(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Chữ Quốc ngữ ra đời đầu thế kỷ XVII, trải qua bốn trăm năm, chữ Quốc ngữ giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển toàn diện của nền văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, việc nhìn nhận giá trị và tôn tạo đối với di tích Nước Mặn, nơi phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ – một dấu ấn lịch sử Quốc tự của dân tộc vẫn chưa đúng mực!
Chữ Quốc ngữ là hồn của dân tộc
Chữ viết là sáng tạo kỳ vĩ nhất của con người, mở ra con đường tiến hóa và phát triển của xã hội loài người. Trong các quốc gia vùng Đông Nam Á, chỉ duy nhất Việt Nam là quốc gia có chữ viết dùng mẫu tự Latin, đó là chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ là di sản văn hóa của người Việt Nam, là hồn của dân tộc.
Chữ Quốc ngữ là một thành tựu văn hóa được hình thành bởi sự kết hợp và phát triển giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Việt Nam. Lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII, gắn với công cuộc truyền bá Kitô giáo vào Việt Nam của các giáo sĩ từ các nước Tây Âu và có sự đóng góp không nhỏ của người Việt, đặc biệt là công lao của quan trấn phủ Quy Nhơn – Trần Đức Hòa cùng những trí thức vùng Nước Mặn.
Trải qua bao công sức của nhiều thế hệ người Việt, qua nhiều giai đoạn, kế thừa và cách tân, đến đầu thế kỷ XX, với sự nỗ lực của một số cá nhân tiêu biểu như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh… và các tổ chức như: Phong trào Duy Tân (1903 – 1907, do các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo), Đông Kinh Nghĩa Thục (3-7.1907, do Lương Văn Can, Nguyễn Quyền thành lập), Hội truyền bá Quốc ngữ (1938 – 1944, Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng Bắc Kỳ; 1940, Nguyễn Phúc Ưng Bình làm Hội trưởng Trung Kỳ; 1944, Nguyễn Văn Vỹ làm Hội trưởng Nam Kỳ). Lợi thế của chữ Quốc ngữ hơn hẳn chữ Hán và chữ Nôm là: dễ học, dễ nhớ, dễ đọc, dễ viết, người học dù không biết chữ Hán, chữ Pháp đều dễ dàng tiếp nhận được những tri thức mới, những tư tưởng mới của văn minh, văn hóa Đông, Tây thông qua các bản dịch.
Việc truyền bá học chữ Quốc ngữ do các tổ chức và cá nhân tiêu biểu khơi nguồn là cái nền tảng vững chắc, những kinh nghiệm phong phú cho phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.
Chữ Quốc ngữ ra đời tạo cơ sở cho việc mở rộng chức năng của tiếng Việt, góp phần cho nền quốc văn và quốc học vươn lên tầm cao mới, hiện đại hơn, khoa học tiên tiến hơn, là công cụ hữu hiệu để bảo tồn nền văn hóa Việt Nam. Đóng góp của chữ Quốc ngữ đối với nền văn hóa Việt Nam vô cùng to lớn. Có thể nói, trong lịch sử văn hóa Việt Nam suốt mấy ngàn năm qua, cái đáng nói, đáng ghi nhận nhất là sự ra đời của chữ Quốc ngữ và việc người người Việt Nam chấp nhận và biến nó thành Quốc tự của dân tộc.
Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ chưa được tôn tạo, phát huy xứng tầm
Tại khu vực cảng thị Nước Mặn xưa, Tòa Giám mục Quy Nhơn đã xác định vị trí cư sở truyền giáo tiên khởi của Đàng Trong – nơi các các giáo sĩ tiên phong ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, căn cứ cơ sở các tư liệu lưu trữ của Dòng cùng với những chứng cứ được bóc tách từ lòng đất, như: gạch, đá ong nền móng nhà thờ và một số hiện vật gốm sứ gia dụng. Đầu năm 2011, được sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Định, Tòa Giám mục đã khởi công xây dựng biểu tượng Nguồn cội tại địa điểm di tích, ghi dấu nơi thành lập cư sở truyền giáo đầu tiên của Dòng tên ở Đại Việt và cũng là nơi phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ, với diện tích 93,3m2 trong khu vườn ông Võ Cự Anh thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Di tích Nước Mặn – Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng năm 2017.
Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ tổ chức tại Quy Nhơn năm 2016, GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chủ trì Hội thảo đã tổng kết: “Nước Mặn là một trong những trung tâm ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ… Nếu xem xét sâu hơn về những chứng cứ văn bản có chữ Quốc ngữ thì trong ba trung tâm đó, trung tâm Nước Mặn có phần sớm hơn…”. Như vậy, so với Dinh Chiêm và Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam hiện nay), Nước Mặn (Bình Định) được xác định là nơi chữ Quốc ngữ ra đời sớm hơn với những chứng cứ khoa học xác tín, được các nhà khoa học chứng minh thuyết phục.
Một vấn đề lớn được Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ quan tâm, một số báo cáo đã nêu những đề xuất và kiến nghị cụ thể, được GS Phan Huy Lê tổng hợp và nhấn mạnh một số đề xuất quan trọng nhất:
– Trên cơ sở các di tích liên quan đến cảng thị Nước Mặn và hoạt động của các giáo sĩ Dòng tên đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ nên được nghiên cứu và đưa vào kế hoạch bảo tồn gắn liền với quy hoạch chung của cả vùng. Tại đây nên có một tượng đài tôn vinh người có công đầu trong buổi phôi thai của chữ Quốc ngữ… Tại thành phố Quy Nhơn của tỉnh Bình Định cũng nên có một tượng đài hay tấm bia ghi lại vị trí của cảng thị Nước Mặn và những giáo sĩ có công sáng tạo ra chữ Quốc ngữ tại đó.
– Nên xây dựng một Bảo tàng Quốc ngữ trên phạm vi tỉnh Bình Định. Đây là một ý tưởng hay cần nghiên cứu và nếu được lãnh đạo tỉnh chấp thuận thì xác định địa điểm, sưu tầm tư liệu, hiện vật trưng bày. Nội dung cần bao quát cả quá trình hình thành, phát triển chữ Quốc ngữ tại Bình Định và những sản phẩm chữ Quốc ngữ trên các lĩnh vực giáo dục, văn học, nghệ thuật cùng những tên tuổi những người có cống hiến tiêu biểu trên các lĩnh vực đó như thơ ca, tiểu thuyết, sân khấu…
– Sự ra đời và phát triển chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán Nôm là một thay đổi lớn về chữ viết, ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy không phải chỉ ở Bình Định mà trên phạm vi quốc gia, cần phải nhớ ơn và tôn vinh những người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ…
Đến nay, sau sáu năm (2016 – 2022) kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học tại Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ, di tích Nước Mặn – Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ vẫn giữ nguyên hiện trạng, chưa có một quy hoạch xây dựng tôn tạo và phát huy di tích đặc biệt giá trị này, ngoại trừ tấm bia di tích được Ban Quản lý Di tích xây dựng năm 2018. Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ I của di tích Nước Mặn – Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ (theo hồ sơ): 93,3m2 (bao gồm mặt bằng Biểu tượng: 10m x 8,5m, lối đi vào: 1,5m x 6,4m). Một diện tích khoanh vùng bảo vệ quá nhỏ đối với một di tích có giá trị rất lớn!
Trông người mà ngẫm đến ta
Trong khi đó, mặt dù đến nay tỉnh Quảng Nam chưa xác định được nơi các thừa sai Dòng tên trú ngụ để truyền giáo và biên soạn chữ Quốc ngữ, vì chưa làm sáng tỏ tồn nghi: Lỵ sở Dinh trấn Quảng Nam tại Cần Húc thuộc huyện Duy Xuyên hay tại làng Thanh Chiêm thuộc thị xã Điện Bàn! Thế nhưng, từ năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã có ý tưởng xây dựng Vườn vinh danh chữ Quốc ngữ. Theo thiết kế, khu Công viên Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ được đặt tại thôn Thanh Chiêm 1, thị xã Điện Bàn, tổng diện tích 1,85ha, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Các hạng mục bên trong bao gồm: phục dựng một phần Dinh trấn Thanh Chiêm xưa, xây dựng nhà trưng bày hiện vật về dinh trấn; nhà bảo tàng chữ Quốc ngữ, trưng bày các hiện vật liên quan đến chữ Quốc ngữ; tượng các chúa Nguyễn, những người có công mở cõi, người có công đóng góp cho Quảng Nam, tượng các giáo sĩ đầu tiên đặt nền móng khai sinh chữ Quốc ngữ cùng những nhà học giả, nhà báo có công truyền bá, cổ xúy cho việc sử dụng mạnh mẽ chữ Quốc ngữ… Hiện dự án đã xong giai đoạn 1, với diện tích quy hoạch 1,16 ha, tổng mức đầu tư 8,8 tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp, làm hệ thống thoát nước, đường nội bộ.
Nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ, lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, ngày 03.8.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 930/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án: Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án: Nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; động viên, khuyến khích và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình; lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài; tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đẩy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở các địa bàn có đông người Việt Nam; hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đang có khoa hay bộ môn giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt phát triển mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá tiếng Việt. Thúc đẩy việc đưa tiếng Việt thành ngoại ngữ chính thức bên cạnh các ngoại ngữ khác ở các địa bàn đang có nhiều thuận lợi…
Đề án được triển khai trong giai đoạn 2023 – 2030, đồng thời với Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2021. Các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai trong cả năm và có thể tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước.
Trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Tây Sơn đầu tháng 10.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã lưu ý cần khôi phục và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống. Đồng thời, có phương pháp quảng bá sáng tạo, làm bật lên những giá trị đặc sắc của các di tích, địa chỉ văn hóa để thu hút du khách. Phát triển du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa là hướng đi có tính chiến lược của rất nhiều địa phương trong những năm gần đây.
Thiết nghĩ, trước khi nhận thức Ngày Tôn vinh tiếng Việt trở thành nhận thức mang tầm quốc gia, Bình Định cần đi tiên phong trong việc tôn vinh nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ. Đồng thời, nên chọn một ngày để tưởng niệm những người đã có công sáng tạo và đưa chữ Quốc ngữ trở thành vũ khí sắc bén trong công cuộc giữ nước và xây dựng đất nước. Cho dù sống ở trong nước hay nước ngoài, chữ Quốc ngữ đã, đang là một phần thiết yếu không thể thiếu trong đời sống của người Việt Nam.
NGUYỄN THANH QUANG