Linh Sương

(VNBĐ – Truyện ngắn).

1.

Đền nhìn ra sông. Nước trời lồng lộng. Cát trắng xóa ánh ỏi dưới nắng đầu mùa. Con thuyền trắng xoay tít giữa dòng rồi mờ nhòe, mất hút vào xoáy nước. Chỉ còn tiếng nhạc, tiếng hát văng vẳng đâu đây. Từng cơn gió sông táp vào mặt, tôi bừng tỉnh, chớp mắt. Có tiếng mẹ gọi. Tôi giật mình quay về nhìn giỏ hoa đang kết dở trên tay, ngoài kia trời nước vẫn mênh mang. Như một sắc dao, sáng bừng lên nhức nhối.

Minh họa Lê Duy Khanh

Từng dòng người đổ về đền cô. Mẹ giục tôi nhanh tay. Môi mắt mẹ tíu tít nói cười. Mẹ như bông hoa đã về phía cuối mùa nhưng vẫn còn hương sắc. Thi thoảng mẹ lại hát theo vài lời của các giá đồng từ trong đền vọng ra. Những lúc ấy mắt mẹ lại sáng lên, lấp lánh. Nom mẹ đẹp rạng rỡ. Nhưng mẹ bảo, nghiệp mình còn nặng, nếu không đã được hầu khăn áo cửa cô.

Tôi lặng lẽ cắm những bông hoa màu trắng vào chiếc giỏ hoa nho nhỏ. Những cánh hoa mềm ướt rượt và trinh trắng. Từ lúc tôi chào đời đến giờ, xung quanh tôi là những sắc trắng. Tôi mơ màng trong cõi trắng trước bậc thềm nhà cô. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đến bậc cửa nhà cô, nhưng tôi lòng phàm đầy tội lỗi, cô chưa cho vào. Cô bảo tôi ngồi đó, tôi nghe những đóa hoa nói chuyện. Mỗi sắc trắng là một câu chuyện. Hoa bảo tôi là một sắc trắng bị bầm dập. Tôi khóc. Nước mắt tôi chảy xuống, thành những cánh hoa trong veo.

Một người đàn ông hỏi mua giỏ hoa tôi vừa kết. Tôi xòe năm ngón tay. Anh ta nhìn tôi, sững lại một vài giây. Tôi cúi mặt ngượng ngùng. Người đàn ông đặt tiền vào tay tôi rồi rời đi. Đến khi tôi ngẩng lên nhìn thì thấy trên tay đang cầm tờ năm trăm nghìn đồng. Tôi dáo dác tìm người đàn ông nhưng anh ta đã hòa vào đám đông tự bao giờ. Nhìn tờ tiền mệnh giá cao như vậy, tôi thấy áy náy quá. Người đàn ông đã hiểu lầm khi tôi giơ năm ngón tay ra. Ý tôi muốn nói là năm mươi nghìn, vậy mà anh ta lại đưa tôi năm trăm nghìn. Đã có lúc nào khách mua hàng bị nhầm lẫn như thế này đâu. Tôi nghĩ rằng mình sẽ phải trả lại tiền thừa cho người đàn ông đó. Tôi có cảm giác cô đang nhìn tôi và trách cứ, rằng tôi có lòng tham. Cô trinh bạch và trong trắng. Những cánh hoa cũng trinh bạch và trong trắng. Vậy cớ sao tôi ở đây kết hoa dâng cô mà lại vẫn để nhuốm tâm phàm?

Tôi ngồi xuống, cố gắng mường tượng lại khuôn mặt người đàn ông. Chỉ một khoảnh khắc vụt qua trong dòng người mỗi ngày cuồn cuộn dâng hoa về cửa cô, làm sao tôi nhớ nổi. Đôi lông mày rậm rạp và đôi mắt to buồn bã trên khuôn mặt chữ điền vuông vức. Liệu chừng ấy đủ để tôi tìm ra người chìm lẫn giữa dòng đời kia?

Mẹ bảo tôi trông hàng rồi xuống bếp phụ chị Xoan chuẩn bị cơm cho khách đã đặt trước. Gần đến giờ cơm rồi, đoàn khách đã sắp lễ trở ra. Tôi kiểm lại hàng, rảy thêm nước vào hoa. Gian hàng nhà tôi nhỏ nhất trong dãy hàng ở cửa đền cô, hàng hóa cũng không được nhiều, khách mua sắm và đặt ăn cũng chủ yếu là những mối quen, những thầy đồng đưa con nhang đệ tử về kính lễ. Còn khách thập phương thì thường ghé vào các gian hàng lộng lẫy. Mẹ vẫn bảo tôi, lộc cô cho có vậy, thế là cô đã thương lắm rồi.
Tôi tranh thủ ngồi biện thêm phẩm oản bọc giấy bóng kính, kết mấy bông hoa nhỏ xinh xinh và chiếc quạt lông mềm mượt như tơ. Tất cả đều màu trắng. Mẹ bảo, sắc trắng là hiện thân của cô nơi cõi nước. Không có gì mạnh mẽ bằng nước và cũng không có gì yếu mềm như nước. Nước sẽ gột rửa và bôi xóa nỗi đau. Nước sẽ khởi sinh nguồn sống mới. Tôi đã tắm mình trong dòng nước thanh sạch. Vậy mà tại sao nước lại là khởi nguồn cho nỗi đau của đời tôi?

2.
Ngày đó, tôi mười sáu.

Cũng như mẹ tôi đã từng qua tuổi mười sáu, và hằn lên những xót xa trên từng tuổi đời.

Nhưng chuyện của mẹ đã tan thành nước mắt, hóa thành dải mây trắng, bay đi. Để mẹ được nhẹ lòng.

Mẹ không muốn nói về quá khứ.

Còn tôi…

Tôi vẫn thường ngồi ở bờ sông vào những đêm khuya, nhất là đêm có trăng. Mẹ vẫn thường phải đi gọi tôi về. Linh Sương! Linh Sương! Tôi thấy mình mỏng manh như giọt sương treo trên đầu lá cỏ.
Trăng rải vàng lênh láng. Dòng sông dâng lên mềm như dải khăn phủ lên đầu một vị thanh đồng nào đấy đang hầu giá cô Bơ. Chiếc thuyền rồng màu trắng ngự ở giữa dòng. Có tiếng hát, tiếng nhạc rộn ràng.

Chèo về đền đây
Tới phủ tới đền
Đền xinh cảnh lịch
Bốn mùa phong quang
Thuyền rằng thuyền ai
Lơ lửng bên giang
Thuyền cô Bơ thoải
Rước Mẫu sang đền này.

Cô mặc áo trắng tựa sương khói. Nón quai thao vành vạnh như trăng tròn. Cô đi hài cườm lấp lánh. Đai lụa hồng phất phơ. Hương hoa ngào ngạt. Từng cánh trắng mẫu đơn trút xuống từng loạt một. Trăng vỡ vụn thành những cánh hoa. Chiếc thuyền xoay tít.

Linh Sương! Linh Sương! Tiếng gọi ở giữa dòng.

Không phải là tiếng mẹ. Mẹ không gọi tôi ở phía lòng sông.

Mà tiếng gọi cũng chòng chành cùng chiếc thuyền xoay tít.

Hối thúc. Dồn dập. Vội vã.
Tôi lao về phía sông. Mềm mại và ướt rượt. Từng con nước chập chờn. Chiếc thuyền trắng sáng lên lấp lánh. Tôi thấy mình nhẹ bẫng và như đang bay trên những áng mây. Tôi bay về phía thuyền rồng lấp lánh.

Vẫn tiếng gọi Linh Sương.

Một vòng tay ôm xiết lấy tôi, dịu dàng như nước. Mơn man, vỗ về. Cảm giác lạ lẫm và mê đắm. Tôi cứ thế như trôi đi trong mơ hồ.
Bỗng tiếng gọi Linh Sương kề sát tai tôi. Từng tiếng một đau đớn, vụn vỡ, uất nghẹn. Là tiếng mẹ. Mẹ đang gọi tôi giữa dòng chới với. Tôi sực tỉnh lao về phía mẹ. Chỉ còn là khoảng không hun hút và tăm tối. Tôi vùng vẫy hét lên gọi mẹ. Nhưng những thanh âm tắc nghẹn trong cuống họng, không tài nào phát ra được. Đầu lưỡi tôi tê dại rồi như hóa thạch. Tôi choàng tỉnh. Mẹ ôm chầm lấy tôi. Mẹ khóc. Tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Mẹ cứ nấc nghẹn, chẳng nói được câu nào. Tôi muốn hỏi mẹ mà không thể cất tiếng. Tôi khóc. Vì hoảng sợ. Thế là hai mẹ con tôi ngồi ôm nhau mà khóc, mỗi người đau một nỗi đau riêng mà người kia chưa hề biết.

Tôi đã không hề biết nỗi đau của chính mình. Mẹ đã âm thầm giữ riêng nỗi đau ấy để một mình gặm nhấm. Để đến sau này tôi biết thì đã muộn. Mẹ đã cố tình che giấu sự thật nhưng càng che giấu bao nhiêu đến lúc nó bị phơi bày thì càng bẽ bàng, chua xót bấy nhiêu.

3.
Người đàn ông đã trở ra cùng những vị khách quen của quán tôi. Tôi thở phào vì đã gặp được người cần gặp. Anh ta gật đầu chào tôi. Thì ra, anh ta cùng một đoàn với họ nhưng lúc nãy, tôi đã không để ý. Họ đặt cơm ở đây. Đúng lúc mẹ và chị Xoan từ trong bếp trở ra, bảo mọi người ngồi nghỉ ngơi rồi ăn cơm. Một người đàn bà trong đoàn mở túi đồ lễ đưa xôi gà và các loại bánh trái nhờ tôi sắp đĩa. Chỉ loáng một cái đã xong mâm cơm tươm tất. Tôi vừa định quay trở ra phía ngoài trông hàng thì người đàn ông đột ngột nói nhỏ vào tai tôi, chỉ đủ cho tôi nghe thấy, cô bé đỏ bên cạnh em xinh xắn nhỉ. Tôi chợt thấy hoang mang và run rẩy.

Họ bắt đầu dùng bữa. Tôi thẫn thờ đi ra phía gian hàng bên ngoài. Câu nói của anh ta cứ văng vẳng bên tai. Lúc này, tôi mơ hồ cảm nhận được một cái gì đó đang tồn tại bên cạnh mình. Vừa ấm nóng, dịu dàng, vừa lạnh lẽo, chua chát. Không rõ hình hài. Không cầm nắm được. Đang dần dần trùm phủ mọi giác quan tôi.

Lúc sau, tôi quay trở vào dọn dẹp. Chúng tôi không lấy tiền ăn của họ nữa vì lúc sáng người đàn ông đã đưa năm trăm nghìn cho tôi. Với lại cơm rau dưa, có gì cao sang đâu mà đắt tiền. Mẹ tôi nói mãi, họ mới chịu nghe. Về đến cửa cô là vui rồi, tính toán chi mấy đồng bạc chứ. Mọi người cùng cười. Chỉ có tôi là không cười được.

Xong việc, tôi bỏ ra ngồi ở bờ sông.

Gió đầu hạ mà sao hao gầy đến thế. Nắng chỉ mỏng manh tựa những cánh hoa dại trắng ngần. Tôi nhìn trân trân vào con nước giữa dòng. Không có thuyền rồng. Chỉ một chiếc đò ngang chở khách sang sông. Bỗng có tiếng hắng giọng từ phía sau, tôi quay lại, là người đàn ông. Anh ta rảo bước ngồi xuống cạnh tôi.

Gọi tôi là Trân, anh ta nói. Tôi lặng lẽ gật đầu, dù biết rằng anh ta có là Trân hay là gì đi chăng nữa thì cũng không bao giờ tôi có thể gọi tên. Trân quay sang nhìn tôi, đôi mắt mở to, bình thản và bao dung. Muốn khóc thì cứ khóc cho nhẹ lòng, dù sao, nhìn thấy em, anh đã biết hết rồi. Nghiệp của em quá nặng.

Nghe từng lời anh nói, tôi chợt òa lên khóc. Một cái gì đó như là nỗi ấm ức được bung tỏa, như là sự thấu hiểu, sự sẻ chia và tha thứ. Tôi không còn cảm giác hoang mang như lúc trước. Tôi ngước lên nhìn người đàn ông. Bỗng chốc, trong mắt tôi, anh lộng lẫy và thanh khiết trong bộ khăn áo trắng muốt hầu giá cô Bơ. Nhưng tôi vừa chớp mắt, cảnh tượng ấy đã tan biến. Trân ngồi bên tôi, rất thực và nhẫn nại. Đôi mắt như thấu suốt đến tận tâm can, len lỏi vào từng góc khuất. Anh cứ ngồi đó, cùng tôi lặng yên. Nghe trong vô ngôn những bầm dập của tôi từ thuở thiếu thời. Những ngấm ngầm, nhức nhối…

4.
Sau cái đêm mà mẹ bảo tôi nằm bất tỉnh ở bờ sông, tôi bỗng như trở thành một con người khác. Tôi vẫn câm lặng như mười mấy năm nay vẫn thế nhưng lúc nào cũng buồn rầu, không muốn gặp ai. Mẹ bảo tôi ra trông hàng, tôi vẫn trốn trong phòng. Gọi mấy lần không được, mẹ gắt. Chị Xoan cứ lắc đầu, chả biết con bé bị làm sao.

Tôi bị rơi vào một trạng thái bất an, thấp thỏm, ở trong phòng nhưng lại đứng ngồi không yên. Tôi mơ hồ cảm nhận một cái gì đó đang thay đổi trong tôi, từng chút một. Tôi không biết nó là cái gì. Tôi không thể gọi tên. Nó là sự hiện hữu chân thật hay chỉ là cảm giác?

Buổi tối, mẹ nấu món trứng cá mà tôi thích. Miếng trứng cá vàng rộm, từng quả trứng li ti nhỏ xíu căng tròn, nổ lép bép trong miệng rồi từ từ tan ra, thơm, bùi và béo ngậy. Thế mà bữa ấy, vừa gắp miếng trứng cá đưa lên miệng, tôi đã vội buông đũa. Một mùi tanh xộc vào mũi, vào họng rồi tràn ngập cơ thể tôi. Tôi chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo, ra toàn mật xanh mật vàng. Mẹ chạy theo ra, nhìn vào tôi, mặt mẹ tối sầm lại. Tôi mệt quá, ngồi bệt xuống đất, tựa lưng vào tường, thở. Tôi không hiểu sao lại có cảm giác này trước món ăn mà tôi yêu thích. Hay tôi đang bị bệnh gì? Tôi quay sang nhìn mẹ, bằng ánh mắt thảm thương và tội nghiệp, tôi ú ớ khua tay muốn hỏi mẹ về những điều đang xảy ra. Mẹ kéo tôi vào lòng, vuốt tóc tôi nhẹ nhàng, chầm chậm. Mẹ không nói, chỉ bàn tay là xoa dịu cơ thể và sự thổn thức trong lòng tôi.

Đó là một đêm trăng tròn.
Trăng rờ rỡ, soi tỏ mặt người. Tôi và mẹ ngồi ở bờ sông vi vút gió. Lần đầu tiên tôi nhìn ngắm mẹ dưới ánh trăng. Mẹ vẫn còn trẻ lắm. Ánh trăng như một dòng thác bạc lấp lánh trùm phủ lên gương mặt và thân thể mẹ. Tôi thấy đâu cũng là trăng. Khi mẹ chớp mắt, ánh trăng đọng trên chiếc mi rớt xuống, tan chảy loang loáng xuống lòng sông. Tôi chỉ muốn lao xuống để được đắm mình trong dòng sông và nguồn ánh sáng lấp lánh vô tận.

Gió thủ thỉ những điều gì đó, từ rất xa xưa, nghe gần gũi nhưng cũng rất mơ hồ. Mẹ đáp lời của gió. Lời của mẹ thoảng trong tiếng gió rồi quyện vào gió. Chỉ có tôi là không thể cất lời. Mẹ bảo, chuyện gì quên được thì hãy quên, tha thứ được thì tha thứ. Tôi không hiểu mẹ muốn nói gì. Mẹ đang muốn cất lời cho mẹ hay muốn cất lời cho tôi?

Đó là đêm trăng tôi không nhìn thấy thuyền rồng. Không có tiếng gọi Linh Sương ở giữa dòng. Chỉ có mẹ gọi tôi mỏng như giọt sương treo trên đầu lá cỏ.

Hôm sau, mẹ đưa cho tôi một bát thuốc đen đặc sánh, bảo, thuốc bổ đấy, uống đi. Mùi thuốc Bắc thơm sực nức bao trùm cả căn phòng. Tôi ngần ngại. Mẹ lại giục, uống đi cho phục hồi sức khỏe. Tôi cầm bát thuốc lưỡng lự, ngước mắt lên nhìn mẹ lần nữa, mẹ gật đầu tạo cho tôi một cảm giác yên tâm. Tôi đưa bát thuốc lên uống một hơi, vị ngọt đắng râm ran, lan tỏa làm tê tê đầu lưỡi.

Mẹ bảo tôi lên giường nằm nghỉ. Mẹ kéo cái chăn mỏng đắp ngang ngực tôi rồi bước ra ngoài.

5.
Đó là những tháng ngày tôi chìm trong mộng mị.

Tôi không biết đâu là thực đâu là mơ. Tôi lân la đến bậc thềm nhà cô. Bị cô trách mắng. Những đóa hoa trắng trước cửa nhà cô biến thành màu đỏ, nát bấy, chầm chậm trôi như một dòng sông máu đổ về phía cuối nguồn. Hồn hoa rền rĩ những câu chuyện cũ. Hồn hoa bay lên không rõ hình hài. Hồn hoa thoát thai thành tiếng khóc, vụn vỡ, sắc lạnh.

Tôi lê đôi chân trần tướp máu đi dọc bờ sông. Những bụi hoa dại bị xéo nát, sực lên mùi cay nồng nã. Tôi chạy theo tiếng gọi cứ lẩn khuất đâu đó. Linh Sương! Nhưng tôi không thể bước tiếp. Tôi gục ngã. Cơn đau bụng đã xâm lấn toàn thân. Dữ dội. Khủng khiếp.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Tôi không hề biết rằng mẹ đã cho tôi uống thuốc phá thai. Cũng như tôi không hề biết mình đã mang thai từ sau cái đêm mẹ tìm thấy tôi bất tỉnh ở bờ sông. Nghe thật nực cười. Nhưng sao lại mang thai? Ai là cha đứa trẻ trong bụng của tôi? Tôi cười lên chua chát. Mẹ đã giấu tôi sự thật tàn nhẫn. Thảo nào đêm ấy mẹ ôm tôi, chẳng nói câu nào mà lại khóc nhiều như thế. Tại sao tôi liên tục bị tước đoạt hết thảy. Từ việc bị tước đoạt giọng nói từ khi mới sinh ra, đến việc tuổi hoa niên bị tước đoạt mà không hề hay biết. Từ việc sự trinh trắng bị cưỡng bức đến việc cái hài nhi được hoài thai cũng bị cưỡng bức lìa đời. Tôi không hề hay biết mình đã trắng tay khi mới mười sáu tuổi, chỉ đến khi cơn đau đớn hành hạ sau khi uống bát thuốc ấy, tôi mới nhận ra.

Tất cả đã muộn rồi. Đã kết thúc khi chưa bắt đầu.

Chỉ còn là những cục máu lớn. Muốn rửa trôi nhưng nước cũng không thể nào bôi xóa.

Mẹ nhìn tôi trong cơn vật vã. Cái hình hài lẽ ra vẫn là thiếu nữ co quắp, vặn vẹo. Nỗi đau không thể san sẻ cho ai, từng chút một, thúc đạp, quặn thắt, vặn xoáy rồi vỡ nát. Mẹ khóc. Mẹ cắn môi bật máu. Mẹ muốn cùng tôi san sẻ nỗi đau.

Nhưng lại không muốn tôi phải đau nỗi đau khi xưa của mẹ.

Đó là những tháng ngày tôi chìm trong mộng mị.

Tôi nghe thấy tiếng khóc, từ một hài nhi không rõ hình hài. Nước mắt chảy thành những giọt máu rơi xuống bụng tôi rồi nở ra thành những bông hoa màu đỏ.

Mẹ dắt tôi vào cửa cô xin sám hối.

Mẹ đặt lễ lên ban thờ rồi kéo tôi ngồi xuống, xì xụp quỳ lạy. Tôi thấy đâu đó văng vẳng tiếng hát:

Dâng cô một cỗ đàn tràng
Gồm có sáu thứ gọn gàng tốt thay
Một là đàn ngọt hát hay
Hai là yểu điệu ai tày ghế cô
Ba là áo trắng phất phơ
Bốn là yếm lụa bằng tơ dịu dàng
Năm là hài sảo quay quai ngang
Sáu là ba thước khăn ngang ba màu
Nhất tâm phụng thỉnh kêu cầu
Cô về nhận lễ độ đầu đồng nhân.

Cô ngự trên đài cao vàng son lộng lẫy. Hai bên có quan thanh xà, bạch xà hầu giá. Hương hoa ngạt ngào, tinh khiết.

Bỗng một cơn gió từ đâu tới thổi tung vạt khăn điều phủ lên chiếc gương ở bàn loan. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt thấy thấp thoáng hình hài đứa trẻ được bọc trong tấm lụa trắng rồi biến mất. Tấm khăn điều lại rủ xuống, lặng thinh.

Mẹ tôi lầm rầm khấn vái. Mẹ cúi lạy xin đài. Đồng tiền âm dương xoay tít. Ba lần như một.

Cô trách tội.

Tôi về ốm liệt giường.

Trong giấc mơ chập chờn, tôi thấy cô chèo thuyền giữa dòng đầy sương khói. Cô mặc áo trắng, đội nón trắng, đi hài trắng. Tay cô cầm dải lụa để đi đo gió đo nước đo mây. Tôi bay lên cùng gió mây, bị dải lụa của cô trùm phủ. Quẫy đạp, gào thét, tôi rơi xuống, trúng phải con rắn trắng. Rắn trắng giận dữ đuổi tôi, tôi sợ hãi bỏ chạy. Chạy mãi, chạy mãi, qua dọc dài bờ sông gió thổi rồi kiệt sức, lịm đi.

Đó là những ngày tháng mẹ mải miết tìm thầy lễ cho tôi. Nhưng các thầy đều lắc đầu.

Cô trách tội.

Hài nhi được hoài thai từ nước. Nước thanh khiết, trắng trong, mạnh mẽ và yếu mềm. Cô du ngoạn trên sông trăng, trong lòng đang vui, ban cho hài nhi thánh thiện, được hưởng ân cô, được hưởng lộc cô, từ đó mà bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ.

Linh hồn đứa bé tụ lại rồi tan biến. Tiếng nói âm u, loang loáng như dội về từ cõi nước. Sao mẹ lại bỏ con, hài nhi nặng lòng trần.

Cô Bơ vui chơi
Đứng mũi thuyền rồng
Yêu mến thanh đồng
Lễ vật dâng hoa.

Cô chèo đò lướt đi. Chỉ còn lại một vùng sáng nhức nhối.

Tôi choàng tỉnh. Tiếng hát văng vẳng bên tai “Yêu mến thanh đồng/ lễ vật dâng hoa”.

Đột nhiên tôi đứng dậy, bước ra khỏi phòng. Mẹ ngơ ngác nhìn tôi.

Tôi đi ra gian hàng, lặng lẽ ngồi xuống kết hoa. Từng ngón tay trôi trên từng sắc trắng. Cô bảo tôi kết hoa chờ đợi. Lòng tôi hướng về một vị thanh đồng chẳng rõ mặt rõ tên.

6.
Tôi đã chờ được người, đã gặp được người giữa dòng đời cuồn cuộn chảy trôi. Gặp nhau âu cũng là duyên, là ơn cô sắp đặt. Mẹ bảo, tôi hợp với thầy, thầy mới thấu suốt được nỗi đau của tôi, nói giùm tôi những thanh âm vang lên từ vô ngôn. Tôi thấy lòng mình tĩnh lại, ngồi bên Trân – là Trân – tôi thích được gọi là Trân, chứ không phải là thầy. Trong lòng tôi dấy lên một xúc cảm lạ thường. Nếu mẹ biết tôi nghĩ vậy thì thế nào cũng mắng tôi là bất kính…

Đoàn khách quen đã về nhưng Trân còn ở lại. Trân với lấy chiếc đàn nguyệt, so dây và gảy đàn. Đôi mắt Trân nhìn về cõi nào, mông lung và xa vắng lắm. Tôi thấy bóng mình nơi đáy mắt Trân, chao đảo và run rẩy. Tiếng đàn cất lên, réo rắt, từng âm sắc vỡ ra rồi tụ lại, loang loáng như nước.

Trân cất giọng trầm buồn, nỉ non, vừa xót thương vừa oán trách.

Hoa đào còn đợi gió đông
Xót người thục nữ tơ hồng chưa trao…

Tôi nhìn Trân, bất giác nước mắt chảy xuống. Trân vẫn chìm trong một cõi mơ hồ, dẫn dụ vào cô đơn. Trân đang hát hay đang khóc cho tôi? Từng ngón đàn như vỡ ra từ những cơn đau của tôi.

Hôm sau, Trân dắt tôi vào cửa cô. Tôi đi cùng thanh đồng mà cô yêu mến. Khi người đến, linh hồn hài nhi tụ lại về bên tôi báo cho người.

Trân sẽ là cầu nối cho tôi đến cửa cô sám hối. Tôi dâng cô hoa trắng. Lòng hoa thanh bạch, trút hương thơm đến kiệt cùng.

Năm lần thỉnh chuông, tôi quỳ lạy vái cô năm vái. Trân lầm rầm khấn, lời cầu xin ai oán, nỉ non. Hai lần đầu xin đài, đồng tiền âm dương xoay tít trong đĩa. Tôi cúi rạp người xin tạ tội. Lần xin đài thứ ba, đồng tiền sấp ngửa. Tôi đỡ lấy đĩa tiền âm dương vái lạy tạ ơn cô. Cô ngồi trên đài cao, khuôn mặt buồn rười rượi. Trách mắng đã đủ rồi. Lòng cô mềm như nước. Sao không thể tha thứ cho người đang chịu đau đớn ở trần gian?

Cả người tôi nhẹ bẫng. Tôi thấy mình bay theo bóng cô. Phấp phới một màu trắng như ảo ảnh. Tôi bay trên những đám mây trắng xốp. Hồn tôi nương náu vào những sợi tơ mềm của bầu trời. Hơi nước từ mặt sông dâng lên mát lành. Tôi hít thở thật sâu cái không khí thanh sạch và trong trẻo. Nó trùm phủ mọi giác quan tôi.

Con thuyền trắng từ từ hiện ra. Nhịp chèo chậm rãi, khoan thai. Nước vỗ về như ôm ấp, vỗ về mơn trớn. Tiếng hát, tiếng đàn tha thiết. Lòng tôi náo nức, rưng rưng.

Chèo về đền đây
Tới phủ tới đền
Đền xinh cảnh lịch
Bốn mùa phong quang
Thuyền rằng thuyền ai
Lơ lửng bên giang
Thuyền cô Bơ Thoải
Rước Mẫu sang đền này
Tới bến cô ơi
Xin cô gác mái chèo bơi cô sắm sửa vàng hương cô lên đền
Khoan lại hò khoan.

Từ chiếc thuyền rồng trắng, tôi thấy một hài nhi. Bé bỏng và yếu mềm như nước. Được quấn trong một chiếc khăn màu trắng. Tự nhiên, tôi thấy lòng đau thắt. Tôi khóc. Nước mắt tuôn hòa vào nước sông. Nước sông dâng lên, cuồn cuộn chảy vào trời. Thuyền cô bay trên những đám mây. Tiếng đứa trẻ khóc hòa vào tiếng hát. Tôi thấy mình rơi xuống, chầm chậm, rơi vào lòng sông. Tôi vùng vẫy trong nước, không thể bay lên được. Rồi đuối dần, đuối dần. Đứa trẻ tan ra thành những giọt nước trong suốt. Tôi chìm vào mê man.

Có tiếng người gọi Linh Sương, Linh Sương. Ai đó lắc mạnh vào người tôi. Tôi từ từ mở mắt, đờ đẫn nhìn quanh. Trân xốc tôi ngồi thẳng dậy, day day hai bên thái dương và lòng bàn tay tôi. Tôi chỉ chực gục xuống và khóc. Mẹ giữ tôi ngồi thẳng. Bóng cô đi rồi, đừng khóc nữa. Mẹ nói với tôi, cố kiềm lại mà giọng cứ nghẹn ngào. Đôi mắt mẹ đỏ hoe. Thế là bóng cô đã về trong hình hài của tôi. Cô vẫn buồn như từ trong tiền kiếp với tình yêu dở dang. Cô khóc bằng giọt nước mắt tôi. Cô đau bằng chính cõi lòng tôi. Cô chung thủy đợi chờ qua thác ghềnh thời gian bằng chính trái tim tôi. Bóng cô lồng trong thân thể tôi, vừa yếu mềm, vừa mạnh mẽ, thực đấy mà cũng ảo đấy, như những sợi tơ thoát ra khỏi từng kẽ tay. Cô cho tôi nhấp chín ngụm nước nhiệm màu lấy ở sông Ngân. Từng giọt nước trôi qua cuống họng, lan tỏa vào từng mạch máu, những tế bào khe khẽ hồi sinh…

7.
Chúng tôi từ biệt Trân. Tôi tặng Trân cây đàn nguyệt. Trân cầm đàn, bước xuống thuyền, xuôi theo dòng sông. Tôi thấy bóng cô thướt tha ẩn hiện trong từng con nước. Mái chèo khoan thai, đẩy bóng Trân xa dần. Tôi cứ đứng ngẩn ngơ mà nhìn bóng Trân nhạt nhòa tan theo con thuyền trắng. Chẳng mấy chốc mà hết khúc cua của con sông Lèn trước cổng đền. Trước mắt tôi chỉ còn lại một khoảng trắng mênh mông. Tôi sẽ đứng ở đây bao lâu để chờ Trân trở lại? Bất chợt thoảng trong gió có tiếng đàn, tiếng hát “Lênh đênh qua cửa Thần phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.

Tôi khóc. Nhớ đến tiếng hát ai oán của Trân buổi nào: “Hoa đào còn đợi gió đông/ Xót người thục nữ tơ hồng chưa trao”.

Tôi gạt nước mắt chạy ào vào cửa cô. Thềm nhà cô đầy hoa trắng dâng hương. Những cánh hoa mỏng tang, trong suốt đang kể chuyện về những sắc trắng. Tôi bước qua những bậc thềm hoa, khấu đầu trước cô. Thỉnh một tiếng chuông, hồn tôi phiêu linh về một cõi hoa trắng đầy thơm thảo.

NGUYỆT CHU

(Văn nghệ Bình Định số 112 tháng 8.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Về nhà sớm mai

Chị ngẩng mặt lên. Lần đầu chị dùng mắt để đối diện với bà Bá. Chị nói câu từ chối bằng mắt, và cũng dùng mắt để van lơn. Đôi mắt của chị đục và mờ dần như chực chờ…

Con thuyền xuôi dòng

Một dòng sông và người con gái đang trôi. Anh cố gắng chạy theo nhưng không được. Anh muốn cô biết có người đang chạy theo mình…

Thơ dự thi của Phạm Thanh Phương

Chúng ta như những toa tàu
Kéo lê ngày tháng
Tới điểm cuối cùng mà chưa được sống
Đúng nghĩa: Một con người
Biết cho đi những gì quý giá nhất của mình…

Nhà thơ Trần Kim Hoa

Kể từ tập thơ đầu tiên “Nơi em về” đến nay, nhà thơ Trần Kim Hoa đã có hơn 30 năm nặng nợ với thơ. Thơ chị neo vào lòng người đọc bởi những chiêm nghiệm, trăn trở đầy xúc cảm…