viết lời Bài chòi. Anh giới thiệu cùng chúng tôi lời Bài chòi Ơn người chiến sĩ hôm nay anh mới viết gần đây để cổ vũ tinh thần những người lính đang ở tuyến đầu phòng chống dịch. Nói rồi, anh cất giọng hát điệu Xuân nữ: “Thương người chiến sĩ quê hương/ Ngày đêm canh giữ biên cương chiến trường…/ Dẫu bao gian khó xem thường/ Vì dân vì nước lên đường hôm nay/ Tinh thần trách nhiệm là đây/ Đẩy lùi dịch bệnh, chung tay góp phần/ Quyết không nao núng tinh thần/ Giặc kia (còn) khiếp sợ, bao lần thất kinh/ Với dân giữ vẹn nghĩa tình/ Dẫu bao gian khó thân mình quản chi/ Trận chiến mới, quyết ra đi/ Nghĩa tình sau trước khắc ghi một lời…”. Tiếng hát mùi mẫn của “hiệu Phú” như tiếp thêm niềm tin đẩy lùi dịch bệnh. Anh vui vẻ khoe niềm vui nhỏ vì Bài chòi ở Tuy Phước có nhiều bạn nhỏ quan tâm. Gần đây nhất, học trò của anh là em Trần Lê Khánh Linh (học sinh lớp 9, trường THCS Phước Quang) đã biểu diễn ngọt ngào trích đoạn Ơn người chiến sĩ hôm nay, và là một trong 12 thí sinh xuất sắc nhất trên cả nước góp mặt vào “Gala giao lưu tài năng THCS” vào ngày 21.8. NNƯT Nguyễn Phú trải lòng: “Từng việc nhỏ, mình làm gì được cho nghề thì làm vậy thôi. Cầu mong dịch sẽ mau qua, khán giả tiếp tục dành sự yêu mến và ủng hộ những nghệ nhân. Các cấp các ngành tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện để các hoạt động nghệ thuật sân khấu được sáng đèn trở lại”.

Tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, ý thức nghề, tấm lòng với nghệ thuật sân khấu truyền thống khiến họ suy tư, trăn trở. Nỗi niềm khắc khoải của họ như ẩn vào trong từng nhịp trầm luân câu hát. Họ đặt nhiều hy vọng ở phía trước. Chỉ mong… Ừ thì, chỉ mong dịch sẽ mau qua…

PHI NGUYỄN

(Văn nghệ Bình Định số 101 tháng 9.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…

Lính đảo

Dường như, tôi có duyên nợ với Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh đóng quân ở xã Nhơn Châu, nên ngay sau lễ phát động Cuộc thi viết về đề tài LLVT, tôi chọn lính đảo…