Kẻ bộ hành cô đơn…

(Đọc tập thơ Chân bèo lọc nước của Khổng Vĩnh Nguyên, NXB Hội Nhà văn, 2021)

(VNBĐ – Đọc sách). Chân bèo lọc nước (NXB Hội Nhà văn) là tập thơ của thi sĩ Khổng Vĩnh Nguyên vừa ra mắt bạn đọc đầu năm 2021. Với Khổng Vĩnh Nguyên, viết đã như là hơi thở. Nói vậy để hiểu rằng thơ với ông đã là nơi vin tựa, là nguồn sống, chốn neo trú những buồn vui xúc cảm máu thịt đời mình.

Dường như ông không có thói quen “trì hoãn” những cảm xúc của mình. Mọi thứ ập vào Khổng Vĩnh Nguyên, và trong tích tắc, tiếng lòng bật lên, thành thơ. Trong Chân bèo lọc nước có hai trường ca và hơn 500 bài thơ của ông, chủ yếu là tạng thơ 4 câu, thiên về lục bát. Nhiều bài không cần đến tiêu đề. Đến với thế giới trong Chân bèo lọc nước, chỉ thơ và thơ với dày đặc những chiều kích cuộc sống, nỗi niềm với bản quán quê hương, nỗi nhớ ruộng đồng quắt quay, hình ảnh mẹ già và bao thế thái nhân tình với những đổi biến, xáo trộn… Mọi thứ tuôn chảy, ào ạt và mãnh liệt.

Nỗi nhớ xuất hiện với tầng suất dày đặc trong thơ ông, đưa thi nhân về những không gian, thời gian khác nhau: Nhớ rừng dương nhạc cổ đìu hiu; Anh ngồi nhớ nắng hồng đỉnh núi; Một mình ngồi nhớ hoang sơ; Thơ anh im lặng bời bời/ Nhớ mo cơm nguội nón cời mẹ cha… Và đâu đó, nỗi nhớ phác tạc nên hình hài một người đã phụng hiến cho tình yêu nhưng trái tim như lạc vào thế giới của khổ đau bởi những cách xa, vỡ vụn. Kẻ thi nhân nặng lòng. Câu thơ buồn da diết. Ở khía cạnh này, Khổng Vĩnh Nguyên có những câu thơ độc đáo, giàu cảm xúc như: Ngồi buồn gõ vách tụng kinh/ Nhớ gì không nhớ, nhớ tình chúng ta; Anh nhớ em như ngôi nhà kín cửa/ Như ngày đau không thấy mặt trời; Anh ngồi nấu bữa cô đơn/ Không ăn để nhớ em hơn mọi lần…

Người thơ Khổng Vĩnh Nguyên như một kẻ bộ hành cô đơn, gom nhặt lấy bao thương đau cuộc đời. Vì lẽ, ông đồng cảm sâu sắc những nỗi đau ấy. Và bản thân ông cũng nhuốm đầy những xa xót, tiếc nuối trong những cuộc du hành lang thang. Để rồi nơi ấy, những quạnh quẽ riêng tư, nỗi cô đơn cứ mặc sức dâng phủ. Ngay cả lúc ông tỏ ra gàn dở, thì cảm giác cô đơn kia vẫn gắn chặt: “Anh ở phố như ở rừng kiếm củi/ Đời văn minh tàn hại những tiều phu/ Trăng qua phố, trăng nhớ làng đứt ruột/ Buồn hóa thành vui, anh đăng ký ở tù” (Đăng ký ở tù). Và: “Anh ngồi nói chuyện với rau/ Vì em chối bỏ niềm đau quê nhà/ Si mê thành bão tràn về/ Ôi người thảo khấu mất quê tủi hờn/ Ôi người thảo khấu cô đơn/ Hét rung núi đá nghe rờn rợn đau…”.

Đến với thơ Khổng Vĩnh Nguyên là đến với chất phóng khoáng bụi đường không câu nệ thể thức, để từ đó bật lên những điều gan ruột. Và, trong chừng mực nào đó, người đọc lằng lặng nhận ra một nỗi niềm tha nhân, của kẻ luôn muốn dốc tìm một sự đối đãi chân thành và tử tế, như cái cách mà ông “cảm thán” trong bài thơ Nói bậy: “Khi gặp mọi người anh hay nói bậy/ Chẳng xúc phạm ai, cốt để vui cười/ Tỏa bớt khói lòng oằn lau sậy/ Vậy mà em ưa khẩu phật tâm xà/ Càng cô đơn anh càng nói bậy/ Chưa gặp người nói bậy thiết tha”.

Thế giới thơ Khổng Vĩnh Nguyên là chốn rạ rơm đời thường, của những buồn đau, của thân phận bèo bọt, nỗi cô đơn. Cuộc đời ông như bị đày đọa vì lỡ vướng nghiệp thi nhân. Bắt ông lang thang cho trọn kiếp tha nhân mà hồn nhiên như con trẻ, mà đau khổ kiệt cùng cùng bao nổi trôi thân phận, mà căm giận trước những điều chướng tai gai mắt. Khổng Vĩnh Nguyên ngoái nhìn đời mình, chỉ thấy những ký ức đắng chát, ông từng viết: “Cha đi biển chết oan cùng mộ gió/ Mẹ còng lưng rải giống khắp ruộng phèn/ Khổ quá nhiều nên không còn biết khổ/ Anh ở đợ cày thơ kiếm sống để yêu em”. Trong hành trình thơ của mình, người thơ vẫn miệt mài cuộc ruổi rong với số phận, “hát những đồng dao” riêng mình… Để rồi, lúc gom nhặt niềm vui bé mọn hay khi đã đủ thấm mệt, ông lại về với thơ, nghe thơ im lặng thủy chung san sớt. Đọc những câu thơ này của ông, người đọc xúc động bởi thấy Khổng Vĩnh Nguyên đã trọn lòng với nghiệp thơ. Và cũng thấy ông, thật cô đơn: “Anh vẫn thấy đời không gì cả/ Với tấm lòng chân thật với bao la/ Sáu ba tuổi anh bắt đầu bỏ rượu/ Anh bắt đầu sống lại tuổi lên ba/ Thơ tha thiết như lời ru của mẹ/ Nuôi hồn anh khôn lớn khỏi tật nguyền/ Anh vẫn thấy đời không gì cả/ Với tấm lòng chân thật với bao la…” (Gửi người em gái phương xa).

Khổng Vĩnh Nguyên va đập vào cuộc sống thường nhật, và mọi thứ dễ dàng bật lên thành thơ. Thơ ông dung dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày mà sâu xa, giàu chất nghiệm sinh. Mặc cảm thân phận hay là ngạo khí của kẻ đi ngược lại với phía đám đông ta bà? Có lẽ đều thấp thoáng đâu đó trong thơ ông, tạo nhiều sự đồng điệu. Cũng có đôi khi, ta gặp những hình ảnh thơ cũ kỹ quen thuộc, những bài thơ chưa thật tròn ý, có phần dễ dãi. Nhưng vượt qua mọi thứ, điều đáng quý, đáng trân trọng ở ông là sức viết giàu nội lực, khả năng sáng tạo mạnh mẽ. Thơ ông là một riêng/ khác. Vì, ông đã dùng máu và nước mắt đời mình ủ ấm những câu thơ để trọn dâng cho người, cho đời…

VÂN PHI

(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…