Chợ ký ức

(VNBĐ – Văn trẻ). Chờ cho vầng trăng mười lăm lên cao, tròn vạnh, rải thứ ánh sáng bàng bạc mông lung xuống cả một vùng rộng lớn, bà Gái mới khoác chiếc áo lụa, bưng chiếc làn đựng đầy hoa bưởi trắng muốt, đi tắt qua lối cánh đồng ngược lên triền đê. Chiếc áo lụa may từ thời con gái mà vẫn còn mới vì mỗi năm bà chỉ mặc một lần. Chiếc áo rộng lùng thùng phủ lên tấm thân đã già cỗi, thẳng đuột và nhăn nheo của bà. Bà vuốt tà ào, tiếc nuối những tháng ngày con gái. Lần đầu tiên mặc chiếc áo này, bầu ngực bà hãy còn căng tròn, tấm lưng thắt đáy lưng ong khiến người ấy ngắm nhìn không rời mắt. Giờ thì bà đã già rồi. Nếu năm nay không gặp, chẳng biết năm sau, bà có còn đi phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần này nữa không. Hi vọng gặp lại người ấy theo thời gian chưa từng mất. Dù chỉ còn một hơi thở, bà vẫn phải tới phiên chợ ấy, vẫn mong một lần được gặp lại người con trai mà hình bóng chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí bà.

Bà Gái tới được khu chợ thì cũng đã gần nửa đêm. Hai đầu gối đau nhức khiến bà phải vừa đi vừa nghỉ, con đường thời con gái bà hay đi để sang làng bên làm mướn giờ như dài ra thêm cả một đoạn. Già rồi, nhìn đâu cũng thấy xa, đi đâu cũng thấy ngại. Bà tìm chỗ ngồi rồi bày hoa bưởi trong chiếc làn mình mang theo ra chiếc mẹt nhỏ. Cây bưởi năm nay cũng già cỗi lắm rồi. Tính ra tuổi của nó cũng gần bằng tuổi của bà. Nhiều cành đã bị sâu nhưng vẫn nở hoa, hương hoa ngào ngạt cả một góc vườn. Ngày còn thiếu nữ, đến mùa, bà thường nhặt hoa bưởi đun nước gội đầu. Người ấy vùi mặt vào tóc bà, hít hà:

– Thơm thật. Có chết cũng chẳng thể nào quên được cái mùi tóc này.

Bà lấy tay bịt miệng người ấy lại, không cho người ấy nói những lời xui xẻo. Nhưng số phận chẳng thể nào biết trước được. Gần hết cả đời người rồi. Hoa bưởi đến hẹn vẫn ngát hương tinh khôi bên vườn nhà. Phiên chợ vẫn họp mỗi năm một lần dưới những gốc gạo dọc triền đê mà bà vẫn chưa gặp lại người con trai ấy dẫu chỉ một lần.

Xung quanh bà, đã có những người lục tục kéo đến ngồi, bày ra một món đồ mình mang tới. Có người mang tới ít trái cây vườn nhà, có người mang tới nhành cây, vài bông hoa, chiếc khăn hay dải lụa. Những món đồ gợi lên ký ức thân thuộc của người đó và người họ muốn gặp. Gọi là chợ, nhưng ở đây chẳng ai bán mua thứ gì. Bà đưa mắt nhìn, chẳng có ai là người quen năm trước. Có lẽ họ đã gặp được người mình cần gặp nên năm nay không quay trở lại. Trời càng về khuya, trăng càng tỏ. Dưới mặt đất chỗ bà ngồi, những chùm hoa bưởi như được ánh sáng của trăng phủ lên càng thêm tinh khôi, trắng ngà như ngọc. Trên đầu, hoa gạo đỏ rực. Những bông hoa như hàng trăm ngọn nến được thắp lên trong đêm rằm. Ngày bà còn bé, mẹ kể, những bông hoa gạo đỏ như những lời gọi người đi xa tìm về bản quán, như ngọn lửa dẫn đường chỉ lối cho những ai lỡ có quên đường thì men theo màu hoa đỏ mà về.

Còn người ấy, mỗi lần hẹn hò dưới gốc gạo đầu làng, người ấy lại kể cho bà nghe một câu chuyện tình.

Chuyện rằng có một chàng trai nghèo yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Chuẩn bị đến ngày cưới thì trời làm lũ cuốn phăng ngôi nhà lễ vật của chàng trai. Uất ức, chàng trai nhờ dân làng trồng cây nêu để lên trời hỏi sự tình. Ngày đi, chàng buộc vào tay người con gái mình yêu một dải băng màu đỏ có tua năm cánh thay cho lời thề thủy chung. Ai ngờ, lên đến trời, Ngọc Hoàng giữ chàng trai ở lại làm thần mưa và ra lệnh nâng bầu trời xa khỏi mặt đất để người hạ giới không lên được nữa. Trời đất cách xa, không có cách nào về được, chàng trai đành ở lại. Những giọt nước mưa là nước mắt Thần Mưa nhớ người yêu. Cô gái đợi mãi, đợi mãi. Ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một ngày, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Gặp Ngọc Hoàng, cô gái xin một điều ước, biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để nàng có thể nhìn thấy người thương, dải vải đỏ biến thành bông hoa để người thương nhận ra nàng. Rồi nàng gieo mình từ trên cao xuống và trở thành loài hoa gạo. Linh hồn nàng ẩn trong những bông gạo đỏ, day dứt một chuyện tình dang dở mà sắt son, chung thủy.

Chẳng biết câu chuyện cổ tích ấy có vận vào người không mà chuyện của bà và người trai làng ấy cũng dang dở. Không biết giờ người ấy ở đâu, có còn nhớ đến bà, nhớ đến cây gạo đầu làng, nhớ mùi hoa bưởi nữa không mà mấy chục năm trôi qua rồi, bà đợi hết cả một đời con gái, đợi hết cả những lời mai mối, dạm hỏi, đợi hết cả những đêm đông cồn cào thèm một vòng tay ôm đành phải xối nước lạnh xua bớt những bức bối trong lòng. Vậy mà bà chưa được gặp lại người ấy dẫu chỉ một lần. Trời bây giờ xa quá, chẳng có cây nêu nào vươn tới được để bà đi hỏi trời.

Nửa đêm rồi. Sương mờ từ đâu đùn lên phủ kín mặt sông, che khuất từng lớp sóng được ánh trăng dát bạc. Trong màn sương mù ấy, những con đò nối đuôi nhau cập bến. Chờ người trên đò lên bến, từng con đò lại lặng lẽ trôi đi, khuất vào màn sương dày đặc, chỉ để lại tiếng khua nước vang vang. Khi con đò cuối cùng khuất hẳn, sương tan. Dòng sông lại yên ả, chỉ còn ánh trăng vằng vặc hòa vào lòng sông. Bà Gái giương đôi mắt đã kèm nhèm, cố nhìn từng bóng người lên bến đi về phía khu chợ dưới những gốc cây gạo cổ thụ tìm kiếm một bóng dáng quen thuộc. Chẳng biết có phải tại mắt bà đã kém hay vì đã lâu rồi không gặp lại nên chẳng thể nhận ra mà bà không bắt gặp bất cứ một khuôn mặt mặt nào, dáng hình nào như trong ký ức. Tự nhiên, bà gái thấy lồng ngực mình tưng tức, nước mắt ứa ra. Nước mắt của người đàn bà già cỗi sao mà cay đắng và chua chát thế!

Bà cầm chùm hoa bưởi, hít hà hương thơm tinh khiết của chùm hoa trắng ngần, cố làm cho lòng mình bình tĩnh lại. Có ai đó gọi bà:

– Cô ơi, tôi ngồi đây, ngắm mấy chùm hoa bưởi này được không cô?

Bà ngước mắt nhìn lên, qua làn nước mắt còn nhòe nhoẹt, bà thấy một tráng sĩ cao lớn. Tráng sĩ đứng bần thần ngắm những chùm hoa bưởi. Bà vội lau nước mắt, khẽ dịch chiếc mẹt nhỏ qua một chút:

– Mời ngài!

Tráng sĩ ngồi xuống, mân mê một chùm hoa trắng ngần trong tay. Tráng sĩ có giọng nói và nụ cười ấm quá. Chẳng thể ngờ một con người có vóc dáng thô kệch ra dáng con nhà võ lại có nụ cười hiền lành đến vậy. Không biết là nhớ đến ai, tráng sĩ mỉm cười:

– Mấy chục năm rồi, chẳng biết nàng ấy có còn sống, có còn thích mùi hoa bưởi như ngày xưa nữa không.

Bà Gái giật mình, lén nhìn khuôn mặt tráng sĩ. Dẫu mờ ảo, bà vẫn nhận ra chàng trai không phải người mình cần tìm kiếm. Khuôn mặt ấy, vóc dáng ấy đối với bà đều thật xa lạ. Bà cố nén nỗi hụt hẫng, nhẹ nhàng:

– Ngài thử đi tìm cả chợ xem. Biết đâu người ngài cần tìm hôm nay cũng tới.

Tráng sĩ lắc đầu:

– Nào đã là gì của nhau mà tìm kiếm. Mà biết đâu nàng ấy không còn nữa. Hoặc nàng ấy bây giờ đã con cháu đầy nhà, không còn nhớ tôi nữa. Nếu còn sống, nàng ấy cũng trạc tuổi cô bây giờ.

Bà Gái im lặng. Một cơn gió lạnh bất ngờ kéo đến, lòa xòa trên mái tóc bạc trắng của bà. Bà Gái buộc lại chiếc khăn trên đầu, thầm nhớ, ngày đi, người ấy cũng chỉ tầm tuổi người đang ngồi bên cạnh bà. Có khi nhìn thấy bà bây giờ, người ấy cũng chẳng nhận ra.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Năm ấy, người ấy chuẩn bị đón bà về làm dâu. Người ấy nhờ chị gái qua làng bên mua cho bà một tấm lụa về may áo. Áo vừa may xong, chuẩn bị đến ngày rước dâu thì có tin giặc phương Bắc chuẩn bị kéo sang. Nhà vua mới lên ngôi cho rèn luyện binh sĩ, chuẩn bị lương thực kêu gọi cả nước chống xâm lăng. Nhà vua cho quân ngược sông Đáy, sông Nhuệ, băng qua sông Hồng rồi thân chinh chỉ huy đại quân ngược dòng sông Thương kéo đến Chi Lăng đón địch. Khi đại quân của vua qua làng, thanh niên trai tráng trong làng xung phong theo đội quân đi giết giặc. Người thương của bà cũng nhập vào đại quân ấy. Người ấy hẹn bà, đánh xong giặc sẽ trở về tổ chức đám cưới, hái hoa bưởi đun nước cho bà gội đầu, kể cho bà nghe câu chuyện về sự tích hoa gạo.

Đại quân lên Chi Lăng. Qua tháng hai thì có tin bốn vạn quân giặc kéo tới quyết Nam chinh bằng cả đường bộ và đường thủy. Nhà vua và các tướng sĩ dốc lòng đánh giặc. Đến tháng Tư, quân sĩ từ khắp các nơi ở nước Nam đổ về sông Bạch Đằng vây đánh thủy quân giặc. Những ngày đầu, thế giặc mạnh, có tin hơn một ngàn binh sĩ đã hi sinh. Lòng dân lo lắng. Nhưng vua không nao núng. Người dựa vào thế hiểm của sông núi Bạch Đằng, chỉ huy quân sĩ cầm chân giặc, bẻ gãy ý đồ liên kết các cánh quân của giặc. Giặc thua rút chạy. Nhà vua cùng các tướng sĩ ca khúc khải hoàn trở về. Bà Gái chiều nào cũng ra đầu làng, chỗ gốc cây gạo chờ vị hôn phu. Những ngày đầu, có vị tướng và các đội quân đi qua, họ bảo còn những toán quân rút về sau. Bà đợi. Rồi có những người đi qua lại bảo một ít quân sĩ còn ở lại trấn giữ biên giới, cương vực của đất nước. Bà đợi. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, chẳng còn đoàn quân nào trở về nữa. Những mùa hoa gạo nối tiếp nhau. Có nhiều người đến dạm hỏi bà về làm vợ nhưng bà từ chối hết. Bà vẫn đợi. Rồi những lời dạm hỏi thưa vắng, ngõ vào nhà bà thưa dần những bước chân. Năm nào bà cũng đi phiên chợ mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào đêm rằm mùa hoa gạo. Không gặp người ấy, niềm hi vọng về ngày người ấy trở về vẫn nhen nhóm trong lòng bà, tựa như bông gạo đỏ không bao giờ tàn. Nhưng ngần ấy năm rồi, bà không gặp ở phiên chợ, cũng chẳng thấy người về. Tóc bà đã bạc trắng, mắt cũng chẳng còn nhìn xa được nữa, bà vẫn đợi. Đợi đến ngày buông tay trần thế mới thôi thương nhớ một người.

Gốc gạo bên cạnh bà, cô gái trẻ gặp lại người thương, cầm chiếc khăn lụa khóc mãi. Cô gái còn trẻ quá, chắc chừng đôi tám. Người con trai có dáng vóc thư sinh, khuôn mặt khôi ngô ẩn giấu một nỗi buồn sâu kín vụng về chẳng biết phải dỗ cô gái thế nào. Qua những tiếng nức nở, ngắt quãng, bà biết được chàng trai vốn là học trò, bị người vu oan hãm hại mà mang họa sát thân. Bà khẽ thở dài, xót xa cho người bạc mệnh. Lần gặp này cũng sẽ là lần gặp cuối cùng. Chợ họp mỗi năm một lần nhưng cũng chỉ được gặp người đã khuất một lần duy nhất. Sau lần gặp duy nhất ấy, người còn sống sẽ không bao giờ đến chợ được nữa. Còn người đã khuất có lẽ cũng dứt xong tơ tình của kiếp trước mà đầu thai chuyển thế.

Tráng sĩ bên cạnh bà nâng niu chùm hoa bưởi, ánh mắt như trôi về phía xa xăm. Bà Gái đánh bạo hỏi:

– Nhà ngài ở đâu mà lại tới phiên chợ này?

Tráng sĩ nhìn về phía bên kia sông, thở dài. Chẳng biết trả lời bà Gái hay đang nhớ lại những ngày tháng cũ mà nói với chính mình:

– Nhà tôi ngay bên kia sông. Nhưng giờ cũng chẳng còn ai nữa. Tôi ngóng chờ suốt mấy mươi năm, đêm nay mới theo những bông hoa gạo, từ Chi Lăng mà tìm về đến đây. Cứ ngỡ đánh giặc xong sẽ về, ai ngờ đâu…

Cái tên Chi Lăng gieo vào lòng bà Gái một niềm hi vọng mong manh và xa xôi. Giọng bà run run:

– Ngài đi đánh giặc năm ấy, có biết ai tên Văn, năm đó mười bảy tuổi, người ở làng ngay bên này sông không?

Tráng sĩ lắc đầu:

– Ngày ấy có biết bao nhiêu là chàng trai tên Văn, cũng như biết bao chàng trai chẳng biết tên từ khắp miền quê của trời Nam này nghe theo lời gọi của đức vua lên đường giết giặc. Tôi chẳng thể nhớ hết. Những ngày ấy, nào có kịp nghĩ gì, chỉ nóng lòng lên biên ải đuổi quân xâm lăng.

Tâm trí tráng sĩ như trôi về những ngày xa xôi ấy. Vốn là người có tiếng giỏi võ khắp cả một vùng, ngay khi nghe lời vua hiệu triệu, tráng sĩ từ biệt cha mẹ già, từ biệt người con gái mình thương thầm mà chưa kịp bày tỏ, tập hợp thanh niên trong vùng cùng lên đường đánh giặc. Đoàn quân nhanh chóng đi lên biên ải. Mùa xuân. Người dân vừa ăn Tết xong thì quân xâm lăng đã qua biên giới. Giặc băng qua triền núi, đi qua đoạn đường rừng rậm để tiến về phía Đông Nam hòng mưu đồ đánh kinh đô. Đoạn đường núi hiểm trở, một bên là vách núi, một bên là bờ vực, ngoằn ngoèo, âm u dưới những tán cây cổ thụ che khuất. Tráng sĩ cùng đội quân mai phục trên núi, chờ toán quân giặc cuối cùng vừa qua ải Chi Lăng thì tấn công.

Quân giặc bị phục kích bất ngờ, hoảng loạn. Giặc bị nhốt trong trùng trùng những cánh rừng già rậm rạp chạy dài suốt từ ải Chi Lăng về hướng Đông tới dãy Đông Triều. Người và ngựa đều mất phương hướng, tựa như bị nhốt trong mê cung chỉ toàn cây và đá. Lính giặc chạy tan tác. Tướng giặc lạc nhau. Tên tướng chỉ huy bị quân ta bắn chết. Như rắn mất đầu, quân giặc hỗn loạn, tướng giặc một số đầu hàng, một số quay người bỏ trốn. Say chiến thắng, tráng sĩ đuổi theo quân giặc. Một mũi tên bắn lén xuyên qua tim. Tráng sĩ không thể cùng đoàn quân chiến thắng dồn về Bạch Đằng. Hồn tráng sĩ nằm lại với mảnh đất biên viễn, với cây cối, núi đồi mấy chục năm rồi. Xác phàm nằm dưới một gốc cây cổ thụ giữa rừng, bao năm qua đã tan vào đất, tan vào trời biên cương, xứ sở. Nhưng tráng sĩ không oán, không hờn, không ân hận. Thân trai trả nợ nước non là việc phải làm. Bàn tay của tráng sĩ đã vung gươm giết giặc, đã cùng quân sĩ đập tan bước tiến công đầu tiên của giặc, làm sức mạnh của chúng suy yếu và sau đó, giấc mộng đô hộ đất trời người Việt của giặc tan vỡ. Tráng sĩ chỉ thương cha mẹ già ngóng chờ con trong vô vọng, thương mối tình từ thủa ấu thơ không kịp bày tỏ. Trước khi kiếp này tan biến mãi, tráng sĩ theo màu gạo đỏ tìm về, tạm biệt mảnh đất quê hương một lần sau cuối, tạ lỗi với đấng sinh thành giờ cũng đã tan biến vào cõi hư vô và nói lời từ biệt người con gái mình thương thầm suốt những tháng năm trai trẻ, dù rằng người con gái ấy chẳng bao giờ có thể nghe thấy và có lẽ đã quên mình.

Bà Gái nhắm mắt, cố tưởng tượng ra trận đánh mà tráng sĩ kể lại. Người thương của bà, chàng trai bà nhung nhớ suốt một đời có góp mặt trong trận chiến ấy không. Đôi tay ấm áp từng dịu dàng nắm lấy tay bà vung từng đường gươm giết giặc đền nợ nước. Người ấy nằm lại Chi Lăng hay theo quân về Bạch Đằng rồi hòa vào sông nước ngay trước giờ chiến thắng. Sao người không quay về tìm bà, đến phiên chợ gặp bà một lần thôi.

Như hiểu câu hỏi trong lòng bà, tráng sĩ thở dài:

– Có những người chẳng nhớ đường về chốn cũ, men theo màu đỏ hoa gạo mà trở về, nhưng trời đất xa xôi, hoa gạo chỉ có một mùa, chợ cũng mỗi năm chỉ họp một lần, tìm về đến nơi thì đã tan chợ. Lại cũng có những người dứt khoát không muốn quay về vì sợ gieo vương vấn cho người ở lại, khiến người ở lại mãi mãi chẳng quên được mình…

Bà Gái chỉ gật đầu, không đáp. Hình như sắp sáng rồi. Chợ sắp tàn. Tráng sĩ lưu luyến thả lại chùm hoa bưởi rồi bước xuống bến đò. Trong một khoảnh khắc, bà Gái giật mình thấy bóng lưng của tráng sĩ sao quen thuộc, giống hệt cái dáng đi hơi vội vàng của người ấy. Bà vươn tay định gọi nhưng tráng sĩ đã lên đò. Con đò trôi đi trong bồng bềnh sương khói mông lung, hư ảo.

Bên cạnh bà, chàng trai thư sinh cũng đã chia tay cô gái, bước về phía bến đò. Bàn tay cô gái chới với giữa khoảng không ngập tràn ánh trăng. Chàng trai không ngoảnh lại, nhưng đôi vai rũ xuống cho thấy tâm trạng ngổn ngang của cậu. Con đò tựa như một chiếc lá tre trôi trên mặt nước đón chàng trai rồi khuất dần, khuất dần trong đêm trăng sắp tàn. Cô gái bên cạnh bà khóc nấc lên. Chiếc khăn trong tay loang đầy nước mắt.

Cuối tháng ấy, bà Gái cũng xuôi tay. Người làng bảo đã hết tháng Ba mà tự nhiên hôm ấy trời trở lạnh, hoa bưởi rụng hết. Bà gái sợ gió cuốn nát hết hoa nên dậy sớm để nhặt, chẳng may bị cảm lạnh. Lúc người cháu họ tắm cho bà, phát hiện trong lòng bàn tay bà có một chùm hoa bưởi và một bông hoa gạo đỏ thẫm. Sắc đỏ từ bông hoa gạo ứa ra, nhuộm hồng những cánh bưởi trắng. Hương hoa bay khắp cả gian nhà…

ĐÀO THU HÀ

(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Biển quê

Anh có về uống giọt quê xưa
nơi căng phồng cả một thời tuổi trẻ
nơi mẹ khom lưng cạy hà, chiếc nón nhấp nhô 
biển chưa bao giờ lặng lẽ

Hỗn loạn

im lặng nghe đời mặc cả
im lặng trước lời khen chê
im lặng bên bạn bè, bên người thân đang vội vã

Câu xường rám khói

Mây lay bay gầm trời
Mơ nắng vàng chảy trên da chầm chậm
Mường dưới buông dài mái sàn dáng khói
Mường trên hoa trăng chín đỏ dập dờn

Trôi trên tầng mây

Nắm chặt tấm vé, cô thả trôi nỗi đau trên những tầng mây. Chắc là ngoài kia, sẽ có khoảng trời thuộc về riêng cô. Không có khổ sở, không có hối tiếc…