Đại tư đồ Võ Văn Dũng và những tồn nghi

(VNBĐ – Nghiên cứu & phê bình). 

Danh tướng nhà Tây Sơn

Theo Gia phả dòng họ Võ của ông Võ Thừa Khuông đời thứ 9, học vị Tiến sĩ, dựa trên những tài liệu cũ ghi lại gia phả dòng họ mình như sau: Thủy tổ dòng họ Võ là ông Võ Văn Của, vốn quê ở Nghệ An di cư vào Đàng Trong, đến định cư tại thôn Phú Lộc, ấp Phú An, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Họ Võ là một trong những dòng họ tiền hiền khai canh, một dòng họ lớn và giàu có. Đến đời ông Võ Văn Khanh, kết duyên với bà Nguyễn Thị Điền sinh được hai con trai là Võ Văn Chỉnh và Võ Văn Dũng. Võ Văn Dũng sinh năm 1745, có 6 người con: Võ Thị Trường, Võ Văn Tuyên, Võ Văn Đức, Võ Văn Chánh, Võ Nhiên Tường, Võ Thị Nữ. Đất Tây Sơn có truyền thống của nền võ thuật lâu đời, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, ngay từ nhỏ Võ Văn Dũng đã tiếp thu tinh thần thượng võ của quê hương, ông học được nhiều môn võ thuật cổ truyền như: Cung, đao, kiếm…

Sự nghiệp của Võ Văn Dũng gắn liền với phong trào nông dân Tây Sơn và người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Năm 1771, Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa trên vùng Tây Sơn Thượng Đạo, Võ Văn Dũng tham gia phong trào ngay từ buổi đầu, là một người thông minh tài trí lại giỏi võ nghệ nên Võ Văn Dũng sớm được đứng vào hàng tướng lĩnh cao cấp của quân đội Tây Sơn. Võ Văn Dũng có tài dùng đại đao điêu luyện, nghĩa quân Tây Sơn thường khen: Võ Văn Dũng quán quân bách chiến khởi Tây thùy (Võ Văn Dũng mạnh trùm ba quân trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phía Tây). Nguyễn Nhạc khi xem Võ Văn Dũng múa đại đao cũng tán thưởng: Phá sơn trung tặc dị, thắng Văn Dũng đao nan (Phá giặc trong núi thì dễ, thắng được cây đao của Văn Dũng thì rất khó).

Năm 1773, từ núi rừng Tây Sơn Thượng đạo nghĩa quân Tây Sơn tiến xuống giải phóng vùng Tây Sơn Hạ đạo. Kiên Mỹ trở thành trung tâm bộ chỉ huy của quân Tây Sơn, tại đây Võ Văn Dũng cùng các tướng lĩnh lo luyện tập binh mã, phát triển lực lượng, chuẩn bị cho cuộc tiến công xuống vùng đồng bằng giải phóng phủ Quy Nhơn. Võ Văn Dũng thường đi cùng với Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Trần Nha đến bãi tập voi của bà Bùi Thị Xuân ở làng Xuân Hòa xem nữ tướng huấn luyện voi và tập luyện binh sĩ.

Từ năm 1773 đến năm 1786, cùng với Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh 4 lần vào Gia Định dẹp quân Nguyễn Ánh và đánh tan 5 vạn quân Xiêm. Năm 1786, ông cùng Nguyễn Huệ giải phóng Phú Xuân – Thuận Hóa, sau đó tiến ra Thăng Long dẹp tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh và đánh tan 29 vạn quân Thanh.

Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Hoàng Đế và đổi tên là thành Bình Định, rồi cử Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn giữ. Năm 1800, Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu bao vây thành Bình Định. Nói về sự kiện này, sử triều Nguyễn viết: “Năm Canh thân (1800) tướng giặc là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem đồ đảng vây thành, Dũng lấy 3 thuyền lớn và hơn 5 thuyền chiến chắn ngang cửa biển, lập bảo và đặt đại bác ở Bãi Nhạn và núi Tam Tòa về phía tả của biển để chống lại quân ta” (Đại Nam nhất thống chí). Năm 1801, sau hơn một năm vây thành, Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu tái chiếm thành Hoàng Đế, hai tướng nhà Nguyễn đều tử nạn. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, Võ Văn Dũng bị bắt.

Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng tại huyện Tây Sơn. Ảnh: Cổng thông tin huyện Tây Sơn

Võ Văn Dũng là một danh tướng trong Tứ trụ đại thần của triều Tây Sơn và đứng đầu trong Tây Sơn thất hổ tướng (cùng: Trần Quang Diệu, Vũ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Lộc). Ông không chỉ là hổ tướng trên chiến trường mà còn là nhà ngoại giao giỏi với hai lần đi sứ nhà Thanh (1789, 1791), được vua Quang Trung cử đi sứ vào những thời điểm quan trọng nhất; ông cũng là một trong những tướng lĩnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu bảo vệ sự tồn tại của vương triều Tây Sơn. Năm 1795, vua Cảnh Thịnh phong ông chức Đại tư đồ.

Những tồn nghi về Đại tư đồ Võ Văn Dũng

– Võ Văn Dũng trốn thoát về ẩn tại An Khê, mất năm 1835.

Sách Danh tướng Việt Nam (tập 3, tr. 277) và Việt Nam thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (quyển 2, tr. 1.453), chép: “Tương truyền Võ Văn Dũng đã chạy thoát được, sau đó ông lui về vùng Bình Định cải danh là Võ Văn Độ. Ông mất tại An Khê ngày 23 tháng 3 năm Ất Dậu (1835), tức năm Minh Mạng thứ 16”.

Theo tài liệu “Tây Sơn – Nguyễn Huệ” – Kỷ yếu Hội nghị nghiên cứu phong trào nông dân Tây Sơn và Anh hùng Nguyễn Huệ, cho biết: Sau khi bị quân Nguyễn Ánh bắt đem về Phú Xuân đợi ngày ra pháp trường, Võ Văn Dũng đã trốn thoát và về quê vùng An Khê, thuộc huyện Tuy Viễn, dinh Bình Định, cải danh là Võ Văn Độ. Ông mất tại An Khê ngày 23 tháng 3 năm Minh Mạng thứ 16 (1835). Năm 1907, con cháu Võ Văn Dũng đã cải táng hài cốt ông về quê tại Gò Quàn, thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn ngày nay. Hàng năm, đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, con cháu dòng tộc Võ tập trung tại Từ đường ở thôn Phú Mỹ để cùng làm lễ cúng tổ tiên và lễ giỗ cho ông.

Tại Phú Mỹ xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, có chùa Phước Sơn, ngôi chùa Võ Văn Dũng đã có công xây dựng và đưa ba pho tượng từ Bắc Hà về thờ. Hiện nay, tượng Phật A Di Đà đang thờ tại chánh điện chùa Phước Sơn, hai tượng: Phổ Hiền Bồ tát và tượng Quan Thánh cùng thần vị Đại tư đồ Võ Văn Dũng được đưa về trưng bày ở Bảo tàng Quang Trung. Trên nền nhà cũ, nơi ông sinh trưởng, dòng họ Võ xây dựng ngôi Từ đường, được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia năm 1988. Đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Định khánh thành Đền thờ Võ Văn Dũng tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn.

– Võ Văn Dũng bị Nguyễn Ánh xử trảm tại Huế năm 1802.

Sử nhà Nguyễn chép, ngày 02 tháng 11 năm 1802, Võ Văn Dũng bị giết cùng với nhiều tướng lĩnh Tây Sơn khác. Quốc triều sử toát yếu (Nxb Văn học, 2002, tr. 73) chép: “Năm Nhâm Tuất (1802), tháng 6… Người xã Ngọ Xá (huyện Nông Cống) là Phạm Ngọc Phát, Phạm Ngọc Thụy bắt Võ Văn Dõng và ba bộ hạ, giải đến Hành tại, Ngài (vua Gia Long) truyền đóng xiềng giam nghiêm”.

Tác giả Văn Tân, trong sách Cách mạng Tây Sơn (Nxb Văn Sử Địa, 1958, tr. 206-208) và Quốc sử di biên (Nxb KHXH, 2010, tr. 88) của Phan Thúc Trực, chép: “Tháng 10 (Âm lịch), ngày mồng 7 yết Thái Miếu, đem anh em ngụy Toản, cùng bọn Diệu, Dũng ra phanh thây, bêu đầu lên cây”.

Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Phan Thuận An trong bài “Tìm thấy một số di tích thời Tây Sơn ở Bình – Trị – Thiên” trong tập sách Tây Sơn – Thuận Hóa những dấu ấn lịch sử, cho biết: Võ Văn Dũng bị bắt và bị giết tại Phú Xuân, hiện còn mộ ở làng Phụ Ồ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ năm 1786 đến năm 1802, Võ Văn Dũng sống ở Phú Xuân, tại đây ông lấy bà Lê Thị Vi người làng La Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Mùa thu năm Tân Hợi (1791), Võ Văn Dũng có công đúc chuông chùa La Chữ.

– Tư liệu và di tích Võ Văn Dũng ở làng La Chữ.

Tháng 7.2023, người viết bài này tìm về làng La Chữ. Làng La Chữ là ngôi làng cổ, có hơn 650 năm lịch sử, nằm phía Tây thành phố Huế, cách kinh thành Huế hơn 03 km đường chim bay, thuộc vùng đất cận sơn. Hiện nay, làng La Chữ thuộc xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nơi đây, hiện có di tích, di vật liên quan đến Đại Tư đồ Võ Văn Dũng, đó là: Lăng mộ vợ chồng danh tướng Võ Văn Dũng – Lê Thị Vi và quả chuông đồng có ghi: Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng chính thất Lê Thị Vi công đức.

Quan Điện Tiền Tướng Quân, tước Thái Bảo Giá Ngự Quận Công – Võ Văn Dũng đóng Tổng Hành Dinh tại làng La Chữ, và lấy người con gái trong làng làm vợ – chính thất Lê Thị Vi, ái nữ ông Lê Công Học. Năm 1791, ông đã cùng với phu nhân, nhạc gia và dân làng trùng tu chùa La Chữ, đúc chuông, quả chuông đang lưu giữ tại chùa. Đây là quả chuông duy nhất có niên đại năm Tân Hợi (1791) là năm Quang Trung thứ tư. Trên chuông khắc: Hương Trà huyện, La Chữ xã, Hội thủ Lê Công Học tín cúng, Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng chính thất Lê Thị Vi công đức (mấy chữ Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự… bị cào mờ, khó đọc). Tại làng La Chữ hiện lưu truyền câu hát ru: Gió đưa mười tám lá xoài/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi. Phải chăng ý nói cây xoài là đặc sản vùng Bình Định và 18 là chỉ số tuổi bà Lê Thị Vi lúc lấy Võ Văn Dũng!

Quả chuông chùa làng La Chữ, Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng chính thất
Lê Thị Vi công đức. Ảnh: N.T.Q

Theo ông Hà Xuân Liêm, một con dân làng La Chữ, cho biết: Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh dẫn các tướng Tây Sơn đến Thái Miếu làm lễ hiến phù. Xong lễ, quan Tư đồ Võ Văn Dũng và nhiều tướng khác bị dẫn ra cồn Mồ Côi (về sau gọi là Cồn Chém) xử trảm. Dân làng La Chữ đã đánh cắp thi thể Võ Văn Dũng về chôn cất tử tế tại cồn Lăng Thầy Tu, thuộc sơn phận làng Phụ Ổ, xã Hương Chữ. Chỉ làm dấu mà không đắp mộ. Hôm đó là ngày mùng 7 tháng 11 năm Nhâm Tuất, Tây lịch là ngày 01.12.1802. Đến nay, hơn 200 năm, làng La Chữ hàng năm vẫn làm lễ kỵ Đại tư đồ Võ Văn Dũng vào ngày 7 tháng 11 Âm lịch. Bà Lê Thị Vi cũng bị bắt giam, sau được vua Gia Long tha về nguyên quán, bà mất tại làng La Chữ, được táng bên cạnh mộ ông theo nguyên tắc Nam tả Nữ hữu. Mộ táng theo địa bàn phong thủy: tọa Nam – Ly – Bính Thân; hướng Bắc – Khảm – Bính Dần. Về sau, dân làng La Chữ đã xây mộ ông bà Tư đồ, đặt ông Lê Phú Ân, nguyên Tả Quân Đô Thống Chưởng Phủ Sự về trí sĩ, làm Hội thủ trông coi việc xây mộ. Năm 1963, dân làng La Chữ cử ông Lê Đình Mậu làm Hội thủ coi sóc việc tu tạo mộ, khắc lại hai bia mộ. Bia bên trái ghi: Hiển Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn chi mộ. Bia bên phải ghi: Hiển Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công chính thất Lê Thị chi mộ. Cả hai bia đều có ghi hai dòng chữ nhỏ: Quý Mão niên, ngũ nguyệt cát nhật – 1963 và La Chữ thôn dân đồng phụng lập. Xung quanh mộ ông Lê Công Học – cha vợ Võ Văn Dũng, có 5 ngôi mộ do làng chạp, có bia đá núi thô sơ, khắc mấy chữ La Chữ nằm ngang ở trên, Võ tộc mộ nằm dọc một hàng ở giữa. Phải chăng 5 ngôi mộ này là con cháu của Võ Văn Dũng với Lê Thị Vi, vì dân làng La Chữ không có họ Võ!

Mộ vợ chồng Đại tư đồ Võ Văn Dũng – Lê Thị Vi, tại cồn Lăng Thầy Tu thuộc làng Phụ Ổ, xã Hương Chữ. Ảnh: N.T.Q

Từ xưa, dân làng La Chữ đã lập bài vị bằng gỗ quý, chạm sơn son thếp vàng của quan Điện tiền tướng quân Võ Văn Dũng, Tư đồ phu nhân Lê Thị Vi, Tư đồ Thái phó Bùi Thị Xuân và bà Lê Công Thị Nhơn – người nhường đất Hạ Lang để bà Bùi Thị Xuân làm Tập Tượng Trường luyện voi chiến. Tất cả những bài vị này được để thờ tại chùa làng La Chữ.

* Lời kết
Đại tư đồ Võ Văn Dũng trốn thoát về ẩn ở An Khê, mất năm Minh Mạng thứ 16 (1835), không thấy sử liệu ghi chép, chỉ là tương truyền. Lá thư của giáo sĩ phương Tây Chaigneau, người được vào thăm ngục thất, ghi lại: tù binh từ võ quan cao cấp đến binh lính, toàn thể đều bị xích sắt xiềng cả hai chân, cổ mang gông rất nặng… Do vậy, Võ Văn Dũng trốn thoát là điều khó có thể xảy ra.

Các ghi chép sử liệu của nhà Nguyễn, chứng tích thực địa trên làng La Chữ, di tích mộ của hai vợ chồng Võ Văn Dũng – Lê Thị Vi, di vật quả chuông đồng đúc năm Quang Trung thứ tư, khắc Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng, ngày kỵ Võ Văn Dũng của dân làng đúng ngày Nguyễn Ánh xử án… theo chúng tôi, đó là những cứ liệu lịch sử, luận chứng đáng tin cậy.

NGUYỄN THANH QUANG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…