Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Với câu chuyện thời gian, tôi và nhiều người khác thường nghĩ ngay tới nhà văn Pháp vĩ đại Marcel Proust (1871 – 1922), người được cho là nhà văn vĩ đại nhất thế giới thế kỷ 20, với bộ tiểu thuyết bất tử của ông: Đi tìm thời gian đã mất.

Nhà văn Cao Duy Thảo, bạn tôi, khiêm tốn hơn rất nhiều, anh chỉ viết một truyện ngắn, cũng có nhan đề Thời gian, cũng có chủ đề đi tìm thời gian, nhưng thời gian không mất, khi bà mẹ, nhân vật chính, đã gặp trong lòng đất một… chiếc đồng hồ.

Còn nhớ, khi lần đầu tiên đọc bản thảo truyện ngắn này cho một tạp chí văn nghệ hàng tỉnh, tôi đã thốt lên: “Đây là một truyện ngắn tuyệt vời!”. Không chỉ tuyệt vời khi truyện viết về chiến tranh, mà dù truyện có viết trong hoàn cảnh nào của nhân vật, thì biểu tượng “Thời gian” trong truyện ngắn này cũng hết sức độc đáo. Truyện ngắn kể một câu chuyện khá giản dị về một người lính Việt Cộng, trong thời gian vào quân giải phóng, anh được người mẹ thương yêu của mình lặn lội lên chiến khu thăm con. Và mẹ anh, chắt bóp từ thu nhập ít ỏi của mình trong nhiều năm, đã mua được cho con một chiếc đồng hồ “hàng hiệu” hẳn hoi.  Gọi là hàng hiệu, vì đồng hồ này chạy rất đúng giờ, lại là đồng hồ chạy tự động chứ không phải lên dây, so với hồi đó là hiện đại.

Khi người con hy sinh, đồng đội anh đã chôn anh cùng với chiếc đồng hồ mẹ anh mua cho, chắc là với ý nghĩ: món quà này của người mẹ thương yêu có thể an ủi linh hồn người con. Chuyện đến đó cũng đã cảm động. Nhưng tác giả còn đi xa hơn thế. Khi hòa bình lập lại, người mẹ đã cùng những đồng đội của con đi tìm mộ con. Và khi tìm ra, khi đào bới để bốc hài cốt, tất cả mọi người đều kinh ngạc đến sững sờ: chiếc đồng hồ vẫn nằm nguyên trên xương tay người liệt sĩ. Và kỳ lạ sao, khi người mẹ chạm tay mình vào chiếc đồng hồ, nó như bừng tỉnh, và kim giây bỗng hoạt động. Đồng hồ chạy rất đều.

Dù thời gian bấy giờ không còn cần thiết cho người nằm dưới mộ nữa.

Nhưng thời gian là khách quan. Nó vẫn vận hành. Bấy giờ, khi người con liệt sĩ không còn ý thức được thời gian, thì thời gian của anh chuyển sang thời gian của mẹ anh, của những ngươi thương yêu và tưởng nhớ anh. Đó là thời gian tưởng niệm, thời gian đau buồn, thời gian ký ức. Chiếc đồng hồ tượng trưng cho ký ức vẫn chạy đều, nó thay cho tất cả những lời rườm rà nói về lòng biết ơn hay nghĩa vụ đối với những liệt sĩ.

Chiếc đồng hồ tượng trưng cho ký ức ấy là một sáng tạo của nhà văn Cao Duy Thảo. Nó cho thấy, không phải lúc nào thời gian cũng là “kẻ độc tài” đối với con người. Ở đây, với người đã khuất và người còn sống, chiếc đồng hồ thời gian là sự kết nối, là sự nhắc nhở, là tình yêu thương. Và nó không bao giờ mất.
Có thể gọi đó là “thời gian yêu thương”, khi người đã khuất luôn hiện diện trong ta qua ký ức, qua xúc cảm, qua tưởng nhớ.

Nhà văn Cao Duy Thảo. Ảnh: T.L

Bây giờ thì nhiều người đã biết về thời gian sinh học, nhưng với chiếc đồng hồ vẫn chạy trong phần mộ người liệt sĩ ở truyện ngắn Thời gian của Cao Duy Thảo, thì ta gọi đó là thời gian gì? Tôi xin gọi đó là “thời gian thương nhớ” hay “thời gian tri ân”. Lòng biết ơn là một phẩm tính cao cả của con người. Ngược lại, sự vô ơn bao giờ cũng bị cộng đồng lên án như một biểu hiện của kẻ bỏ đi.

Tới cây xanh cũng có lòng biết ơn, vì cây xanh cũng có đồng hồ sinh học. Đồng hồ ấy đo được những thay đổi của cảm xúc, những run rẩy hết sức thầm lặng của lá cây.

Những điều đó thật xa lạ với câu nói “Thời gian là tiền bạc”. Thời gian còn là cái gì quí hơn tiền bạc rất nhiều lần.

Vì đó chính là cuộc sống của ta. Bớt tham tiền, bạn sẽ có nhiều hạnh phúc hơn. Mà hạnh phúc mới là cái mà con người cần hơn cả. Trong dòng thời gian.

Nhà văn Cao Duy Thảo với truyện ngắn Thời gian của mình, anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng trong nước, được tuyển chọn vào tuyển tập 50 truyện ngắn hay nhất Việt Nam 1945 – 1985. Với nhà văn Việt Nam, được tôn vinh xứng đáng như thế cũng là niềm vui rồi.

Tôi với nhà văn Cao Duy Thảo trong chiến tranh tuy không ở một chiến trường, anh Thảo ở Khu Năm, còn tôi ở Nam Bộ, nhưng sau hòa bình chúng tôi lại ở cùng một cơ quan, là Trại sáng tác quân khu Năm, do nhà văn Nguyễn Chí Trung làm trại trưởng.

Anh Cao Duy Thảo viết văn rất kỹ, anh thường cân nhắc đến từng chữ từng dòng, giống như nhà văn đàn anh cùng quê Bình Định với anh là Nguyễn Thành Long. Những nhà văn viết kỹ như thế, mà lại hay như thế, ở Bình Định còn có thể kể thêm nhà văn Võ Phiến.

Còn tại sao trong truyện ngắn Thời gian nhà văn Cao Duy Thảo lại chọn hai nhân vật là bà mẹ và người con đi Giải phóng, vì bản thân tác giả Cao Duy Thảo cũng vào Nam chiến đấu từ rất sớm, anh cũng có một bà mẹ thương yêu anh hết mực, và bà cũng từng chắt bóp cho anh một chỉ vàng khi anh tìm về quê thăm mẹ, trong một đêm mưa gió. Những chuyện mẹ và con ấy mỗi khi anh Cao Duy Thảo kể lại đều khiến những người thân quý anh rất cảm động.

Bây giờ, nhà văn Cao Duy Thảo vẫn lặng lẽ sáng tác, dù tuổi cao sức yếu, cứ vài ba năm anh lại cho “xuất xưởng” một tác phẩm mới. Kiên trì, bình tĩnh, tuyệt đối không ham danh, nâng niu từng con chữ từng dòng chữ, anh Cao Duy Thảo lại tiếp tục đi tìm thời gian sáng tạo cho riêng mình. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, cũng chỉ biết cầu chúc cho nhau mạnh khỏe để làm việc. Với người sáng tác, thời gian luôn quý báu, và chúng tôi không bao giờ muốn “làm mất” nó.

Để viết bài này, tôi gọi điện hỏi thăm anh Cao Duy Thảo thì được anh cho biết mình mới nằm bệnh viện về, vì căn bệnh tiền liệt tuyến. Tôi cũng trao đổi với anh về bệnh này, và cầu chúc anh mau thoát bệnh. Chúng tôi đều đã về già, chuyện đau ốm là chuyện tự nhiên, chỉ mong tạm khỏe để tiếp tục làm việc. Thời gian bây giờ với chúng tôi trở nên thật sự quý giá.

THANH THẢO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nói với con hay tự nói với mình

Bài thơ “Sớm mai con vào lớp ba” Y Phương viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết…

Văn học và âm nhạc Nga trong tôi

Bây giờ, mỗi khi đọc lại thơ Puskin, thơ Lermantov, thơ Blok hay thơ Êxênhin, tôi vẫn cảm nhận được mùi hương đặc biệt của những cánh đồng Nga, vị ngọt của gió…

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…