Đừng xem đó là bẫy

(VNBĐ – Văn trẻ).

1.

Anh chàng cẩn thận ngồi vào bàn và nhìn bà Lan Chi với ánh mắt biết ơn khi bà mang khay bánh rán vàng ruộm chầm chậm bước về phía mình. Anh ta xoa cái bụng bí đao sau lớp vải áo sơ mi mới toanh, ra vẻ thèm ăn để làm bà vui vì sắp được thưởng thức hương vị bánh rán mới mà bà cất công làm từ sáng sớm.

Bà Lan Chi sống trong căn biệt thự có vườn hồng bao quanh ở số 162 Võ Văn Đ., nơi mà người ta gọi là Vườn Trầu. Một nơi xảy ra khá nhiều sự kiện quan trọng của một vùng đất anh hùng, khu vực được xem là “biên giới” nếu xét ở khía cạnh tiếp giáp Tây Ninh, một khu ấp đang trong tiến trình đô thị hóa nếu xét về tốc độ phát triển nhưng phần nào vẫn níu giữ được không khí xưa cũ yên bình so với sự phát triển sôi động của thế kỷ XXI. Bà rất mến khu này nên dù có sống một mình tại đây, trong khung cảnh tĩnh mịch mà vẫn không thấy buồn chán.

Được thưởng thức món bánh rán hương vị mới của bà nhà văn già khéo tay nhất Vườn Trầu trong một không gian chuẩn resort 5 sao thế này ai không thích cho được. Và tiếng chim véo von xa xa đệm thêm vào cái giai điệu nhẹ nhàng thoát ra từ cái điện thoại của anh ta.

– Cậu đừng cười ta. Nhà đơn chiếc nên ta hay mời hàng xóm đến ăn thử các món bánh mà ta chế biến. Mong cậu đừng chê…

Anh ta vẫn cười. Và rót một ly nước cam đựng trong cái bình thủy tinh mà bà đặt trước mặt. Thứ nước uống nhiều vitamin C rất thịnh hành tại Việt Nam.

– Cháu đang đói, và như thế cháu sẽ không phụ lòng cô đâu ạ!

– Có đói thì ăn mới thấy ngon. Luôn là vậy mà. Cháu thử đi.

Anh ta nhón một cái.

– Thế nào? Có ngon không?

– Giòn, có vị bơ, dừa, khác hẳn các hương vị cháu thấy được ngoài tiệm. Cháu lấy cái nữa.

Bà vỗ tay cái chát rồi cười lớn. Xong, bà thò tay xuống gầm bàn lấy một cái hộp nhựa, rắc lớp bột vàng sánh như mật lên mẻ bánh vẫn còn nóng hổi.

– Vẫn còn nhiều, cháu cứ dùng tự nhiên. Ta vẫn giữ ý định mở một tiệm bánh ngọt ở khu này cho đỡ buồn thay vì úp mặt vào sách mỗi ngày, cháu ạ! Vậy là cháu thấy ta có khả năng phải không nào? Ha ha…

Anh ta đảo mắt một vòng quanh phòng ngủ, phòng đọc sách rồi đến gian bếp được trưng đầy những hũ, lọ chứa các mẫu bánh rán đủ hương vị được sắp xếp ngăn nắp trên kệ của bà rồi hỏi:

– Nhà đơn chiếc mà cô làm nhiều bánh thế à?

Cứ như đã đoán trước người thanh niên sẽ thắc mắc như thế nào nên bà cười khẩy rồi giải thích một lèo:

– À, ta tính rồi. Ta có thói quen dùng hết những gì ta chế biến: một phần cúng ông nhà, phần cho cháu, cho ta và cho bà hàng xóm cũng vừa dọn đến đây ở như cháu. Mà, cháu tên gì? Quê ở đâu? Khu này tĩnh lắm, thanh niên như cháu ổn chứ?

– Cô cứ gọi cháu là Luân, lúc trước cháu buôn bán ở chợ đầu mối Hóc Môn ồn ã đủ rồi, nay mua căn nhà ở Vườn Trầu, định là dọn về đây ở hẳn trong hai tháng nữa.

Mặt bà sáng lên, người ta nhìn ra được một tia hy vọng nơi đó.

– Thế à? Vậy ta phải nhờ cháu làm cố vấn cho công việc mở tiệm bánh ngọt của ta rồi. Thế cháu đã vợ con gì chưa?

– Làm cố vấn hay nhân viên gì cháu cũng sẵn lòng vì còn độc thân… – Anh ta gãi gãi đầu rồi hỏi tiếp – À, người hàng xóm mới dọn tới ở căn nào vậy cô?

Bà ngó ra cổng, hướng mắt về phía căn nhà quét vôi màu xanh lá, có cây xoài trước sân, đối diện là một cây lý xum xuê lá. Còn có một cây bưởi trái chai như đít khỉ sà xuống đất.

– Kìa ! Một bà già rất dễ mến, bà luôn đọc bản thảo và cho ta những góp ý chân tình, nhưng bà ta mắc chứng nói nhiều và luôn than phiền về cây lý đến mùa trổ bông lại rụng đầy sân. Lát nữa ta sẽ mang cho bà ấy một phần.

Anh chàng như vỡ ra một điều. Là ở Vườn Trầu có nhiều bà cụ sống độc thân trong những căn biệt thự rộng lớn, có sân có vườn. Khu này tĩnh, thích hợp cho các bà dưỡng già. Trước sau gì cũng dọn về đây ở hẳn nên có dịp làm quen hàng xóm tốt thế này sao bỏ qua được.

– Vậy cô gói lại đi, cháu sẽ mang cho bà ấy vì cũng thuận đường mà. Nhưng mà bây giờ cháu phải đi vệ sinh đã. – Anh ta ra dấu rồi nhanh chân chạy xuống nhà sau.

– Ô, vậy hay quá. Cảm ơn chàng trai nhiều. Thanh niên bây giờ đáng mến thật chớ!

Dứt câu thì bà đã có mặt trong gian bếp. Việc làm cho bà hàng xóm cũng là người bạn già vui đã khiến bà Chi khéo tay và nhanh nhẹn hơn hẳn. Bà loay hoay ở đó một lúc thì quay lại bàn ăn, thấy Luân đã ngồi ngay ngắn vào bàn uống một ly nước cam, ăn một cái bánh nữa rồi nhận phần bánh nóng hổi từ bà mang đi. Đợi khi bóng dáng anh ta khuất hẳn rồi bà mới lọng cọng đi chốt cửa cổng rồi lặng lẽ đi về phòng như mọi hôm. Bà bước lại bàn đọc sách lục lọi gì đó rồi sửa lại kính, hấp háy cặp mắt ngạc nhiên. Bà giở cuốn sách lên, lấy cái điện thoại nhấn một số được cài sẵn trong máy.

– Hà “ớt” ơi, cô tới ngay đi!

2.
Khi Hà vừa đến thì bà cũng dã dọn sẵn một phần bánh rán và một ly nước cam đầy chờ sẵn nhưng lúc này vẻ mặt trông giống quả nho héo đầy lo lắng của bà khiến Hà quan tâm trước hết. Hà đẩy cửa bước vào liền sà xuống ngồi bên cạnh bà ngay. Và những chuyện như thế này cô gặp không phải ít nên rất có kinh nghiệm: đơn giản hóa những sự kiện phức tạp. Vừa an ủi, vừa thu thập thông tin.

– Nghe giọng của cô, cháu biết là có việc không hay nên gấp hồ sơ tức tốc đến ngay đây.

Đột nhiên bà ngẫm ra được một tứ truyện mới. Đại khái là người viết chuyện cảnh giác, đôi lúc mất cảnh giác, vậy mà bà còn định mời hắn làm cố vấn cho tiệm bánh ngọt của mình nữa… Không dài dòng, bà đi thẳng vào vấn đề ngay.

– Ừ, ta mời tay hàng xóm vừa mới dọn đến ăn món bánh rán hương vị mới làm, hắn lừa ta xuống bếp rồi lẻn vào phòng và lấy mất chiếc nhẫn…

Hà nhớ ngay đến chiếc nhẫn kim cương bốn carat của bà. Chiếc nhẫn đã bị trộm mất một lần. Hà nhớ đến cái tên trộm tốt số vừa chiếm đoạt tài sản của gia chủ, vừa được bữa ăn ngon và ngủ thẳng tại gia, như là nhà mình vậy. Dù sự việc diễn ra đã hai năm trước, nhưng cô vẫn nhớ như in. Và không ai khác ngoài Hà đã tóm cổ tên đó, và Hà khéo léo:

– Có phải chiếc nhẫn kỷ niệm mà ông tặng cho cô không, chiếc nhẫn cô hay để nó trên bàn đọc?

Bà không nói gì, chỉ úp mặt vào vai Hà… Và như vậy Hà biết là mình nói trúng phóc. Rồi cô mất tập trung với việc tốn chút thì giờ trông vào khoảng không vô định đằng xa.

– Cô bình tĩnh kể lại sự việc cho cháu nghe đã. Rồi cháu sẽ nghĩ cách tìm lại chiếc nhẫn đó cho cô.

Bà chỉ tay về phía căn nhà đối diện, nơi người hàng xóm tên Luân trú ngụ, người đã cuỗm mất chiếc nhẫn kim cương bốn carat của bà. Còn làm bánh rán cho người hàng xóm dễ mến mới tới nữa.

– Cháu biết đó, ta luôn mời hàng xóm đến thưởng thức bánh rán hương vị mới mà ta chế biến, ăn xong hắn sai ta đi lấy gói bánh mà ta chuẩn bị sẵn để gửi cho bà hàng xóm mới dọn đến bên kia đường. Rồi nhân lúc ta hoay hoay trong bếp, hắn nói là đi vệ sinh nhưng thật ra hắn đã…

Hà đặt tay lên vai bà, rồi bằng cái giọng trầm ấm vốn có, cô tiếp:

– Cháu hiểu rồi. Cháu đoan chắc rằng kẻ cô mới gặp lúc nãy không phải là người hàng xóm được mời đến ăn bánh đâu. Tiếc là nhà mình không gắn camera nên hắn mới mạnh dạn ra tay như vậy. Giờ cô nói thêm cháu nghe hắn đi vào nhà mình từ hướng nào và cô đã trò chuyện với hắn những gì đi.

Bà im lặng một lúc như cố nhớ lại rồi nhẹ nhàng nói:

– Hắn đi đến nhà mình từ phía bên trái, và trong một phút nhẹ dạ, ta đã giới thiệu bà hàng xóm hiền lành của mình cho hắn… Ta thật hối hận…

Và hai phút sau đó, một thanh niên xuất hiện trước cổng nhà bà Lan Chi càng làm sự nghi ngờ của Hà tăng lên gấp bội. Hà trông ra và giúp bà lau lại cái kính để bà có thể trông rõ người thanh niên đó hơn. Bà lại ngơ ngác nhìn vì không biết người đó là ai cho đến khi Hà quay trở lại, thông báo rằng đó là người hàng xóm mà bà mời đến thưởng thức bánh sáng nay. Anh ta bận chăm sóc lũ chim trong vườn nên tới trễ.

Nói xong, Hà đi ra tới ngưỡng cửa thì dừng lại, lấy điện thoại chụp hai dấu giày in trên sàn nhà, lấy thước đo và so sánh kích cỡ rồi túm một ít đất cho vào lòng bàn tay xem một lúc mới quay trở lại bàn.

– Đúng như cháu dự đoán, hắn đã theo dõi và nắm được việc cô có thói quen mời hàng xóm đến ăn bánh nên đã cố tình đến chuyển lời cho người được mời lùi giờ hẹn lại, đương nhiên là người được mời mới đến nghĩ hắn là giao liên chuyển lời cho cô nên vui vẻ nhận lời để giờ đây đứng lóng ngóng trước cổng nhà mình…

– Vậy ra… không chỉ có mình ta bị hắn lừa rồi.

– Thật là hắn đi vào nhà ta từ bên trái? Nhưng ở đây cháu chỉ thấy toàn dấu chân từ trong nhà hướng ra ngoài thôi. – Cô khẳng định.

– Ơ? Sao lại như vậy được?

– Cô bình tĩnh nhé. Chuyện cũng không nghiêm trọng lắm đâu. Cho cháu hỏi này, bà hàng xóm của cô bao nhiêu tuổi, trông bà ấy như thế nào? Nhà có cửa hậu hay không, cả số điện thoại liên lạc của cô ấy nữa – Hà hỏi. Trông vẻ mặt cô sáng lên một niềm tin, cứ như là sắp tóm cổ cái tên trộm ngày đó tới nơi. Bà thấy cũng vững bụng hẳn nên tâm trạng đã thoải mái hơn nhiều.

– Là cái bà già tên Hoa trạc tuổi ta, tóc ngang vai ở căn nhà đối diện, chỗ có cây xoài và cây lý ngoài sân ấy. Bà ta tuy già nhưng tính tình phóng khoáng, trẻ trung như gái đôi mươi dù rằng tuổi thật của bà thì bằng gấp ba lần con số ấy. Một người phụ nữ đặc biệt. Còn số điện thoại thì cháu xem ở đây.

Hà gật gù, chậm rãi nói:

– Được rồi, cháu sẽ lưu ý tới bà ấy. Mà nhà mình còn bánh tráng không cô ơi? Cho cháu một ít…

– Gì chứ bánh tráng thì nhà nào ở Củ Chi mà không có sẵn vài xấp hả cháu?

3.
Khi tới nơi, Tuấn mới nhận ra là bà cô của mình sống một mình trong một căn hộ cấp bốn rộng rãi như vậy, bà vẫn loay hoay trong gian bếp xộc mùi dầu mỡ quen thuộc như anh đã từng biết – một phụ nữ đảm đang, và như vậy là anh có thể mạnh dạn đoán chắc là bà sắp đãi anh ta món gì ngon lắm. Tuấn mở gói bánh đang ăn dở, ăn một cái nữa. Và khi bà quay ra phòng khách thì anh ta ép sát cái ba lô to đùng vào chân bàn rồi chào bà bằng một cái cười mỉm vốn đã là thương hiệu.

– Cháu đến từ khi nào vậy? – Bà hỏi bằng cái giọng hớn hở của một người hiếu khách. Bằng chứng cho thấy sự ấm áp đầy thành tâm của một phụ nữ am hiểu sự đời.

Trông vẻ mặt bà mai mái như là có bệnh, nhưng già thì ai mà chả mang một căn bệnh nào đó, còn những nếp nhăn cứng đơ trên trán và đuôi mắt như được chạm khắc từ một gã tay mơ chỉ biết mỗi việc moi tiền mà không biết làm gì khác. Bà đẩy cặp kính gọng to lên sát mắt rồi cười cười, lọng cọng cầm rổ bột nghi ngút khói bước về phía bàn ăn.

– Wow! Cháu có lộc ăn rồi! Cô đang nấu món gì trong bếp nữa mà thơm quá vậy?

– Cháu không ngửi thấy mùi kẹo mạch nha à? Biết chiều nay cháu sẽ đến nên ta làm riêng nó cho cháu đấy. Rất đặc biệt nhé! – Bà hớn hở.

Tuấn cười vang một cách tự nhiên nhất có thể. Vuốt chân mày trái và xoa bụng.

– Cháu đang đói, cháu sẽ không phụ lòng cô đâu ạ!

– Vậy thì tốt, cháu thử đi. Hồi còn nhỏ cháu mê món bột luộc lá dứa này lắm đó. Đi đường xa vất vả lắm hả cháu? – Bà lấy khăn chần mồ hôi vã trên trán của anh ta rồi đi đến góc tường bật quạt cho xoay mạnh hơn. Vì chính bà cũng cảm thấy nóng. Nóng vì làn hơi từ rổ bánh bốc lên cao, che đi phần nào khuôn mặt được phớt một lớp phấn của bà.

– Cha mẹ cháu thế nào?

Anh ta tặc lưỡi, làm như không muốn thổ lộ với ai, nhưng bà hỏi, anh ta đành gác cái bánh đang ăn dở lại, trả lời:

– Cha mẹ cháu đã bán công ty giấy ở Tân Bình rồi, và họ đã dọn về Hóc Môn dựng một trang trại nhỏ có ao có vườn để an dưỡng tuổi già như đã dự tính từ lâu. Họ cũng đã nhắc đi nhắc lại việc để cháu nối nghiệp gia đình, đó là một điều vô lý khi mà cháu không có khả năng đó. Cháu thích hội họa hơn. Ai lại áp đặt bao giờ cô nhỉ?

Anh ta lại nhìn bà cô của mình. Mái tóc hoa râm, khuôn mặt đầy nếp nhăn đáng thương thường thấy ở những phụ nữ có tuổi. Lúc nữa anh nghĩ là mình sẽ đề nghị ở lại đây lâu hơn cho đến khi hoàn thành tác phẩm hội họa của mình lại vừa gần gũi bà cô xa cách lâu ngày gặp lại.

– Hôm nay gặp lại cô cháu thấy nhiều cảm xúc quá. Những chuyện xưa cô kể vanh vách, chứng tỏ trí nhớ cô vẫn còn rất minh mẫn. Nhưng điều đặc biệt khiến cháu cảm động nhất là cô vẫn nhớ sở thích của cháu. – Anh ta vớt một cái thử ngay. Bột dẻo dòn dính một ít trên đầu đũa, anh ta liếm một phát như trẻ con.

– Lại cười bà già rồi! Thế nào? Được không cháu?

– Mềm và thơm mùi dứa. Ngon cô ơi. Cháu lấy cái nữa.

Bà cười lớn:

– Vậy là ta thành công rồi. Cháu cứ dùng tự nhiên.

– À, ta còn nhớ là mình có một đứa cháu cũng rất thích ăn món kẹo mạch nha này. – Bà xuống giọng, còn anh ta thì như lục lại quá khứ của mình, nhưng dường như anh ta vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho việc đó. Người già luôn kể chuyện đời xưa, cái ngày họ còn trẻ, khỏe và thỏa sức tung tẩy với những mơ ước của mình. – Cháu biết không, nó thích mạch nha lắm. Tới nỗi cứ cách một ngày là kêu ta làm cho nó ăn. – Rồi bà rút cái hộp gỗ khác đặt dưới mặt bàn ra lấy một tấm hình để rồi dồn hết tâm tư vào đó. – Được một lúc bà đặt tấm ảnh trở lại cái hộp với vẻ ủ dột của một người đa sầu đa cảm. – Còn nữa, ta hay đọc cho nó nghe những lá thư của Vincent van Gogh viết cho em trai Theo trước khi cắt tai mình, về những lá thư mà Khổng Minh để lại cho con cháu…

Bà ngừng việc kể lể đó và hai má bà ửng đỏ lên một cách sượng cứng. Anh ta đảo mắt một vòng, chỗ gian bếp, phòng ngủ, trên lầu, rồi hỏi:

– Nhà mình đơn chiếc mà cô làm nhiều bánh thế à?

– À, ta làm bốn phần: một phần cho ta, phần cho cháu, phần cho Hà “ớt” – cán bộ phụ trách địa bàn này vì cô ấy hay ghé qua nhà thăm ta và cho bà hàng xóm dễ mến một phần. Cháu mang đồ đạc lên phòng rồi xuống tâm sự. Cô cháu ta không phải lúc nào cũng có dịp như thế này đâu.

– Ăn xong cháu sẽ mang đồ lên. Chắc cô đã dọn một phòng sẵn rồi…

Bà ngồi thẳng lưng rồi lên giọng:

– Đương nhiên rồi. Ai lại để cháu trai mình làm việc đó đâu. Phòng của cháu ở ngay đầu cầu thang đấy. Ta vẫn còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh của cháu trong phòng đấy. Cháu sẽ bất ngờ cho mà xem. À mà cháu trai của ta ơi, cháu đã vợ con gì chưa?

– Phụ nữ thời này thật không dễ gì. Cô có ai thì giới thiệu cho cháu với… – Anh ta chầm chậm nhả ra từng chữ như điều đó là một sự giày vò chậm rãi mà anh từng nếm.

Bà bất chợt cười ré lên.

– Úy, vậy thì hay quá. Ta có một đứa cháu là cảnh sát, nó phụ trách địa bàn này, tên Hà, ngoại hình cũng khá. Có điều người ta gọi là Hà “ớt” không biết cháu có nghe tên nó bao giờ không?

Anh ta lấy tay ấn vào cổ mình như bị mắc nghẹn, mặt đỏ lên như một trái lê má hồng Tàu, bà liền đoán ra là cháu mình có thể biết cô ấy mà không cần giới thiệu gì thêm nữa.

– Cái tên “Hà” nghe đã đủ lạnh rồi, còn thêm chút “ớt” vào nữa thì ai mà chịu cho thấu. Hà “ớt” à… thôi bỏ đi. Cháu nghĩ là không nên can hệ gì đến cô ta thì hay hơn. Phụ nữ làm cảnh sát có ai dịu dàng đâu? Càng không có thì giờ để mà lo cho gia đình. Họa có điên mới rước cô ta về.

Nếu chỉ bằng quan điểm phiến diện đó thì bà có thể phản biện một cách dễ dàng thôi. Vì bà là bạn của một nữ nhà văn có tiếng cơ mà.

– Ô, cháu quan niệm vậy là sai bét rồi. Đừng xem đó là bẫy chứ! Ta từng trải nên hiểu rõ mà. Chỉ cần gặp đúng đối tượng thôi thì cháu sẽ bám lấy như sam đấy. Cho dù người ấy có làm nghề gì đi nữa. Để ta giới thiệu cho nhá! Há há… – Bà lấy tay ấn nhẹ vào góc mặt bên trái – À, kẹo được rồi đấy để ta đi lấy một ít cho cháu dùng thử. Ôi… cái mùi thơm nhức nhối làm sao… để ta đi tắt bếp. Cháu ngồi chơi đợi ta một lát nhé! Ta xuống bếp rồi quay lại bàn tiếp vấn đề này ngay.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Khi bà loay hoay với món kẹo mạch nha dưới bếp trở lại thì thấy Tuấn đang gặp khó khăn ở ngoài sân. Có lẽ anh ta đã tự ý lên phòng rồi phát hiện ra điều gì đó và thấy không ổn chăng? Trời nhá nhem tối, đèn đường vẫn chưa lên. Anh ta cũng loay hoay dưới tán cây xoài không biết làm sao thoát ra khỏi vũng kẹo mạch nha được đổ lền trên nền gạch, mà cũng khó khăn lắm anh mới nhận ra được đó là gì, tay còn cầm một cái hộp vuông vắn màu xanh ô liu mà bà nhớ là nó được đặt trên bàn trang sức của bà.

– Cháu ơi, cháu đi đâu mà vội thế, đã nói là phải chờ ta quay lại mà… Chúng ta còn bàn việc nữa… – Bà bước vội ra lan can, nói như hét.

– Thế này là sao hả bà cô? – Anh ta ngoái đầu lại, nói như đang trách móc.

Bà vùng vằng vì phải nhắc lại điều mà mình vừa nói cách đây không lâu.

– Ta đã nói là kẹo mạch nha ta làm để dành riêng cho cháu mà. Kẹo này ta chỉ thêm chút đường mạch nha để tăng thêm độ dai thôi. Đừng cố vùng vẫy nữa, quay trở vào nhà đi, Hà “ớt” tới ngay đó.

Anh ta muốn nhảy nhổm lên nhưng không được. Không thể được. Bởi đôi giày đã lún sâu vào vũng kẹo. Tuấn cảm thấy sống lưng bắt đầu rỉ ra một dòng nước lạnh và anh biết nguyên nhân của nó là từ đâu.

– Bà già, bà nói gì vậy? Lại vụ gì nữa đây? Hà tới đây làm quái gì?

– Đừng vội! Từ từ ta nói cho mà nghe. Mà cháu cầm cái hộp gỗ của ta ra đó làm cái quái gì vậy? Ta không để cái gì quý giá trong đó đâu.

– Hả? – Ruột gan Tuấn lộn tùng phèo khi thấy trong hộp đựng trang sức màu ô liu chỉ là một tờ giấy ghi bốn chữ tổ chảng: Đại phú đại quý. Ngửi thấy “mùi”, hắn bắt đầu run lên, giọng đứt quãng – Bà là…

– Là người đặt cái bẫy này và là người nói với cháu đừng xem việc này là bẫy đó, và cũng là người sắp đẩy cháu vào tù vì tội trộm cắp tài sản theo điều… Chẳng phải những hình ảnh quá khứ của cháu ta treo sẵn trong phòng chưa đủ để cháu đánh hơi ra đây là cái bẫy hay sao? – Rồi bà khom lưng xuống túm nhúm đất sét ẩm ướt hằn dấu giày – Giày đế ngược à? Thủ đoạn này xưa rồi cháu ơi. Hồi những năm kháng chiến, bọn địch cũng sử dụng phương pháp này để lừa quân ta rồi chúng cũng bị đánh cho tan tác đấy thôi. Giờ cháu giẫm phải… của tụi ấy nên thua là đúng rồi.

Nói xong, bà tháo lớp hóa trang bằng bánh tráng tẩm thuốc vẽ rồi đến cặp kính gọng tròn to bản ra trước cặp mắt ngờ vực của Luân. Rồi bà lấy khăn giấy lau lớp phấn trang điểm thoảng mùi thơm nhẹ còn sót lại trên mặt mình, Luân kịp nhận ra người đang đứng trước mặt mình… là người bà cô bất đắc dĩ đã mai mối. Hà “ớt”!

– Cứ tưởng lớp hóa trang chỉ sử dụng được trong sáu tiếng đồng hồ này sẽ hỏng trước khi vãn tuồng nhưng không ngờ lại rất kịp lúc. Vậy bây giờ cháu còn muốn ta mai mối Hà “ớt” cho nữa không, cháu ơi?

– Sao… sao lại là cô? Khốn nạn!

– Cứ chửi đi. Nhưng tao nghĩ là không cần phải tỏ ra bất ngờ như vậy đâu. Vì khi đã trót nhúng chàm thì mày phải nghĩ đến ngày hôm nay rồi chớ? Không phải tao thì cũng là người khác thôi. Lúc nãy ta còn lầm tưởng đúng là cháu của cô Hoa lên thăm bà thật nhưng không cách nào liên hệ được với cô ấy, nhưng khi xem lại hình ảnh của Luân – kẻ trộm chiếc nhẫn hai năm trước thì ta bắt đầu tin giả thuyết của mình là đúng. – Hà lấy ra một cái thước dây đo dấu giày in trên sân – Hoàn toàn trùng khớp với dấu giày xuất hiện ở nhà bà Lan Chi, còn nữa, bà nói là mời hàng xóm mới dọn đến ở qua nhà mình ăn thử món bánh rán mới làm nhưng khi xem xét vết đất sét để lại tao biết rằng mày không bước ra từ căn nhà đối diện đó mà từ nơi khác đến, vì bán kính hai trăm mét chung quanh đây hoàn toàn không có đất sét, mà chính xác là mày đã đến đây qua khu hố bom ở gần cầu Sáng có phải không? Tao đã cất công đến đó một chuyến và tìm được mẩu đất tương tự. Hết chối nhé!

Hắn vừa cười vừa cố gắng hết sức nhấc chân ra khỏi vũng kẹo mạch nha đang khóa chặt hai chân hắn thêm lần nữa.

– Thôi, giỡn vậy đủ rồi. Tôi để lại đôi giày cho cô làm vật chứng đó, tôi đi đây. Bái bai…

Vừa ra đến cổng thì một cái xô nhôm đầy nước úp lên đầu hắn rồi xô hắn vào vũng kẹo mạch nha đó lần nữa. Hắn la oai oái rồi bị hai bà già sấn tới lục túi lấy ra chiếc nhẫn kim cương bốn carat sáng loáng.

– Nếu Hà không thông tin trước để ta chuẩn bị cho cô ấy đổi vai và chần chừ cho đến chập tối mới mở cửa thì chắc là người bị hắn lừa không chỉ có bà nhà văn đáng thương của ta rồi. Hà ơi! Các cô nợ cháu lời cảm ơn.

– Lần này coi như mày gặp may, cô sẽ không truy cứu chuyện hôm nay nhưng hãy nhớ rằng không nên lợi dụng sự tin tưởng của người khác mà làm xằng, đặc biệt là những người thực sự đối tốt với mình. Mày hãy tự thoát khỏi đó như là một bài học nhớ đời vậy. – Bà Lan Chi gằn giọng.

VÕ CHÍ NHẤT

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sau cơn bão Yagi…

Nơi người đàn ông từng vùi giọt mồ hôi xuống nương rẫy
dựng ngôi nhà mơ ước có đàn con thơ, vợ hiền
chiều chiều đốt lửa bên suối
tiếng cười làm vui cả ngọn đồi

Nhặt Huế

Đêm mang theo mùi hoang từ bến Ngự
Câu hò Huế nghiêng chao sóng nước
Trầm tích nơi dòng Hương giang