Nhà lá mái Bình Định – một đặc trưng văn hóa vùng miền

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). LTS: Ngày 06.4.2024, tại TP.Quy Nhơn, Hội VHNT Bình Định phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (Sở Nội vụ) tổ chức thành công buổi tọa đàm “Đặc trưng Nhà lá mái Bình Định & Hướng bảo tồn, phát huy di sản”, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo và các văn nghệ sĩ trong tỉnh.

Buổi tọa đàm ghi nhận 8 tham luận và nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, bày tỏ quan ngại về sự mất dần của nhiều nhà lá mái trong tỉnh và trao đổi, đề xuất hướng bảo tồn, phát huy di sản nhà lá mái.

VNBĐ xin giới thiệu tham luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang tại tọa đàm.

1. Nhà lá mái Bình Định có từ bao giờ?

Chưa có tài liệu nào ghi rõ nhà lá mái Bình Định có từ bao giờ. Trong tác phẩm Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong (NXB Thăng Long, Hoa Kỳ, 1989), Cristoforo Borri cho biết, ông rất kinh ngạc cái cách mà người thợ bản xứ sản xuất và lắp ráp ngôi nhà to lớn theo yêu cầu nghiêm ngặt của ông. Kỹ thuật xây dựng nhà mà Borri đã chứng kiến, chính là loại kỹ thuật kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Bình Định – nhà lá mái.

Năm 1934, nhà địa lý học nhân văn Pierre Gourou (người Pháp) khảo sát các ngôi nhà Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Định và viết tác phẩm Phác thảo nghiên cứu nhà ở Việt Nam (in ở Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 2(36) – 2002, Sở KHCN&MT Thừa Thiên – Huế). Ông đã nhận xét: “Đến phía Nam phá An Khê và dãy Sa Huỳnh chúng ta vào hẳn vùng nhà Bình Định. Trừ những chiếc lều không có hình dạng, tất cả các nhà đều thuộc loại hình mới…”.

1. Mặt đứng nhà chính, mặt cắt nhà lẫm, mặt cắt chuồng bò phía Tây/ 2. Mặt cắt nhà chính, mặt đứng nhà đông/nhà lẫm. Nguồn: PIERRE GOUROU

Pierre Gourou đã bỏ nhiều thời gian để đi khảo sát, nghiên cứu các ngôi nhà “thuộc loại hình mới” ở Bình Định. Ông chọn một ngôi nhà tại thôn Mỹ Hóa, xã Thạch Bàn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định để đo vẽ. Nhà có bình đồ truyền thống ba gian hai chái (chỉ có hai cửa), nhà lẫm phía Đông, phía Tây chuồng bò, thuộc tầng lớp trung nông, là loại hình nhà hiện chiếm đa số ở Bình Định – nhà lá mái. Như vậy, nhà lá mái Bình Định không phải chỉ của tầng lớp người giàu, mà thuộc tầng lớp trung nông trở lên; nhà to hoặc nhỏ, gỗ tốt hoặc gỗ thường tùy điều kiện kinh tế. Tên gọi nhà lá mái chỉ xuất hiện ở Bình Định. Có một vài giải thích về tên gọi nhà lá mái, nhưng chưa có giải thích nào thuyết phục.

 2. Những đặc trưng cơ bản của kiến trúc nhà lá mái Bình Định

Nhà cổ dân gian truyền thống ở một giới hạn nào đó là một sản phẩm mang tính văn hóa của con người để lại, nó có một giá trị tự thân mang theo những vấn đề lịch sử và xã hội. Do vậy, nhà lá mái Bình Định cũng là một loại hình di sản, những vấn đề lịch sử – xã hội, văn hóa được chuyển tải trong kết cấu kỹ thuật của kiến trúc từng giai đoạn phát triển.

So với các kiểu nhà cổ dân gian truyền thống ở các địa phương khác, nhà lá mái Bình Định nhỏ hơn nhà rường Huế và nhà cổ Nam bộ, đuôi mái nhà thấp, nhiều cột, không gian sinh hoạt trong nhà thiếu ánh sáng nhưng kết cấu khá vững chắc, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và chống cháy tốt.

Nhà lá mái Bình Định là một loại hình kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống đặc trưng của người Việt, vừa tương đồng lại vừa dị biệt so với nhà ở dân gian truyền thống ở miền Trung nói riêng và nhà ở dân gian truyền thống của người Việt nói chung. Từ những ngôi nhà tranh tre đơn giản ẩn mình sau lũy tre làng, đến những ngôi nhà lá mái kiên cố, giàu thẩm mỹ hòa mình dưới bóng dừa, vườn cau là một quá trình thích nghi và phát triển. Dù nhà được xây dựng đơn sơ một gian hai chái bởi những người thợ bình thường hay được tạo tác ba gian hai chái cầu kỳ, tinh xảo bằng bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân ở các làng mộc nổi tiếng, thì loại hình kiến trúc vô cùng gần gũi, thân quen này vẫn hàm chứa tâm hồn, trí tuệ, công sức của tiền nhân. Trong đó, có cả người xây dựng lẫn người sử dụng.

3. Hợp tác Việt – Nhật nghiên cứu điều tra nhà ở dân gian Bình Định

Tháng 7 năm 2004, Cục Di sản – Văn hóa phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Bình Định triển khai Đề tài Khoa học Nghiên cứu và bảo tồn các kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam tại Bình Định, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của một loại hình di sản văn hóa đặc trưng vùng miền còn ít được quan tâm và có nguy cơ hủy hoại do quá trình đô thị hóa và gánh nặng thời gian. Người viết bài, may mắn được trực tiếp tham gia đoàn khảo sát điều tra từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2004.

Kết quả, có 350 kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Bình Định được khảo sát điều tra. Chủ nhân các ngôi nhà lá mái phần lớn đều không xác định được năm xây dựng ngôi nhà của mình. Nhà lá mái Bình Định không khắc năm xây dựng vào cấu kiện kiến trúc, trừ trường hợp ngoại lệ duy nhất: nhà thờ họ Nguyễn An ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, người thợ đã tỉ mẩn khắc lên vì kèo để lại thông tin cho hậu thế biết nhà được tạo dựng năm 1844. Các nhà khảo sát điều tra dựa trên lời kể của chủ nhà và nghiên cứu vật liệu xây dựng, kỹ thuật kết cấu khung nhà, chạm trổ điêu khắc trang trí mỹ thuật… nhận định: một số rất ít ngôi nhà lá mái Bình Định hiện còn có tuổi thọ trên 200 năm.

Chiến tranh đã cướp đi phần lớn nhà lá mái Bình Định, một số huyện, thị nhà lá mái bị tàn phá nhiều như: Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Mỹ,… Ngoài ra, mưa bão, mối mọt và quá trình đô thị hóa cũng là những nguyên nhân làm hao mòn nhà lá mái Bình Định. Hiện nay, nhà lá mái còn gìn giữ và bảo quản ở một số địa phương như: Ân Đức (Hoài Ân), Hoài Đức, Hoài Sơn (Hoài Nhơn), Mỹ Châu, Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Cát (Phù Mỹ), Cát Trinh, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Tài (Phù Cát), Nhơn Thành, Nhơn Hòa, Nhơn Phúc, Nhơn An (An Nhơn), Phước Hưng, Phước Thành, Phước Hòa (Tuy Phước), Tây Phú, Bình Thành (Tây Sơn),…

Cuối tháng 8 và tháng 9 năm 2004, Cục Di sản – Văn hóa phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Bình Định tiếp tục tổ chức khảo sát điều tra nhà ở dân gian truyền thống Bình Định đợt 2. Lần này, chọn 35 nhà lá mái tương đối tốt trong số 350 nhà điều tra đợt 1, lập biểu mẫu điều tra chi tiết kiến trúc và khảo sát đo vẽ các sơ đồ.

Kế hoạch khảo sát điều tra nhà lá mái Bình Định được phân bố trong đề tài khoa học Nghiên cứu và bảo tồn các kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống năm 2004 bị khống chế về thời gian thực hiện và số lượng nhà điều tra, nên còn một số lượng lớn nhà cổ dân gian truyền thống Bình Định chưa được khảo sát điều tra lập biểu mẫu trong đợt này.

Kết quả khảo sát cho thấy, hiện trạng nhà ở dân gian truyền thống – nhà lá mái ở Bình Định được nhân dân lưu giữ với một số lượng không nhỏ, lên đến con số hàng trăm. Chứng tỏ, nhà lá mái – di sản của ông cha vẫn được người dân Bình Định trân trọng, bảo tồn. Tuy nhiên, ý thức bảo tồn của các gia chủ hoàn toàn tự phát, không có kiến thức chuyên môn, nên tùy theo sự hiểu biết, yêu quý giá trị truyền thống và điều kiện kinh tế của từng gia chủ, mỗi nhà có một cách gìn giữ bảo quản khác nhau đối với nếp nhà cổ của mình.

Trong số những ngôi nhà lá mái còn giữ được mái tranh, vách đất có ngôi nhà của cụ Phó lý (đã mất) ở thôn Phú Hiệp, xã Cát Tài, huyện Phù Cát do ông Nguyễn Rê (con trai cụ Phó lý) sở hữu sử dụng. Tuy đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng ngôi nhà còn giữ nguyên kết cấu kiến trúc ban đầu theo mô hình phổ biến của nhà lá mái Bình Định, gồm: nhà chính – nhà đông – nhà cầu – nhà bếp, sân cát, và một số đồ trang trí nội thất xưa. Hai năm sau (2006), tôi về tìm lại ngôi nhà này thì không còn, thay vào đó là ngôi nhà gạch xây mới!

Trong số 350 nhà được điều tra khảo sát chỉ có 8 ngôi nhà còn giữ được mái lợp tranh/ rạ và vách trét đất. Ngoài ra, có 4 ngôi nhà lá mái khác còn giữ mái lợp tranh/ rạ, nhưng vách được xây bằng táp lô hoặc gạch.

4. Thực trạng và những bất cập trong bảo tồn nhà lá mái

Nhà lá mái Bình Định là một kiểu nhà vườn nông thôn, đã tồn tại trên dưới 200 năm, từ ngôi nhà lá mái đã sinh ra nhiều thế hệ con cháu cùng sinh sống trên một khu vườn. Khu vườn nhà lá mái bị chia nhỏ cho các thế hệ sau, không gian nhà vườn truyền thống bị phá vỡ bởi các công trình xây dựng mới của con cháu. Một số ngôi nhà lá mái trở thành từ đường, sở hữu chung của tộc họ. Vì là nhà từ đường, không có một chủ thể nhất định nên việc huy động tài chính để duy tu, bảo dưỡng cũng gặp nhiều khó khăn khi ngôi nhà xuống cấp, nhất là sau khi ruộng đất vào hợp tác xã (1979), không còn ruộng hương hỏa.

Từ năm 2001, sau khi chính phủ ban hành Luật Di sản văn hóa, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được nâng cao, những ngôi nhà lá mái cũng được người dân Bình Định ý thức giữ gìn, chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, việc sưu tầm, chơi đồ cổ, nhà cổ cũng bùng phát rầm rộ. Việc bảo tồn nhà cổ, làng cổ Việt Nam nói chung, nhà lá Bình Định nói riêng vẫn là vấn đề ray rứt không chỉ của các gia chủ, của các địa phương có nhà cổ mà còn là của cả xã hội!

Nên chăng, chính quyền tỉnh Bình Định cần có chính sách thiết thực tới người dân, đặc biệt là chính sách bảo tồn để vừa gìn giữ, vừa phát triển, lấy di tích “nuôi” di tích. Theo đó, Bình Định cần điều tra kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể, đúng thực trạng nhà ở dân gian truyền thống. Chọn những ngôi nhà lá mái hoàn chỉnh nhất duy tu, bảo tồn. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia bảo tồn; vận động, thuyết phục người dân có trách nhiệm, tự nguyện bảo vệ di tích; có quy chế bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc nhà nhà lá mái, phục vụ quảng bá du lịch.

Công tác bảo tồn những ngôi nhà cổ hiện nay vướng nhiều bất cập. Chúng ta thường chú ý nghiêng hẳn vào các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh có tính cộng đồng cao và gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo, các lễ nghi như: đình, chùa, đền, miếu…  Nhà cổ dân gian truyền thống nói chung và nhà lá mái Bình Định nói riêng là loại hình di sản sở hữu tư nhân còn ít được quan tâm.

Đáng tiếc, sự quan tâm bảo tồn nhà cổ hiện nay mới chỉ “khoanh vùng” trong các làng cổ, phố cổ, nhà cổ đã được xếp hạng di tích, số còn lại (chiếm phần lớn) hoặc đang xuống cấp, hoặc bị chủ sở hữu phá đi xây mới. Làng cổ Đường Lâm, khi chính quyền địa phương có kế hoạch lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ngôi làng này là di sản văn hóa thế giới, nhiều hộ dân trong làng có nguyện vọng trả lại danh hiệu di tích cấp Quốc gia. Nghe có vẻ lạ, nhưng sự thật đau lòng này bắt nguồn từ việc người dân không muốn sống trong những ngôi nhà cổ thiếu tiện nghi trong khi cuộc sống đang “hiện đại hóa” từng ngày.

Các nguồn lực kinh tế, con người đều thiếu và yếu, cách nhìn nhận về bảo tồn chưa đúng đắn, các cơ quan chức năng chưa quan tâm thiết thực, ý thức giữ gìn và hợp tác của người dân chưa cao… Bởi thế, trước sự khắc nghiệt của thời gian và nhu cầu bức thiết về nhu cầu nơi ở thời hiện đại, rất nhiều nhà cổ còn lại đã lần lượt mất đi. Thực trạng đó cho thấy, muộn còn hơn không, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch tổng thể bảo tồn nhà cổ, nhà lá mái Bình Định.

Nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam) tạo miếng cơm, manh áo cho người dân trên địa bàn, họ mong muốn căn nhà của mình được bảo tồn nhưng lại gặp khó về kinh phí. Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay, Hội An có gần 200 nhà cổ được tu bổ, chống xuống cấp nhưng hiện tại vẫn còn hàng chục ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, Thanh Hóa cũng đang đối mặt với không ít câu chuyện đời sống, về an sinh và cả những nghịch lý giữa bảo tồn vốn cổ với xây dựng cái mới. Bởi, chỉ khi con người thỏa mãn được các nhu cầu vật chất, mới có thời gian, tâm thế, mong muốn và khả năng để chăm lo đời sống văn hóa – tinh thần. Với việc bảo tồn nhà cổ cũng vậy, thật khó để yêu cầu vài ba thế hệ cùng sinh sống dưới một mái nhà chật hẹp và không phù hợp với lối sống của người trẻ…

Cho đến nay, tuy đã nhận thức được giá trị của di sản nhà cổ, song vẫn chưa có một quy hoạch, kế hoạch tổng thể cho công tác này. Phải xác định, nội dung tiến hành là làm bảo tồn chứ không phải làm bảo tàng. Sự việc người dân xin trả lại danh hiệu ở làng cổ Đường Lâm và tiếp đó ở phố cổ Đồng Văn (Hà Giang), Bạc Liêu,… là những minh chứng về sự cứng nhắc về quản lý cũng như cách làm áp đặt. Họ chưa nhận được sự quan tâm đúng đắn, chưa được hài hòa các lợi ích, ảnh hưởng đến đời sống nên gây ra bức xúc.

Hiện nay, với phong trào đô thị hóa nông thôn diễn ra chóng mặt, nguy cơ mất dần những ngôi nhà lá mái đang rất gần. Đây là điều trăn trở của những người có trách nhiệm, hiểu và trân trọng nét đẹp của cha ông.

NGUYỄN THANH QUANG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bi cảm nỗi niềm riêng đời mẹ

“Đoản khúc mẹ” là bài thơ viết về tình mẫu tử với tình tiết rất đặc biệt và xúc động của nhà thơ Trần Quang Khanh, rút từ tập “Gió thiếu phụ”, Nxb Hội Nhà văn, 2019…

Đọc “Hoa Xương Rồng” của Nguyễn Trí

Nguyễn Trí chọn viết tiểu thuyết nghĩa là văn học hư cấu, nhưng xem ra những điều ông viết không cách xa mấy dòng văn học phi hư cấu. Tôi cho đó là thành công của tác giả…