Kiến Vàng và cây Bưởi

(VNBĐ – Văn học thiếu nhi). Sát vách tường rào của một vườn cây ăn trái có gia đình nhà Kiến Vàng sinh sống đã khá lâu. Ngày ngày, chúng rủ nhau trèo lên ngọn những cây hoa, cỏ bắt côn trùng và ngắm cảnh, chơi đùa. Lúc trời nắng gắt, chúng bò xuống mặt đất, nép mình trong tán lá cỏ trốn nắng. Tổ tiên nhà kiến xưa nay vốn đoàn kết và tính tự vệ rất cao, nhưng chúng chỉ tấn công những kẻ xâm phạm chủ quyền của mình chứ không tự gây thù chuốc oán với ai cả.

Minh họa: Nguyễn Phương Nghi – Lớp vẽ ARTCLASS – Thị xã An Nhơn

Mùa mưa đến, những cơn mưa dầm dề làm cho nước chảy lênh láng khắp nơi, chỗ đàn kiến ở là mô đất cao nhưng cũng có nguy cơ ngập lụt. Trước tình hình nguy cấp, Kiến Chúa gọi đàn con lại bảo:

– Những ngày sắp tới, trời sẽ mưa to nên chúng ta không thể ở đây được nữa. Các con hãy thu xếp đồ đạc để chúng ta lên đường tìm nơi ẩn náu.

Nhanh như chớp, đàn kiến đã thu xếp xong hành lí và lục tục lên đường. Chúng hành quân về phía những cây ăn trái cổ thụ gần đó.

Kiến Chúa quan sát hồi lâu rồi dẫn đàn con đến bên gốc cây Ổi, trịnh trọng xin phép:

– Bác Ổi ơi! Nhà chúng tôi đã bị nước lũ cuốn trôi, giờ ở dưới mặt đất chỗ nào cũng nguy hiểm cho đàn con tôi quá. Tôi xin bác cho gia đình chúng tôi nương náu ít hôm với ạ.

Chị Ổi vốn tính kiêu ngạo, lại không thích ai làm phiền đến mình cả, bèn tỏ ra khó chịu:

– Không được đâu, mẹ con nhà chị đông như thế làm sao tôi chịu nổi. Mưa gió thế này, một mình tôi chưa chắc đã trụ được, làm sao cõng thêm mẹ con nhà chị chứ. Chị đi đi.

Đi qua một vài cây khác đàn kiến cũng nhận được những cái lắc đầu. Kiến Chúa buồn thiu. Cây cối rất nhiều nhưng Kiến Chúa phân vân không dám mở lời thêm lần nữa vì nghĩ cho cùng chị Ổi nói cũng đúng. Giữa mưa gió thế này, ai cũng còng lưng mà chống chọi để giữ lấy mạng sống cơ mà, làm sao họ dám nhận lời giúp đỡ cho mẹ con chị được. Chị thương đàn con không biết đi đâu bây giờ bèn ngồi khóc hu hu. Thấy vậy, cây Bưởi thương tình gọi đến:

– Chị Kiến Chúa ơi, nhà tôi không rộng lắm nhưng có lẽ đủ chỗ cho mẹ con chị trú ngụ đấy. Chị dẫn các cháu lên đây đi.

Kiến Chúa mừng quá, vội cảm ơn rối rít rồi bảo các con nhanh chân trèo lên cây Bưởi.

Đêm hôm ấy, mưa như trút nước, gió rít ầm ầm. Một số cây trong vườn không đủ sức chống cự đã bị gãy cành hoặc đổ gục xuống. Cây Bưởi gắng hết sức mình chống đỡ trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên và luôn miệng nhắc nhở:

– Các bạn kiến nhớ bám chặt vào tôi nhé.

Dường như sự cố gắng của cây Bưởi lúc này không chỉ vì bảo vệ sự sống cho bản thân mà còn bởi trên lưng chị còn đang cõng thêm cả gia đình nhà kiến. Chị không thể buông xuôi dù chỉ là một giây một phút.

Thế rồi đêm mưa bão khủng khiếp cũng qua. Bầu trời bắt đầu ửng nắng. Cả vườn cây tiêu điều, xơ xác chỉ có một số cây vẫn giữ được thân hình nguyên vẹn như Bưởi, Mít, Ổi, Xoài… số còn lại bị gãy cành hoặc đổ ngã. Cây Bưởi thở phào nhẹ nhõm, vuốt lại mái tóc rối tung vì bão rồi hỏi thăm Kiến Chúa:

– Đêm qua có cháu nào bị gió đánh rơi không chị?

Kiến Chúa nhìn qua đàn con một lượt rồi đáp:

– May quá chị ạ. Các cháu đều giữ được an toàn. Mẹ con, bà cháu tôi mang ơn chị nhiều lắm.

Chị Bưởi lắc đầu:

– Không có gì đâu chị. Giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn là việc nên làm. Nếu chị không chê, tôi mời mẹ con chị ở lại với tôi cho vui cửa vui nhà chứ tôi thấy bọn trẻ sống ở dưới đất chẳng an toàn chút nào đâu chị ạ!

Kiến Chúa nghe thế vui như mở cờ trong bụng nhưng cũng còn áy náy:

– Được thế thì may mắn cho gia đình tôi quá! Tôi chỉ sợ các cháu làm phiền đến chị quá thôi.

Chị Bưởi cười hiền:

– Có gì đâu mà phiền, tôi thấy vui là đằng khác.

Kiến Chúa mừng quá liền nói:

– Vậy từ nay, mẹ con bà cháu nhà em xin phép mượn thân chị làm tổ. Em sẽ bảo ban các cháu ngày ngày giúp đỡ chị dọn dẹp nhà cửa và xua đuổi những kẻ đến đây phá hoại chị nhé.

Mít, Ổi, Xoài đứng bên cạnh thấy vậy cũng bĩu môi cười khẩy:

– Nhà Bưởi khéo đi lo chuyện bao đồng. Để sống một mình cho thoải mái, hơi đâu mà lo chuyện thiên hạ.

Mặc cho hàng xóm cười chê phản đối, cây Bưởi vẫn không hề nao núng.

Kể từ hôm đó, gia đình nhà Kiến lọ mọ làm tổ trên cây Bưởi. Ngày ngày, chúng dọn dẹp nhà cửa và tiêu diệt lũ côn trùng dám bén mảng đến cây Bưởi.

Sống ở trên cao, ngày ngày các bạn kiến quan sát thế giới hoa cỏ lung linh sắc màu trên mặt đất, rồi đêm đêm ngắm ánh sao trời và đắm say trong lời ru của gió. Những ngày mưa cũng không còn nỗi lo lắng phải dọn nhà. Quả là một cuộc sống đẹp hơn cả giấc mơ.

Mùa xuân đến, khí hậu ấm áp, chan hòa, cây cối đua nhau đâm chồi nẩy lộc dưới nắng mai. Cây Bưởi mùa xuân như một nàng thiếu nữ xinh đẹp rạng ngời. Lá xanh biêng biếc, những chùm hoa trắng như tuyết tỏa ra thứ hương thơm dìu dịu, thoang thoảng mà ai ghé thăm cũng đều lưu luyến. Lũ ong bướm cứ quấn quýt vờn quanh hít hà hương bưởi như chẳng muốn rời xa. Lũ sâu bọ thèm thuồng nhưng không dám bén mảng tới gần vì sợ đàn kiến. Nhìn thấy đàn con chi chít từng ngày nhú lên trên khắp thân thể mà lòng chị Bưởi vui rạo rực. Cố chắt chiu dòng nhựa sống ngọt ngào để nuôi đàn con khôn lớn. Những mùa trước, đàn con của chị cũng rất đông, nhưng lũ côn trùng phá hoại nhiều nên chỉ được ít hôm là chúng rụng hết, chị không thể nào giữ được đàn con mà lòng buồn rười rượi. Nay nhờ đàn kiến sống ở đây tiêu diệt và xua đuổi nên tuyệt nhiên chị không thấy kẻ phá hoại nào mon men đến gần. Chị hy vọng lứa này sẽ cho mùa quả ngọt.

Quả nhiên, những quả bưởi tròn trọc lóc không hề rụng mà lớn nhanh như thổi, ai nhìn cũng tấm tắc khen. Trong khi đó, những cây cối xung quanh bị sâu bọ tấn công ăn hết lá, đục khoét thân thể nên quả non rụng đầy quanh gốc. Cây nào lá cũng xơ xác tiêu điều. Thấy vậy, chị Bưởi nói với Kiến Chúa:

– Chị có thể bảo các con sang giúp đỡ hàng xóm của tôi được không?

Kiến Chúa không ngần ngại gật đầu. Chị Bưởi cố vươn mình làm chiếc cầu bắc sang nhà hàng xóm. Chỉ trong chốc lát, đàn Kiến Vàng tỏa ra khắp nơi, cặm cụi bắt lũ côn trùng đang phá hoại. Chỉ mấy ngày sau, cây nào cây ấy đều sạch sẽ, thoải mái hẳn lên. Chị Ổi tỏ ra ân hận vì chuyện trước kia đối xử với đàn Kiến Vàng. Chị nói:

– Chị Kiến Chúa và các cháu cho tôi cảm ơn vì đã không hờn trách tôi mà còn hết lòng giúp đỡ tôi thế này. Tôi thật ngại quá.
Mấy chú Kiến Chúa tươi cười đáp lại:

– Không sao đâu cô ạ! Chúng cháu không để bụng chuyện đó đâu.

Thế là nhờ sự rộng lòng của cây Bưởi và sự nhiệt tình của đàn Kiến Vàng mà lũ côn trùng bị tiêu diệt, hoặc bỏ đi nơi khác. Khu vườn lại trở nên xanh mướt, quả lúc lỉu đầy cành. Ngày ngày, đàn chim bay về ca hát nhảy múa líu lo, chị gió đến giúp cây ru đàn con say giấc và thu những túi hương thơm đi rải khắp vườn. Đàn Kiến Vàng không ngừng sinh sôi, làm tổ trên thân của tất cả các cây trong vườn. Ai cũng phấn khởi, vui mừng chào đón những người bạn tí hon, cùng chung sống vui vẻ trong khu vườn đầy hoa trái ngát hương.

LÊ THỊ XUÂN

(Văn nghệ Bình Định số 112 tháng 8.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…