Mơ lúa

(VNBĐ – Tản văn). Tôi vẫn hay mơ về ngày thơ ấu, về làng quê miệt cuối trời nơi tôi đã cất tiếng khóc đầu tiên. Tôi thấy mình trong chiếc áo trẻ con, chạy khắp cánh đồng mùa rơm rạ được đất ôm vào lòng. Tôi thấy mình cùng đám bạn thả diều, cuộn tròn lăn trên bãi cỏ. Tôi thấy cả dòng sông xanh màu trời uốn quanh con đê, và chúng tôi như đàn cá nhỏ quẫy đuôi lặn ngụp. Tôi thấy bầu trời đêm đầy sao, bình yên với tiếng lá dừa ru trong gió.

Nhiều người như tôi, trôi qua một phần đời ở với đồng với sông nên dẫu đi đâu, ở đâu quê nghèo vẫn cuộn chảy trong lòng, vẫn nhắc nhớ không thôi. Và thế nên khi tôi nhổ neo và đậu lại nhiều bến mới, thì bến đầu tiên mãi là nơi tôi muốn tìm về. Những lần ngược xuôi qua miền đất lạ, nghe ai đó nói giọng quê xứ da diết thương, thấy bóng cau bóng dừa là tim mình dịu lại. Nhiều người hỏi sao tôi không về thăm quê khi nỗi nhớ hiện hằng trong cả giấc mơ, về để lấp đầy bao niềm nhớ. Nhưng tôi biết làm sao, khi những hàng dừa đã bị cưa đổ, những bờ mương bị cắt xẻ, những dòng kênh đã thôi không còn ngọt nữa.

Đồng lúa trở thành hồi ức trong trí nhớ của từng con người còng lưng gieo mạ, cấy gặt. Xa rồi những vụ mùa nao nức, lúa chín vàng mơ ngã mình vào đất. Hạt lúa no mẩy theo ghe đi muôn nẻo sông hồ. Xa rồi mùa khói rạ nồng nàn trầm ấm vấn vương chiều bảng lảng. Lẫn trong đó có cả mùi thơm của cá nướng, khoai lùi. Nhiều người, lúc nghe tiếng gà, bật dậy nhóm bếp nấu cơm, chợt nhận ra chiếc áo vá chặp, cái nón tơi đi đồng đã vất tự hồi nào, chỉ còn những lưới, những miệng chài treo trên vách. Thẫn thờ ngồi đó nhấp ngụm trà trông trời mau sáng vì chẳng biết làm gì.

Nước mặn đã vào tới nơi sâu nhất của cánh đồng, lúa nhường chỗ cho tôm. Người ta bảo nuôi tôm sướng hơn trồng lúa gấp trăm lần. Thả con giống xong, chờ chúng lớn, đợi con nước ba mươi, con nước rằm thì lấy nước vào rồi xổ chúng ra đem bán. Nạo mương, cải tạo, lấp lỗ mội… cũng lâu lâu mới một lần bận rộn. Ngày ngày quỡn việc, nằm võng nghe cải lương từ sớm tới chiều. Vậy nên cái đời sống thuần nông bán mặt cho đất bán lưng cho trời thay đổi nhanh chóng mặt. Độ chừng mười năm trở lại quê cũ, tưởng như mình đi lạc ở quê người nào đó. Dưới bóng dừa, bóng trâm bầu, không còn chiếu trải để dỡ vội bữa cơm trưa, không còn tiếng í ới gọi nhau chia chén nước cỏ tranh mát rượi. Chỗ từng thơm mùi mạ non, từng rập rờn lúa giờ chỉ là mênh mông mặt nước.

Vì không thể gặp lại thời thơ ấu nên những giấc mơ cứ làm tôi hoang hoải. Mình đã đào khoai, bắt chuột, nhặt trứng vịt ở đâu trong những bờ mương cắt xẻ? Tôi chìm dần vào nước khi nằm xuống nhìn cánh diều in lên bầu trời lồng lộng. Và má, lần nào cũng vậy, gửi cái nhìn ra nơi không có lúa mà đầy lúa trong ánh mắt. Thi thoảng má lại kể cho con cháu nghe chuyện nhà nông, chuyện đời của cây lúa, chuyện mùa cá rô, cá chốt, chuyện của rạ của rơm. Con cháu như muốn thuộc lòng. Chỉ là mùa đó nó về không được gặp câu chuyện của má. Chỉ là câu hỏi: “Cái đó chỗ nào ta?” khiến người cũ rưng rưng buồn.

Má nói cảnh còn thì người còn, cảnh mất người cũng không còn nơi neo khi nhìn mấy gốc dừa trơ lại chùm rễ khô cằn. Hàng dừa này ngày bé má đã theo ông ngoại đi trồng, uống biết bao nhiêu trái, làm biết bao nhiêu bánh, nhiêu dầu. Từ đây, dừa đã rời khỏi tầm mắt, với người xưa đã thiếu đi một điều nhắc nhớ. Biết bao nhiêu là thứ, trước dòng chảy của tự nhiên đã không còn đứng vững. Chúng phải thay đổi, hoặc buộc phải thay đổi để sinh tồn, khi con sông bắt đầu mặn dần, khi mùa vụ xóm tôm làm xóm lúa xôn xao. Người ta đã quen rồi với nếp sống mới, đã đổi sân lúa thành giàn tôm khô, riêng những người đã trót xa quê từ hồi còn lúa reo, cứ thấy mình hẹp lòng tiếc nuối. Đôi khi tôi tự hỏi với những thứ không còn hiện hữu, mình nhắc mãi làm chi, cố chấp làm gì, chắc gì họ – những người đang đi qua mùa tôm đỏ, không nghe đắng đót?

* Ảnh minh họa: internet

THÙY NHƯ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tiếng sáo của người bán rắn

Người Đồng Dưa quen gọi tên ông Nhót bởi cái chân dị tật phải đi cà nhót. Cái lai quần xơ tướp quanh năm. Gương mặt hốc hác hằn những vết cắt thời gian lúc nào cũng trầm ngâm…

Cánh chim bằng trên đỉnh nhân văn

Đêm cuối cùng Ông ở lại với Quy Nhơn
Đông đảo bà con anh em đến cùng trò chuyện
Hương thơm ngát cả vùng trời vùng biển
Hoa trăm loài hương tỏa từ trái tim

Nỗi đau Yagi

Đồng bào tôi đang gánh chịu nỗi đau
Bão Yagi đã mang đi tất cả
Nhà cửa tan hoang, bão dông tàn phá
Vợ mất chồng, con mất mẹ, thương tâm!

Thăm quê hương Tây Sơn tam kiệt

Tiếng trống trận hành quân rộn rã hào hùng
Trầm bổng núi sông vọng vang rừng núi
Như vẫn đâu đây những đoàn quân lấm bụi
Chân đất, mũ rơm, gươm nhọn, giáo dài