Giữ trọn lời thề

(VNBĐ – Truyện ngắn). Ngoại mấy hôm rày mất ngủ. Ban đêm chỉ thiêm thiếp đâu chừng mươi phút lại giật mình tỉnh giấc. Ngoại lại ra nhà ngoài thắp nhang, xong ngồi xuống ghế nhìn lên di ảnh của cậu và ông ngoại trên bàn thờ mãi. Má nói: “Ngoại bây lãng lắm rồi. Nhiều khi thấy má mà cứ hỏi con Hai hay con Út đó bây. Vậy mà mấy chuyện hồi xửa hồi xưa của cậu Tư bây vẫn nhớ như in, cứ kể hoài kể miết”.

“Như chuyện cậu Tư thấy nhà nghèo không muốn đi học nữa. Ngoại rầy. Cậu Tư mới “trả treo” với ngoại: “Ai cũng đi học làm bác sĩ, kỹ sư rồi ai ở nhà làm ruộng, ai đi lính bảo vệ biên cương nữa má”. Vậy là nhất quyết nghỉ ở nhà. Nhưng số trời chưa cho cậu nghỉ. Cậu Tư bây đi lính lại được cấp trên gởi đi học tiếp, ra trường, trở thành anh lính biên phòng đóng quân tận Phan Rí Cửa xa xôi”.

“Chuyện cậu Tư lấy vợ. Chưa được mấy ngày lại phải để vợ ở nhà với ngoại ra đơn vị. Cả mấy tháng mới “có phép” trở về nhà với người vợ trẻ. Tội nghiệp. Cứ nghĩ sĩ quan biên phòng thì “lương lậu” nhiều dữ lắm chứ ai biết cậu Tư bây đến cái bật lửa, đôi dép của bà con ngư dân cũng nhất quyết không nhận riêng cho mình. Mợ Tư bây ở nhà với ngoại phải làm đủ thứ việc để mưu sinh. Được cái mợ Tư khéo léo, giỏi giang nên cũng đỡ. Hết chằm nón lại làm chổi xương dừa bỏ mối kiếm thêm”.

“Rồi chuyện cậu Tư bây hy sinh cả nhà không ai hay biết. Đến lúc đơn vị đưa về, ngoại chỉ kịp nhìn thấy cỗ quan tài màu sẫm, bên trên phủ lá cờ Tổ quốc cùng với bộ quân phục màu xanh. Đợt đó đang mùa bão, cậu Tư bây cùng anh em trong đơn vị đi giúp bà con không may gặp nạn, ra đi khi chỉ mới vừa tròn hăm bảy tuổi. Trẻ quá mà. Tội nghiệp. Nó hiền lành lại hay giúp đỡ bà con nên ai cũng thương cũng tiếc. Bà con ngư dân còn thuê cả chiếc xe vượt mấy trăm cây số để đưa cậu Tư bây về nơi an nghỉ. Cả cuộc đời của nó chưa có ngày sung sướng, chỉ biết làm và tận tụy cho đến hơi thở cuối cùng”. Giọng má nhỏ dần, bắt đầu nghèn nghẹn. Khải biết má cũng nhớ cậu Tư chứ riêng gì ngoại nên mới mượn chuyện ngoại nhắc với mình, chứ những chuyện này Khải đã nghe cũng đã mấy chục lần từ khi còn nhỏ xíu.

“Mà bây nè. Giờ bây cũng theo chân cậu Tư trở thành lính biên phòng đó nghe. Làm gì làm cũng phải nhìn gương cậu Tư mà học”. Má nói xong, bước thẳng vào nhà trong với ngoại, không chờ Khải trả lời. Ủa? Lạ ghê. Hay là má thấy có gì đó không bình thường từ Khải. Chắc không phải. Chỉ là do Khải nghĩ hơi nhiều. Nhìn lên di ảnh của cậu Tư trên bàn thờ, vẫn là nụ cười đó nhưng dường như đôi mắt của cậu đang nhìn mình chằm chằm khiến Khải nhột nhạt, vội quay mặt hướng khác.

***

Tháng Tư. Trời đang giao mùa. Căn nhà lợp bằng tôn thấp lè tè càng trở nên oi bức. Chiếc quạt máy treo tường dù đã mở hết công suất cũng không thể làm mát thêm. Lăn qua lật lại mãi cũng không tài nào chợp mắt được, Khải nằm đó, nghe tiếng ho khục khặc của ngoại, tiếng má rù rì ở phòng bên. Đợt này ngoại có vẻ yếu đi nhiều. Chắc phải đưa ngoại lên thành phố khám mới yên tâm. Cả má nữa. Khối u của má cũng cần phải mổ sớm chứ không thể trông chờ vào mớ thuốc Nam hay cây cỏ ngoài vườn được. Rồi căn nhà này nữa. Đã xuống cấp với những vết nứt chạy dài trên bức tường, tôn thủng lỗ chỗ nên mùa mưa nước tràn lênh láng cũng cần phải sửa sang lại. Nhưng khi nghĩ đến tiền, Khải chỉ biết thở dài. Đồng lương của Khải chỉ đủ để lo thuốc thang cho hai người già với chi tiêu trong nhà chứ làm gì có dư ra.

Hai mươi hai tuổi, Khải trở thành lính biên phòng về công tác ở gần nhà. Nói gần là so với các đồng đội khác chứ cũng cách nhà mấy mươi cây số, nhiều khi cả tháng trời cũng không thấy mặt Khải đâu. Đời người lính không thể chọn cho mình cuộc sống quây quần bên gia đình, sáng đi làm tối về nhà như những người khác. Đã dấn thân vào con đường này phải biết chấp nhận thầm lặng hy sinh để đem lại bình yên cho Tổ quốc. Đồn là nhà, biên giới, biển đảo là quê hương. Những câu này không phải Khải chỉ mới nghe trong những ngày đầu nhập ngũ mà trước đó, từ hồi cậu còn sống.

Nhớ hồi đó, Khải mới bảy, tám tuổi đầu đã thấy cậu xa nhà biền biệt, lâu lâu mới trở về trong vài ngày ngắn ngủi. Cậu Tư về, thể nào cũng mua quà cho Khải, lúc vài cái kẹo, khi gói bánh. Nhưng điều làm Khải thích nhất là được cậu Tư ôm vào lòng và đội lên đầu mình cái mũ kêpi. Trông oai lắm. Đám bạn chung xóm nhìn Khải cứ mắt tròn mắt dẹt, pha chút ganh tị khi thấy Khải có cậu làm sĩ quan biên phòng. Khải nuôi trong lòng mơ ước, một ngày nào đó khi lớn lên cũng sẽ giống như cậu, đầu đội mũ kêpi, trên người khoác lên bộ quân phục cùng quân hàm màu xanh. Uớc mơ của Khải đã trở thành hiện thực, tính đến giờ cũng đã được gần mười năm với quân hàm đại úy trên vai. Nhưng mà…

Khải nhớ tới lời đề nghị của gã đàn ông gặp mình hai hôm trước. Nếu nhận lời, Khải lập tức có ngay hai ngàn đô mỗi tháng. Hai ngàn đô la Mỹ đó. Gần năm mươi triệu đồng tiền Việt. Số tiền đó gấp năm lần mức lương Khải đang được nhận. Mà Khải có phải làm gì đâu, chỉ mắt nhắm mắt mở cho mấy chiếc tàu ra vào chỗ cửa sông. Nếu cần thiết Khải cũng có thể cho anh em lên kiểm tra lập vài cái biên bản vi phạm. Trạm trưởng trạm biên phòng mà. Cái cửa sông này nằm dưới sự tuần tra kiểm soát của Khải. Chỉ cần bao nhiêu đó còn mọi việc còn lại đã có gã lo.

Có tiền, Khải sẽ đủ điều kiện để lo cho bệnh tình của má, của ngoại. Có tiền, Khải sẽ sửa sang lại căn nhà này để mai mốt lấy vợ sinh con, còn có người hủ hỉ với hai người già. Mấy lần má nhắc chuyện vợ con, Khải chỉ cười trừ: “Con đi miết rồi tội nghiệp người ta, cứ từ từ đi má”. Cái từ từ của Khải cũng là muốn chờ khi có ngôi nhà tươm tất, lấy ai về họ cũng bớt tủi thân.

Nhưng sa vào rồi… Ngộ lỡ như có chuyện gì Khải làm sao để nhìn mặt má, nhìn mặt ngoại, rồi cậu Tư nữa. Đó là chưa kể đến những đồng đội ngày đêm lăn xả với mình. Không sao đâu! Mình chỉ làm một thời gian ngắn, kiếm đủ tiền rồi sẽ không làm nữa, trở về là thằng Khải như trước đây của má, của ngoại thôi mà. Khải nằm nghĩ ngợi cho đến khi chìm vào trong giấc ngủ lúc nào cũng không hay.

***

Bảy giờ tối. Những chiến sĩ của trạm biên phòng được chia làm ba tổ tuần tra. Tổ thứ nhất từ trạm biên phòng đi xuồng ngược lên phía thượng nguồn, tuần tra đoạn đường sông dài hơn mười cây số. Tổ thứ hai men theo con đường mòn dẫn lên núi. Và tổ thứ ba do đích thân Khải chỉ huy, cho xuồng chạy ra cửa sông.

Đêm. Gió thổi ràn rạt. Chiếc xuồng máy nổ phành phạch lướt nhanh về phía trước. Khải ngồi đầu mũi, đưa mắt nhìn bao quát xung quanh. Dưới ánh đèn pha, những thân cây đước hiện ra với vô số hình thù kì dị. Có cây giống với mặt người, có cây như đười ươi đang nhoài xuống nước, lại có cây được nhấc bổng lên lơ lửng trên dòng. Khải bật cười, nhớ lại khoảng thời gian mình mới về đây công tác. Đêm đầu tiên đi tuần, Khải giật mình suýt té khi nhìn hình thù của những thân cây đước. Bây giờ sau gần mười năm, nó lại trở thành một thứ không thể thiếu trong mỗi chuyến đi tuần tra đêm của Khải.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Hoàn đang ngồi ở cuối mạn xuồng tiến đến gần Khải lúc nào không rõ. Chỉ khi tay nó chạm nhẹ vào người thì Khải mới biết. Hoàn còn khá trẻ, xông xáo, lại hay tếu táo pha trò nên anh em trong đồn ai cũng yêu quý. Nhờ nó mà cuộc sống của anh em ở trạm biên phòng thêm phần thi vị. Với Khải, Hoàn như đứa em thân thiết nhất của mình. Khải hay nói với Hoàn: “Mày chọn nhầm nghề rồi Hoàn ạ. Đáng lẽ thay vì trở thành một chiến sĩ biên phòng thì mày phải trở thành một cán bộ đoàn, một MC hay thậm chí một diễn viên hài mới đúng”. Nhưng đêm nay, Hoàn có vẻ nôn nóng, suốt cả chặng đường chẳng thấy nó nói nhiều như mọi khi. Khải biết Hoàn định nói gì với mình nên ra dấu cho nó im lặng. Hoàn dường như hiểu ý nên cũng không nói gì nữa, nhanh chóng về chỗ của mình. Khải nhìn Hoàn trong lòng nảy sinh nhiều thắc mắc. Tại sao thằng Hoàn lại quen biết người đàn ông đó mà đưa tới gặp mình? Tại sao nó mới về đây hơn một năm mà rành rẽ vùng này còn hơn cả mình và ngoại?

Ngoại về vùng này cũng gần năm chục năm rồi chứ không ít, từ sau ngày giải phóng. Ngoại quê ở Quảng Nam. Vậy mà bôn ba theo chân ông vào tận Tháp Mười, rồi mới ngược về đây. Nhà nghèo, một mình nuôi con nhỏ nên ngoại hết đi làm ruộng lại đặt đó, đánh giậm, thả lưới, bán mắm nên hầu như cả vùng này khúc sông nào ngoại cũng rõ, xã nào ngoại cũng hay. Ngày trước khi còn minh mẫn, Khải vẫn thường nghe ngoại kể lại hồi còn ở Tháp Mười. Ông đi vào khu 9, ngoại ở nhà vừa lo cho mấy đứa con vừa làm giao liên cho bộ đội. Những đêm địch đi càn, nghe tiếng máy bay gầm rú là lo dọn đồ rồi dắt nhau xuống hầm trú ẩn. Ngoài những vật dụng cần thiết thì thứ mà ngoại luôn mang theo bên mình là ảnh Bác, như để khắc ghi lời kêu gọi của Người: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do…”. Rồi ông hy sinh, ngoại vẫn trụ lại ở Tháp Mười cho đến sau ngày giải phóng mới theo một người quen dắt mấy đứa con về đây sinh sống. “Ngoại hồi đó làm giao liên, cũng phải canh chừng tai mắt của kẻ thù từ bên kia biên giới đi sang thì có khác gì lính biên phòng tụi bây đâu”, ngoại luôn kết thúc câu chuyện bằng câu nói đó như muốn nhắc lại cho Khải nhớ những năm tháng hào hùng mình đã đi qua.

Chiếc xuồng máy đã ra hết cửa sông. Không có dấu hiệu gì bất thường. Một đêm bình yên với tổ tuần tra. Nhưng với Khải, trong lòng đang gợn sóng.

***

Đã hơn một tuần rồi mà Khải còn dùng dằng chưa quyết, mặc cho thằng Hoàn cứ to nhỏ bên tai: “Còn suy nghĩ gì nữa anh. Anh kiếm chén cơm thì em có thêm chút cháo. Anh em mình vất vả đủ đường lại thêm trách nhiệm nặng nề mà lương thưởng cũng có là bao”. Nửa muốn nghe theo lời nó, nửa lại không, làm Khải khá mệt mỏi. Đầu óc cứ nặng trình trịch như có đá ở bên trong.

Ăn trưa xong, anh em trong đơn vị đang còn ngồi xem ti vi, rôm rả trò chuyện thì Khải đi vào giường nằm, gác tay lên trán nghĩ ngợi.

Là người lính, lại là chỉ huy của trạm nên bình thường những quyết định của Khải được đưa ra rất nhanh chóng, dứt khoát. Nhưng chuyện này lại khác, nó khiến Khải phải đắn đo.

***

“Khải… Khải…”.

Tiếng gọi quen thuộc đánh thức Khải dậy. Mở mắt ra nhìn, trước mặt Khải là cậu Tư. Vẫn bộ quân phục màu xanh lá. Vẫn chiếc mũ kêpi có quốc huy ở giữa. Vẫn là cái vóc dáng trẻ trung của tuổi hai mươi bảy nhưng mà ánh mắt… Ánh mắt cậu Tư không còn trìu mến mà hằn lên những tia máu đỏ rực, nhìn Khải chằm chằm như nhìn thấy kẻ thù. Khải sợ, vội thoái lui vài bước, cố gắng mở miệng gọi:

“Cậu…”.

“Khải. Con còn nhớ mười lời thề danh dự của người lính trước lá cờ Tổ quốc hay không?”.

“Dạ… dạ… con nhớ”. Khải ấp úng.

“Vậy tại sao con lại đi phản bội lời thề? Con có xứng đáng với cậu, với ông ngoại của con hay không? Đồ phản bội. Chết đi…”.

Chưa kịp dứt lời, khẩu súng trên tay cậu Tư đã chỉa thẳng vào đầu Khải. Đoàng… đoàng…

Khải giật mình ngồi bật dậy. Trên trán mồ hôi tuôn ra lấm tấm. Phùuuuu… Thì ra chỉ là một giấc mơ.

Nhìn lên tường, trước mặt Khải vẫn là tấm bảng màu đỏ ghi lại lời dạy của Bác:

Đoàn kết, cảnh giác,

Liêm chính, kiệm cần,

Hoàn thành nhiệm vụ,

Khắc phục khó khăn,

Dũng cảm trước địch,

Vì nước quên thân,

Trung thành với Đảng

Tận tụy với dân.

***

Khải được nghỉ phép trở về nhà sau buổi lễ mừng công của các chiến sĩ bộ đội biên phòng vừa triệt phá đường dây buôn lậu xăng dầu lớn. Công đầu thuộc về Khải khi đã cảm hóa được Hoàn, một mắt xích trong đường dây buôn lậu giúp quá trình phá án diễn ra nhanh chóng.

Bữa đó, Khải ngồi với Hoàn đến tận giữa khuya. Không rượu, không trà, bên tai chỉ là tiếng sóng. Khải đã kể cho Hoàn nghe chuyện của gia đình mình. Chuyện ông ngoại, cậu anh đã hy sinh khi làm nhiệm vụ và cả giấc mơ hôm nọ, rồi cuối cùng chốt lại: “Tiền bạc ai mà chẳng ham nhưng mình là người lính, ngoài trách nhiệm với gia đình còn là trách nhiệm với Tổ quốc, với non sông. Anh không thể…”.

Hoàn ngồi nghe, im lặng. Khải cũng không nói gì nữa. Cả hai nhìn ra biển. Biển đêm đen kịt, chỉ thấp thoáng một vài quầng sáng từ những chiếc thuyền câu phía xa xa chập chờn nhảy múa. Chẳng biết biển vui hay buồn, chỉ biết trong lòng Khải và Hoàn cũng đều nặng trĩu.

Mấy ngày sau đó, Hoàn tìm đến Khải. Cũng nhờ những manh mối từ Hoàn mà Khải kịp thời báo lên cấp trên để thành lập chuyên án phá đường dây buôn lậu lần này.

Khải biết, Hoàn đã phải đấu tranh nhiều lắm trước khi đưa ra quyết định nhưng chí ít sự hối cải của Hoàn cũng là tình tiết giảm nhẹ khi ra tòa án quân sự. Khải vẫn xem Hoàn như đứa em của mình và sẽ đi thăm nó vào một ngày gần nhất.

Tấm bằng khen do Chủ tịch UBND tỉnh vừa mới trao tặng trên tay Khải lúc này không phải là của riêng Khải, mà của anh em toàn đội trong đó có cả Hoàn. Nhưng Khải sẽ “mượn” đem về nhà, đặt trang trọng lên bàn thờ cho ông ngoại và cậu nhìn thấy như một lời khẳng định: Khải sẽ nối tiếp ông ngoại và cậu giữ trọn lời thề, lời thề danh dự của một quân nhân.

Khải về tới sân thì trời đã khá muộn. Ngoại và má vẫn còn ngồi đợi trước hiên nhà. Chắc là hai người họ lại ngồi kể chuyện. Mà chuyện của ai nhỉ? Ông ngoại, cậu Tư hay là… Khải bất chợt mỉm cười.

NGÔ QUỐC VIỆT

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.

Trống mái

Gà trống không đẻ trứng
Gà trống không đẻ con
Nếu như không gà mái

Hoài Nhơn

Hoài Nhơn
Lưu dấu cha ông thời mở cõi
Đoàn người Nam tiến
Đoàn người hướng về triều kinh