Nắm tay em qua những giấc mơ…

(VNBĐ – Văn trẻ).  Mỗi lần tỉnh giấc, như có nguồn năng lượng chảy trong người Bích, nhưng lại đầy cảm giác nuối tiếc. Giấc mơ luôn làm Bích suy nghĩ không thôi.

Hơn một lần Bích viết đơn xin nghỉ việc, cuối cùng vẫn rời khỏi phòng Giám đốc với lá đơn. Năng lực của Bích được đánh giá cao, chỉ cần giao cho cô là mọi thứ được hoàn thành chỉn chu nhất. Ban Giám đốc tin tưởng, đồng nghiệp tôn trọng, Bích có mọi thứ mà một người phấn đấu luôn mơ ước. Lá đơn từ ngày ấy vẫn còn nằm trong hộc bàn, nhiều lần Bích nhớ tới nó, nhưng rồi vì những tình cảm mà công ty dành cho cô, cô không nỡ phụ lòng. Mẹ cô, mỗi lần nghe cô muốn từ bỏ, bà đều cố gắng khuyên cô ở lại. Bà sợ cô không còn cơ hội tìm được công việc tốt như cô đang có. Đôi lúc Bích muốn tâm sự với mẹ những điều mình trải qua, song cô chọn im lặng, vì mẹ, khác cô cách nghĩ.Trong giấc mơ của Bích lúc nào cũng toàn là những thứ kỳ lạ. Con cóc nhảy khỏi giếng sâu, con chim đâm đầu vào song sắt chiếc lồng, con cá cố bơi ngược dòng suối, từ bờ tường rêu mọc lên nhánh cây xanh mơn…

“Em đi cùng anh chứ?”, Vinh vẫn hỏi cô câu đó trước khi anh bắt đầu một chuyến hành trình phiêu bạt. Thích xê dịch là cách sống của nhiều người trẻ bây giờ. Họ yêu tự do và khát khao được thử thách. Chuyến đi của Vinh không có ngày kết thúc định sẵn, có khi là một tuần, một tháng, có khi hơn. Nó chỉ dừng lại khi anh muốn về, và nó dài hơn khi anh bắt gặp một cung đường, một câu chuyện thú vị. Biết bao nhiêu lần trong mấy năm qua, anh kiên nhẫn chờ Bích. Bích có ngày phép, có cuối tuần, Bích có thể đi bất cứ đâu, nhưng kiểu đi như anh Bích không theo được, cô bận lòng đến thứ khác hơn. Kết quả cuối cùng của cuộc đấu tranh đi – ở vẫn là để Vinh đi một mình. Lần nào cũng vậy, sau khi anh vác ba lô lên lưng, treo thêm một cái nón bảo hiểm, lao xe đi, Bích cũng lao vào mớ giấy tờ sổ sách hợp đồng, chẳng có thời gian để thấy mình tiếc nuối.

Vinh sống đơn giản, một studio nhỏ đông khách bất cứ khi nào anh thông báo trên tài khoản cá nhân là mở cửa. Chỉ đơn giản là anh chụp rất đẹp. Chụp ảnh với anh là đam mê hơn kinh doanh sinh lợi. Công việc IT tự do không quấn lấy bước chân anh ở một nơi. Đêm xuống anh lại chơi ghi ta trong một phòng trà. Dường như cuộc sống của anh phong phú hơn cuộc sống của một cô gái chỉ toàn công việc giấy tờ máy tính trong bốn bức tường như Bích, lạ lùng sao hai kẻ trái ngược lại va phải nhau, gắn bó cùng nhau, thấu hiểu cho nhau. Bích hẹn hò Vinh ngay tại studio của anh, làm khách tại phòng trà vào đêm anh chơi đàn, chỉ là chưa từng hẹn hò anh trên con “người yêu bụi bặm” trên những cung đường. Vinh điềm nhiên, không bon chen, Bích thích cuộc sống biết đủ của anh, thấy vậy chứ khó người sống được. Như Bích, tự áp lực mình hơn hôm qua nên mệt nhoài.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Dạo gần những giấc mơ cứ kéo đến lúc đêm về, “những giấc mơ về sự phá vỡ” – Vinh nói vậy. Vinh thường giải mã giấc mơ của Bích, con cá nhảy khỏi chậu vì nó muốn được thoát ra ngoài, con chim bí bách trong lồng, sự sinh sôi kỳ diệu từ bờ gạch chết… tất cả đều khao khát tự do. Nó giống sự bùng vỡ trong tư tưởng của Bích hơn giấc mơ đơn thuần. Anh mang đến cho Bích nhánh sen đá mới mọc mầm, dặn cô tưới cho nó ít nước. Khi nó lớn lên, cô sẽ thấy điều kỳ diệu. Bích cảm thấy quan tâm, vì cách nó sinh sôi đã quá kỳ lạ. Một ngày, Bích dọn tủ giày, tủ áo, gom đi cho những thứ lấp lánh sang trọng mà cô phải khoác lên mình để tham gia bữa tiệc lớn với khách hàng quan trọng, thay vào những bộ áo đơn giản hơn, cả kiểu giày đế thấp cô thích. Anh biết điều gì sắp xảy ra, cần chờ thêm chút thời gian nữa.

***

Tháng Chín, những ruộng bậc thang nhuộm vàng màu lúa chín dưới vòm trời Tây Bắc xanh cao vời vợi. Vùng đất ấy chưa bao giờ thôi đẹp, dẫu cho người đã từng đến rất nhiều lần vẫn say mê, huống hồ kẻ lạ lần đầu gặp đã bị đánh gục. Vinh dừng xe trên đèo, quay toàn cảnh rồi nhắn qua Zalo. Chiếc nón bảo hiểm treo trên chiếc ba lô phủ bụi. Vinh đi một mình hay cùng đoàn mô tô chiếc nón vẫn nằm nơi đó, từ lạ lẫm đến thành quen của tất cả mọi người. Vinh trở lại Tây Bắc lần này là lần thứ mấy anh không nhớ, đôi khi hỏi Bích chắc cô còn rõ hơn, bởi mỗi lần anh đi ngoài hình ảnh đẹp cho cô anh còn mang về những món quà đặc trưng, khi chiếc khăn thổ cẩm, khi chiếc khèn, khi chỉ là viên đá lấp lánh anh nhặt ven đường…

Vinh đi săn mây, núi đèo Lai Châu mờ ảo. Con dốc quanh co ôm lấy sườn đồi, một bên là vực sâu, một bên là vách núi dựng đứng. Càng lên cao, càng nhiều mây mù, càng lạnh, cảm giác như đang đứng trước cánh cổng thiên đường, những lúc thế này, Vinh mong Bích được tận thấy. An ổn cũng là một cách lựa chọn bình thường của những cô gái, nhưng Bích của Vinh thì không. Vô tình Vinh đọc quyển sổ tay của Bích, trong đó có giấc mơ bé nhỏ của cô. Chỉ là, có lý do để người ta dẹp hết niềm riêng của mình. Và cứ thêm lần gác lại là thêm lần từ bỏ dần.

Bích là con gái lớn trong gia đình thuần nông, lớn lên trong cảnh túng thiếu, mất mùa đã rèn cho Bích tính chịu thương chịu khó và khát khao thay đổi. Học, ra trường, đi làm, Bích dồn hết tâm tư cho chúng. Kiếm tiền, không vì Bích thích, hơn cả vì để lo cho gia đình, lo cho hai đứa em. Món nợ ân tình với tiền đã cuốn Bích vào vòng xoay công việc, càng lên cao cô càng không thể từ bỏ. Những trông đợi từ quê cũng trở thành gánh nặng mà cô không dám buông. Có lần sau một cuộc gọi, Bích hỏi Vinh trong nước mắt: “Nếu em không phải là em của bây giờ thì sao hả anh?”. Vinh ôm lấy đôi vai đang run lên: “Thì em vẫn là người anh thương”. Vinh muốn Bích dựa vào anh, bất cứ khi nào cô thấy yếu mềm, cô muốn từ bỏ. Nhưng phải là khi cô thật sự không còn vướng bận lo toan.

Vinh chụp một ngôi nhà tường xưa có cây xoan trước ngõ. Và em bé đồng bào xuất hiện trong khung hình, gương mặt hồn nhiên nhìn vào máy ảnh. Trời ngả về chiều rũ màu bình yên lên thị trấn núi. Bích thả icon trái tim. “Bay ra đi, anh đón”. Vinh nhắn. Câu nói quen thiệt quen, nhiều như vùng đất mà Vinh đến. Anh không từ bỏ ý định bứng cô ra khỏi thành phố cũng mờ mờ sương… bụi. “Em vẫn chưa xong….”, dòng tin cứ nhảy lên nhảy xuống phía trên màn hình điện thoại Vinh, Bích trả lời gì mà lưỡng lự quá. Cô lại đắn đo, lại đấu tranh ư? Bích xóa, rồi bấm, rồi xóa, sao mình không có câu nào khác để nhắn cho anh ngoài câu này hết vậy, rốt cuộc bao giờ mới là xong?

“Em nhận được quà chưa?”.

“Anh gửi gì cho em đó?”.

“Lại quên nữa rồi, mở ra xem đi cô gái”.

Bích lấy chiếc hộp nhỏ cô đặt trong cốp xe, anh không nhắc thì cô quên mất. Quyển sổ tay màu vàng đã hơi cũ kỹ, quyển sổ này là quyển sổ tay của cô, nhưng cô không nhớ mình đã cất nó ở đâu, tự hồi nào. Sao anh tìm thấy nó, và gửi cho cô? Có một tấm danh thiếp nằm kẹp ngay trang bìa, địa chỉ quán trà và bánh ngọt mà cô đã từng nghe anh kể. Quán nằm ở Phố cổ, anh ghé đó đôi lần trên cung đường của mình, kết mối thâm tình với anh chị chủ quán thích đi phượt và phóng khoáng. Trà thơm, bánh ngon, nhưng chỉ bán buổi sáng đến trưa. Khách có đến trễ thì cũng xin lỗi khách hẹn ngày hôm sau. Bánh còn lại sẽ mang đi tặng chứ không bán. Đóng cửa, anh chồng đi chăm vườn rau, cho bầy gà ăn, chị vợ dạy nhạc. Lâu lâu thèm bụi đường anh chị treo bảng thông báo tạm vắng ít hôm rồi hai vợ chồng chở nhau đi ngắm núi, ngắm biển. Cách sống đó thiệt dễ làm người ta ganh tỵ.

Bữa dọn tủ cùng Bích anh đã lén cất quyển sổ tay vào ba lô, ý nghĩ nhen nhóm trong đầu anh nhưng mang theo làm gì thì anh không biết. Mỗi lần dừng lại anh đều đem nó ra đọc. Chữ viết của Bích thật dễ thương, anh chỉ xem đúng trang đầu tiên dù tò mò muốn biết Bích viết gì đằng sau đó. Thôi thì, lần khác anh sẽ xin cô cho đọc, còn giờ vậy thôi. Vinh ghé Phố cổ hơi muộn, quán trà khép cổng. Tiếng piano êm dịu thoát ra từ căn phòng nhìn ra vườn cây xanh mướt. Hai vợ chồng chủ quán nồng nhiệt mời khách một ấm trà thơm thảo. Họ nói về người vắng mặt rất lâu, cuối cùng chị vợ chốt lại: “Em không ngại thì đưa cô ấy ra với chị”. Và quyển sổ tay cùng tấm danh thiếp qua tay bao người đến tận tay Bích.

Bích đọc quyển sổ giấy đã ngả màu, giờ có mấy ai mà ghi nhật ký như hồi xưa đó. Nó gợi cho Bích nhớ về hình ảnh mình hồi còn mười tám, trong lành như buổi sớm. Mới đây mà đã đi chặng đường quá dài, mà chặng đường này không khứ hồi được, chỉ có thể tiến về phía trước. Bất giác mắt Bích nhòe đi, rơi lên trang giấy thành lõm nước nhỏ, lan ra.

“Một quán trà nhỏ”.

“Trồng một ít rau”.

“Dạy Tiếng Anh vỡ lòng”.

Vỏn vẹn ba dòng như thế nằm ở trang đầu tiên. Bình yên vậy thôi sao, điều mà cô tha thiết nhất. Nhưng cuộc chạy đuổi cơm áo địa vị tiền bạc đã đẩy cô cách biệt giấc mơ của mình, còn bỏ quên cả nó trong ngổn ngang quần áo, trong ngổn ngang tranh đấu. Vinh không tìm thấy, có khi Bích còn không nhớ mình từng thích gì. Ngày cất quyển sổ vào góc tủ, Bích nhủ thầm lo cho gia đình, cho hai đứa em xong cô sẽ tiết kiệm để mua một mảnh đất cao nguyên, dựng quán trà do chính mình thiết kế, cô sẽ ở quầy pha nên những ấm trà ngon nhất, những chiếc bánh ngọt ngào nhất cho khách. Quán bán một buổi thôi, buổi còn lại cô sẽ đi dạy chút Tiếng Anh cho trẻ con trong vùng. Năm đó, hẳn là Bích đã là một bà cô, đủ già vì đi đủ muôn vạn nỗi lo. Em cô đi làm rồi, cô cũng quên rồi…

“Ngôi nhà này em thích không, anh mua tặng em làm quà cưới, về hưu sớm chút em nghe?”.

“Nhưng em biết làm gì ở đó?”.

“Thì em mở quán trà, em dạy học, làm bất cứ điều gì em thích. Mọi thứ để anh lo”.

Ngôi nhà giống với những gì Bích tưởng tượng về quán của mình, Vinh hiểu cô đến mức không cần phải nói. Anh đi nhiều chuyến như thế cũng chỉ để tìm cho cô địa điểm đặt giấc mơ. Bích thấy trong làn sương lãng đãng quanh ngọn núi sau nhà, khói từ bếp bánh tỏa ra thơm lừng con ngõ nhỏ, khách ngồi quanh ấm trà, hỏi thăm đường đi lên bản đồng bào, đường đi rừng đi thác. Và những đứa trẻ băng qua bức ảnh, chúng vừa xong lớp học, trở về với bánh kẹp trên tay, nụ cười trong veo hạnh phúc. Bích nghĩ về giấc mơ mà mình hay gặp, phải chăng chính là khao khát ẩn sâu nhất trong tâm hồn cô. Dẫu có cố quên trong công việc, trách nhiệm thì nó vẫn không ngừng thôi thúc cô, nhắc nhở cô. Rõ là cô đang muốn phá vỡ những vô hình bao bọc mình, để được tự do, được sống với ước mơ…

THÙY NHƯ

(Văn nghệ Bình Định số 108 tháng 4.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sau cơn bão Yagi…

Nơi người đàn ông từng vùi giọt mồ hôi xuống nương rẫy
dựng ngôi nhà mơ ước có đàn con thơ, vợ hiền
chiều chiều đốt lửa bên suối
tiếng cười làm vui cả ngọn đồi

Nhặt Huế

Đêm mang theo mùi hoang từ bến Ngự
Câu hò Huế nghiêng chao sóng nước
Trầm tích nơi dòng Hương giang