Điêu khắc Champa trong một số ngôi chùa ở Bình Định

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Các tác phẩm nghệ thuật Champa luôn gắn liền với những kiến trúc tạo thành một tổng thể nghệ thuật hoàn chỉnh. Do nhiều nguyên nhân khác nhau (thời gian, chiến tranh…) nhiều công trình kiến trúc Champa không còn nguyên vẹn. Trong số khoảng 250 di tích đã được biết qua sử liệu, thư tịch và thống kê đầu thế kỷ XX, nay chỉ còn hơn 40 công trình còn đứng vững. Do đó, các tác phẩm điêu khắc Champa bị phân tán tản mạn, không còn gắn với di tích gốc nữa. Phần lớn số hiện vật này tập trung ở các Bảo tàng trong nước và cả nước ngoài, ở Bình Định một số tác phẩm điêu khắc Champa còn lưu lạc nơi cửa Phật.

Những tác phẩm điêu khắc Champa lưu lạc nơi cửa Phật có thể chia làm hai loại: những tiêu bản liên quan đến Phật giáo như tượng Phật, phù điêu Bồ tát và những tiêu bản mang nội dung của Ấn Độ giáo như tượng Dvarapalia, tượng Ganesa, tượng Garuđa, tượng tu sĩ, tượng rắn Naga, tượng Linga và được thể hiện bằng hai chất liệu: đá và đồng.

Ấn tượng nhất là hai tượng Dvarapalla tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn. Trước đây, hai tượng đứng đối xứng nhau trong gian tiền đường của chùa, hiện nay chùa cải tạo thành chánh điện chùa. Mỗi tượng được tạc trên một khối đá cao trên 2,3m, đứng trên bệ đá tròn, xung quanh khắc tạc cánh sen, tượng có khối tròn nổi cân đối, sinh động. Cả hai pho tượng đều được khắc tạc tướng mạo hung dữ, nhấn mạnh các khối nổi to thô đầy sức mạnh. Các họa tiết trang trí đơn giản, đường nét đục chạm sắc sảo.

Tượng Ông Đỏ, Ông Đen Chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn. Ảnh: TCPG

Theo Ấn Độ giáo, hình tượng Dvarapalla được coi là thần bảo vệ đền tháp hoặc thần bảo vệ tôn giáo và người tu hành, người đến hành lễ. Chính vì thế, có người coi đây là vị “Á thần” và coi vị trí chức năng của thần như thần hộ pháp (Kim Cương) trong Phật giáo.

Tại xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, người dân phát hiện tượng Ganesa và đưa vào chùa Dương Long thờ cúng. Tượng cao 0,57m thể hiện trong tư thế ngồi, đầu voi mình người. Tượng trang trí khá hoàn chỉnh với những họa tiết đẹp, cổ đeo vòng hạt chuỗi tròn kết dải, cổ và bắp tay đeo vòng, quanh thân quấn vải mỏng bó sát.

Tượng Ganesa chùa Linh Tượng xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Theo người dân kể lại, khi phát hiện được tượng, người dân địa phương cho đây là điềm lành nên lập chùa thờ Ganesa, nên chùa có tên gọi là chùa Linh Tượng. Tượng còn nguyên vẹn, kích thước khá lớn, cao 0,8m, thể hiện tư thế ngồi, đầu voi mình người. Do tượng bị sơn nhiều lớp nên không nhận rõ đồ trang sức trên mình tượng.

Ganesa là một vị thần Ấn Độ giáo được tôn sùng phổ biến trên nhiều lĩnh vực. Do vậy, có nhiều giai thoại về gốc tích của vị thần toàn năng này. Ganesa là vị thần tùy hành của thần Shiva, Ganesa do thần Shiva sáng tạo ra từ ngọn lửa, Ganesa do vợ của Shiva – bà Paravatti sáng tạo ra… Người ta coi Ganesa là phúc thần ban nhiều điều tốt lành.

Chùa Thiên Trúc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước lưu giữ hai tác phẩm điêu khắc Champa, đó là tượng Linga và tượng chim thần Garuda. Linga chùa Thiên Trúc được chôn gần trước cổng chùa, cách tháp Bình Lâm khoảng hơn 50m. Đây có thể là hiện vật từ bộ ngẫu tượng Linga – Yoni thờ trong tháp Bình Lâm lưu lạc. Do chôn sâu dưới đất nên không có kích thước cụ thể, phần nổi trên mặt đất cao 0,48m, chu vi lớn nhất 1,55m. Đầu Linga được tả thực với đường viền quanh tạo gờ nổi chính giữa, mặt khắc hoa văn xoắn hình quả bầu thắt giữa xung quanh tỏa ra những họa tiết hoa văn xoắn.

Linga là biểu tượng của thần Shiva thể hiện dưới dạng sinh thực khí, đây là một trong ba vị thần chính tối linh của Ấn Độ giáo. Shiva được mệnh danh là thần hủy diệt cái cũ để sáng tạo ra cái mới, cho nên người ta còn coi Shiva như là thần sáng tạo – một động lực vĩ đại trong vũ trụ.

Tượng Garuda chùa Thiên Trúc được dựng bên cạnh Linga. Tượng thể hiện đứng cao 1,6m dưới dạng đầu chim mình người. Đầu chim tròn, mắt lồi dữ tợn nhìn thẳng, lông mày rậm nhô cao, mỏ nhọn vươn dài. Tai đeo trang sức, đầu đội vương miện là những cánh sen kết dải. Hai tay co đối xứng phía trước, ngực để trần chắc khỏe, chân phải hơi nhấc lên với tư thế khá sinh động.
Theo thần thoại Ấn Độ Garuda là loại chim thần được coi là vua của mọi loài chim, là vật cưỡi của thần Visnu và là kẻ thù địch của loài rắn Naga bởi mối thù truyền kiếp. Hình tượng chim thần Garuda gắn liền với thần Visnu, nhưng rất ít khi được tạc chung.
Chùa Hải Lăng xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn có tượng tu sĩ. Theo dân làng kể tượng được những người dân chài tìm thấy dưới biển khi đánh cá và đưa về lập chùa thờ cúng. Tượng cao 0,7m thể hiện một vị tu sĩ ngồi trầm tư, gương mặt thanh tú, đầu đội mũ hình trụ, tay trái đặt trên đùi, tay phải cầm tràng hạt. Thân tượng để trần, có dải vải vắt qua vai trái, bụng quấn thắt lưng nhiều vòng. Đây là tượng chân dung duy nhất hiện biết ở Bình Định thể hiện tu sĩ đang tu luyện.

Hình ảnh tu sĩ được chạm khắc phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa, khắc trực tiếp lên tường tháp hoặc tạo tác độc lập trong tổng thể kiến trúc chung thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: đứng cầu nguyện, nằm suy tư, ngồi thiền…

Chùa Hàm Long phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn có cột đá cao 3,7m thể hiện mình rắn tròn cong, từ cổ rắn xòe 7 chiếc đầu vươn ra tạo tán che gọn hình đức Phật đang ngồi thiền định, hai chân xếp bằng trong tư thế kiết già. Đây là tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao trong điêu khắc Champa.

Hình tượng con rắn trong thần thoại Ấn Độ được coi là rắn thần và thường liên quan đến thần thoại hoặc Phật thoại. Rắn thần Naga cuộn khúc làm bệ cho Phật ngồi tu luyện hoặc vươn đầu ra che cho Phật Thích Ca trong cơn dông tố.

Chùa Giác Hoàng thị xã An Nhơn lưu giữ bức phù điêu hình lá đề tạc hình Bồ tát cao 0,8m thể hiện trong tư thế ngồi thiền định kiểu bán già, tay lần hạt chuỗi, thân trần, bụng quấn thắt lưng, đầu đội mũ chóp cao có hình đức Phật tổ. Đây là dạng Quan Âm Bồ tát trong Phật giáo Champa.

Trong số những tác phẩm nghệ thuật Champa lưu lạc nơi cửa Phật có hai tượng Phật bằng đồng được lưu giữ tại chùa Phước Sa, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn. Tượng thứ nhất cao 0,5m trong tư thế ngồi thiền, tượng thứ hai cao 0,91 m (cả đế) trong tư thế một chân co, một chân duỗi. Tượng có 8 tay, mỗi tay một tư thế và cầm các nghi vật khác nhau, phía sau tượng có vòng hào quang hình tròn. Đây là tượng Lokesvara, một vị Bồ tát của phái Đại thừa.

Điêu khắc Champa tạo nên hồn cho kiến trúc, ngoài giá trị nghệ thuật còn có yếu tố tôn giáo. Tôn giáo ở Champa phát triển rất mạnh, bao trùm toàn bộ xã hội Chăm, chi phối sâu sắc những hoạt động kinh tế, xã hội. Dù thể hiện đề tài Phật giáo hay Ấn Độ giáo cũng đều đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của tín ngưỡng và tôn giáo. Có lẽ đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự lưu lạc những tác phẩm điêu khắc Champa nơi cửa Phật.

NGUYỄN THANH QUANG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vũ Ngọc Liễn: Kẻ sĩ “ham chơi”

Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng…

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…