(Đọc “Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định – Đất và Người” của Nguyễn Thanh Quang, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, quý III – 2020)
(VNBĐ – Đọc sách).
Tập sách 752 trang, khổ 16x24cm, được phân chia và hệ thống trên một trục phát triển lịch đại – từ những phát hiện về các di tích Văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn tỉnh Bình Định với những đặc trưng cơ bản về di tích và di vật. Nội dung này cũng được tác giả đặt trong bối cảnh văn hóa Sa Huỳnh trên dọc biển miền Trung Việt Nam để người đọc có thể nhận thức được những giá trị của văn hóa Sa Huỳnh trên đất Bình Định từ góc nhìn so sánh.
Với nền văn minh Champa, Bình Định là một trung tâm lớn, một thời kỳ vàng son của đế đô Vijaya để lại cho ngày nay những di sản vô giá với những ngôi tháp sừng sững nằm dọc con đường thiên lý Bắc – Nam như tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, gần biển như tháp Đôi, tháp Bình Lâm và trên những ngọn đồi cao giữa đồng bằng ruộng nước của vùng đất Tây Sơn huyền thoại như tháp Dương Long, tháp Bình Nghi… Bên cạnh những di tích đền tháp, vùng đất này còn có các di tích thành cổ, trung tâm sản xuất gốm Champa, cảng thị, các di tích nghề thủ công truyền thống. Đây là những di tồn văn hóa rực rỡ một thời trên đất Bình Định đã được phát hiện nghiên cứu và được tác giả trình bày trong tập sách. Tác giả đã từng lăn lộn trên các công trường khai quật khảo cổ như Dương Long, Bình Lâm, Bánh Ít, Thành Hoàng Đế… anh cũng đã từng có nhiều trăn trở, trải nghiệm để rồi đúc kết thành những trang viết được chuyển tải trong tập sách này đến với người đọc của những tháng ngày như thế.
Nguyễn Thanh Quang còn tiếp cận và có những trang viết về vùng đất Hoài Nhơn – Bình Định thời mở cõi, vùng đất hiểm yếu này đã trở thành phên dậu phía Nam của Đại Việt. Nơi đây là quê hương, vùng đất phát tích, cái nôi nuôi dưỡng, phát hiện và chắp cánh cho nhiều tài năng của đất nước. Những di tồn văn hóa được anh tiếp cận với cái nhìn đa chiều từ những kiến trúc mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo như đền, đình làng đến những công trình kiến trúc dân gian truyền thống của người Bình Định thời mở cõi, mà trong đó việc nghiên cứu một cách thấu đáo loại hình nhà lá mái là một trong những chủ đề nghiên cứu khá lý thú của anh về đặc trưng văn hóa vùng miền được thể hiện qua không gian quy hoạch kiến trúc.
Trong tập sách này, tác giả cũng tập trung nghiên cứu và giới thiệu một giai đoạn lịch sử đầy tự hào của dân tộc và đặc biệt là với người dân Bình Định – triều đại Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Tác giả đã tập trung một dung lượng khá lớn cho việc nghiên cứu và bóc tách các giai đoạn tạo lập kinh đô Đồ Bàn – Hoàng Đế trong tiến trình lịch sử Champa – Tây Sơn. Qua những kết quả khảo sát trực tiếp, tác giả đã giới thiệu về ngôi thành cổ với những khám phá mới bằng phương pháp nghiên cứu khảo cổ học thông qua quá trình điều tra khảo sát tại hiện trường khu di tích đặc biệt này.
Đây thực sự là những giới thiệu hữu ích cho việc góp phần phổ cập những hiểu biết căn bản về những thành tựu của nhà Tây Sơn trên vùng đất khởi nghiệp đến với nhiều người chưa có điều kiện đến thăm khu di tích này và cũng góp phần vào việc tìm ra các giải pháp hợp lý bảo tồn vốn di sản quý giá trên vùng đất Tây Sơn xưa.
Kết thúc tập sách, Nguyễn Thanh Quang có những trang viết về hành trình chữ viết của tiếng Việt – chữ Quốc ngữ, từ chữ Nôm đến chữ viết theo mẫu tự Latin, có sự đóng góp không nhỏ của đất và người Bình Định. Đó là việc vua Quang Trung chính thống hóa chữ Nôm trong các văn bản Nhà nước. Đó là việc quan trấn phủ Qui Nhơn – Trần Đức Hòa, các văn nhân tại Nước Mặn cùng các giáo sĩ phương Tây sáng tạo, phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII; Và nhà in Làng Sông – Qui Nhơn là nơi phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
Tập sách Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định – Đất và Người của Nguyễn Thanh Quang là một góc phản chiếu về bức tranh tổng thể đa diện của vùng đất Bình Định, vùng đất đầy tinh thần “thượng võ, tôn văn”. Hy vọng sẽ hữu ích cho những ai quan tâm tìm hiểu.
PGS.TS BÙI CHÍ HOÀNG
(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)