Khát khao một đời sống bình yên cho hết thảy…

(VNBĐ – Nhân vật). Lặng lẽ viết. Cần mẫn và chân thành. Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ quen thuộc với bạn đọc với lối văn giản dị, gần gụi mà sâu gợi. Năm 2023 là năm nhiều dấu ấn với chị khi ba tác phẩm liên tiếp được ra mắt: Truyện dài nhặt (NXB Kim Đồng), tập truyện ngắn Nào cùng nhón chân (NXB Trẻ) và tập tản văn Thương quá nục ởi! (NXB Tổng hợp TP. HCM). Điều đặc biệt, là cả ba ấn phẩm này đều được các Nhà xuất bản lựa chọn, in ấn và phát hành.

Phóng viên tạp chí Văn nghệ Bình Định đã có cuộc trò chuyện cùng chị.

– Chúc mừng chị. Một năm, ba đầu sách. Lại đều được các Nhà xuất bản chọn, chịu trách nhiệm in ấn và phát hành. Một niềm vui mà không phải người viết sách nào cũng có được…
+ Cám ơn bạn. Có lẽ 2023 là năm đặc biệt nhất trong hành trình sáng tác của tôi khi cùng lúc được in ba tập sách. Tôi nghĩ đó là sự may mắn ngẫu nhiên. Bởi, ba tập bản thảo được tôi gửi cho ba Nhà xuất bản vào những thời điểm khác nhau từ các năm 2021, 2022, 2023 lại ra đời vào cùng năm.

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ – Thật may, là tôi vẫn nuôi dưỡng được tình yêu dành cho thiếu nhi. Và viết cho các em cứ như thể tôi được thanh lọc tâm hồn và thấy mình nhẹ nhõm, cân bằng. Ảnh: V.P

– 15 truyện ngắn trong tập Nào cùng nhón chân bật lên một miền Trung nắng nỏ, cơ cực mà đầy ắp tình thương. Khơi ấm lên những điều tốt đẹp từ những lấm láp bình dị. Chị thấy những đứa trẻ miền Trung có gì đặc biệt hơn những đứa trẻ xứ khác?
+ Có chứ! Từ chính khí hậu và môi trường sống khắc nghiệt ở vùng đất này nhưng cũng từ đấy, đã lóe bừng và nảy nở trong tâm hồn các em sự chân thành, thiện lương… Đó là điều tôi đã nhìn ra và thấu cảm. Chỉ tiếc là khả năng của mình còn hạn chế nên những nhân vật trẻ con của mình vẫn chưa bày, phơi ra đủ đầy. Có nhiều cảnh đời và cuộc sống của các cháu, dẫu tôi đã nắm níu và đã thương yêu nhưng vẫn chưa được sẻ chia trọn vẹn. Viết cho những đứa trẻ ở miền Trung này, mà như vậy, là thiếu và dở. Tôi vẫn chưa thực sự hài lòng về những gì mình thể hiện.

Nhặt là một truyện dài nhiều xúc động. Chị từng chia sẻ về bản thảo này rất lâu trước đây, sao giờ mới ra mắt bạn đọc?
+ Tôi vẫn nuôi nấng ý nghĩ viết một truyện dài về chính gia đình mình. Một lối sống Bắc, nề nếp Bắc… Và đã bắt đầu viết cách đây trên chục năm nhưng chỉ viết chừng một ngàn chữ rồi dừng. Sau đó, cũng mấy lần định tiếp tục nhưng vẫn không thể. Khổ một nỗi là tôi lại không buông rời được vẫn cứ loay hoay ngẫm ngợi. Nào là ý rồi phác thảo truyện, minh họa nhân vật… Chán và bực, tôi đã tính bỏ mặc. Covid – 19 ập tới và tôi thật sự khủng hoảng. Nỗi lo sợ mình có thể mất đi và sẽ không được thấy đứa con đã cưu mang, ngần ấy tháng năm được chào đời. Đâu ngờ, lại là những thôi thúc mãnh liệt cho tôi hoàn thành nhặt chỉ trong vòng mấy tháng. Với kết cấu của truyện và cách giới thiệu người nhà nhiều tinh nghịch như: “bố, đích thị con giai của bu”, “anh Thái là rất… ái”… rồi chi tiết (có những thứ đúng hệt và không hiếm là hư cấu) cuối cùng. Nói thế để thấy tôi đã chuyển đổi nhặt trong tâm trí của mình hằng bao lần. Viết xong, tôi khóc một trận đã đời và báo ngay cho Lê Hoài Lương, là một người bạn mà vợ chồng tôi rất gần, thân. Và, gửi ngay cho Hường Lý là biên tập viên của NXB Kim Đồng với lời nhắn gửi sốt sắng nhờ đọc ngay. Nhắc kể lại vẫn thấy buồn cười. Mà mắt lại cay cay…

– Nhặt những yêu thương qua lăng kính cậu bé Tính, cậu trai út của một gia đình gốc Bắc. Nhặt không hẳn chỉ gói ghém việc con người biết trân trọng những giá trị gia đình, trân trọng những điều tử tế, có thông điệp xã hội gì khác chị muốn nhắn gửi qua nhặt?
+ Có đấy! Mỗi người đọc, qua góc nhìn, lăng kính của mình, có lẽ sẽ tìm thấy một điều gì đó. Và, nhỏ nhoi thôi mà… Khó có thể biết nghĩ cho tha nhân cho cộng đồng, khi mà, một đứa trẻ không biết thương yêu và gắn bó với những người thân với chính gia đình của mình.

Thương quá nục ởi!, ghi dấu 35 năm làm dâu đất Bình Định. Tôi thì cứ nghĩ từ lâu, chị đã là dân Nẫu chính hiệu…
+ Chẳng phải chỉ có ngần ấy năm làm dâu xứ này tôi mới thuộc về nơi đây. Mà ý nghĩ mình là người Bình Định, đã có ở trong tôi từ khi mình là một đứa trẻ kìa! Vì từ bé, tôi đã sinh sống và lớn lên ở đây. Nên đâu có lạ khi tôi đã nói năng, ứng xử, sinh hoạt… như dân Nẫu thứ thiệt. Và, nói thế không có nghĩa là tôi đã bẵng quên mọi thứ liên quan đến miền Bắc đâu nhé!

– Có vẻ chị rất mê ẩm thực, nhất là ẩm thực xứ Nẫu?
+ Tất nhiên, tôi ưng sự thấm tháp, mặn mà từ ẩm thực của người Bình Định. Trong đó, tôi mê nhất là mắm. Từ mắm trong cho tới mắm mực, mắm ruột… Mắm gì cũng ưa và ưng ăn mặn. Đúng kiểu dân miền Trung. Mắm trong cứ để nguyên vậy và dằm trái ớt. Chứ pha chế cho ngòn ngọt, chua chua là tôi lại không muốn. Nhưng, giờ phải uống thuốc huyết áp và tim mạch mỗi ngày rồi sức khoẻ không ổn, nên bỏ hết. Uổng ghê…

– Chị viết khá nhiều về các món ăn ngày Tết. Những ngày cuối Chạp này, đọc văn chị, độc giả bồi hồi nhiều thứ. Chị đã chuẩn bị gì cho Tết này chưa, từ những thức quê quen thuộc…
+ Tết này cứ để coi sao! Chứ mấy năm trước, chúng tôi thường làm thịt heo và bò thưng (món của người miền Trung) rồi làm giò thủ (món của người Bắc)… Nhà thường có tré rồi mấy phong bánh đậu xanh, bánh in, bánh tét. Cũng là của nẫu làm và được cho. Là người ở quê như trên Vĩnh Thạnh, ngoài Phù Cát, Tam Quan. Chứ ngay đây, đâu mấy nhà chịu làm vì đặc sản địa phương giờ bán chẳng thiếu gì! Vẫn biết là vậy nhưng, cuối Chạp vợ chồng lúi húi với nhau bên chảo thịt, hũ dưa muối chua và gian bếp nhỏ sực nức mùi mắm tiêu, hăng hăng mùi rau củ mới đầm ấm sao! Sau khi má chồng tôi mất, nhà vẫn chỉ trọn lỏn hai người và đã lớn tuổi. Ăn chẳng bao nhiêu rồi bạn bè và em út đùm túm vui vầy, càng lúc càng thưa vắng, nên bới dở như những năm còn khỏe thì ngại quá!

– Dường như “vốn lận lưng” của chị còn khá nhiều?
+ Tôi còn bản thảo khoảng năm, sáu tập các thể loại. Vẫn đang còn gom góp lại rồi sửa chữa và xếp soạn. Công việc này làm mất thời gian không ít và khiến tôi, nhiều khi nhức đầu. Mấy năm gần đây sức khỏe của vợ chồng tôi suy yếu hẳn, nên cũng bị ảnh hưởng. Thật may, là tôi vẫn nuôi dưỡng được tình yêu dành cho thiếu nhi. Và viết cho các em cứ như thể tôi được thanh lọc tâm hồn và thấy mình nhẹ nhõm, cân bằng. Tôi còn dang dở một tập truyện ngắn và một truyện dài và với cái kiểu làm việc thế này, chừng nào xong tôi không dám nói trước. Cả chuyện in ấn các tác phẩm tiếp theo nữa.

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ sinh năm 1955, quê gốc ở Hà Nam, sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng sống và gắn bó với Quy Nhơn từ bé đến nay. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng in nhiều đầu sách như: Mắt núi (Tập truyện ngắn, 2004); Món quà của mùa hè (Tập truyện ngắn, 2007); Những câu kinh chấp chới (Tập truyện ngắn, 2008); Tiếng hát liêu điêu (Tập truyện ngắn, 2013); Thế gian không phút thứ sáu (Tập truyện ngắn, 2013); Theo một người về biển (Tập truyện ngắn, 2017); Nến, bờ sông và acoustic (Tạp văn, 2017); Góc phố ba người (Tập truyện ngắn, 2022)…
Chị từng nhận được nhiều giải thưởng văn chương uy tín như: giải Ba Báo Văn nghệ năm 2000; 02 giải Tư Tạp chí Văn nghệ Quân đội các năm 2002, 2006; giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu lần II, IV,V,VI.

– Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này. Chúc chị và gia đình đón một cái Tết vui vầy và đầm ấm!

VÂN PHI (thực hiện)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lính đảo

Dường như, tôi có duyên nợ với Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh đóng quân ở xã Nhơn Châu, nên ngay sau lễ phát động Cuộc thi viết về đề tài LLVT, tôi chọn lính đảo…

Sức trẻ ở đảo tiền tiêu

Sự bất ngờ thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là được “ba cùng” với những người lính Cụ Hồ: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt…

Bí ẩn La Vuông

Khám phá La Vuông, không chỉ khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ sảng khoái mà còn khám phá những bí ẩn được kể dưới mây ngàn…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…