Nghe một chữ thôi, đã nhẹ người

(VNBĐ – Thơ & lời bình). Bài thơ tứ tuyệt này của nhà thơ Yến Lan cứ ám ảnh tôi. Nhiều người cứ nghĩ, Yến Lan viết bài thơ này là một thu nhận hay cảm nhận về Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Nhưng có lẽ sự thật nằm ở chỗ khác. Nhà thơ, khi viết bất cứ bài thơ nào, cũng nhắm tới sự tự nhận thức, đó là nhận thức về bản thân mình trước thực tại.

Trong bài thơ này của Yến Lan, thực tại đó chính là… Nam Hoa Kinh. Đó là câu chuyện Trang Chu hóa bướm, một cách thế thoát ly thực tại. Yến Lan nói mình đọc Nam Hoa Kinh nhưng không chịu hóa bướm, ông chọn và bằng lòng với một hoạt động khác, một hoạt động hoàn toàn bình thường và tự chủ trong cuộc sống của cá nhân mình, đó là Dậy thổi nồi khoai sớm. Nó là cách nấu khoai lui hui của một người nông dân, cụ thể là người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Cũng là nhà thơ, nên tôi đôi khi rất “soi” vào một chữ nào đó mà mình thích. Với câu thơ này, tôi thích nhất chữ “thổi”.

Yến Lan là người quê Bình Định, ông tập kết ra Bắc và có rất nhiều năm công tác biên tập tại nhà xuất bản Văn học. Sau khi nước nhà thống nhất, ông về lại quê ngay ở thành Bình Định cũ, bây giờ là thị xã An Nhơn. Nhà cũ của ông vẫn còn, và vợ chồng ông ở ngay nhà mình, đối diện với chợ An Nhơn, hồi xưa là chợ Bình Định. Cái ngày thật xa xưa ấy, Bình Định – tức An Nhơn sau này – có trường thi, gọi là trường thi Bình Định. Khi Yến Lan thành danh là nhà thơ, lại có trường thơ Bình Định mà ông là một thành viên sáng lập. Không ai thi để thành nhà thơ, nhưng nhà thơ lại có quê ở ngay một trường thi cũ – cụ thể là trường thi chữ Nho – thì lại ẩn những cảm xúc riêng mà người ở nơi khác khó có. Yến Lan có lẽ đọc Nam Hoa Kinh từ khá sớm, và thấm nhập vào tác phẩm kỳ lạ này qua nhiều năm. Nhưng vì sao, ông không chọn cho mình cách thế “hóa bướm”, dù đời ông không hoàn toàn suôn sẻ, gia đình ông lại chịu nhiều vất vả. Trong hoàn cảnh lắm khi buồn bã ấy, thì khát khao thoát ly thực tại, dù trong phút chốc, cũng là một khát khao dễ hiểu.

Không thoát ly thực tại, Yến Lan lại chọn thoát cho một chữ. Thơ tứ tuyệt rất chọn chữ, rất kén chữ. Một chữ hay, đặt đúng chỗ, có thể làm sáng cả bài thơ. Đó cũng phù hợp với lý thuyết “điểm sáng” của nhà thơ Đức Johannes Becher. Chữ Yến Lan chọn cho thoát là chữ “thổi”. Người miền Trung hay miền Nam gọi là “nấu”, một cách gọi thông thường, có lẽ từ chữ đôi “thổi nấu”. Người Bắc gọi tắt là thổi. Đây là từ “đặc Bắc”, người Nam có thể không biết. Nhưng Yến Lan thì biết, vì ông đã ở Hà Nội quá lâu, lại làm việc biên tập ở một nhà xuất bản lớn. Tôi là người miền Trung, nhưng tôi rất thích chữ “thổi” theo nghĩa “nấu”, cũng vì tôi đã ở miền Bắc khá lâu, khoảng 16 năm gì đó. Khi Yến Lan “Dậy thổi nồi khoai sớm”, ông lại khơi dậy trong tôi một thích thú khác, đó là thích ăn khoai lang nấu, hay “thổi”. Khoai lang “thổi” là một thức ăn đạm bạc, giành cho nhà nghèo. Bây giờ, có khi nhà giàu hay quan chức cũng thích ăn khoai lang, vì nó nhuận trường, có lợi cho sức khỏe. Người ta hay theo trending (xu hướng) là cái gì có lợi cho sức khỏe thì dùng, bất chấp ngon dở. Nhưng khoai lang lại khác. Nó rất ngon, và tôi hay ăn vì nó ngon, trước khi vì sức khỏe.

Cũng như tôi thích đọc thơ khi thơ đó hay, trước khi nó “chuyển tải” những ý nghĩa sâu xa nào. Lúc Yến Lan Dậy thổi nồi khoai sớm, nồi khoai ấy có chữ “thổi” ghé vào, chợt nhẹ bẫng. Câu thơ khiến chính tác giả cảm thấy sảng khoái, nó như giúp ông thấu suốt một điều gì, vượt thoát một cái gì, lại như gửi gắm một tâm sự gì. Tôi vẫn rất nhớ một câu thơ của Yến Lan Lời say thường vốn thật (Uống rượu với bạn đồng hương). Đây không say, vì ăn khoai nấu chẳng ai say bao giờ, nhưng bạn có cảm giác, chữ “thổi” nghe nhẹ hơn chữ “nấu” rất nhiều không? Thơ Yến Lan thường chọn những chữ rất nhẹ, như con người ông vốn gầy gò ốm yếu, nhẹ cân nhẹ ký. Ngày còn làm việc ở Nhà xuất bản Văn học chung với Quang Dũng, một nhà thơ chiến binh to cao như… Tây, vợ chồng nhà thơ Yến Lan vẫn thường san sẻ tiêu chuẩn gạo hàng tháng cho nhà thơ Quang Dũng, vì Quang Dũng luôn luôn… đói, còn vợ chồng Yến Lan lại khảnh ăn. Theo bà Yến Lan kể lại, thì mỗi lần san sẻ mấy ký gạo, Quang Dũng đều khóc. Tình của hai nhà thơ nghèo là vậy. Chỉ một chữ “thổi” là nghe nhẹ cả người rồi, cần gì hóa bướm cho mất công.

Thơ Yến Lan cứ khẽ nhẹ như thế.

Đọc Nam Hoa Kinh

YẾN LAN

Sáng đọc Nam Hoa Kinh
Tối nằm không hóa bướm
Mừng mình chủ được mình
Dậy thổi nồi khoai sớm.

* Ảnh minh họa: internet

THANH THẢO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…