Đan

(VNBĐ – Văn trẻ).

1.

Hôm nay, tôi nhận được một lá thư. Nó ngoan ngoãn và ngay ngắn trong hòm thư phủ bụi. Phong thư trắng tinh, không ghi địa chỉ, không cả dán tem. Tôi gọi cho bưu điện. Anh bưu tá không kiên nhẫn nói với tôi được ba câu. Anh bảo mình chưa từng giao lá thư nào cho tôi cả.

Tôi có hơi sợ sệt, vì lá thư xuất hiện mà không có lí do nào. Tôi dường như cũng không giữ quan hệ thân thiết vô cùng với bất cứ ai đủ để họ bí mật đặt vào hòm thư của tôi một lá thư tay. Tôi dè chừng mở phong thư, nghe mùi giấy chua năm mòn tháng cũ. Trong một giây phút, tôi tưởng tượng thời gian đã đứng lại khi đảo mắt nhìn những dòng quen thuộc.

2.

Đan nhận ra nàng chỉ còn lại một mình sau khi chia tay Minh. Vài người bạn cũ tò mò hỏi thăm những câu lặp đi lặp lại:

– Tụi mày chia tay thật đấy à?

– Tao còn nghĩ tụi mày sẽ cưới nhau.

– Ơ sao lại chia tay? Mày bị điên à?

Mẹ gọi Đan, hỏi Đan đã ngủ với Minh chưa.

Ừ, chia tay thật. Đan cũng nghĩ mình sẽ cưới Minh, nhưng hóa ra không. Vì Minh không gửi cho nàng một lá thư, dù nàng luôn nài nỉ.

“Viết gì cũng được, em muốn đọc”. Minh vứt lại cho nàng cái nhìn quái đản.

Minh không tin có con gì đang làm ổ trong những mạch máu Đan, mà nàng chỉ là muốn mổ để lấy nó ra. Minh bảo nàng điên. Minh hét lên kéo nàng khỏi tấm chăn nhuộm đỏ, những giọt máu mồ côi chơi vơi trên sợi tóc buồn thiu đang tràn xuống cổ, nghe tanh gây, sốc nồng. Đan òa khóc:

– Em chỉ muốn giết nó. Nó đang khoan vào cánh tay em.

Minh trừng mắt giận dữ như có thể nghiền nát nàng ra. Lần đầu tiên, sau khuôn mặt người, nàng nhìn Minh rõ ràng đến cả những lỗ chân lông. Mặt anh nhăn nhúm méo mó.

Giọng nàng nứt nẻ:

– Trời ơi, mới hôm qua đây. Một con bọ xít chui vào mắt em. Em đã lôi nó ra khỏi hốc mắt mình rồi. Nhưng em vẫn cảm giác, bên trong mắt em, có cái gì đang ngọ nguậy. Có khi nào nó sẽ gặm hết cả cặp mắt em không?

Minh quăng Đan trong bệnh viện, ném lại một câu:

– Chia tay đi! Anh hết chịu nổi rồi.

Đan nằng nặc đòi bác sĩ thắt cho nàng một cái nơ bướm trên cổ tay. Đan cảm ơn rồi nhìn anh ta cầu khẩn:

– Anh có thể gửi cho tôi một lá thư không? Tôi sẽ gửi anh phí bưu điện.

Anh ta nhăn mặt nhìn Đan, rồi tốt bụng giúp nàng đặt lịch hẹn ở một phòng khám tâm lý. Chiều hôm ấy, lúc băng qua xa lộ Hà Nội tới phòng khám nọ, nàng díu hai tay không biết làm sao để sang đường.

– Có con gì đang làm ổ trong những mạch máu tôi, tôi chỉ muốn mổ để lấy nó ra. Tôi đã đi gặp bác sĩ, họ không thấy chúng nên tôi đành phải tự làm. Tôi không cho những việc mình làm là “hội chứng tự ngược đãi bản thân”. Anh có nghe thấy tiếng đục khoét ngay đây không? Không ai tin tôi hết.

Bác sĩ tâm lí nhìn nàng, gật đầu quả quyết:

– Tôi tin cô.

– Mẹ tôi không tin tôi, người yêu tôi, à không, người yêu cũ, cũng không tin tôi. Anh tin tôi á?

– Tin. Tôi biết bên dưới những mạch máu kia có rất nhiều hang ổ, thật đấy.

Anh ta mỉm cười, khẽ nghiêng đầu:

– Xem nào… Làm sao cô lôi chúng ra hết được. Lũ này lì lợm lắm. Cô uống vài viên thuốc trước đã, tụi này sẽ khó chịu mà từ từ bò ra. Hơi xót ruột đấy, nhột nhạt nữa.

Vị bác sĩ kỳ lạ làm Đan ngơ ngác cả quãng đường về. Thú thật, nàng không tin anh ta lắm, vài viên thuốc vô hại làm sao hù dọa được lũ điên đang rình rập bên trong. Lũ này sẽ chỉ nương theo máu rồi chui ra bớt qua những vết thương ngoan. Chúng sẽ không biến mất, không có khả năng. Nhưng không hiểu sao nàng vẫn nhận bảy viên thuốc của anh ta, rồi gật đầu ngoan ngoãn không kém gì những vết thương.

Lần này, Đan chặt hẻm về nhà, đường đầy ổ gà, gồ ghề hơn cả cánh tay nàng đầy những vết sẹo lồi. Đan thở dài, thấy bản thân không một mình sống nổi ở Sài Gòn. Cũng phải có người giật lưỡi dao lam khỏi tay nàng mỗi lần mấy cái hang hốc bên trong điên cuồng giãy giụa. Cũng phải có người chở nàng ném vào bệnh viện, băng vết cắt rồi giúp nàng cột một cái nơ bướm trắng tinh. Đan hãi dòng xe người trước ngược kẻ sau, rục rịch từng nhích một, rồi liều mạng sang đường, nghe ở sau còn văng vẳng tiếng chửi. Nàng thật sự không sợ mất Minh, chỉ sợ bản thân không thể một mình. Nàng kiểm tra hộp thư, không có một lá thư nào.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Đêm đó, sau khi nuốt mấy viên thuốc trong veo xinh đẹp, những hang ổ bên dưới điên cuồng lúc nhúc, mà hình như cũng thật sự cựa quậy bò ra. Đan đã mơ một giấc mơ rất đẹp: ba và mẹ đợi nàng trước cổng trường cấp hai, mẹ cho nàng một túi kẹo đường – vốn là điều nàng luôn mơ tưởng, những đêm chân tay co quắp như có ngàn con bọ điên cuồng gặm cắn, nàng sẽ ăn một thanh kẹo đường ngọt đến gắt cổ, rồi đợi được chữa lành.

3.

Anh ta hẹn nàng vào một tuần sau đó. Câu đầu tiên anh ta hỏi:

– Nó xuất hiện từ lúc nào?

– Để tôi nhớ thử xem sao.

Lục lọi những chuyện trước đây, đầu Đan đau như có con gì đang cắn gặm lần lần bên não. Từ khi nào? Từ lúc mẹ thật thà nói cho Đan biết, vì có nàng nên ba mẹ mới cưới nhau? Từ lúc mẹ cấm tiệt những thanh kẹo đường, bắt một đứa trẻ từ bỏ những đặc quyền trẻ nhỏ: nhõng nhẽo, khóc mếu, làm nũng, nghịch ngợm, và sai sót?

Từ lúc mẹ quăng sạch những lá thư từ một người bạn lạ của Đan, bảo nàng ngớ ngẩn? Đan từng nhận được thư từ một người bạn lạ. Bạn ấy kể Đan nghe, vị của những viên kẹo đường ngọt đến nỗi có thể vá lành vết đứt trên tay. Nếu nhìn lên bầu trời thật lâu buổi sáng, Đan sẽ nếm được vị mây, xốp mềm và ngọt dịu. Nếu nhìn lên bầu trời đêm lấp lánh, đọc đúng một câu thần chú, Đan sẽ biến thành một ngôi sao…

Từ lúc Đan ngồi bó gối đợi đến khi trời âm u tối, ba mới tới trường cấp hai đón nàng, phun ra hai từ “phiền phức”, xách nàng về nhà và quăng nàng vào phòng ngủ, rồi lớn tiếng với mẹ xem hôm nay ai mới là người phải đón nàng, tiếng quát còn to hơn tiếng hát trên đài phát thanh?

Mẹ Đan nhận ra bà và chồng đang rơi, rơi càng lúc càng nhanh, dù bà đã gồng mình mỗi ngày đóng vai một người vợ tốt. Chồng bà thừa nhận ông không hề yêu bà, dù bà luôn dậy sớm nấu bữa sáng đủ đầy; bà luôn chuẩn bị cơm ngon canh ngọt; bà giặt những chiếc sơ mi đắt tiền bằng tay, không để chúng nhàu nhĩ trong máy giặt; bà chưa từng than thở về mùi cơ thể rất nặng của chồng, cùng mùi nước hoa đậm đặc, cuộn thành dòng xộc vào cuốn mũi bà, khiến bà hắt xì không ngưng. Bà sẽ không bao giờ được yêu theo cách bà luôn muốn, dù là một chút. Bà gỡ những sợi tóc màu nâu vướng vào cổ áo, chà một vệt son rất trẻ. Bà thấy gáy chồng ửng đỏ, phảng phất mùi nước tẩy trang đắt tiền. Cô ta giúp ông chùi mép.

Chúng ta sống với nhau bằng những khuôn mặt người. Một ngày nào đó, sự vạch trần làm những khuôn mặt vỡ ra, vụn vằn tan nát. Chúng ta trần trụi đối diện với nhau, đầy những nỗi khinh thường và rẻ rúng nhau. Bên dưới khuôn mặt người, ba và mẹ nhìn nhau, đớn hèn. Đan nghe tiếng vỡ choang. Nàng không tìm được thanh kẹo đường nào để vá lành hai gương mặt.

Chỉ còn ba. Chỉ còn mẹ. Không còn ba mẹ. Rồi họ bắt đầu đùn đẩy nhau xem ai sẽ nuôi nàng, vì họ đều không muốn đón nàng mỗi buổi chiều. Hẳn là nó xuất hiện từ lúc ấy đi. Những mảnh vỡ mặt người chui tọt vào dưới lớp da nàng, làm ổ rồi mỗi ngày điên cuồng quấy phá, kể cả khi ba, mẹ không còn ở cạnh Đan.

Anh ta mời Đan một cốc nước ngọt. Nàng khuấy những viên đá va vào nhau lách tách, uống một hơi cạn sạch. Anh ta nhướng mày hỏi thăm vết thương sao vẫn chưa lành.

– Tôi cắt ra đấy. Bọn này lì lợm lắm. Chúng bò ra, nhưng lại kiếm một nơi khác, tiếp tục làm ổ. Lần này, hình như là đầu ngón tay. Tôi sợ đau. Anh có thể giúp tôi giật lại lưỡi dao lúc tôi sắp cắt những đầu ngón tay không? Bọn này ưa hù dọa…

Anh ta thở dài, tháo những lớp băng trầy trật ra, cẩn thận sát trùng rồi băng lại từng vòng từng vòng. Đan “a” lên đau đớn, những giọt cồn mát lạnh thấm vào đống máu thịt nhão nhoét.

– Tôi đau đớn một cách dễ chịu. Hơn là những giấc mơ ngọt ngào giả dối đến buồn nôn. Nhưng nếu mà mơ mộng tống được chúng nó ra ngoài thì đành vậy. Nhưng mà dễ có khi bên trong tôi sẽ rách ra.

Nếu mà chọn được, nàng thà cùng những vết thương lặng im trò chuyện, những ngày bão bùng mưa gió. Không ghép vần thơ, tuổi trẻ mịt mờ, chằng chịt lối, không đèn đóm. Những ngày sắp quên, nàng lật miệng vết thương, nói chào, bật khóc. Tiếng khóc vồ vập, tiếng khóc dịu dàng, tiếng khóc khổ đau, tiếng khóc thoi thóp. Tiếng khóc sắc cạnh. Người ta đi qua, cười lạnh tanh.

– Mơ một giấc mơ xa xỉ cũng giống như việc anh đã một lần được nếm thử kẹo đường, nhưng hụt hẫng không được nếm thử lần hai, lần ba. Tệ hơn nữa anh mãi mãi không được ăn kẹo đường nữa, hay là anh chưa từng được ăn kẹo đường, nhưng mãi khát thèm mơ mộng về nó. Giấc mơ ngọt ngào thậm chí làm tắc nhịp đập, những mạch máu sẽ vỡ ra. Nhiều lúc tôi còn tưởng tôi chết rồi cơ.

Cũng may, anh ta không chê nàng nói những điều kì lạ. Nàng cứ vậy nói mãi.

Nàng bảo, nàng biết xung quanh nàng có rất nhiều khuôn mặt người. Thậm chí, mỗi ngày, nàng chọn một gương mặt. Khi một gương mặt vỡ, sẽ có thêm nhiều gương mặt vỡ. Những mảnh vỡ sẽ đâm vào da thịt người, làm ổ rồi đục khoét ngày đêm.

Nàng nghiêng đầu, vài sợi tóc chảy qua mắt, qua môi, xuống cổ. Nàng thấy tay mình nứt ra khi chạm vào những sợi tóc buồn. Mẹ bắt nàng cắt tóc ngắn năm nàng sáu tuổi. Cho gọn gàng dễ chải.

Năm đó, một con bướm trèo qua khung cửa, bò lên tay nàng, lướt qua bàn tay nàng thô gầy xấu xí. Cuối cùng, nó bay đi, để lại chút phấn mỏng trăng trắng trên cổ tay. Hôm nọ, một con bọ xít chui vào mắt nàng, nàng đã lấy nó ra nhưng hình như linh hồn của nó kẹt lại, xây tổ trong hốc mắt nàng. Nàng sợ nó sẽ khoét sạch đôi mắt nàng trước khi nàng kịp chọn một khuôn mặt người.

Cứ cách vài ngày, nàng lại gọi anh bưu tá một lần, hỏi xem có ai gửi cho nàng một lá thư không. Anh bưu tá không kiên nhẫn nói với nàng được ba câu. Nàng thở dài ngắt máy, nàng bây giờ thèm một lá thư như ngày nhỏ thèm một thanh kẹo đường ngọt lịm.

Nàng đã rất yêu Minh. Yêu đến nỗi tất cả nhột nhạt trong mạch máu đều sẽ biến mất lúc Minh ôm nàng, dù Minh không mua cho nàng thanh kẹo đường nào. Ước gì nàng yêu một ai nhiều thật nhiều như cách nàng yêu Minh. Ước gì có ai cho nàng một thanh kẹo đường. Điều làm nàng thất vọng nhất là, lúc Minh quăng nàng trong bệnh viện rồi nói chia tay, nàng thậm chí còn chẳng đau lòng. Chắc là vì nàng đã thấy sau gương mặt người nọ, Minh đáng sợ biết bao nhiêu.

Nàng trơ trơ như một miếng miểng chai mòn sỏi. Tình yêu của con người cứ như thật, như đùa, cứ mỏng manh, khó đoán. “Nhưng cũng hay ho đấy, sao anh không thử đi”.

Trước khi ra về, nàng nhìn anh ta bằng ánh mắt cầu xin:

– Anh có thể gửi cho tôi một lá thư không? Tôi sẽ gửi anh phí bưu điện.

Lần này, nàng đã chậm chạp trên xa lộ Hà Nội về nhà. Kiểm tra hòm thư, không có lá thư nào cả. Viên thuốc đầu tiên của tuần thứ hai làm ruột nàng đau như thủng lỗ, cơn sốt vò nàng như vò một nắm giấy lộn, mồ hôi thấm ướt tấm chăn mềm. Nàng gọi cho anh ta, một thói quen hư hỏng – qua quýt nắm níu những con người lướt qua đời. Vậy mà anh ta tới thật. Nàng òa khóc. Anh ta dỗ nàng bằng một thanh kẹo đường.

4.

Tôi nhận được lá thư đầu tiên sau rất nhiều ngày trông ngóng.

“Tôi khịt mũi bảo rằng thật khó tin là em có thể hít thở được trong căn phòng ngập mùi giấy tờ mốc meo, mùi nước hoa nồng nặc, mùi cồn sát trùng xộc thẳng lên óc. Tôi tìm công tắc bật điện. Em mặc một chiếc áo cánh tay, làm lộ những vết sẹo lồi lõm đan cài.

– Lúc nãy tôi nghe tiếng ai đang khóc.

– Chẳng có ai khóc cả. Tôi chỉ đang nói chuyện với tôi. Tôi bảo tôi đau lắm, tôi tuyệt vọng ghê.

Tôi đánh hơi thấy mùi đêm trong mắt em hun hút sâu. Và nỗi khổ đau thầm kín. Và dịu dàng mong chờ. Nỗi đau của em, cũng diễm lệ như em. Em tiếp tục bằng một giọng êm êm xen nứt vỡ, bằng cặp mắt nuốt đêm thành phố buồn xo. Em tưới tắm tôi bằng một ánh nhìn, bị khoét rỗng bởi những mảnh vỡ làm lụng đêm đêm:

– Tôi chắc ăn mùi anh nghe được, là mùi của giấc mơ mấy hôm nay vẫn ở, đang ủ ê trượt dài trên những sợi tóc. Chúng dỗ dành những vết thương chưa lành miệng. Tôi cũng không biết nữa, nhưng anh nhìn những vết thương mà xem, đẹp như một cánh hoa.

Tôi khẽ gật đầu, kéo tay áo, vươn cổ tay ra. Em hơi bất ngờ khi tôi chìa ra cánh tay đầy những vết sẹo. Những vết sẹo không giống nhau, thỉnh thoảng cuộn lên dữ dằn và âm ỉ. Những vết sẹo của ai sâu hơn, đau hơn, nhức nhối hơn? Ai mà biết. Chỉ biết là bằng một cách nào đó, chúng ta bị tổn thương. Tôi dán cho em một miếng dán hạ sốt. Em ôm cánh tay tôi xẹo xọ, mê man ngủ thiếp đi”.

Tuần thứ ba uống những viên thuốc trong veo, vết thương đã lành, nhưng tôi vẫn đòi được cột cho một cái nơ bướm. Lúc bước ra khỏi phòng khám, tôi nhìn lên bầu trời, thấy miệng thơm một mùi rất mới, lưỡi ngọt dịu, mềm tan.

5.

Hôm nay, Đan nhận được lá thư thứ hai kể từ ngày nàng lớn lên. Nó ngoan ngoãn và ngay ngắn trong hòm thư phủ bụi. Phong thư trắng tinh, không ghi địa chỉ, không cả dán tem. Nàng gọi cho bưu điện. Anh bưu tá không kiên nhẫn nói với nàng được ba câu. Anh bảo mình chưa từng giao lá thư nào cho nàng cả.

Đan hơi sợ sệt, vì lá thư xuất hiện mà không có lí do nào. Nàng dường như cũng không giữ quan hệ thân thiết vô cùng với bất cứ ai đủ để họ bí mật đặt vào hòm thư của nàng một lá thư tay. Đan dè chừng mở phong thư, nghe mùi giấy chua năm mòn tháng cũ. Trong một giây phút, nàng tưởng tượng thời gian đã đứng lại khi đảo mắt nhìn những dòng quen thuộc. “Chào mình nhé, làm người lớn có vui hơn chút nào không?”.

Đây là bài kiểm tra Ngữ văn hồi còn đi học, viết một lá thư gửi bản thân của mười năm sau. Nàng đã run run viết lá thư này sau mấy năm trời không gửi lá thư nào cho một người bạn lạ:

“…

Làm người lớn có đỡ mệt hơn không Đan ơi?

Mình mong Đan vui vẻ. Mình mong được gặp Đan nhiều lắm.

Nuôi tóc dài Đan nhé. Và mỗi ngày ăn một viên kẹo đường”.

Đan cũng không biết làm sao lá thư xuất hiện. Có tiếng “choang” như một khuôn mặt vỡ.

Tuần thứ tư uống những viên thuốc trong veo, Đan lao nhanh trên xa lộ Hà Nội về nhà. Mưa bất ngờ tuôn không báo trước, lâm thâm, từng đợt, day dứt, quanh quẩn, không biết đang khóc lóc, trách cứ hay chỉ buông xuống bâng quơ. Mùi đường sá vào từng đường chỉ tay, mạch máu. Mùa đã tới, và sẽ qua. Mùa hườm hườm chưa chín, mùa ngọt, chát và tươm mủ, trên những ngón tay nàng lành lặn dần nắm chắc tay lái một mình.

THỤY HÂN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Câu chuyện trong hốc đá

Hốc đá mọc mầm xanh
Rễ bám ghì bên bờ vực
Con đường nhựa chảy như máu và nước mắt
Đôi chân gầy ghim vào thửa ruộng cằn
Lật lên cơm áo…

Nhen nhóm quê nhà

Người đàn bà co ro đêm ba mươi
Ngón tay run tựa vào hơi thở
Tôi thấy sự thiện lương rạng rỡ
Tấm vé số vơi dần đi