Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa: Tôi làm tượng thi sĩ Yến Lan vì yêu quý, ngưỡng mộ một người hiền tài đồng hương…

(VNBĐ – Chân dung VNS). LTS: Nhân Kỷ niệm 25 năm ngày mất, vào dịp Rằm tháng Tám năm nay, trong khuôn viên Nhà tưởng niệm Yến Lan sẽ được đặt bức tượng đồng chân dung thi sĩ do UBND thị xã An Nhơn đặt hàng cho nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa thực hiện.

Dịp này, nhà báo Quang Khanh, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định đã có cuộc trò chuyện với nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa xung quanh việc thực hiện bức tượng chân dung này.

Thưa anh Lê Trọng Nghĩa, lâu nay mọi người biết đến anh là một nhà điêu khắc có xuất phát điểm từ niềm đam mê thực hiện các phiên bản tượng Chăm, gần đây anh nổi tiếng hơn với các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng, bán trừu tượng trên chất liệu gỗ – sắt đạt nhiều giải thưởng cấp quốc gia và khu vực, ít thấy anh làm tượng chân dung, vậy cơ duyên nào đã khiến anh nhận thực hiện bức tượng thi sĩ Yến Lan?

 + Tôi là người An Nhơn, sinh ra và lớn lên ở phường Bình Định cũng khá gần nhà thi sĩ Yến Lan. Khi Nhà tưởng niệm Yến Lan khai trương, sau khi cùng ngắm nghía không gian bên ngoài, một số lãnh đạo của thị xã cùng anh em văn nghệ có trao đổi và đồng quan điểm là nên có một bức tượng chân dung của nhà thơ. Không gian đó, nếu có một bức tượng sẽ cuốn hút và đầy ý nghĩa. Tôi nhận lời thực hiện vì niềm tin anh em gửi gắm cho tôi. Tôi rất vui vì trước hết, tôi yêu mảnh đất An Nhơn. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm làm gì đó cho quê hương mình. Với nhà thơ Yến Lan, tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm của ông nên đã có lòng yêu mến và ngưỡng mộ đặc biệt. Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ, tôi đã chọn phổ nhạc bài thơ “Chiều” thành ca khúc “Khúc vọng chiều” được trình diễn trong đêm thơ nhạc tưởng niệm ông. Tôi nhận làm tượng chân dung thi sĩ Yến Lan bằng tất cả tình cảm đó.

NĐK Lê Trọng Nghĩa đang chỉnh sửa, hoàn thành tượng. Ảnh: NVCC

Việc làm tượng chân dung, dù không phải là sở trường của tôi nhưng không phải là việc quá xa lạ. Khi còn là sinh viên mỹ thuật, tôi cũng từng làm một số tượng chân dung tặng bạn bè, tôi còn làm cả tượng chân dung của ông ngoại tôi và cũng đang xúc tiến làm tượng chân dung cha tôi.

Nhìn bức tượng chân dung nhà thơ Yến Lan đã hoàn tất, tôi chắc anh đã chọn hình tượng của ông ở thời ông vừa bước qua tuổi 60, rất khác với hình ảnh in trong các tác phẩm sau này của ông và cả những pano truyền thông trong các dịp tưởng niệm ông. Hình ảnh mà mọi người khá quen thuộc đối với ông là một lão thi sĩ có vẻ mặt khắc khổ hơn so với tượng…

+ Đúng vậy, cuộc đời và văn nghiệp của thi sĩ Yến Lan không suôn sẻ vì thế nét buồn in hằn lên khuôn mặt, lên ánh mắt của ông. Dù vậy, những vần thơ của ông lại rất đẹp, rất mạnh mẽ, tươi sáng chứ không hề khổ đau, ủy mị. Ví dụ: Lắc chiếc lọ sành còn rượu nhín/ Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly.

Những hình ảnh tuổi già về sau này trông ông khắc khổ và khá yếu nên tôi đã không chọn. Bức tượng này tôi tham khảo từ tấm ảnh lúc ông vừa qua tuổi 60, đang được trọng dụng với chức Chủ tịch danh dự Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định, khoảng năm 90 của thế kỷ trước. Chân dung này được cắt ra từ tấm hình chụp chung với nhiều người nên phóng lên rất mờ, dù vậy cũng đủ để tôi nhận ra nguồn năng lượng còn tràn trề của ông, đặc biệt là những bài thơ của ông thời kỳ này rất thăng hoa mà bài tứ tuyệt “Cầm chân em, cầm chân hoa” là một ví dụ: Em đến thăm hồng hồng chửa nụ/ Hôm nay hồng nở bóng em xa/ Cầm chân bữa trước em không ở/ Giờ biết làm sao cầm được hoa.

 – Ngoài cái khó vì sở đoản, anh còn gặp khó khăn gì nữa khi tiến hành làm tượng Yến Lan?

+ Hình chụp nhà thơ Yến Lan tương đối ít và không rõ nét, đặc biệt là đôi mắt, và tượng ông cũng chưa ai làm, là người đầu tiên làm thì không thể đúc rút kinh nghiệm từ cái hay, cái đẹp của người khác. Bản thân tôi dù ở gần nhà ông nhưng khoảng cách xa về tuổi tác – thế hệ nên tôi không có cơ hội tiếp xúc, đi lại với ông. Tôi chỉ một lần được gặp thoáng ông khi tuổi đã già nên hình ảnh trong tâm trí không có sự khắc sâu. Chính vì vậy mà trong quá trình làm tượng, tôi phải tham khảo nhiều người từng gần gũi với ông, nhất là nhà thơ Phạm Văn Phương. Anh Phương đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình chỉnh sửa tượng. Tôi đặc biệt lưu ý đến cấu trúc hình, cấu trúc xương tạo nên đặc điểm riêng các khối và cơ mặt. Đặc điểm đặc biệt là ông cười rất ít khi hở răng, nhưng nụ cười khá tự nhiên, cái tự nhiên hiền lành – thản nhiên nhưng luôn che giấu một nỗi gì rất sâu bên trong. Cùng với ánh mắt, ông cười nhưng không cười là điều tôi muốn xoáy sâu diễn tả trạng thái tinh thần cốt cách thi sĩ và nỗi buồn bên trong ông. Để làm được điều này quả là điều không thật sự dễ dàng.

Trong các tác phẩm điêu khắc của anh, tôi cảm nhận anh thích sự cách điệu, bay bổng coi trọng ý tưởng cảm xúc mang đến người thưởng ngoạn hơn là sự từ ngằn, khuôn mẫu song trong bức tượng chân dung Yến Lan có vẻ như anh đã rất chỉn chu để tả thực?

+ Thi sĩ Yến Lan là người hiền lành dung dị không “nổi sóng” tung tẩy như nhiều nhà thơ khác cùng thời. Ông sống lặng lẽ khiêm nhường, nên tôi chọn lối tả thực chân dung cũng là hợp lẽ. Tuy nhiên thực tế, tôi cũng chủ ý cách điệu một số mảng hình chi tiết. Nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy mái tóc có chút bồng bềnh, cả khối xương và cơ miệng cũng góp phần làm cho thi sĩ Yến Lan tươi tắn và tràn trề năng lượng hơn. Nhưng phần cách điệu rõ nhất của bức tượng nằm ở chỗ cắt lệch, phá vỡ sự cân đối nghiêm trang và tạo sóng phía dưới thân tượng. Tất cả gợi lên chất dung dị, bồng bênh một thi sĩ trầm lặng chịu nhiều sóng gió của cuộc đời!

Tượng nhà thơ Yến Lan đặt tại khuôn viên Nhà lưu niệm mang tên ông. Ảnh: L.T.N

– Vậy nếu giờ đây có ai đó lại đặt hàng cho anh làm tượng chân dung, anh có thấy hứng thú không?

+  Cái này cũng tùy. Tôi đang rất bận rộn với công việc của một thầy giáo dạy mỹ thuật ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ và những ý tưởng điêu khắc mới đang là sở trường của mình, nhưng nếu người đặt vấn đề làm tượng là người tôi thích và là một nhân vật thú vị thì tôi sẽ dành thời gian để nghiên cứu thực hiện.

– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

QUANG KHANH (thực hiện)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…