(VNBĐ – Đọc sách). Tiểu thuyết Hoa Xương Rồng (NXB Hội Nhà văn, 2023) là đầu sách thứ 20 của riêng Nguyễn Trí, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 300 trang sách đã đem lại cho ông giải thưởng cao nhất trong cuộc thi Sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn. Quy từ giá trị giải thưởng, mỗi trang của ông có giá chẵn một triệu đồng. Cũng là một kỷ lục! Đây có lẽ cũng là tiểu thuyết được viết nhanh kỷ lục: 35 ngày! Nhưng những gì được kể trong quyển sách này không hề sơ sài, vội vã. Vì nó là tâm huyết máu thịt cuộc đời bươn chải của ông.
Truyện mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống đương đại, vẫn nguyên vẹn cái gồ ghề, thô ráp, hối hả gắn với số phận những con người đang bị cuốn theo vòng xoay chóng mặt của nền kinh tế thị trường. Gia đình Năm Thao trước khi gia nhập đội ngũ công nhân trong một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đã phải trải qua vô vàn trắc trở, vùi sâu trong cuộc sống cát lầm. Cái nghèo thêm cái eo khi một cơn bệnh hiểm nghèo đã cuốn trôi tài sản, cuốn luôn cả nhà vào guồng xoáy để phải gồng mình trả nợ. Một gia đình lao động chân tay với công việc bấp bênh, đầy hiểm nguy rình rập: làm osin, đi phụ hồ, bán vé số. Số phận xô dạt gia đình anh về khu công nghiệp, dựa vào mối quen biết giang hồ mà được làm công nhân, để hiểu thấu bao điều khuất tất trong một công ty với ông chủ nước ngoài. Năm Thao trở thành tri kỷ của Năm Lựu Đạn, công nhân kỳ cựu, và những câu chuyện về mánh lới, thủ đoạn của các bộ phận quản lý công ty từ nhỏ tới lớn được kể trong những cuộc rượu Ngũ Gia Bì, đem lại cho người đọc cái nhìn chân thực về cuộc sống thường ngày của những con người trong thành phần giai cấp được coi là tiền phong cách mạng, những trải nghiệm để họ trưởng thành hơn trong cuộc đấu tranh sinh tồn, vươn lên trong cuộc sống như hoa xương rồng trên cát…
Trong tiểu thuyết này, đặc biệt thú vị là cặp bài trùng Năm Thao – Năm Lựu Đạn, vừa là nhân vật vừa là người dẫn chuyện, tạo ra giọng điệu trần thuật có tính đa thanh, thực chất như một sự phân thân của nguyên mẫu tác giả. Nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Trí, ta gặp những Minh Tàn, Hùng Tàn, Trí Khùng và… Năm Lựu Đạn cứ trở đi trở lại, thực chất cũng là cốt tủy tinh thần của Nguyễn Trí mà thôi. Rút ruột những gì tai nghe mắt thấy, nếm trải của bản thân để viết, kể mãi có khi cũng nhàm nên chọn cách thể hiện phân thân ở trong tiểu thuyết này, nhà văn có cơ hội mở rộng quan sát, chiêm nghiệm bao thăng trầm thế sự nhân sinh, đem lại bức tranh toàn cảnh về xã hội chuyển mình theo quy luật cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường. Góc nhìn của những người dưới đáy, chung cảnh ngộ, chung tâm trạng dễ tìm thấy sự đồng điệu trong đánh giá nhận xét, cảm nhận mang bao nỗi niềm trăn trở, để ta nhận diện không chỉ là cá tính từng nhân vật mà còn là những băn khoăn về hiện trạng đời sống công nhân hiện nay, với tổ chức công đoàn luôn bên cạnh để bảo vệ quyền lợi người lao động. Tính tư tưởng đã hiện hữu rõ nét, hướng về trách nhiệm của công đoàn!
Nguyễn Trí có giọng văn làm khó chịu các nhà phê bình chuyên nghiệp, vốn thông kim bác cổ mọi trường phái khuynh hướng phê bình, khi họ cố tìm ở ông chất thẩm mỹ, sự tìm tòi dụng công khắc họa chiều sâu nội dung tư tưởng cho tác phẩm. Họ còn đòi hỏi một hình thức đạt chuẩn mực cho một trường phái, khuynh hướng văn học nào đó trong cả rừng lý thuyết phê bình phân tâm học, phê bình sinh thái, cảnh quan, phê bình cấu trúc luận, giải cấu trúc, nhưng càng tìm càng rối. Nên có nhà phê bình đã thẳng thừng quy kết giọng điệu chuyện kể Nguyễn Trí là giọng bợm nhậu, truyện Nguyễn Trí cà kê theo kiểu “kể nghe chơi” chỉ phù hợp cho tầng lớp bình dân, văn của ông là văn thị trường, không đáng xếp vào dòng văn học tinh hoa! Mặc cho mọi khen chê, sau khi nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập Bãi vàng, đá quý, trầm hương, Nguyễn Trí được kết nạp vào Hội trung ương và không phải vào ngồi chơi xơi nước hưởng danh hão, ngày ngày ông vẫn cặm cụi trên cánh đồng văn chương chữ nghĩa, ra sách đều đều. Viết, với Nguyễn Trí là một cách lên tiếng, khẳng định đàng hoàng tư cách làm người chân chính của một lớp người Ngoi lên dưới đáy (tên một tác phẩm của ông); viết với ông là hành động tự trọng của người lao động nghệ thuật, đem lại cái nhìn trực tiếp hướng về những mảnh đời mà lâu lắm rồi vắng bóng trong văn học chính thống hoặc nếu xuất hiện thường chỉ được nhìn một cách phiến diện. Ông cũng chẳng bốc thơm, đánh bóng hay thi vị hóa như kiểu phim ảnh gần đây vào vai giang hồ huênh hoang vài câu “Giang hồ đổ máu không đổ lệ”, rồi hùng hổ bầy đàn lập thành những xã đoàn, những băng nhóm với chị đại, anh hai xưng hùng xưng bá! Loại nhân vật ấy trong đời sống và văn nghệ thời cũ, ông đã từng quá rành!
Nên tiểu thuyết này bắt đầu bằng những xung đột với đám anh chị bảo kê, cướp cạn vẫn lẩn quất đâu đó trong phố, đẩy những người sa cơ lỡ bước xuống đáy vực thê thảm. Năm Thao dắt díu gia đình lánh nạn từ phố về khu công nghiệp X. vẫn phải sống trong cảnh bị áp chế, phải nương vào thế lực đen này kìm hãm thế lực đen khác. Mảng tối của cuộc sống được phơi bày còn là sự cấu kết ngầm để tuyển mộ công nhân vào làm việc cho các ông chủ nước ngoài, quản lý người Việt móc nối để trục lợi, ăn cắp và thao túng đời sống thợ thuyền. Bảy chương sách với những tựa đề phần nào giúp hình dung những trải nghiệm kiếp người: Chương 1 – Bắt phong trần phải phong trần; Chương 2 – Nước đời lắm nỗi; Chương 3 – Phân bò trên mái nhà; Chương 4 – Phân người ở trong nhà; Chương 5 – Hộ khẩu, tạm trú và Công đoàn; Chương 6 – Lấy lại quyền làm người; Chương 7 – Diều hâu gãy cánh. Mỗi chương lại phơi bày những câu chuyện dắt mối nhau thành một chuỗi những hệ lụy khi người ta nghèo khổ kéo theo nhếch nhác, nhục nhằn, táo tợn, liều lĩnh. Đồng thời là một chuỗi những cấu kết thành hệ thống: những băng nhóm, kẻ biến thái, lũ người làm giàu phi pháp bất chấp thủ đoạn, thói ăn cắp, tệ nhũng nhiễu, trò láu cá, bệnh hoạn về nhân cách, thối nát trong quản lý… khiến cho bao người không thể ngước mặt nhìn đời đàng hoàng. Trong bức tranh “hỗn loạn phôi thai” của thời kinh tế thị trường ấy, tác giả vẫn chỉ ra những gam màu sang, xuất phát từ những con người giàu lòng tự trọng, gia đình đùm bọc yêu thương nhau và quyết chí vươn lên vượt qua nghịch cảnh như những thành viên nhà Năm Thao, nghĩa khí và trọng danh dự dân tộc như Năm Lựu Đạn. Trong những con người tưởng như bất cần đời, có một niềm tin sâu thẳm vào nghĩa khí, tình bạn thật sự của những người cùng cảnh ngộ, lá rách đùm lá nát, mang nét nghĩa khí giang hồ thuở xa xưa của người dân lục tỉnh Nam bộ. Thế giới nhân vật của Nguyễn Trí là những con người bé nhỏ ta vẫn gặp hàng ngày lầm lũi, và ông đi sâu vào cuộc sống ấy để lí giải tâm lý, cắt nghĩa hành vi từ những chuyện rất đời thường. Có khi giọng văn chùng xuống vì thương yêu cho những đứa bé thiệt thòi và phải lăn lóc với đời quá sớm như bé Hương, cu Huy. Có lúc lại quyết liệt, dữ dằn trong câu chuyện đầy máu và nước mắt của người cha khốn khổ dù sa cơ yếu thế vẫn quyết bảo vệ vợ con mình.
Giọng văn tỉnh táo, khinh bạc, có chút tinh quái, ném một tiếng cười khẩy, cười gằn vào những chiêu trò mánh khóe, vạch trần những thủ đoạn gian manh, dựng lên một cách sắc sảo chân dung của những kẻ lưu manh, ma bùn, bọn người táng tận lương tâm trong cơ quan Nhà nước, bộ máy điều hành công ty… Không có câu chuyện mang màu sắc đấu tranh giai cấp hay xung đột rạch ròi địch – ta như thời chiến tranh mà phân thành hai tuyến những người yếu thế và những kẻ đắc thế cùng chung sống hòa bình trong một mớ hỗn độn những mối quan hệ cộng sinh chồng chéo. Công lý, pháp luật, lẽ phải cuối cùng chiến thắng nhưng đó là một quá trình tự thân vận động, tìm đến đúng nơi đúng chỗ và đúng thời điểm mọi việc đi vào tổ chức quy củ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được bảo vệ bởi sự sáng suốt của Công đoàn cấp trên cũng như sự liên kết của những con người chính trực buộc các thế lực “diều hâu” phải “gãy cánh”. Nguyễn Trí lý giải theo quy luật nhân – quả một cách tự nhiên, bằng niềm tin vào những điều tốt đẹp, những con người ngay thẳng sẽ được hưởng cuộc sống bình thường như họ mong muốn, còn cái xấu, cái ác sẽ phải trả giá đắt, bị lôi ra trước ánh sáng của công lý và chính nghĩa. Niềm tin ấy không mông lung siêu hình mà rất thực tế, nhân quả nhãn tiền. Nhà văn không cao đàm khoát luận về chủ trương chính sách, hay rao giảng vai trò sứ mệnh mang tầm tư tưởng thời đại, vì tiếng nói của ông là của những người lo miếng cơm manh áo hàng ngày, không quan tâm nhiều đến quốc gia đại sự. Mọi lời nói hành vi xuất phát từ hiểu biết của người nhiều bươn chải, kinh nghiệm tâm huyết muốn chia sẻ cùng nhau để cưu mang nhau, yêu thương và bảo vệ nhau, không ảo tưởng tham vọng, mọi chuyện phải quấy và lẽ đời đúc kết là để cho con cho cháu, cho gia đình và những người mong muốn cuộc sống này tốt đẹp hơn.
Nguyễn Trí chọn viết tiểu thuyết nghĩa là văn học hư cấu, nhưng xem ra những điều ông viết không cách xa mấy dòng văn học phi hư cấu (non – fiction). Tôi cho đó là thành công của tác giả, và riêng trong đầu sách thứ 20 này của ông, tôi cũng nhận ra sự cố gắng tìm tòi thể hiện để làm mới chính mình, tiết chế nhiều hơn cái suồng sã bông lơn hàng ngày và mở rộng không gian nhân vật vượt qua trải nghiệm riêng tư để đem lại bức tranh toàn cảnh về lực lượng lao động chính đang làm nên nền kinh tế thị trường hiện nay. Viết nhanh mà chắc tay vì những điều ông viết ra không phải theo kiểu đi thực tế cưỡi ngựa xem hoa, rồi về bài binh bố trận dựng bố cục chọn câu từ, dựng chân dung xây tính cách theo kiểu suy luận tưởng tượng. Ông đã sống, đã nếm trải, đã đổ máu, mồ hôi và nước mắt trong chính cuộc sống đó. Và muốn mọi người tường tận hơn về những mảnh đời như xương rồng bị vùi trong cát đã bật dậy đơm hoa như thế nào! Để chúng ta có thể cùng sống, khóc cười với các nhân vật của ông, biết rùng mình kinh sợ, ghê tởm cái xấu cái ác, biết trân trọng cảm thông hơn những con người mà lâu nay bị lãng quên hoặc chỉ mới nói được một phần trong dòng chảy văn học đương đại.
Quy Nhơn, ngày 25 tháng 01 năm 2024
TRẦN HÀ NAM