Mùi đá

(VNBĐ – Truyện ngắn).

Minh họa: Lê Duy Khanh

Như có hẹn. Tôi trở về nơi mình sinh ra trong một tối ngập tràn ánh trăng. Tôi xa nhà đã bao lâu? Cảm giác vết rạch sâu hoắm đủ thời gian lên da non, thành sẹo. Nhưng khi nhìn lên con đường ngập trăng, đá mờ mờ trắng. Vết sẹo lại nứt ra. Rỉ máu.

Nhà tôi ở sau dãy núi  kia, nhỏ nhoi và cô độc. Nơi ấy tôi chứng kiến sự ra đi của Pí (bố). Người đầu tiên và cũng là duy nhất trong bản đồng ý bán con bò, gia tài lớn trong nhà để con đi tìm cái chữ.

– Mày đi! Tốt cho thân mày, chứ ở đây rồi cũng như tao, như thằng Lành anh mày, mở mắt ra nhìn thấy đá thôi. Mày đi nhặt nhiều cái chữ vào đầu. Sau này cho con Phơn theo về nơi có nhiều ánh sáng. Nơi mà mỗi đêm từ trên bản nhìn xuống, quầng sáng dưới thị trấn rộng mãi ra như cả bản lấy hết sao trên trời mà đổ xuống ấy. Lúc nào cái lưng cũng phải thẳng, cái đầu phải trong. Mày nghe chưa Sú?

 Tôi đi, trong túi vải có mấy bộ đồ, có tiếng khóc của Nả (mẹ), cái vỗ vai khích lệ của Pí, cái ôm quyến luyến của em Phơn, cái nắm tay của anh Lành, cái nhìn xa xôi của chị dâu.

Chưa kịp cho nhiều cái chữ vào đầu thì nhận được tin anh Lành bị ma rừng bắt hết vía khỏe sau một trận đau bụng. Thầy Mo cúng ba ngày mà cái vía không chịu về. Nả khuỵu xuống. Chị dâu rũ ra như lá chuối non bị lửa táp. Chị dâu mười sáu tuổi. Chưa kịp sinh cho họ Vừ một đứa cháu ngoan.

Tôi lao vào học. Quyết tâm mang những viên thuốc về bản thay cho lời thầy Mo cúng tìm vía khi trong bản có người ốm.

Chưa kịp mang những viên thuốc về bản thì đúng một năm, sau ngày anh Lành về với Giàng. Pí bị ma rừng kéo xuống vực trong một lần đi săn.

Tôi về đến nhà khi ba phát súng kíp bắn báo hiệu cho cả bản biết nhà có người chết đã vang lên một ngày.

Nả chờ tôi về để rửa mặt cho Pí. Mảnh vải lanh được nhúng nước lấy từ khe đá buổi sớm. Tôi ân cần lau từng nét khắc khổ trên khuôn mặt Pí. Trăng xộc vào ba gian nhà, trăng vỡ nhoe nhoét, gào thét như mụ phù thủy. Trăng đỏ bầm, trăng cào ngang dọc những vết xước rịn máu… Tôi cẩn thận đổ chậu nước vừa rửa mặt vào gầm giường của Pí. Đợi giờ tốt để Mo đưa Pí lên ngựa về với Giàng.

Pí mặc thêm bốn áo lanh mới. Vì Pí có ba con đẻ và một con dâu.

Gần nửa đêm. Thầy Mo làm lễ. Đặt Pí nằm giữa tấm ván, treo lên sát vách nhà, cách đất gần hai mét (thầy Mo nói đó là lên ngựa). Phía trên đầu tấm ván được buộc một cây nỏ, là vũ khí phòng thân, một con dao để phát lối đi, và một con gà trống dẫn đường.

Mỗi sáng, Nả cho Pí ăn và uống. Sau ba ngày. Pí được đưa vào rừng ma để về với Giàng. Đàn bà không được đưa. Nả và chị dâu khuỵu xuống, em Phơn ngơ ngác. Ngực tôi nhói lên như vừa có thanh nứa sắc cắt ngang một nhát.

Sau đó là mười hai ngày. Sáng nào Nả và chị dâu cũng phải dậy nấu ăn cho tôi mang vào nhà mới để Pí có cái ăn khi chưa quen với cuộc sống mới, sau mười hai ngày ấy tới lúc giỗ đầu, người nhà mới trở lại, mời thầy Mo cúng tiễn đưa và không bao giờ ra đó nữa.

Qua con suối, qua hai con dốc nữa là đến nhà.

Tôi giật mình khi tiếng khèn của một thanh niên đang ngồi trên tảng đá sát bờ suối cất lên.

– Ngồi đây sớm thế? Đợi đón đứa con gái đi nương về à?

– Không! Ngồi chơi trăng thôi!

Tôi sục cả giày xuống dòng suối, hơi sương mờ mờ bốc lên, trăng vỡ ra, tràn sóng sánh, cây hai bên bờ rậm rịt quấn lấy tiếng côn trùng ri rỉ chảy vào hơi  lạnh se se. Cậu trai chừng ngoài hai mươi, dưới trăng, tôi thấy ánh mắt cậu ta sáng lên rờ rỡ.

Một đám con gái đi nương về, ào qua trước mặt.

– Anh Sú ăn cơm thành phố cũng muốn về bản đón gái đẹp à?

Có đón được hết không? Vì Lũng Pù đứa gái nào cũng đẹp.

Tiếng khúc khích đi qua, tôi chưa kịp nhìn, chỉ nghe thoảng trong gió mùi đá núi, mùi ngô non, cả mùi âm ấm của đám cỏ mật đang cháy dở.

Tôi chào cậu thanh niên. Muốn bay qua hai con dốc để về với Nả.

Những tán cây rậm rạp che khuất trăng, tôi men theo màu đá trắng. Con đường mảnh như sợi chỉ vắt ngang lưng núi.

Trăng rơi xuống lũng, quét một vệt dài. Tôi nghe mơ hồ tiếng chó hú lạnh ngắt từ cánh rừng bên kia vọng lại. Anh Lành và Pí tôi bên ấy. Rừng mả của họ Vừ. Những con gà dẫn đường và chó trông nhà được chia cho người chết. Lạ kỳ thay, chúng chỉ quanh quẩn ở đó chứ không đi đâu. Gà nơi đó bao giờ cũng gáy sớm hơn gà nhà một canh và chó không bao giờ sủa khi có người qua. Dường như cuộc sống nơi ấy vốn im lặng. Chúng tự sinh tồn, để hàng đêm cất tiếng tru đến xé lòng…

Trăng theo tôi về đến cây trám sát hông nhà. Sương duỗi mình ngủ say trên đá.

Tôi bỗng khựng lại. Mắt vấp một tấm lưng trần đang xoay người hứng dòng nước bắc từ máng vầu trên khe núi chảy xuống. Mái tóc cuốn lên đỉnh đầu gọn gàng làm lộ cái cổ trắng như đá núi vỡ. Tôi để mặc đôi giày đang xách trên tay nhẫn nại giỏ những giọt nước cuối cùng vào ngón chân lành lạnh…

Mặt người ấy xoay qua làm tôi bối rối, mặc dù đã được bóng cây trám và hòn đá to như lưng trâu che kín.

Là Mùa. Chị dâu tôi.

Đầu chị chạm vào trăng, những luồng ánh sáng vỡ ra, chảy tràn trên cơ thể chị, khuôn ngực nhưng nhức với cái eo thon. Tôi đứng như thế, chết trân. Hiểu ra một điều. Tại sao anh Lành kiên trì thổi khèn đến chín đêm để có chị. Khi mái tóc ướt được chị xổ ra, xoay vòng trước mặt cho nhanh khô, tôi nhận ra chân mình đã tê cứng không bước đi nổi.

Đường vào nhà nhao nhác cỏ dại.

– Sú! Thằng Sú! Đúng thằng Sú đây rồi! Nả gục xuống trong vòng tay tôi. Đưa tay rờ rẫm trên mặt, trên tóc, sờ từng ngón tay tôi.

– Mày vẫn nhớ đường về Lũng Pù đấy à? Cái đầu mày vẫn biết ở nhà có Nả mày đấy à Sú?

Bóng tối chảy vào miệng chõ lên nước nâu bóng đặt nơi góc nhà.

– Nả à? Có gì mai nói! Chú Sú mới đi xa về mà!

Chị dâu với tay lấy miếng thịt trên gác vùi vào tro nóng. Em Phơn mắt xoe tròn nép bên cạnh chị. Bữa tối có cơm với thịt trâu sấy và canh ngải đắng. Lửa thở thật khẽ, lửa chảy qua gò má heo hút xuống cổ. Tôi thảng thốt sợ hãi khi nhìn thấy những vết nhăn trên đó. Lửa biến thành ngực gầy của Nả. Xót xa.

Chị dâu cười, má môi đỏ lên như khi nắng rót mật xuống nụ đào trước sân nhà. Tôi gắp một miếng rau ngải, cố nhai thật khẽ vị tê râm ran. Tôi sợ hết..

– Cái miệng mày quên cái đắng nhanh thế à Sú? Không ăn được à? Nả như hờn giận.

Trước mắt tôi những ngọn ngải đắng nhòa dần…

Xong hai cái đám ma anh Lành và Pí,  nhà tôi chỉ còn cái chõ đồ mèn mén và cái quẩy tấu.

Năm ấy Giàng giận gì mà làm hạn hán tang thương. Nắng đổ từ ngày nọ qua ngày kia. Những vạt ngô chưa kịp trổ cờ đã bị nắng đốt cho trắng lá, lúa teo tóp từ ngọn xuống không ra được bông.

Trăng đầu tháng. Chị dâu xuống dòng suối cạn lật đá bắt từng con cua con ốc, thêm nắm rêu về nấu canh. Trăng giữa tháng. Chị đi dọc đường, móc tay vào những hốc đá tìm con cóc con nhái cố ẩn mình trong hang sâu. Trăng cuối tháng. Chị đeo quẩy tấu đi đến non trưa thì về. Có khi là củ mài, củ sắn chưa kịp lớn, nắm ngải đắng cằn cỗi. Em Phơn ri rỉ khóc, Nả bó gối trước cửa, nhìn bờ rào đá đang cuốn lấy nắng thiêu đốt cả Lũng Pù. Những ngày ấy nếu không có chị dâu không biết rồi sẽ ra sao.

Khi tôi trở về. Giàng đã hết giận, bù lại cho bản tôi những vạt ngô xanh mướt mát, hạt chắc mẩy như bắp chân đứa gái mười sáu treo chật sàn. Đàn lợn ủi đất ụt ịt theo chân người đến bữa đòi ăn, gà đen mổ nhau quanh vườn chạy vấp đá.

Chị dâu trải giường. Giục tôi đi nằm cho đỡ mệt. Người mỏi nhừ nhưng tôi không ngủ được. Bên bếp lửa, chị thái dọc mùng nấu cám cho bầy lợn đen ăn sáng mai. Lửa hắt lên khuôn mặt chị, lọn tóc mai xòa xuống trán. Tôi bỗng thấy như lửa đốt đỏ vành tai mình, nóng ran…

Tiếng khèn từ suối theo về. Xuyên qua bờ rào sát mé nhà, dội qua lớp đất trình tường khiến tay chị đang thái dọc mùng bỗng luống cuống. Tiếng khèn da diết. Tiếng khèn làm tôi nhớ đến anh Lành. Tôi mười bảy còn anh mười tám. Tối đến tôi lẽo đẽo theo anh sang Chí Dỉ Phìn có khi đến Phấu Hía, Xúa Do, đến những nhà có con gái đẹp thổi khèn. Anh Lành nghe khèn từ trong bụng Nả nên phiên chợ nào cũng có gái đứng vòng tròn để nghe, để say. Nhưng anh chọn chị dâu. Thổi khèn đến đêm thứ chín chị dâu mới chịu mở cửa.

Chị dâu mười sáu tuổi, anh Lành mười chín tuổi. Ngày cưới. Chị đẹp như bông hoa lê vừa nở. Con gà được quay ba vòng trên đầu để ma nhà nhận mặt. Ngày anh mất chị còn thấp hơn sàn bếp bằng một cái ghế mây. Vì thế chị chưa kịp sinh cho họ Vừ thằng trai thì ma rừng bắt anh mang đi.

Tiếng khèn dưới gốc trám vẫn da diết: Tiếng người nhẹ như gió/ Rượu uống mãi không say/ Say mắt người con gái…

Tim tôi nhói lên. Bỏng rát.

Chị đứng dậy làm tôi nghẹt thở. Nhưng chị đi ra, chống thêm một cây vào cửa rồi gõ mạnh vào miệng chảo cám. Tiếng gõ như tủi thân, như giận hờn…

Mặt trời bò lên núi, trượt chân đổ ào nắng xuống khắp bản. Tôi dậy. Mắt cay xè, bụng ngổn ngang như nuốt phải hòn đá sắc.

– Ngủ được không chú Sú?

Chị dâu hỏi tôi, như thể đêm qua chị không nghe tiếng khèn ngoài gốc trám vậy.

– Em ngủ ngon lắm chị dâu!

Tôi cõng Phơn xuống máng nước rửa mặt cho nó và hỏi:

– Phơn có thích đi chơi không? Anh cho Phơn xuống chỗ có nhiều điện sáng, anh mua quần áo mới cho em.

– Cả Nả, cả chị Mùa đi em mới đi!

Tôi thấy thoang thoảng mùi ngô non trên tóc em, cả mùi của những vạt cỏ mật cháy dở. Tôi nhớ tiếng cười khúc khích đám thiếu nữ tối qua. Nao lòng thương em gái.

Hôm sau, Nả mời Mo về đeo vòng để giữ vía cho tôi. Vòng vía đã được đeo từ nhỏ nhưng tôi xa nhà lâu, sợ ma nhà quên mặt nên phải đeo lại vòng, cho tôi được mạnh cái chân, khỏe cái tay, sáng con mắt, thính cái tai.

Bà thím nhìn Nả.

– Con Mùa mười chín tuổi. Ngày càng đẹp ra đấy chị dâu, chị có nghe tiếng khèn hàng đêm  không? Con Mùa về làm dâu, chưa sinh thằng trai cho họ Vừ mà tai nghe khèn lạ. Không tốt bao nhiêu lớ! Thế là bất hiếu. Giàng lại làm họ Vừ ta mất ba cái vía khôn, bốn cái vía khỏe thôi!

– Con dâu sáng gùi nắng lên nương, tối gùi trăng về nhà. Cái đầu cúi mãi có ngẩng nhìn ai đâu?

– Người già có ngủ say thế không chị dâu? Tiếng khèn hàng đêm gọi ai? Gọi con Phơn mới bảy tuổi à? Hay gọi bà già đã năm mươi? Con gái cái bụng không nghĩ nhiều thì cái má không đỏ như hoa đào thế đâu. Thằng Sú đến tuổi kéo vợ rồi, cái tục nối dây phải nhờ Mo làm thôi chị dâu à! Họ Vừ phải có con trai để giữ đất, chị dâu à!

– Ây dà! Thì để cái mắt nó nhìn nhau, cái bụng ưng nhau mới được chứ!

Ông chú gật đầu.

– Sú à! Phải thay anh Lành mày có nhiều con trai! Phải có con trai để giữ đất Lũng Pù, nghe chưa? Chú cố mãi không được rồi! Mày phải có con trai!

– Ông chú à! Hôm qua trời mưa nước đục,  nhưng  không đục mãi được. Tục nối dây xưa lắm rồi, cũ lắm rồi!

– Đầu mày như con dê trong góc chuồng tối thế à? Mày đi học nhiều cái chữ về để bắt con trâu đen đẻ ra nghé trắng à Sú?

Chú thím về, chị dâu lui cui dọn dẹp, Nả nhìn tôi:

– Ầy! Người già nói thế, biết thế! Không được nghĩ con Mùa xấu cái bụng. Nghe chưa? Tao làm dâu họ Vừ, nó cũng làm dâu họ Vừ,  chết cũng làm ma họ Vừ thôi.

Tiếng khóc của Nả vỡ ra như thác thượng nguồn. Tôi bối rối ôm vai Nả vỗ khe khẽ… Một khoảng trống lạnh lẽo gợn lên thứ âm thanh của bình yên hay dông bão?

Đêm cuối tháng. Trời như ai đập vỡ lọ mực đổ vào những tán cây. Tiếng khèn da diết vẫn dội vào nhà mỗi đêm. Chị dâu ngồi hong những thổn thức bên bếp lửa đỏ rực. Tiếng mèo hoang chà xát trên triền dốc lô nhô đá. Nửa khuya, có lúc tôi tưởng mình không đủ sức đuổi những cảm xúc đang vào hồi riết róng.

Từ bếp lửa đến chỗ có tiếng khèn bị đá vây sát. Tôi không hiểu bằng cách nào và tôi nói gì để cậu thanh niên kia bỏ đi giữa những cơn gió hun hút cứa nham nhở vào đêm.

Về nửa tháng. Tôi cùng chị đi chợ phiên.

Nắng ngọt như môi thiếu nữ đang yêu. Tôi phăm phăm bước với can rượu trên vai, chị dắt em Phơn đi sau, chân xòe nhịp váy thơm. Bọn con trai cứ làm đàn ong vo ve quanh chị dâu ta thế? Cái bụng tôi thấy tưng tức như vừa bị con bò đá. Một đám con gái cõng nắng ào qua.

– Chị Mùa ơi! Cho em hỏi chị ăn gì mà da trắng thế? Uống gì mà tóc dài thế?

– Không được nói thế nhé! Chị già rồi!

– Chưa già đâu! Nhiều trai bản muốn gùi cái nặng hộ chị suốt đời đấy!

Nắng chạy theo chị, tràn ra mênh mang. Tôi thấy mây đỏ màu máu, gió cứa ngang làm mắt tôi nóng rát. Tôi đưa bát rượu lên môi, nắng vỡ ra lênh láng, trong sóng sánh, tôi thấy cái cổ trắng như đá núi vỡ, thấy bắp chân như mầm măng vừa bóc, thấy dòng nước từ máng vầu cuốn vào trăng nhẫn nại chảy thành dòng. Thấy  cậu thanh niên thổi khèn. Áo tà phủ mới, mặt hí hửng như chó tuột xích.

Đêm. Dầm dề như gió lùa váy đứa gái. Bóng tối ủ ấm những hòn than chưa ngủ. Tôi thở thật khẽ, sợ đá nghe thấy. Bóng chị nghiêng nghiêng lồng trong mảnh trăng cong.

Tôi lại đi.

Chị dậy sớm đồ xôi cho tôi mang theo. Tôi ôm lấy vai Nả:

– Nả đợi con về nhé! Con sẽ…

– Mày định nói, tao phải xa nơi này đúng không Sú? Mày sợ khổ đúng không? Cái mắt mày sáng ra bao nhiêu mà cái bụng lại tối như thế? Khổ mà trẻ con vẫn lớn lên. Tao không đi đâu hết, tao chỉ thấy khổ khi trong bụng đựng nhiều điều xấu thôi!

– Nả à! Con sẽ về! Sẽ lấy vợ! Sẽ sinh con, Nả sẽ có nhiều cháu.

Tôi nghe cổ mình một giọt ấm nóng vừa vỡ ra.

Tôi hít hà mái tóc thơm của em gái. Nó đang ngủ say, má hây hây mùi cỏ mật ngọt lịm. Chị dâu đưa tôi qua triền ngô xanh mướt mọc ra từ kẽ đá. Lòng núi ủ ấm những mùa màng.

– Chị dâu có giận em không? Tiếng khèn ấy… em không muốn chị nghe…

– Chị không nghĩ đến thằng con trưởng bản đâu… chú Sú à!

Thế chị nghĩ đến ai? Đến ai hả chị dâu? Người ấy ở đâu? Ở đâu hả chị dâu? Có bóng người cõng nước ngược dốc, tiếng chân chạm đá. Nước mắt chị vén ngang qua tóc ướt đầm. Má môi chị đỏ lên khi nắng rót mật xuống. Lẫn trong đá, đám cải nở rộ hoa vàng. Chị nhìn chăm chăm vào đôi tay tôi đang bọc bàn tay nổi những đường gân xanh mềm.

– Mùa đợi tôi nhé! Tôi sẽ trở về! Nhất định thế!

Bàn tay mảnh mai ấy để lại viên đá trắng khẽ cựa trong lòng tay tôi. Ấm nóng.

DUYÊN PHÙNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…