Đàn ông đã chết

(VNBĐ – Truyện ngắn). Tôi cười rũ. Cười thoải mái vô tư cùng mấy người bạn gái. Anh chồng vui tính của bạn nhận xét về lứa U40 chúng tôi: “Mấy bà như chậu hoa ngày hết Tết, bưng ra để trước cửa. Cho đứa nào nó bợ đi cũng được. Ai dè sáng ra thấy nó lấy mất cái chậu, hoa bỏ lại!”.

Anh có khiếu hài hước, chuyện gì qua cách kể cách nói của anh cũng vui. Anh là sĩ quan quân đội, hấp dẫn nhiều mặt, chớ vội nghĩ sai, chồng bạn thì đừng tơ tưởng. Thà khuất mày khuất mặt, chồng của ai đó. Nhưng liệu có còn người đàn ông nào nữa không cho mình tơ tưởng? Tôi cũng U40, tôi cười vì cách ví von nghe ngộ của anh chớ không phải ý nghĩa câu nói này.

Với tôi, đàn ông đã chết.

Tôi, hai đời chồng và vô khối đàn ông trong những cuộc tình, những gặp gỡ thoáng chốc. Tôi, giám đốc một doanh nghiệp kha khá, có tiền, có quyền, nhất là còn nhan sắc.

Anh khóc. Sau khi đã làm tôi thỏa mãn. Anh có vẻ cũng thế, tôi không chắc lắm. Đàn ông thường gian manh về cảm xúc trong chuyện chăn gối. Anh khóc vì lời cầu hôn lần thứ một trăm tôi vẫn từ chối. Người đàn ông nhỏ hơn tôi gần chục tuổi này có thể hình đẹp, dục tính sung mãn, nhiều hấp lực với nữ giới. Đàn bà càng từng trải càng nhanh chóng bị hấp lực này quyến rũ. Tôi là người dẫn anh lên giường ngay lần gặp đầu tiên.

Anh luôn trong trạng thái ấm ức, vì anh không phải kẻ chinh phục, và dù rất hài lòng tận hưởng, tôi không hề có vẻ thường thấy của những phụ nữ khác: Khi đàn ông đã nằm trên bụng họ là có một ảnh hưởng, một quyền lực, một tác động nào đó khiến người nữ – kẻ bị khuất phục – có đúng một ngàn lẻ một lý do để biện minh cho sự lệ thuộc của mình bằng cách tô vẽ cho người đàn ông những phẩm chất hoặc thói tật đáng yêu; họ rơi vào trạng thái tự lừa phỉnh một cách vô thức, xét cho cùng cũng là biểu hiện rất bản năng, một sự yêu mình, đề cao mình, rằng, đấy mới là người đàn ông xứng đáng với ta, đấy mới là người đàn ông ta lựa chọn; anh ấm ức vì biết càng lúc càng rõ ràng, tôi chỉ cần anh trên giường, và cho dù rất hài lòng thì cũng chỉ vậy, hết.

Con trai tôi một hôm bảo: “Sao mẹ không lấy chồng nữa?”. Nó đã lớn. Chắc là đang yêu.

Tôi đã khóc hai lần. Lần đầu khi nghe Tần lúng túng nói lời chia tay. Lần thứ hai lúc thành đàn bà. Cả hai đời chồng tổng cộng mười một năm hôn nhân hợp pháp kèm theo hai lần ly dị hợp pháp tôi không rơi một giọt nước mắt. Chắc là còn một lần nữa trong đời, người ta thường nói quá tam ba bận, tôi để dành khóc mình chăng? Tôi, nếu còn biết khóc trong hai lần mười một năm ấy thì chắc đã có đời chồng thứ ba, thứ năm gì đó, dĩ nhiên hợp pháp. Tôi đã lựa chọn như bây giờ, không khóc tuyệt đối, nghĩa là dửng dưng trơ khấc chớ chẳng có kiểu như ai nói nước mắt chảy vào trong; lựa chọn này cũng là tôi danh chính ngôn thuận dừng lại ở hai chồng, một con trai, của người chồng trước.

Bây giờ thỉnh thoảng tôi có gặp Tần, đời anh chẳng mấy khấm khá, sau đấu đá nội bộ gì đó, có vẻ anh yên phận với cái chức Tổ trưởng bộ môn trường cấp III huyện. Đáng lẽ phải tầm Trưởng phòng Giáo dục, tệ lắm cũng Hiệu trưởng, Hiệu phó. Tần vào Đảng trong năm cuối sinh viên, giờ đã ba mươi mấy tuổi Đảng rồi, cũng sắp nghỉ hưu rồi. Những lần gặp nhau không bao giờ chúng tôi đụng tới chuyện này vì gợi nhớ cái điều quá thê thảm, quá tội nghiệp thời trẻ, thời số phận con người chỉ vắn tắt lạnh đanh, đầy tự hào về lý lịch, về thành phần xuất thân hoặc nghiệt ngã mấy dòng trên giấy đóng sập những cánh cửa vào đời; thời khờ khạo trong sáng vô ngần, mối tình đầu của chúng tôi…

Trước trường là vịnh biển vi vút hàng dương. Biển mềm thơm ấm nồng môi hôn, vú biển háo hức căng dần trên ngực, biển rân ran đầy tròn dưới làn da mịn màng nhạy cảm. Biển đắm say. Biển khát. Miên man. Biển chỉ có một mùa thôi, mùa yêu nhau. Đến ba năm.

Đột nhiên biển động. Là cái đêm Tần không vồ vập cuống quýt ôm lấy tôi như mọi khi. “Ngọc ơi… Tần biết, thật vô lý… nhưng mà… Tần phải vào Đảng… Đó là… lẽ sống của Tần, của mọi thanh niên bọn mình… Cha Tần là liệt sĩ, Ngọc biết rồi…”. Và ráo hoảnh, nhanh chóng: “Chúng mình không thể có nhau trong đời được, cái lý lịch người Hoa của Ngọc. Hãy hiểu cho Tần!”.

Biển tử thương.

Không vật vã. Không gào thét.

Mắt biển vốn đầy dư ba, đầy những tiết điệu mỹ miều và hương thơm trong vắt, bỗng chết sững, chầm chậm rỉ hai dòng ngập ngừng và nhanh chóng quánh lại như máu. Suốt đêm.

Rồi thao láo vô hồn đến mấy năm.

Giá như chồng tôi hỏi, tôi sẽ thành thật kể với anh. Anh hơi hẫng một chút đêm tân hôn khi biết tôi đã là đàn bà, nhưng anh cũng nồng nhiệt dâng tặng và thụ hưởng. Anh không hỏi nghĩa là tôi không có lỗi trong chuyện này, nghĩa là nhiều lần thấy anh trầm tư nhấm nháp cảm giác bị lừa, tôi có chút thương cảm nhưng cứ để mặc. Rồi đẻ con. Quanh thằng bé xinh như mộng, chúng tôi bận rộn hơn, ngôi nhà ấm áp hơn. Thực ra về căn bản ngôi nhà chưa hề lạnh trong suốt thời gian chúng tôi chung sống. Chỉ có những khoảng trống vĩnh viễn không thể lấp đầy.

Tôi không ân hận gì, chỉ một chút tiếc. Chồng tôi là một kỹ sư xây dựng tốt bụng và nghiêm khắc. Với mình. Với người.

Tôi tiếc cho anh không hỏi và tiếc cho tôi: Người biến tôi thành đàn bà chỉ là người đàn ông tôi tình cờ quen trong chuyến thăm bà con ở một thành phố du lịch, một năm sau ngày ra trường. Ngay cả người đàn ông này cũng ngạc nhiên vì “trời” cho anh nhiều đến vậy, bất ngờ đến vậy. Nhưng, tôi cũng cảm ơn anh, người đàn ông thậm chí đến giờ tôi lơ mơ không nhớ lắm dong mạo, anh đã cho tôi cảm giác sống lại sau cái chết của biển, tôi hiểu, lần đầu tiên hiểu rằng cuộc sống còn hấp dẫn như thế nào, chứ chết thì chưa biết, chưa nghe ông bà tổ tiên ngợi ca sự chết trong những lần đốt hương khấn vái trước bàn thờ các vị. Anh đã có vợ nên chúng tôi chóng vánh kết thúc như chưa từng có nhau. Sau này tôi mới hiểu, giả dụ anh còn độc thân thì mọi thứ chưa chắc đã tốt hơn. Chuyện đại khái vậy, mấy sự yêu đương nhì nhằng rất không đáng quan tâm.

Chỉ vì chồng tôi không đến nỗi nào nên tôi có chút nuối tiếc về điều không trọn vẹn. Nhưng giả dụ tôi trọn vẹn thì liệu cuộc sống tôi có tốt hơn không?

Chúng tôi quyết định chia tay nhẹ nhàng. Để không làm tổn thương nhau. Tôi nhận nuôi con và không ràng buộc chồng bất kỳ điều kiện nào về vật chất. Con trai chúng tôi mới năm tuổi.

Hơn năm sau tôi lấy chồng hai, chính xác là anh ta chủ động xin cưới. Tôi ô kê. Sao lại không? Anh là cán bộ cấp tỉnh, một ngành rất quyền lực. Thời này, vợ gốc người Hoa cũng không sao. Anh một đời vợ. Tôi một đời chồng. Con riêng của anh ở với vợ trước. Có chồng tuy nhiều ràng buộc cũng có phần được, cái được rõ nhất là, về căn bản luôn sẵn một người đàn ông. Cả thằng đàn ông liệt dương thì vẫn có chỗ hữu dụng, thật đấy. Đó là ý nghĩ của tôi lúc gật đầu lên xe hoa lần hai.

Anh ghiền tôi vì qua vài lần ăn nằm thấy tôi gái một con không chỉ mòn con mắt mà đáng đồng tiền bát gạo. Xin lỗi, tôi mới ba mươi, bắt mắt, già dặn chuyện giường chiếu, hành xử có hiểu biết, không đáng tiền ư? Thậm chí tôi thấy tự tin, hãnh diện về mình. Anh chỉ là một trong nhiều người nộp đơn. Tôi duyệt anh vì đơn giản, tôi đang bắt đầu gầy dựng sự nghiệp kinh doanh, chồng nhiều quyền thế cũng đỡ đôi phần. Đúng là cái bóng anh có giúp tôi ít nhiều.

Nhưng việc nương bóng này không cản được tôi, ký tên nguyên đơn xin ly dị. À lần ly hôn trước chúng tôi đồng thuận cùng ký đơn.

Anh làm ở cơ quan nhiều quyền lực nên người ta nhờ vả, dựa hơi, mời ăn nhậu là thường. Tiền bạc đâu đó ngoài lương, nhiều gấp mấy lương là thường. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” trong quan hệ giao dịch, huống chi thời buổi nhà nhà người người cắm cúi kiếm tiền. Họ đẻ ra những từ mới rất hay, như “bôi trơn”, điều kiện “đầu tiên”,… Tiền “lại quả”, tiền “chung chi”, tiền “cám ơn” xin việc, chạy chức. Kinh doanh buôn bán phải biết điều, từ thuế má đến phòng cháy chữa cháy. Xin cho con học trái tuyến, cũng tiền. Tết tung, lễ lộc đều có quà, lớn nhỏ giá trị tùy mối quan hệ ơn nghĩa. Chữ ơn nghĩa là một kiểu biến tướng giúp người ta nhẹ lòng thực hiện, nó ít bẩn thỉu hơn từ đút lót. Đồng tiền giải quyết tất tần tật mọi sự trong đời sống. Chẳng quan chức gì mấy, bạn bè, nhân viên cơ quan anh ai cũng giàu sụ đó thôi.

Tôi chỉ hỏi sơ vài lần, anh bảo giúp họ chuyện này chuyện kia, họ cám ơn. Tôi nghĩ đừng làm điều trái lương tâm, chẹn hầu chẹn họng người, chứ đều trời nó vậy, chẳng hơi đâu phân định đúng sai một cách rạch ròi đồng tiền vào túi mình. Mà đã chắc gì phân định được?

Rất nhiều lần, anh mời bạn bè về nhà ăn nhậu, đặt sẵn người ta mang tới. Anh giải thích mọi người thích nhậu ở nhà cho kín đáo, quán xá thiên hạ dòm giỏ ngó treo. Lâu lâu ở công ty về gặp, tôi đều vui vẻ. Sếp anh, bạn anh, có người ngó tôi rất gian, nói mấy câu khen nịnh, bông lơn, tôi cũng lịch sự quấy quá vài lời cho đẹp lòng. Mặc họ, bọn đàn ông quyền lực, giàu có và hợm hĩnh bây giờ ra đường, vào công sở là thấy ngay đâu đó, chúng xòe đuôi công trên cốt quạ, lố bịch khoe mẽ, hãnh tiến. Quen rồi, tôi không hài lòng, không xúc động khi được họ tán tỉnh hay cũng chẳng việc gì coi thường ai.

Cũng nhiều lần nhậu tại nhà, chiều ý sếp, anh điện cho các em ca sĩ, gái văn phòng gì đó tới rót bia, nghe các em hát, boa tiền rất hậu, lần sần rồi ngả ngớn, tôi tình cờ về thấy khó chịu nhưng cũng chỉ nhắc anh sau đó, rằng hãy diễn trò ngoài quán xá, còn con trai đã bắt đầu biết nhận thức. Là đứa con riêng của tôi, sống với nhau gần ba năm, chúng tôi vẫn đồng thuận không sinh đẻ nữa. Đàn bà đẻ chửa vài lứa nhìn thấy ớn, có lần anh nói. Còn tôi cũng chẳng tha thiết gì chuyện bầu bì rồi ru rú ôm con mọn. Nghe nhắc con, anh ậm ừ bảo nó con trai, còn nhỏ, đi học suốt ngày, việc gì mà to chuyện, vả lại đó là để chiều ý anh Tư chứ không phải anh muốn vậy. Anh gọi sếp bằng thứ. Quan hệ cơ quan, xã hội giờ như thân tộc, anh Hai, anh Tư, anh Bảy…

Tôi ớn không thèm tranh cãi.

Một lần, nhìn cách ăn mặc, tôi biết các cô gái là ca-ve chứ không phải ca sĩ hay gái văn phòng gì. Dù có thể đã qua một ngàn đàn ông thì tôi vẫn đang là vợ anh, vợ hợp pháp rõ ràng, cư xử với tôi như gái bao à? Tôi hét lên giải tán đám đông đú đởn bẩn thỉu, đuổi cổ tuốt tuột, anh hay ai cũng vậy, sếp sủng, anh Ba anh Bảy gì cũng vậy. Anh bẽ mặt, xáng cho tôi cái tát tai. Hôm sau, anh làm lành và nói do tôi quá đáng.

Nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Thực ra, ngành công tác đầy quyền lực thời bình đã làm hư anh từ lâu. Con người chất phác ở một miền quê, “nhảy núi” vào bộ đội tỉnh, sau Bảy lăm chuyển ngành, công việc mới khiến anh từng ngày biến thành kẻ khác mà tôi, dù lắm thăng trầm vẫn còn ngu ngơ không nhận ra?

Một cô bạn có chồng giám đốc doanh nghiệp từng chán chường bảo, thời này chồng là khái niệm rất mơ hồ, chỉ ngôi nhà và đứa con là có thật. Tôi không cam chịu nhưng nghĩ có thể hãm anh lại được. Sau này tôi mới biết ý nghĩ ấy là sai lầm. Và biết rằng hãy hy vọng bất kỳ điều gì khi chưa thuộc về nhau!

Dĩ nhiên lần này tôi vất vả hơn để được tự do. Và nghĩ, đã quá đủ. Với tôi, sẽ không có người đàn ông nào nữa.

Sẽ không có người đàn ông nào của đời tôi nữa.

“Con thấy mẹ của bạn con lớn tuổi hơn mẹ vừa lấy chồng mới, mẹ cứ cưới đi”. Con trai tôi động viên. Nó đang chuẩn bị vào đời. Mà cuộc đời tươi đẹp quá. Nó đang yêu. Nó biết hai người thật tuyệt diệu.

Tôi, hai đời chồng và vô khối đàn ông trong những cuộc tình, trong những gặp gỡ thoáng chốc.

Tôi, giám đốc một doanh nghiệp kha khá, có tiền, có quyền, nhất là còn nhan sắc. Anh, nhỏ hơn tôi gần chục tuổi, thể hình đẹp, dục tính sung mãn, mơ ước của nữ giới, vẫn kiên trì đặt vấn đề hôn nhân với tôi. Đúng một trăm lần, sau mỗi lần làm tôi thõa mãn. Và tôi cũng ngần ấy lần từ chối. Tôi biết anh không bỏ cuộc. Tôi rồi còn mỉm cười lắc đầu một trăm, một ngàn lần nữa.

Với tôi, đàn ông đã chết.

***

Tôi giờ đã là bà nội. Cháu gái An Yên bảy tuổi, cháu trai năm tuổi tên Thành Nam, là tôi gợi ý đặt tên. Vợ chồng con tôi đều thích. Thích vì tên lạ, đẹp, chứ không hiểu điều lặng thầm cầu ước của tôi cho cuộc đời các cháu. Ngôi nhà để cho vợ chồng con trai, tôi mua một căn hộ chung cư hạng sang gần đó. Chuyện làm ăn, kinh doanh cũng chuyển dần cho vợ chồng nó. Giờ nhiều thời gian, tôi nhập giới nhảy đầm, ô tô, tennis, khuôn mẫu chung những phụ nữ thành đạt, hiện đại. Tôi không nghĩ thành đạt là phải thế này thế kia nhưng kể từ khi bạn tình trẻ của tôi cưới vợ, tôi rảnh quá. Anh không có lỗi gì khi đủ trưởng thành và dần rứt khỏi sự si mê tôi, một người đàn bà không thể sở hữu.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Vợ chồng con trai bận rộn, hai đứa cháu một hai hôm chạy sang bà nội chơi. Nhà có điều kiện nhưng con dâu tôi không sắm cho cháu điện thoại, nó bảo thông tin mạng quá nhiều độc hại cho trẻ con. Mẹ thấy không, cả ở trường học, ngoài đời giờ quá phức tạp, nó nói. Tôi ủng hộ ngay. Ngày nào cũng thấy trên báo mấy chuyện hiếp dâm, ấu dâm, buôn người,… Gái mới lớn đua đòi ăn chơi, sập bẫy đã đành, học sinh tiểu học cũng bị bạn lớp lớn, thầy giáo xâm hại. Thiệt là đảo điên, hết biết. Thôi thì nhà ai nấy giữ gìn con cháu mình. Và thống nhất, mỗi lần bé An Yên dắt em sang chơi đều gọi máy bàn báo trước, lỡ tôi vắng nhà cuộc hẹn hò nào đó hoặc tôi muốn riêng tư.

“Bà ơi bà khỏe không? Bà có nhà không?”. Tiếng con bé liến thoắng reo vui. “Bài thi vẽ của con được mười điểm!”. Tôi chúc mừng như mọi khi, nhưng nó không chịu: “Con phải đem qua cho bà xem, con vẽ cả nhà mình, có bà nữa, bà đẹp lắm!”.

Tôi chưa thấy mình già dù đã năm mươi. Nhưng cái ríu rít gia đình từ cháu nội bao giờ cũng gieo vào tôi niềm êm ái làm bà.

Mấy phút sau, nó đập cửa gấp gáp: “Bà ơi! bà ơi!”… Rồi ào vào, tái dại hoảng sợ, ập vô người tôi òa khóc. Cái bác kia… Cái ông kia… trong thang máy…

Tôi run bắn cả người khi nhanh chóng hiểu sự tình, ôm nó vỗ về. Rồi gọi điện cho bảo vệ chung cư, gọi cho con trai, con dâu.
Một lát con bé bình tĩnh, tôi chợt nhớ, quyển vẽ cháu đâu? Nó ngớ ra, bảo rớt trong thang máy.

Không phải, quyển tập ở bên ngoài, chắc rớt lúc nó hoảng sợ ào chạy ra. An Yên vẽ cảnh gia đình: Bố mẹ, nó, em Nam và tôi. Điểm 10 nắn nót của cô giáo. Bức tranh chì màu qua nét vẽ trẻ thơ như một lỗi nhịp trên nền đá sang trọng.

Khi người ta trích xuất camera an ninh thang máy, tôi phẫn nộ nhìn cảnh gã đàn ông giữ rịt cháu gái cố hôn mấy lần vào miệng nó, tay kia lần xuống dưới sờ soạng. Nhưng tôi chợt tái mặt, gai người khi nhìn kỹ người đàn ông ăn mặc sang trọng: Gã làm ở ngành chấp pháp và là người trước đây từng có lần lại nhà tôi, những cuộc nhậu em út hay trao đổi công việc gì đó với chồng tôi.

Sau sự việc, gã đàn ông cùng công an khu vực, tổ dân phố lại nhà con tôi xin lỗi bảo thấy bé gái dễ thương nên nựng nó chút chứ không có ý xấu. Gã xin lỗi, còn vài người cùng đi bóng gió về thế thần của gã.

Báo chí cũng đã vào cuộc. Cộng đồng mạng sôi sục. Nhưng có vẻ mọi thứ cứ trùng trình dù bằng chứng rất rõ ràng. Tôi ký đơn cùng cư dân chung cư khẩn thiết yêu cầu điều tra đưa vụ việc ra ánh sáng.

Vợ chồng con tôi sang hỏi ý mẹ.

Con trai bảo đã đồng ý hòa giải, nghĩ con mình cũng chưa bị hại gì đáng kể, và rằng thế lực người ta lớn, làm to chuyện, việc làm ăn của mình sẽ gặp khó… Con dâu tôi mặt bừng bừng hét toáng lên với chồng nó, một việc chưa từng. Tôi nói mấy lời nhẹ nhàng can thiệp, rằng cứ bình tĩnh để pháp luật giải quyết. Nói mấy lời dàn hòa vì cái ấm êm hạnh phúc gia đình nó, như mơ ước con bé An Yên thể hiện trong bức vẽ.

Tôi có thể làm gì khác, ngay cái tên con bé An Yên, giờ như một sự mỉa mai?

Chưa bao giờ tôi thấy mình mỏi mệt như lúc này. Một điềm tĩnh mỏi mệt. Tôi hiểu và thương con dâu nhưng không còn sức mà hét lên như nó. Tôi đã nhiều lần hét lên trong đời. Giờ đến con dâu tôi. Tôi thấy ngớp thở, nếu tiếp tục nghĩ theo chiều tiếp nối này, trời ơi, người ơi, cháu gái An Yên mới bảy tuổi!

Tôi quay đi, cố giấu dòng nước mắt. A, một lần nữa, tôi khóc. Cho mình. Chứ không phải vì người đàn ông nào.

***

Con trai tôi và thằng cháu nội có thành đàn ông không, tôi không biết. Nhưng tôi biết một ngày nào đó đàn ông sẽ tái sinh.

Có thể ngày đó tôi không cần họ nữa.

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 112 tháng 8.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…