Người gác hầm đường sắt

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). “Hallo! Dưới kia!”.

Khi anh ta nghe thấy một giọng nói gọi mình như vậy, anh ta đang đứng ở cửa của trạm gác, với một lá cờ được quấn quanh một đoạn cây ngắn trên tay. Theo tự nhiên, người ta nghĩ rằng anh ta biết rõ giọng nói đó phát ra từ đâu, nhưng, thay vì nhìn lên đỉnh dốc nơi tôi đang đứng, anh ta xoay người lại và nhìn xuống đường ray. Có điều gì đó khác thường trong cách làm việc của anh ấy. Mặc dù tôi không thể nói rõ đó là gì, nhưng, tôi biết sự khác thường đó thu hút trí tò mò của tôi. Bóng dáng của anh ấy đã bị che khuất và khuất bóng, dưới rãnh sâu phía dưới, còn tôi ở trên đỉnh dốc lại ngập trong ánh hoàng hôn lạ lẫm chói lóa đến nỗi tôi phải dùng tay che mắt mới có thể thấy được anh.

“Hallo! Dưới kia!”.

Đang quan sát đường ray, anh ta quay lại lần nữa, và ngước mắt lên, nhìn thấy bóng dáng tôi ở trên cao.

– Có đường nào tôi có thể xuống và nói chuyện với anh không?

Anh ta ngước lên nhìn tôi không trả lời, tôi nhìn xuống anh nhưng không dám thúc giục, mà chỉ lặp lại câu hỏi của mình. Ngay sau đó, có một sự rung động mơ hồ trong lòng đất và trong không gian, nhanh chóng biến thành một xung động dữ dội, và một cú lao tới khiến tôi giật mình quay lại, giống như có một lực vô hình nào đó kéo tôi xuống. Khi làn khói tỏa lên cao, chiếc xe lửa chạy lướt qua tôi, lướt qua mọi cảnh vật bên đường. Tôi nhìn xuống và thấy anh ta đang cắm lại lá cờ đã chỉ đường khi đoàn tàu đi qua.

Tôi lặp lại yêu cầu của mình. Sau một lúc do dự, anh ta dường như cũng chú ý đến tôi. Anh chỉ lá cờ cuộn lại của mình về phía một điểm trong tầm ngắm của tôi, cách khoảng hai hoặc ba trăm thước Anh. Tôi đáp lời anh, ”Được rồi!” và đi đến nơi anh chỉ. Sau nỗ lực tìm kiếm, tôi đã tìm thấy một con đường dốc xuống ngoằn ngoèo ngoằn ngoèo, tôi đã men theo con đường đó. Những tảng đá lồi lõm, ngổn ngang, sắc nhọn cùng với những kết tủa kì dị làm cho chúng trở nên trơn hơn và ẩm ướt hơn khi tôi đi xuống.

Tôi bước ra đường ray và tiến lại gần anh, một người đàn ông đen sạm, có bộ râu đen và lông mày khá rậm. Trạm gác của anh ở một nơi hẻo lánh và ảm đạm. Ở một mặt của trạm gác, một bức tường đá lởm chởm và ướt đẫm nước, hầu như che khuất toàn bộ tầm nhìn, chỉ còn lại một vùng trời thu hẹp. Cũng vì vậy mà cảnh vật phía xa xa ẩn hiện qua những khúc quanh co, khúc khuỷu của cái ngục tối to lớn này, còn những cảnh vật gần hơn thì bị giới hạn trong ánh sáng đỏ ảm đạm. Một lối vào u ám dẫn tới một đường hầm tối đen, kiến trúc đồ sộ của đường hầm bao trùm một không khí man rợ, buồn bã và bí bách. Có quá ít ánh sáng mặt trời chiếu tới nơi này, vì thế nó mang một mùi đất chết chóc, tang thương. Thêm vào đó nhiều cơn gió lạnh thổi qua, khiến tôi cảm thấy rùng mình, ớn lạnh, và như thể tôi đã rời khỏi thế giới tự nhiên.

Trước khi anh ta di chuyển, tôi đã đến bên cạnh và chạm vào anh. Không rời mắt khỏi tôi, anh đã lùi lại một bước và nhấc tay lên.

Anh ta hướng ánh mắt tò mò về phía đèn đỏ gần miệng đường hầm, và nhìn xung quanh, như thể có thứ gì đó ở bên trong, rồi nhìn tôi:

– Có chuyện gì xảy ra với đèn đỏ và đường hầm à? – Tôi khẽ hỏi.

– Cậu không nên biết – anh ta trầm giọng trả lời.

Một ý nghĩ quái dị nảy ra trong đầu khi tôi nhìn vào đôi mắt vô hồn và khuôn mặt lầm lì của anh, rằng đây là một linh hồn, không phải là một người đàn ông hiện hữu. Tôi tự hỏi, liệu có thể có sự bất ổn định nào trong tâm trí anh ta hay không.

Bất giác tôi lùi lại. Nhưng khi lùi lại, tôi phát hiện ra trong mắt anh ta tiềm ẩn một sự sợ hãi về tôi. Điều này làm cho ý nghĩ quái dị bay mất.

– Sao anh nhìn tôi với vẻ khiếp sợ như vậy? Tôi nói, cố gắng nở một nụ cười.

– Tôi đang suy nghĩ là tôi đã gặp cậu trước đây chưa? Anh ta quay lại và trả lời tôi.

– Gặp nhau ở đâu?

Anh chỉ vào ngọn đèn đỏ mà anh đã nhìn chăm chú lúc nãy.

– Ở đó sao? Tôi hỏi.

Chú ý quan sát tôi một lúc, anh ấy khẽ trả lời: “Vâng”.

– Bạn tốt của tôi ơi, tôi làm gì ở đó chứ?  Mà dù anh nghĩ như thế nào đi nữa, thì tôi cũng chưa bao giờ ở đó.

– Đúng, chắc chắn tôi thấy cậu ở đó, anh ta khẳng định.

Anh đưa tôi vào trạm gác của anh, nơi có một đống lửa, một bàn làm việc nhỏ, trên bàn chỉ có một quyển sổ ghi chép để anh ghi công việc cụ thể hàng ngày, và chiếc chuông nhỏ mà anh đã nhắc tới. Tôi tin tưởng rằng người đàn ông này đã được giáo dục tốt, nhưng có lẽ chỉ được giáo dục để làm những công việc ở cái trạm gác nhỏ này, những công việc theo một lộ trình nhất định, và đôi khi bất hợp lý với một người báo hiệu như anh ta. Công việc và cảnh sắc ở trạm gác nhỏ này làm tôi liên tưởng đến những người làm việc trong các nhà kho, trong lực lượng cảnh sát, hay là trong đội quân cảm tử, chứ không phải là công việc của một nhân viên đường sắt, hay bất kì nhân viên đường sắt vĩ đại nào. Anh ta đã làm được điều mà hiếm ai còn trẻ làm được, đó là ngồi trong lều giống như một sinh viên triết học đang tham gia các bài giảng, không được chạy lung tung, vì chỉ cần sai sót một chút thôi, là dẫn đến kết quả thảm khốc, không bao giờ có thể cứu vãn được nữa. Không ai cho anh ta cơ hội giải thích, nghề anh ta đã chọn, thì anh ta phải tận tâm mà làm. Đã quá muộn để thay đổi mọi thứ.

Nói một cách ngắn gọn, lẽ ra tôi phải thừa nhận người đàn ông này là một trong những người hoàn hảo nhất được tuyển dụng với tư cách là một người truyền tín hiệu. Nhưng có một chuyện xảy ra là trong khi nói chuyện với tôi, anh sa sầm nét mặt, nhìn chằm chằm vào chiếc chuông nhỏ, dù tôi không nghe tiếng chuông reo lần nào. Anh ta mở cửa túp lều (cửa được đóng kín để tránh ẩm thấp hay khí độc, gió chướng) và nhìn ra phía đèn đỏ gần miệng đường hầm. Trong cả hai lần đó, anh ta trở lại lều trong tâm trạng hoảng hốt giống như có một ngọn lửa nào đó thiêu đốt trong lòng anh. Ngọn lửa sợ hãi nào cháy trong anh tôi không giải thích được, và cũng không xác định được đó là tâm trạng gì dù sau đó chúng tôi có thân thiết hơn.

Trước khi chào tạm biệt anh để quay về, tôi an ủi anh ta:

– Tôi nghĩ rằng anh là một người luôn hài lòng với cuộc sống.

Anh ta nhìn tôi âu sầu:

– Tôi đã từng là người mãn nguyện, hài lòng với công việc, nhưng tôi đang gặp rắc rối, thưa ngài, tôi đang gặp rắc rối.

Anh trả lời tôi bằng giọng trầm, trũng thấp không giống như giọng nói của anh trong lúc trò chuyện với tôi và cũng đổi luôn cách xưng hô với tôi.

Anh dường như muốn thu lại những gì mình vừa nói ra, nhưng anh cũng đã nói và tôi cũng đã nghe.

– Rắc rối gì vậy? Rắc rối của anh là gì? Tôi có thể giúp gì cho anh không?

– Rất khó để nói rõ được thưa ngài. Nói thật là rất, rất khó để nói về nó. Nếu ngài có dịp ghé lại đây một lần nữa, tôi sẽ cố gắng nói cho ngài biết.

– Tôi sẵn lòng ghé thăm anh ngày mai. Vì vậy anh hãy nói xem khi nào thì thuận tiện?

– Tôi sẽ rời đi vào sáng sớm, và sẽ trở lại trạm gác này vào lúc 10 giờ tối, thưa ngài.

–  Vậy tôi sẽ đến lúc mười một giờ.

Anh cảm ơn tôi và cùng tôi đi ra cửa.

– Tôi sẽ chiếu ánh sáng trắng bằng chiếc đèn pin của tôi, thưa ngài – anh ta nói, bằng giọng trầm đặc biệt – cho đến khi ngài tìm thấy con đường đi lên. Nhưng khi ngài tìm thấy nó, đừng gọi! Và nhất là khi ngài đang ở trên đỉnh cao, đừng gọi!

Phong thái của anh ấy dường như làm cho tôi cảm thấy nơi này trở nên lạnh lẽo hơn, âm u hơn. Nhưng tôi không biểu lộ gì chỉ nói chỉ nói: “Được rồi”.

– Và khi ngài đến vào đêm mai, đừng gọi! Cho tôi hỏi ngài một câu trước khi ngài rời đi. Điều gì đã khiến ngài gọi to “Hallo! Dưới kia!” vào đêm nay vậy?

– Có trời mới biết, tôi chỉ nhớ là tôi hét to một điều gì đó thôi có rắc rối gì sao?

– Không phải thưa ngài, nhưng đó là những từ quen thuộc. Tôi nghe rất rõ.

– Những từ quen thuộc ư? Nhưng tôi nói những từ này chỉ bởi vì tôi đã nhìn thấy anh ở bên dưới thôi.

– Không vì lý do gì khác à?

– Tôi thì có thể có lý do nào khác chứ!

– Ngài không có cảm giác những từ này được truyền đến ngài qua một thế lực siêu nhiên nào sao?

– Không!

Tối hôm sau, đúng hẹn, tôi leo lên đỉnh của hẻm núi có đường zigzag, cũng là lúc đồng hồ ở xa đang điểm số 11. Anh đang đợi tôi ở phía dưới, với ánh sáng trắng của chiếc đèn trên tay anh đang bật sáng, tôi đã tìm được con đường đi xuống. Tôi đã không gọi. Tôi hỏi anh ta khi chúng tôi đến gần nhau hơn:

– Tôi có thể nói bây giờ không?

– Chắc chắn rồi, thưa ngài.

– Vậy thì anh cho tôi biết những rắc rối mà anh đã gặp được chưa? Tôi rất muốn nghe và muốn chia sẻ.

– Tôi sẽ kể hết, thưa ngài.

Sau đó, chúng tôi đi cạnh nhau đến trạm gác của anh, bước vào trong, đóng cửa lại và ngồi bên đống lửa.

– Tôi đã quyết định rồi, thưa ngài – Ngay khi chúng tôi đã ngồi vào chỗ, anh ta với giọng điệu khẽ khàng thì thầm – Lẽ ra ngài không nên hỏi tôi hai lần điều gì làm phiền tôi. Lẽ ra tôi không nhầm ngài với một người khác tối hôm qua. Điều đó đã làm tôi lo sợ.

– Lỗi của tôi sao?

– Không. Đó là người khác.

– Đó là ai?

– Tôi không biết.

– Giống tôi à?

– Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mặt. Tôi chỉ thấy cánh tay trái để ngang mặt, và vẫy cánh tay phải. Vẫy tay một cách cuồng nhiệt. Giống như thế này đây.

Tôi nhìn theo hành động của anh, và đó là hành động của một cánh tay đang múa với một cảm xúc mãnh liệt tột độ.

– Xin Chúa hãy cho con biết chuyện gì đã xảy ra. Anh ta tiếp tục câu chuyện. Vào một đêm trăng, tôi đang ngồi ở đây, thì tôi nghe thấy một giọng nói kêu lên “Hallo! Dưới kia!”. Tôi đứng dậy, nhìn từ cánh cửa kia, và thấy một đám đông đang đứng bên đèn đỏ gần đường hầm, vẫy tay chào như cái cách tôi vừa làm cho ngài xem lúc nãy. Có một giọng nói dường như khàn đi khi hét lên, và nó kêu lên liên tục, “Coi chừng! Coi chừng!”. Và sau đó một lần nữa gào lên “Hallo! Dưới kia! Cẩn thận!”. Tôi chụp lấy ngọn đèn của mình, bật lên màu đỏ, chạy về phía bóng người đó, gọi to, “Sao vậy? Chuyện gì đã xảy ra? Ở đâu?”. Nó đứng ngay bên ngoài lẩn khuất vào bóng tối của đường hầm. Tôi tiến đến gần nó đến nỗi tôi nghĩ nó che ống tay áo trên mắt nên tôi không thấy được gương mặt của nó. Tôi chạy đến ngay nơi nó đứng, và đưa tay ra để kéo ống tay áo khỏi mặt nó, thì nó đã biến mất.

– Nó vào đường hầm thôi – tôi nói.

– Không. Tôi đã chạy vào đường hầm, năm trăm thước. Tôi dừng lại và đưa đèn lên trên đầu, bằng cách này tôi có thể nhìn thấy rõ các hình ảnh cách đó một khoảng xa, tôi có thể thấy được những vết bẩn ướt đổ xuống tường và nhỏ giọt qua vòm. Tôi chạy ra một lần nữa, nhanh hơn lúc tôi chạy vào (vì tôi có một linh cảm chết chóc sẽ xảy ra ở nơi này). Tôi nhìn quanh nhưng chỉ có bóng của chính mình dưới ánh sáng của ngọn đèn đỏ mà thôi. Tôi leo lên thang sắt để quan sát đường hầm, sau đó tôi leo xuống, và chạy trở lại trạm gác này. Tôi điện báo cả hai trạm lân cận.

– Có trở ngại gì không?

– Không. Câu trả lời mà tôi nhận lại ở cả hai chiều: “Tất cả đều tốt”.

Cố chống lại những ngón tay chậm chạp như đông cứng lại, và cảm giác lạnh buốt sống lưng, tôi bảo anh rằng có lẽ hình ảnh nào đó đánh lừa thị giác của anh thôi. Cũng có lẽ anh ta tưởng tượng ra hình ảnh đó vì các dây thần kinh của anh ta quá nhạy cảm, làm cho thị giác bị ảnh hưởng. Cũng có nhiều bệnh nhân gặp rắc rối trong nhận thức như vậy rồi. Và khi họ tham gia vào các cuộc thử nghiệm, họ cũng tưởng tượng ra mọi thứ. Tôi phân giải.

– Chắc chỉ là tiếng gào thét trong tưởng tượng thôi, anh hãy lắng nghe một chút đi, tiếng gió trong thung lũng phi tự nhiên này.

Anh chậm rãi kể và khẽ chạm vào cánh tay tôi: “Trong vòng sáu giờ sau khi nó xuất hiện, tai nạn kinh khủng trên tuyến đường này đã xảy ra, và trong vòng mười giờ, người chết và bị thương được đưa qua đường hầm tại nơi tôi thấy hình dáng nó đã đứng”.

Một cơn rùng mình đột ngột len lỏi trong tôi, nhưng tôi cố gắng hết sức để chống lại nó. Không thể phủ nhận, tôi cũng cho rằng đây là một sự trùng hợp mà thôi nhưng nghiêm trọng là nó lại gây ấn tượng sâu sắc trong tâm trí anh. Những sự trùng hợp như vậy cũng thường xảy ra ở đâu đó trong cuộc sống, và chắc chắn những phiền toái đó sẽ sớm qua đi như chưa từng có chuyện gì. Tôi không tin những gì anh nói là thật, nhưng cũng không muốn vấp phải sự phản đối của anh. Những người đàn ông như tôi không cho phép có nhiều sự trùng hợp trong những tính toán thông thường trong cuộc sống.

Tôi muốn một lần nữa cắt ngang cách nghĩ, cách nói về một người nào đó đứng ở nơi khuất ánh đèn bên ngoài đường hầm. Nhưng anh vẫn khẩn khoản đưa ra nhận nhận xét rằng anh vẫn chưa biết được nó là ai.

– Chuyện này, anh một lần nữa đặt tay lên cánh tay tôi, và liếc qua vai tôi với đôi mắt trũng sâu, chỉ mới một năm trước. Sáu hoặc bảy tháng trôi qua, tôi đã vượt qua những bàng hoàng, sợ hãi của tai nạn, thì một buổi sáng ảm đạm, khi tôi đang đứng ở cánh cửa kia, nhìn về phía đèn đỏ, và lại nhìn thấy bóng ma. Anh dừng lại, nhìn tôi chăm chú.

– Nó có gọi không?

– Không. Nó im lặng.

– Nó có vẫy tay không?

– Không. Nó nương vào trục của ánh sáng, với cả hai tay trước mặt. Như thế này.

Một lần nữa, tôi tận mắt theo dõi hành động của anh. Đó là một hành động thương tâm, tang tóc. Tôi đã thấy một thái độ như vậy trong các hình tượng đá trên các ngôi mộ.

– Anh đã đi đến bên nó à?

– Không. Tôi bước vào phòng và ngồi xuống, một phần để suy nghĩ xem nó là ai? Một phần vì nó khiến tôi sợ muốn ngất đi. Sau đó tôi đi đến cửa một lần nữa, ánh sáng ban ngày lúc này đã chiếu lên người tôi, và bóng ma đã biến mất.

– Nhưng có chuyện gì xấu xảy ra sau đó không? Không có gì xấu xảy ra khi nó xuất hiện lần này chứ?

Anh lại chạm vào cánh tay tôi bằng ngón trỏ hai lần hoặc ba lần, buồn bã gật đầu:

– Ngày hôm đó, khi một đoàn tàu chạy ra khỏi đường hầm, tôi nhận thấy, ở cửa sổ toa bên phía tôi, một thứ gì đó hỗn loạn, bàn tay và đầu, và một cái gì đó vẫy tay. Tôi đã thấy nó, đúng lúc ra hiệu cho người lái tàu. Dừng lại! Anh ta tắt máy và hãm phanh, nhưng con tàu đã chạy băng qua đây một trăm năm mươi thước hoặc hơn. Tôi chạy theo nó, và khi đến nơi, tôi nghe thấy những tiếng la hét, tiếng khóc lóc khủng khiếp. Một cô gái trẻ xinh đẹp đã chết bất đắc kỳ tử trong khoang, và xác cô ta đã được đưa vào nằm trên sàn nhà này. Cô ta nằm giữa chúng ta đó. Một cách vô tình, tôi đẩy ghế lui về phía sau, khi tôi nhìn tấm ván mà anh ta chỉ vào.
Tôi chẳng biết nói gì, không nghĩ ra được lời giải thích nào. Miệng tôi khô khốc. Gió và dây cáp truyền tín hiệu làm cho câu chuyện anh ta kể thêm phần huyền bí. Anh ta lại tiếp tục: “Bây giờ, thưa ngài, ngài nói xem, tâm trí của tôi vẫn ổn định đúng không? Và bóng ma đã trở lại, một tuần trước. Kể từ đó đến nay, nó vẫn ở đó, tôi vẫn thấy nó hầu như hàng ngày, rồi mọi chuyện sẽ lập lại thôi. Lại chết chóc, tang thương”.

– Nơi có ánh sáng phải không?

– Tại nơi đèn báo tín hiệu nguy hiểm đó.

– Nó dường như muốn làm gì đó?

Anh ta lặp lại, lời cầu nguyện “Xin Chúa hãy giúp con!”.

Sau đó, anh ta lại tiếp tục kể: “Tôi không có một phút yên bình hay nghỉ ngơi nào. Nó gọi tôi, gọi liên tục, nó gào to: “Dưới kia! Coi chừng! Coi chừng!”. Nó đứng vẫy tay chào tôi. Nó rung chuông nhỏ của tôi”.

Tôi dường như cũng đã hiểu ra một chút.

– Có phải nó đã rung chuông vào tối hôm qua khi tôi ở đây, và anh đã đi ra cửa?

– Nó đã rung lên hai lần.

– Anh nghĩ kỹ lại xem, tôi phân trần, có thể trí tưởng tượng của anh đánh lừa anh thôi. Tôi cũng nhìn vào cái chuông, cũng lắng nghe tiếng chuông, nhưng tôi hoàn toàn không nghe thấy gì cả. Chuông không thể tự rung lên được, trừ khi các trạm khác muốn giao tiếp với anh.

– Tôi chưa bao giờ nghĩ mình nhầm lẫn về điều đó, thưa ngài. Tôi chưa bao giờ nhầm lẫn về tiếng chuông của bóng ma, với tiếng chuông của một con người hiện hữu. Tiếng chuông của ma là một sự rung lên kỳ lạ, nhìn bằng mắt, thì chiếc chuông vẫn im lìm không có gì khác lạ, vì vậy tôi không ngạc nhiên khi ngài không nghe thấy tiếng chuông, nhưng tôi đã nghe thấy, và nghe thấy rất rõ ràng.

Chúng tôi vào lại bên trong trạm gác, đóng cửa và tiếp tục ngồi xuống chỗ ngồi của mình. Tôi đang nghĩ cách nào tốt nhất để giúp anh thoát khỏi tình trạng này. Tôi chưa nghĩ được gì, thì anh lại bắt đầu kể với tôi với một tâm thái chắc chắn mọi việc. Nó chắc chắn có thật. Tôi biết rằng tôi không thể kéo anh về với thực tế là tất cả mọi hình ảnh, sự việc đều do trí tưởng tượng của anh mà ra. Tôi cảm thấy mình bất lực.

– Đến lúc này chắc ngài hiểu hết những gì tôi lo sợ rồi chứ? Anh ngừng lại một lúc và nói khẽ. Tôi lo lắng nhất, sợ nhất ở lần này là không biết được bóng ma muốn gì?

Anh ta rút khăn tay ra và lau những giọt nước trên vầng trán nóng bừng của mình. Nếu tôi điện báo có nguy hiểm, cho các trạm liền kề với tôi, tôi biết đưa ra lý do gì với họ đây. Anh ta tiếp tục, lau lòng bàn tay. Tôi sẽ gặp rắc rối, và nếu làm không khéo, họ sẽ nghĩ tôi điên. Tôi chỉ có thể làm bằng cách gửi đi thông điệp: “Nguy hiểm! Hãy cẩn thận!”. Các trạm liền kề trả lời: “Nguy hiểm gì? Ở đâu?”. Tôi nhắn lại họ: “Không biết. Nhưng vì Chúa, hãy cẩn thận!”. Dù họ sa thải tôi, tôi cũng làm như vậy vì tôi có thể làm gì khác nữa đâu?

Nỗi đau về tâm trí của anh là đáng thương nhất. Đó là sự tra tấn tinh thần của một người luôn tận tâm trong công việc, nhưng bị áp lực quá mức chịu đựng từ một thế lực siêu nhiên, vô hình mà không thể chia sẻ với bất kỳ ai được.

Anh lại tiếp tục kể: “Lần đầu tiên nó đứng dưới đèn báo nguy hiểm, buông mái tóc đen xuống phía sau lưng, đưa tay ra ngang qua thái dương và dường như đang chịu một sự đau đớn tột cùng”. “Tại sao nó không cho tôi biết sắp có tai nạn xảy ra, và tai nạn đó xảy ra ở đâu? Tại sao không cho tôi biết làm thế nào để có thể ngăn chặn – nếu tai nạn có thể ngăn chặn được? Khi đến lần thứ hai, nó hiện ra và che kín khuôn mặt, nó giấu mặt đi, thay vào đó tại sao không nói với tôi: “Cô ấy sắp chết. Hãy để họ giữ cô ấy ở nhà”? Nếu nó đến, vào hai dịp đó, chỉ để cho tôi thấy rằng những lời cảnh báo của nó là đúng, thì lần thứ ba này tại sao không cảnh báo cho tôi rõ ràng hơn? Và vì vậy, để chuẩn bị cho tôi cho lần thứ ba, tại sao không cảnh báo tôi một cách rõ ràng ngay bây giờ? Chúa giúp con với! Con chỉ là một người phát tín hiệu kém cỏi trên nhà ga đơn độc này! Tại sao nó không đến gặp ai đó có uy tín, có sức mạnh để có thể ngăn chặn những điều tàn khốc sắp xảy ra”.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Tôi đã hơn một lần nhìn lại đèn tín hiệu màu đỏ khi đi lên con đường trở về khách sạn. Lẽ ra tôi nên ngủ lại nơi anh, nhưng tôi cũng cảm thấy sợ ánh đèn đỏ, và cũng thật đáng thương nếu giường ngủ của tôi được đặt ở nơi như vậy. Tôi sợ và hoang mang trước những câu chuyện anh kể. Tối hôm sau là một buổi tối tuyệt vời, tôi đi bộ sớm để tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của hoàng hôn trên đỉnh đồi. Mặt trời vẫn chưa lặn khi tôi đi ngang qua con đường ruộng gần đỉnh vết cắt sâu. Tôi tự nói với mình rằng tôi sẽ đi bộ thêm một giờ nữa, nửa giờ và nửa giờ quay lại, và sau đó sẽ là lúc tôi phải đến chỗ anh ta.

Trước khi bắt đầu cuộc dạo chơi của mình, tôi đã bước đến bờ vực, và nhìn xuống túp lều gần miệng đường hầm, tôi thấy rất nhiều người đang đứng cách đó một quãng ngắn. Họ cũng đang làm những động tác giống người đàn ông đứng gần miệng đường hầm. Đèn báo nguy hiểm sáng lên. Một linh cảm không tốt, tôi tự trách bản thân tôi sao bỏ mặc anh ở đó không ai giúp đỡ, cũng không làm gì ngăn cản bóng ma kia. Tôi đi xuống con đường ngoằn nghèo với tất cả tốc độ tôi có thể.

– Có chuyện gì vậy? Tôi hỏi những người đàn ông.

– Người báo hiệu đã bị phát hiện chết sáng nay, thưa ngài.

– Không phải người đàn ông ở trạm gác đó chứ?

– Đúng là anh ấy, thưa ngài.

– Trời ơi! Làm thế nào điều này có thể xảy ra, làm thế nào điều này có thể xảy ra? Tôi hỏi, quay từ chỗ này sang chỗ khác khi túp lều lại đóng cửa.

– Anh ta bị đầu máy xe lửa cán qua, thưa ngài. Không một người truyền tín hiệu nào cẩn thận như anh ta. Anh ta luôn làm tốt công việc của mình nhưng không hiểu vì sao anh ta lại không thấy được rào cản an toàn chắn ngang trong một buổi chiều sáng sủa như hôm qua chứ. Anh ta đã đốt đèn, và cầm cây đèn trong tay. Khi đầu máy ra khỏi đường hầm, lưng anh hướng về phía con tàu, và nó đã cán qua anh ấy. Người đàn ông đó đã lái con tàu, ông ấy đang mô tả lại những chuyện đã xảy ra như thế nào. Cho quý ông này xem những gì xảy ra với anh ấy đi Tom.

Người đàn ông, người mặc một chiếc váy sẫm màu thô, bước đến một vị trí ở miệng đường hầm.

– Đến khúc cua trong đường hầm, thưa ngài – anh ta nói – Tôi đã nhìn thấy anh ta ở cuối, như thể tôi nhìn thấy anh ta dưới một tấm kính phối cảnh. Không có thời gian để kiểm tra tốc độ, và tôi biết tính anh ấy rất cẩn thận. Nhưng chiều hôm qua anh ấy dường như không để ý đến tiếng còi. Tôi vẫy tay và gọi anh ấy to hết mức có thể.

– Ông gọi gì?

– Tôi đã hét to “Dưới đó! Coi chừng! Coi chừng! Vì Chúa, hãy dọn đường!”.

Nhưng vẫn vô dụng, anh ấy không nghe thấy.

Không cần phải tìm kiếm gì thêm nữa, tôi đã hoàn toàn tin vào bóng ma, và lời cảnh báo mà anh ấy đã kể với tôi. Có một sự trùng hợp không chỉ những câu cảnh báo mà còn là những hành động của người lái tàu, với người báo hiệu không may. Đó cũng chính là những từ, và những cái vẫy tay mà tôi đã gọi anh ta khi đến đây. Những lời cảnh báo này đã ám ảnh anh ta, và giờ là ám ảnh chính tôi, trong tâm trí tôi lởn vởn những lời cảnh báo và tư thế khi anh ta làm những hành động kia.

Charles John Huffam Dickens (1812 – 1870) là một nhà văn và nhà phê bình xã hội người Anh. Ông đã tạo ra một số nhân vật hư cấu nổi tiếng nhất thế giới và được nhiều người coi là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của thời đại Victoria. Các tác phẩm của ông rất được yêu chuộng ở thế kỷ 20, các nhà phê bình và học giả đã công nhận ông là một thiên tài văn học. Những tác phẩm tiêu biểu của ông đã được dịch sang tiếng Việt: Oliver Twist, Giáng sinh yêu thương, David Copperfield, Cô bé Dorrit, Chuyện hai thành phố, Những kỳ vọng lớn lao, Những người bạn chung…

TRẦN MINH NGUYỆT dịch.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tường ảo

Bức tường tối đen. Tôi có thể cảm nhận qua tiếng còi xe. Có ba mặt tường. Bên ngoài mỗi mặt là một thế giới khác nhau. Mặt vẽ hình đầu người là một trong ba bức tường ấy…

Cây cô đơn

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu…

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.