Nguyễn Quang Sáng, người kể chuyện đời

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Nguyễn Quang Sáng là nhà văn “rặt ri” Nam bộ, Nam bộ thuần chất, dù ông tập kết ra Bắc, và Hà Nội chính là bệ phóng cho văn xuôi của ông. Nhưng mảnh đất và con người Nam bộ mới là nơi làm nên “người kể chuyện đời” Nguyễn Quang Sáng. Tôi rất tiếc, khi tôi vào chiến trường Nam bộ thì vừa lúc Nguyễn Quang Sáng ra Bắc nên không được gặp ông. Mãi sau chiến tranh, ở Trại sáng tác quân khu 5 – Đà Nẵng, tôi mới được gặp và… uống rượu với Nguyễn Quang Sáng – một cuộc rượu “dã man” mà cả ông và tôi đều nhớ cho tới mấy chục năm sau.

Nam bộ là đất của văn xuôi, đất của những nhân vật lớn, đầy tính cách khốc liệt và hào sảng. Quê Nguyễn Quang Sáng ở xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông có lần kể chuyện với tôi, cha của ông làm nghề thợ bạc, nên nhà cũng không nghèo, từ nhỏ ông đã chơi đàn măng-đô-lin, đàn băng-giô, hồi mới kháng chiến chống Pháp ông đi bộ đội nhưng lại ở đội tuyên truyền văn công cấp… huyện, đàn hát phục vụ bộ đội. Nói tới Mỹ Luông, ông Sáng khoe là làng ông có ba người làm văn nghệ đều được giải thưởng Hồ Chí Minh, là ông Anh Đức nhà văn, ông Hoàng Hiệp nhạc sĩ, và ông, vừa viết văn, vừa chơi đàn, vừa đánh bóng bàn.

Nói tới huyện Chợ Mới quê ông Sáng, tôi lại nhớ, hồi năm 1977 tôi có lần đi xe đò qua phố huyện này, thấy một ông ăn mặc như một nhà tiên tri, xõa tóc, mà tôi đoán là thuộc một đạo nào đó, viết lên bức tường nhà ai đó một câu, tôi đọc thấy choáng: “Toàn thế giới vào trật tự”. Tôi nghĩ, nếu đưa thế giới này vào trật tự, bây giờ người ta gọi là “Trật tự thế giới mới”, thì những thằng lang thang như tôi chắc phải vào… trại cải tạo mất, còn chơi bời như ông Sáng thì thuộc thành phần phải bị… theo dõi. Quê ông Nguyễn Quang Sáng cũng là quê Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, đó là một vùng quê trông rất lành hiền, lại sinh được nhiều người danh tiếng, có người là vĩ nhân như Đức Huỳnh Giáo chủ, có người là nhà văn có tầm lãnh đạo như nhà văn Anh Đức, có nhạc sĩ tuyệt vời như Hoàng Hiệp, và có nhà văn hay rượu, hay chơi và hay kể chuyện đời như Nguyễn Quang Sáng. Không ai giống ai, nhưng ai cũng đều để lại những dấu ấn riêng sâu đậm.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ảnh nguồn: nhavantphcm.com.vn

Năm 2013, khi vào Sài Gòn, chỉ trước ngày ông Nguyễn Quang Sáng qua đời chừng nửa năm, tôi còn được ngồi uống rượu với ông Sáng ở một cái quán bên bờ sông Sài Gòn thuộc quận 7. Chả là, sau khi bán phần nhà ở 194 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ông Sáng được khá nhiều vàng, và mua được đất xây nhà ở quận 7. Bạn tôi, nhà văn nhà báo Hoàng Liên, cũng có phần nhà ở khu biệt thự này, và cũng trúng một đống vàng, sang quận 7 hay quận 9 gì đó mua đất xây nhà. Đó là cuộc đổi đời thật sự với những nhà văn không giàu như ông Nguyễn Quang Sáng và anh Hoàng Liên.

Buổi chiều, ngồi ở cái quán bên bờ sông Sài Gòn, còn nghe được tiếng xuồng máy chạy trên sông và tiếng bìm bịp kêu nước lớn, hệt như hồi chúng tôi ở chiến trường đồng bằng Nam bộ. Nguyễn Quang Sáng thích ngồi ở quán ven sông này, một phần, cũng vì nó gợi ông nhớ lại những kỷ niệm sông nước Nam bộ đã đồng hành cùng ông, đã sống dai dẳng và tha thiết trong ông gần như cả cuộc đời cầm bút. Nói “cầm bút” với Nguyễn Quang Sáng là chính xác, vì cho tới ngày vĩnh biệt trần gian, ông vẫn viết tay bằng bút, từng con chữ hiện dần dưới tay ông, trên trang giấy trắng. Viết một cách “truyền thống” như vậy, nhưng tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng luôn cập nhật đời sống đương đại, luôn cho thấy một khả năng quan sát tinh tường cùng những nhận xét sắc sảo của một “nhà kể chuyện đời”. Nguyễn Quang Sáng là người kể chuyện tài ba. Cũng không ít nhà văn Nam bộ rất tài ba khi kể chuyện, nhưng chỉ có Nguyễn Quang Sáng là thường hài hước trong những câu chuyện kể của mình. Hài hước là một đặc trưng của người lưu dân Nam bộ, và tôi rất thích giọng hài hước này, được Nguyễn Quang Sáng “gài” thường xuyên trong văn ông.

Mỗi câu chuyện, dù bình dị, dù nhỏ bé tới đâu, qua cách kể chuyện của Nguyễn Quang Sáng đều bật sáng lên một cách sinh động, thu hút và luôn níu giữ người đọc cho tới dòng cuối cùng. Chính khả năng cấu trúc chặt chẽ một câu chuyện khi viết văn xuôi đã giúp nhà văn Nguyễn Quang Sáng thành công khi viết kịch bản phim – một thành công mà rất ít nhà văn ở Việt Nam có được khi đi vào lĩnh vực điện ảnh. Nếu bây giờ phim Cánh đồng hoang đã trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam, thì công lao của nhà viết kịch bản Nguyễn Quang Sáng là rất lớn. Những cảnh phim có một không hai trên đồng Tháp Mười hoang dại, nơi Nguyễn Quang Sáng từng qua lại nhiều lần trong chiến tranh, đã làm nên những cảnh khó quên nhất trong bộ phim này.

Nguyễn Quang Sáng là một trong số ít nhà văn Nam bộ đã đưa văn xuôi Nam bộ chiếm lĩnh những đỉnh cao trong văn xuôi Việt Nam thế kỷ hai mươi. Chính chất “lưu dân” – một đặc chất của nhà văn Nam bộ được thể hiện mạnh mẽ trong văn Nguyễn Quang Sáng – đã khiến tính cách những nhân vật của ông không thể trộn lẫn, nó có gì như vượt thoát khỏi những khuôn khổ, từ chối những qui ước, và kết nối với tự do. Tính cách ngoài đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng như vậy. Và đó cũng là điểm thu hút những nhà văn nhà thơ thế hệ sau như chúng tôi chơi với ông một cách thoải mái nhất, bạn bè nhất. Nguyễn Quang Sáng trông cứ như chơi chơi, nhưng không một chi tiết nào lọt khỏi mắt ông. Đó là năng lực cảm nhận đặc biệt của một nhà văn chuyên “kể chuyện đời”.

Có thể nói, Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn xuôi bẩm sinh. Trong mỗi câu chuyện đời giản dị mà Nguyễn Quang Sáng kể, ta như nghe được những âm thanh quen thuộc và lạ lùng của đời sống, ta như thấy được những cảnh vật quen thuộc mà ám ảnh của thiên nhiên Nam bộ. Đó là cuộc sống. Và nhiều khi, văn xuôi, văn học cứ giản dị thế thôi.

Những lần gặp gỡ Nguyễn Quang Sáng, với tôi là những lần anh em chén tạc chén thù với nhau. Rượu cũng uống, mà bia cũng chơi. Mồi mè thế nào cũng xong. Ở những lần đó, Nguyễn Quang Sáng, bằng giọng kể chuyện bẩm sinh của minh, thường tâm sự với đám hậu bối chúng tôi rất nhiều chuyện. Chuyện nào rồi cũng vui, kể cả chuyện buồn. Như chuyện ông Sáng kể hồi Tết Mậu Thân 68, ông đi một cánh quân khác cánh quân nhà văn Nguyễn Thi, cùng đánh vào Sài Gòn, cùng qua đường Minh Phụng, nhưng “Tao khôn mày ơi, tao tránh được cuộc đụng độ khốc liệt ở đó, trong khi Nguyễn Thi vung súng ngắn lao vào…”. Tôi nói, hình như lúc ấy Nguyễn Thi cũng không muốn sống nữa. Ông không chịu nổi những cảnh “phê bình” theo kiểu đấu tố ở chiến khu, tới mức có lần định tự tử. Đi chiến dịch Mậu Thân với Nguyễn Thi còn là một lối thoát, nên ông sẵn sàng đối mặt với cái chết mà không hề đắn đo. Nguyễn Quang Sáng im lặng. Tôi thấy ông trầm hẳn xuống. Hình như, Nguyễn Quang Sáng cũng không thích thú gì cảnh sống ở chiến khu. Mà tôi cũng vậy. Chỉ thích xuống chiến trường đồng bằng. Đó là những lần tôi nghe Nguyễn Quang Sáng không kể chuyện đời, mà kể chuyện mình.

Nhưng chuyện riêng ông, rốt cuộc, cũng là chuyện đời mà.

THANH THẢO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…