Lửa nghề “cháy” mãi trong tim

(VNBĐ – Chân dung văn nghệ sĩ). Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, cô bé Băng Châu (tên thật là Huỳnh Thị Kim Châu) đã sớm bộc lộ năng khiếu ca hát và tình yêu nghệ thuật, là hạt nhân nổi trội trong phong trào văn nghệ tại trường học.

Năm 1990, Băng Châu đăng ký tham gia dự thi và trúng tuyển vào trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật, lớp Dân ca khóa III (1990 – 1992). Niềm vui và hạnh phúc ấy đến giờ còn dâng trào trong chị mỗi khi nhắc đến. Chị kể: “Cầm giấy báo nhập học của em trong tay, anh trai tôi mừng rỡ chạy về thông báo: “Châu ơi! Em đậu rồi!”. Lúc đó, cả ba mẹ con ôm nhau khóc…”. Chị khăn gói xuống thành phố Quy Nhơn nhập học với bao niềm ấp ủ, dự định. Ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, Băng Châu đã không ngừng nỗ lực học tập, không phụ lòng mong mỏi, kỳ vọng của gia đình.

Có vốn kiến thức khá vững và sở hữu tấm bằng loại ưu, năm 1992, Băng Châu được nhận về công tác tại Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Tại đây, chị tiếp tục chăm chỉ học hỏi, nâng cao tay nghề từ các thế hệ nghệ sĩ đi trước cũng như bạn bè, đồng nghiệp. Ngoài sự chỉ dạy tận tình của các bậc đàn anh, đàn chị trong nghề như NSND Hoài Huệ, NSND Hồ Thu, NSƯT Thiên Chi… Băng Châu còn tự học bằng việc ngồi sau cánh gà quan sát các đồng nghiệp diễn trên sân khấu, nhẩm thuộc lời các vai diễn… Nhờ đó, vốn nghề của chị ngày càng được cải thiện, nâng cao. Với nghị lực, sự quyết tâm học tập nghiêm túc cộng với niềm say mê nghề, chị tự tin hơn trên con đường chinh phục nghệ thuật ca kịch Bài chòi. Ở Băng Châu còn hội tụ các yếu tố của một nghệ sĩ tài năng: giọng hát ấm, nhẹ nhàng, lối diễn chân thật, tinh tế và khuôn mặt sáng sân khấu. Đặc biệt là ý chí phấn đấu, trách nhiệm và tinh thần cầu tiến trong nghề nghiệp. Chị chia sẻ: “Với tôi, người diễn viên phải biết chia sẻ công việc với đạo diễn. Khi được giao vai diễn, tôi không chỉ nghiên cứu nhân vật mình thủ vai mà phải theo dõi các nhân vật khác để hiểu mối liên hệ giữa các tuyến nhân vật và biết mình cần thể hiện những gì để đóng góp vào thành công chung của vở diễn”.

Tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, Băng Châu được giao đảm nhận vai cô hầu gái Cẩm Nhung trong vở Huyền Trân công chúa. Đây là một vai diễn phụ, ít xuất hiện trên sân khấu. Tuy nhiên, với phong cách diễn xuất trẻ trung, vui nhộn và vô tư, lột tả đúng tính cách nhân vật của Băng Châu, đã giúp chị sở hữu tấm Huy chương Đồng ngay lần đầu tiên tham gia Hội diễn. Đối với một nghệ sĩ trẻ mới vào nghề như chị, thành tích ban đầu ấy là “đòn bẩy” thúc đẩy chị nỗ lực, quyết tâm vươn lên trong nghề nghiệp. Đến kỳ Liên hoan Sân khấu Dân ca toàn quốc năm 1998, chị tự tin hơn khi đảm nhận vai Bạch Thị Hà (vở Người tử tù mất tích). Đây là nhân vật có nội tâm giằng xé, phức tạp. Chồng Hà là một chiến sĩ cách mạng biệt động thành bị địch bắt và kết án tử hình ở Côn Đảo. Ở quê nhà, Hà và con cũng bị quân giặc chia lìa man rợ. Vừa mất chồng lại mất con, chị lang thang khắp nơi tìm chồng con trong trạng thái điên loạn, thất thần… Bằng lối diễn tinh tế, chuẩn mực từ chiều sâu nội tâm đến hình dáng bên ngoài trong từng cử chỉ, động tác của một diễn viên có nghề, Băng Châu đã xuất sắc giành về tấm HCV cá nhân cho vai diễn này.

Chị quan niệm rằng, mỗi lần được phân vai chính là một lần chị được học hỏi thêm kinh nghiệm và nâng cao kỹ thuật diễn xuất. Vì thế, chị luôn tìm tòi, sáng tạo trong từng vai diễn và tích lũy thêm vốn nghề qua những lần thủ vai ấy. Trong quãng đời hoạt động nghệ thuật gần 30 năm, hai vai diễn để lại cho chị nhiều ấn tượng nhất là má Bưởi (vở Má tôi ngày ấy) và Nữ tướng Bùi Thị Xuân (vở Chói rạng sơn hà). Ở mỗi nhân vật mang lại cho chị những cảm xúc khác nhau. Đối với nhân vật má Bưởi, lấy cảm hứng từ một bà mẹ Việt Nam anh hùng có thật trong cuộc sống, giàu đức hy sinh, che chở cho các chiến sĩ văn công cách mạng. Khi thể hiện vai này, Băng Châu chia sẻ: “Kể từ khi nhận vai, nhiều lúc trên đường chở con đi học, tôi vẫn tranh thủ nhẩm lời thoại nhân vật má Bưởi. Đôi khi nước mắt chảy ướt cả khẩu trang, về đến nhà mắt tôi còn đỏ hoe khiến người thân tưởng có chuyện gì…”. Nhân vật má Bưởi được NSƯT Băng Châu thể hiện rất tròn vai với HCV tại Liên hoan Sân khấu Dân ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc năm 2011.

Còn sự thành công đối với vai nữ tướng Bùi Thị Xuân (vở Chói rạng sơn hà) đánh dấu sự trở lại xuất sắc của NSƯT Băng Châu sau khoảng 6 năm xa ánh đèn sân khấu do bận theo học các lớp quản lý và một phần muốn “nhường sân” lại cho các diễn viên trẻ kế cận theo nghề. Nhân vật Bùi Thị Xuân, vai chính của vở, là một đô đốc chủ chốt của triều Tây Sơn. Nhưng trong cuộc sống đời thường, bà vẫn giữ thiên chức quan trọng của một người mẹ, người vợ. Những vai trò, vị trí ấy trong nhiều thời điểm tưởng chừng buộc đô đốc phải hy sinh chọn một trong hai. Với nhiều trạng thái, cung bậc cảm xúc khác nhau: nhiều đoạn nhân vật giằng xé nội tâm, đan xen buộc người nghệ sĩ phải dụng công, đào sâu suy nghĩ, tìm cách thể hiện tâm trạng, hình ảnh, tính cách nhân vật trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Nhờ được đạo diễn tâm huyết tạo điều kiện cộng với sự động viên, giúp đỡ của đồng nghiệp, đặc biệt là tinh thần chịu khó nghiên cứu, tập luyện, NSƯT Băng Châu đã nhập vai Bùi Thị Xuân một cách xuất thần. Khán giả xem có thể cảm nhận được từng góc cạnh của nhân vật mà vẫn hài hòa duy nhất một xác thân, cùng niềm thương cảm và kính trọng người nữ tướng, giữ được trọn vẹn nghĩa nước tình nhà, tinh thần hiên ngang, không khiếp sợ trước kẻ thù dù phải chịu cảnh mất chồng, mất con… Với diễn xuất “sâu chín” khi vào vai diễn này đã mang về HCV đầu bảng cho NSƯT Băng Châu tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2019.

NSƯT Băng Châu (giữa) vai Bùi Thị Xuân trong vở Chói rạng sơn hà. Ảnh: Tư liệu NHNTTTBĐ

Ngoài ra, chị còn giành HCB với vai Bùi Thị Xuân (vở Khúc ca bi tráng) tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013; Giải A Liên hoan Dân ca toàn quốc năm 2007 với tiết mục hát hò đối đáp “Liên khúc dân ca Nam Trung bộ”.

Kể từ ngày bước chân vào mái nhà nghệ thuật – Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định đến nay, NSƯT Băng Châu đã tham gia trên 30 vai diễn trong chương trình kịch mục của đoàn với các vai chính, phụ khác nhau, đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của đoàn. NSƯT Băng Châu đã có cơ hội thể hiện nhiều dạng vai (kể cả chính diện lẫn phản diện). Nhưng dù đó là vai diễn nào, bằng năng khiếu và tình yêu nghề mãnh liệt, chị cũng nỗ lực hết mình để khẳng định chỗ đứng của nhân vật trên sân khấu và lưu lại trong tâm thức người mộ điệu.

Với khát khao cống hiến cho nền nghệ thuật ca kịch Bài chòi của tỉnh nhà, NSƯT Băng Châu đang không ngừng nỗ lực cố gắng trên mọi phương diện: diễn viên, công tác quản lý nghệ thuật. Trên cương vị mới là Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật kiêm Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi (kể từ khi hợp nhất hai đơn vị: Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định), chị rất năng nổ, hết mình với công việc nhằm duy trì, giữ vững và phát huy những thành tích nghệ thuật đã đạt được của các thế hệ lãnh đạo đi trước. Bên cạnh đó, chị cũng chú trọng công tác đào tạo đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế cận, yêu nghề để làm “dày” thêm lực lượng biểu diễn của Nhà hát. Tháng 7.2021, NSƯT Băng Châu đã được Hội đồng cấp cơ sở đề nghị Hội đồng cấp tỉnh xét duyệt đề nghị xét tặng danh hiệu NSND (đợt 10, năm 2021).

Ngoài công việc chính là diễn viên, NSƯT Băng Châu còn sôi nổi, nhiệt tình với phong trào ca múa trong các trường học thông qua vai trò dàn dựng chương trình múa và người thầy dân ca thân thuộc trong Câu lạc bộ sân khấu truyền thống. Chị còn là cộng tác viên thường xuyên của Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Định với các chuyên mục: dân ca Bài chòi, sân khấu truyền thống,… góp phần đưa bộ môn nghệ thuật Bài chòi được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng.

NSƯT Băng Châu tên thật là Huỳnh Thị Kim Châu, sinh năm 1974, quê quán: Hoài Mỹ, Hoài Nhơn, Bình Định; hội viên Hội NSSK Việt Nam; Hội viên Hội VHNT Bình Định.
Đã đóng hơn 30 vai diễn trong các vở của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định và đạt: HCV các năm: 1998; 2011; 2019; HCB năm 2013; HCĐ năm 1995; Giải A tiếng hát Dân ca toàn quốc, 2007; được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012; tháng 7.2021 được đề nghị xét, phong tặng danh hiệu NSND (lần thứ 10 – 2021). Hiện chị đang là Phó Giám đốc phụ trách Nghệ thuật kiêm Trưởng đoàn Đoàn Ca kịch Bài chòi của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định.

THÙY HƯỜNG

(Văn nghệ Bình Định số 101 tháng 9.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…