Bóng ma trên ngọn đồi

(VNBĐ – Truyện ngắn). Một chiều tháng Tư năm 1970, tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Phú Tài, thuộc vùng ngoại vi thị xã Quy Nhơn, trong phiên gác của mình, anh lính James Hensinger, 22 tuổi, thuộc Lữ đoàn dù số 173 đang xem lại những bức ảnh được chụp từ chiếc máy ảnh Nikon FTN. Trong số này, anh thích nhất tấm hình chụp khung cảnh làng quê Việt Nam với những con trâu đang thung thăng gặm cỏ bên đồng lúa xanh rì. Nó yên bình đến mức Hensinger không tin được rằng đang có một cuộc chiến ác liệt diễn ra trên mảnh đất này. Đang thơ thẩn ngắm nhìn khung cảnh về chiều thì tiếng rên rỉ của Thomas Watson – người đồng đội cùng phiên gác đã làm đứt mạch cảm xúc của Hensinger khiến anh phải phì cười.

– Cái món súp chết tiệt… Ui da…

Chuyện là bữa trưa hôm nay, trong khẩu phần của lính Mỹ có thêm món súp rau củ với thịt nguội kiểu Đức. Tuy nhiên, món súp này trở thành cơn ác mộng với những ai yếu bụng. Trong phiên gác chiều nay, Thomas Watson đã phải ra bụi cây giải quyết cơn đau đến lần thứ năm.

– Vẫn chưa hết à anh bạn? – Hensinger buồn cười và hỏi.

– Chưa hết… – Thomas Watson nhăn nhó – Không biết… mấy thằng đầu bếp đã trả cho đám béo ị ở Lầu Năm Góc… bao nhiêu tiền để chúng… được nhận vào làm hậu cần cho đơn vị chúng ta nhỉ? …ui da…!

Vừa nói, Thomas Watson vừa cố rặn để tống hết ra ngoài cái thứ khốn nạn đã làm anh ta quằn quại cả chiều. Một cảm giác khoan khoái đến khó tả, Thomas Watson thở phào nhẹ nhõm, đứng dậy xách súng để trở về ụ gác.

“Đoàng !”.

Bỗng, một tiếng súng AK vang lên làm Hensinger giật mình, quay lại thì thấy Thomas Watson đã gục xuống ngay trước mặt. Một viên đạn đi từ phía sau và xuyên qua đầu của người lính Mỹ tạo thành một cái lỗ to tướng giữa trán. Vị trí trúng đạn cho thấy nó được bắn đi từ khu đồi núi đối diện căn cứ Phú Tài. Hensinger hốt hoảng bắn trả trong vô định và điện đàm về trung tâm chỉ huy của căn cứ.

– Khẩn cấp! Đây là ụ gác số 7, chúng tôi bị tấn công. Một người bị bắn. Over!

Ở dãy đồi đối diện, không có thêm viên đạn nào bay về phía Hensinger. Lập tức, một tiểu đội được cử đến chi viện cho ụ gác số 7. Trời đã chập tối, thi thể của Thomas Watson được đưa về căn cứ. Vẻ bàng hoàng vẫn còn hiện trên nét mặt của người lính xấu số. Nhưng ít ra, anh ta sẽ không còn phải chịu đựng cơn đau bụng quằn quại do món súp thịt nguội kiểu Đức thêm một lần nào nữa.

– Lại là “bóng ma”!

Viên chỉ huy căn cứ Phú Tài nhìn thi thể người lính của mình rồi đưa cặp mắt tức giận về phía ngọn đồi trước mặt.

Phú Tài là một trong những căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở vùng duyên hải miền Trung, vừa có nhiệm vụ bảo vệ cho Quy Nhơn, vừa góp phần mở rộng các chương trình bình định giành lại các vùng nông thôn xung quanh, kiểm soát chặt chẽ thành thị, giữ vững và khống chế các trục giao thông chiến lược. Thế nhưng, căn cứ này lại nằm đối diện với một dãy đồi thuộc núi Hòn Chà. Từ đây, một người lính bắn tỉa Việt Nam đã xuất hiện hàng đêm, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những người lính Mỹ. Họ gọi tay bắn tỉa này bằng biệt danh “bóng ma” vì khả năng thoắt ẩn thoắt hiện của mình. Chỉ trong vòng một tháng kể từ khi xuất hiện, người lính bắn tỉa Việt Nam đã tiễn người lính Mỹ thứ ba về với Chúa và làm bốn người khác bị thương. Những loạt đạn AK còn được bắn xuyên qua các tấm lợp kim loại đặt trên mái doanh trại. Thần Chết lơ lửng trên đầu những kẻ viễn chinh, theo đúng cả nghĩa đen.

– Dùng hỏa lực mạnh nhất hủy diệt những ngọn đồi, để xem con chuột bắn tỉa đó ẩn nấp được đến bao giờ!

Viên chỉ huy tức giận ra lệnh. Một quyết định làm cho tất cả những người lính trong doanh trại không khỏi bất ngờ. Ngay lập tức, các loại pháo, súng máy có trong toàn căn cứ được huy động và hướng nòng về phía khu đồi. Tất cả cùng hồi hộp chờ đợi tay bắn tỉa Việt Nam xuất hiện.

19 giờ 25 phút.

“Đoàng” – Tiếng súng AK lại vang lên trên mái doanh trại.

– Hướng hai giờ! Bắn! Bắn tùy ý! – Hiệu lệnh vang lên.

Ngay lập tức, các khẩu pháo Bofors cỡ nòng 40mm, các loại súng máy M60, M2 Browning, các khẩu súng máy lắp trên những tháp canh và tháp pháo của xe tăng M42 Duster đồng loạt khai hỏa, càn quét hỏa lực về phía ngọn đồi. Những quầng lửa khủng khiếp được tạo ra bởi những tia đạn màu đỏ và màu trắng đan chéo vào nhau tựa như một tấm lưới lửa chết chóc. Những quả đạn pháo sáng cũng được phóng đi làm cả bầu trời Phú Tài đêm đó sáng rực. Những người lính Mỹ trong doanh trại reo hò phấn khích khi chứng kiến ngọn đồi bị nhấn chìm trong biển lửa.

Không bỏ qua cơ hội ghi lại khoảnh khắc hiếm có này, Hensinger đã đặt chiếc máy ảnh Nikon ở chế độ quay chậm nhằm ghi lại trận bão lửa kinh hoàng ấy. Anh không ngờ rằng, những bức ảnh đó về sau sẽ khiến cho nhiều người kinh ngạc về mức độ khốc liệt của cuộc chiến tại Việt Nam. Nhìn biển lửa đang nuốt chửng những ngọn đồi, Lê Hữu Đam – sĩ quan phiên dịch của Sư đoàn 1 Bộ binh Việt Nam Cộng hòa, đồng thời là bạn thân của Hensinger vì chung sở thích chụp ảnh đã lắc đầu ngao ngán. Anh nói với Hensinger với giọng đầy chế giễu:

– Này “nhiếp ảnh gia”! Đây là những gì mà nước Mỹ tự hào khi nói về quân đội của họ ư? Một đội quân hùng mạnh bậc nhất thế giới nhưng phải rải thảm đạn pháo chỉ để tiêu diệt một tên lính Việt Cộng đơn độc? Thử tưởng tượng, nếu Bắc Việt mang đến đây cả sư đoàn với những chiếc xe tăng T54 của Liên Xô thì sao nhỉ?

Hensinger chỉ biết cười trừ trước lời giễu cợt của người bạn:

– Hì… Đam ơi ! Tôi chỉ là một người đam mê chụp ảnh thôi mà!

***

Trận pháo kích kết thúc để lại những cột lửa bốc cao trên dãy đồi. Ban chỉ huy căn cứ Phú Tài tin chắc rằng sẽ không còn sinh vật nào sống sót dưới trận bão đạn kinh hoàng ấy.

Sáng hôm sau, bốn tiểu đội được cử lên khu đồi để truy tìm dấu vết của người lính Việt Nam. Lê Hữu Đam cũng theo nhóm của Hensinger để hỗ trợ phiên dịch. Toán lính Mỹ dè dặt từng bước khi tiếp cận ngọn đồi. Chào đón họ là một khung cảnh hoang tàn, đổ nát. Những cây lớn bị đạn pháo bắn gãy nằm ngổn ngang, những tảng đá bị băm nát, vỡ vụn. Một mùi khét đặc của khói lửa ám lên chiếc mũi của họ, đặc quánh đến mức ngột ngạt.

Cuộc tìm kiếm diễn ra được nửa ngày nhưng chưa có kết quả. Nhóm của Lê Hữu Đam, Hensinger đã bỏ xa các nhóm còn lại khi xâm nhập khá sâu vào cánh rừng dưới ngọn đồi theo hướng hai giờ. Khi qua đến một ngã ba, Đam bị lạc mất đồng đội. Đang cố dò dẫm tìm đường thì viên sĩ quan phiên dịch phát hiện một vài vết máu trên đám lá khô. Anh khẽ lên đạn rồi nắm chặt khẩu AR-15 trong tư thế sẵn sàng nổ súng. Vết máu dẫn Lê Hữu Đam đến một phiến đá khuất sau một cái cây lớn bị đạn pháo bắn gãy đôi. Và rồi “bóng ma” mà Lê Hữu Đam và đồng đội truy tìm cũng đã hiện ra. Một người lính quân Giải phóng đang ngồi dựa vào phiến đá, tay phải nắm lấy khẩu AK dựng đứng, tay trái ôm vết thương trên bụng đang rỉ máu. Khuôn mặt của anh ta tái nhợt đi, không còn sức sống.

– Ngồi yên không tao bắn!

Lê Hữu Đam xông tới, chĩa súng về phía người lính Giải phóng. Thế nhưng, anh ta không phản ứng gì cả, bình thản nhìn đối phương của mình không chút sợ hãi.

– Ném khẩu súng về phía tao! Mau lên.

Nghe vậy, người lính Giải phóng liền làm theo yêu cầu của Đam. Sau khi xác định không còn bất cứ mối nguy hiểm nào nữa, Lê Hữu Đam mới dám tiến gần về phía đối phương, hỏi:

– Mày đi một mình hay còn có ai nữa?

– Một mình! – Người lính Giải phóng trả lời bằng giọng địa phương đặc sệt.

– Họ tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị? – Lê Hữu Đam lại tiếp tục tra hỏi.

– Mày hỏi nhiều làm gì? – Người lính Giải phóng đáp lại, không chút e sợ.

Nghe vậy, Lê Hữu Đam không quá bất ngờ. Đơn vị của Đam từng đụng độ với quân Giải phóng nhiều lần. Quá trình khai thác thông tin từ những người lính bị bắt, anh đã quá quen với thái độ coi thường cái chết của họ. Với người lính Giải phóng can trường trước mắt, viên sĩ quan phiên dịch lại có chút cảm phục, bởi chỉ với một mình một súng, anh ta đã dám đối đầu với cả một căn cứ quân sự hùng hậu có đủ mọi khí tài hiện đại lúc đó.

– Mày cũng khá thật. Chỉ với một khẩu AK mà làm tao và đồng đội ăn không ngon ngủ không yên cả hai tuần liền. Bọn tao còn đặt cả biệt danh cho mày là “bóng ma” đấy.

– Hahaha…- Người lính Giải phóng cười phá lên – Mày gọi bọn giết người, hãm hiếp đàn bà con gái là đồng đội à? Hahaha…

Câu nói của người lính Giải phóng khiến Lê Hữu Đam tức giận, anh chĩa súng về phía anh ta và nói:

– Mày nói cái gì?

Người lính Giải phóng vẫn thản nhiên đáp lại:

– Mày hãy về ngôi làng gần dưới chân đồi mà hỏi xem “đồng đội” của mày đã làm gì ở đó? Một cô bé 16 tuổi đi chăn trâu bị bọn lính Ngụy tụi bay bắt đem cho tụi lính Mỹ hãm hiếp đến chết, xong vứt xác lại bên đường. Mày gọi lũ cầm thú đó là đồng đội thì mày cũng chỉ là loài cầm thú mà thôi.

Lê Hữu Đam nghe vậy thì chết lặng. Anh không dám tin những lời khủng khiếp mà mình vừa nghe, nhưng khi nhìn vào ánh mắt đỏ hoe đầy căm hờn của người lính Giải phóng, anh cảm nhận được sự thật ở trong đó.

– Tôi không cùng chiến tuyến với anh, nhưng tôi cũng là người Việt Nam. Một người Việt Nam có lương tri.

Đoạn, Lê Hữu Đam vứt khẩu AR-15 xuống đất trong sự ngỡ ngàng của người lính Giải phóng. Anh cởi chiếc balô ra, mở lấy bông băng, thuốc sát trùng rồi ra hiệu đề nghị giúp băng bó vết thương. Người lính Giải phóng bị một mảnh đạn rạch một đường dài trên bụng. Vết thương không quá sâu nhưng vì không được sơ cứu kịp thời nên mất máu khá nhiều. Lê Hữu Đam mặc dù là sĩ quan phiên dịch nhưng lại có kỹ năng sơ cứu rất tốt. Người lính Giải phóng sau phút bất ngờ, cũng đồng ý và nén đau để anh khâu kín lại vết thương cho mình. Khung cảnh ấy được một người lính Mỹ nhìn thấy nhưng không lên tiếng, trái lại còn tìm cách giúp họ cảnh giới.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Thấy Lê Hữu Đam mồ hôi túa ra ướt đẫm cả má, người lính Giải phóng liền lấy bi đông nước rồi đưa cho anh. Nhấp ngụm nước cho qua cơn khát, Lê Hữu Đam nói:

– Anh nên sớm rời khỏi đây. Có bốn tiểu đội đã được cử đi để truy lùng anh.

– Sao anh lại giúp tui? – Người lính Giải phóng hỏi lại.

– Vì chúng ta đều là người Việt Nam. Và cũng một phần… vì nể phục tinh thần chiến đấu gan dạ của anh – Lê Hữu Đam đáp – Chuyện về cô bé bị hãm hiếp, tôi sẽ xác minh, nếu đúng, nhất định tôi sẽ lôi cổ bọn chó lợn đó ra trước tòa án binh.

Người lính Giải phóng gật đầu cám ơn và nói:

– Chút nữa về, tránh con đường lớn ở ngã ba, sáng nay, tôi có cài một quả mỏ vịt ở đó.(*) Nãy tôi định dụ anh lại gần để rút lựu đạn cùng chết đấy.

Nói xong, anh nhỏm dậy, theo lối rừng mà thoát đi như một cơn gió, để lại Lê Hữu Đam đang lạnh cả sống lưng. Thảo nào người lính Giải phóng lại dễ dàng ném súng theo yêu cầu của anh như thế. Lê Hữu Đam thu dọn hiện trường, gom các bông băng dính máu lại rồi đào hố lấp đi. Đoạn, anh quay ra tìm cách xóa các vết máu thì một nòng súng lạnh tanh ghí vào người. Một giọng nói quen thuộc cất lên:

– Sao anh dám thả tên lính Việt Cộng đó đi?

Lê Hữu Đam quay lại, thì ra là James Hensinger đã đứng đó từ lúc nào không hay.

– Cậu chứng kiến tất cả rồi phải không?

– Đúng vậy ! – Hensinger hạ súng xuống và đáp.

– Nhưng không can thiệp…? – Lê Hữu Đam ngạc nhiên.

– Hì… Hắn là một tay rất cừ! Còn tôi lại quên không đem theo máy ảnh rồi – Hensinger đẩy chiếc kính cận lên rồi nói – Chúng ta về thôi!

Cả hai không nói gì thêm nữa, cùng nhau rời khỏi ngọn đồi. Vốn tiếng Việt của Hensinger không đủ để giúp anh biết được Lê Hữu Đam và người lính Giải phóng kia đã nói những gì với nhau. Nhưng anh tin rằng, người đồng đội của mình có lý do chính đáng để làm như vậy. Khi qua đến ngã ba, theo lời của người lính Giải phóng, Lê Hữu Đam và Hensinger đã tránh được cái bẫy chết chóc giăng sẵn. Trời đã về chiều. Cuộc tìm kiếm của bốn tiểu đội kết thúc trong vô vọng. Người lính bắn tỉa của quân Giải phóng đã biến mất không chút dấu vết. Nhưng cũng từ đó, những mái lợp kim loại của doanh trại quân Mỹ không còn bị “bóng ma” ở ngọn đồi trước mặt làm phiền.

***

Giữ lời hứa với người lính Giải phóng, Lê Hữu Đam đem câu chuyện về bé gái 16 tuổi bị hãm hiếp kể với Hensinger. Cả hai quyết định cùng nhau đến ngôi làng dưới chân đồi để điều tra vụ việc. Nhưng khi vừa đến nơi, hai người lính bàng hoàng nhận ra, ngôi làng đã bị đạn pháo san phẳng thành bình địa, không còn một dấu tích nào của sự sống. Có vẻ như ai đó đã biết được ý định của Đam và Hensinger. Nhìn đống tro tàn còn sót lại, Lê Hữu Đam hiểu được rằng mình không còn lý do gì để tiếp tục con đường binh nghiệp. Anh xin giải ngũ và chuyển sang làm việc cho một hãng sơn tư nhân ở Sài Gòn. Câu chuyện về cuộc gặp gỡ định mệnh với người lính bắn tỉa quân Giải phóng có lẽ đã chìm dần trong ký ức của anh nếu như ngày 30.4.1975 không đến.

Năm năm sau, cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã đi đến hồi cuối cùng. Khi chiếc xe tăng mang số hiệu 390 nghiến những bánh xích của lịch sử qua cánh cổng Dinh Độc Lập thì Lê Hữu Đam đang cùng với vợ con ở ngoại ô Sài Gòn chuẩn bị vượt biên sang Campuchia. Nhưng hành trình ấy đã không hề suôn sẻ và mang đến cho anh những ký ức kinh hoành. Đám người nhận tiền đưa gia đình anh vượt biên đã lộ rõ bản chất của bọn lưu manh. Chúng lừa gia đình tội nghiệp đến bìa rừng và cướp tài sản. Trong thế cùng lực kiệt, Lê Hữu Đam chỉ biết đưa hết tiền, vàng tích cóp cho chúng để giữ an toàn cho vợ và hai người con trai. Tên đầu sỏ ban đầu chỉ định cướp của, sau thấy vợ của Đam thì nổi cơn dục vọng. Hắn lệnh cho hai tên đàn em giữ chặt người chồng, tên còn lại giữ hai đứa trẻ, còn hắn thì kéo người vợ ra hãm hiếp. Mặc cho Lê Hữu Đam gào thét van xin, tên cầm thú vẫn không mảy may động lòng. Hắn xé toạc áo ngực của người đàn bà tội nghiệp rồi định thực hiện hành vi thú tính của mình. “Đoàng!”. Một tiếng súng AK vang lên làm tất cả im bặt. Tên đầu sỏ ngã bật ra phía sau với một lỗ đạn ngay giữa trán. Ba tên cướp còn lại kinh hãi, không biết chuyện gì đang xảy ra.

“Đoàng! Đoàng! Đoàng!”.

Ba tiếng nổ chát chúa vang lên. Lũ người hung ác gục xuống mà không kịp trở tay. Lê Hữu Đam lao tới ôm lấy vợ và các con, sợ hãi nhìn về phía lùm cây đang động đậy. Có tiếng chân người di chuyển rất nhanh. Nhìn những lỗ đạn trên trán của bọn cướp, Lê Hữu Đam đứng bật dậy, nói lớn:

– “Bóng ma”! Là anh phải không?

Không một lời hồi đáp. Cánh rừng già trở lại vẻ im ắng ban đầu. Nhưng Lê Hữu Đam tin chắc, người vừa ra tay cứu anh và gia đình chính là người lính bắn tỉa quân Giải phóng năm xưa. Vết đạn đi xuyên giữa trán ấy đã ám ảnh anh khi còn ở Phú Tài. Chắc chắn là anh ta, không thể sai được.

***

Một ngày giữa tháng Sáu năm 2013, trong một căn nhà tại vùng ngoại ô Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ, một người đàn ông hơn sáu mươi tuổi với hàng râu quai nón bạc trắng đang thả mình trên chiếc sô pha. Trong cơn mơ màng, bỗng tiếng chuông điện thoại reo lên làm ông ta giật mình tỉnh lại.

– Alo! Xin hỏi đây có phải số điện thoại của ông James Hensinger, cựu binh thuộc Lữ đoàn dù số 173, quân đội Hoa Kỳ, từng tham chiến ở Việt Nam không? – Đầu dây bên kia vang lên tiếng của một người đàn ông.

– Ồ… Đúng là tôi đây! – Hensinger ngạc nhiên – Nhưng ông là ai?

Trước câu hỏi của Hensinger, người đàn ông bí ẩn bỗng ngừng lại một lúc, có vẻ xúc động.

– Tôi đây! Lê Hữu Đam – cựu sĩ quan phiên dịch của Sư đoàn 1 Bộ binh, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đây.

Nghe vậy, Hensinger reo lên sung sướng khi nhận ra người bạn cũ:

– Ôi! Đam ơi! Tạ ơn Chúa là ông vẫn bình an. Sau năm 1975, tôi đã nhiều lần dò hỏi, tìm kiếm nhưng không có bất cứ thông tin gì về ông cả.

– Hành trình của tôi khi rời quê hương không được suôn sẻ cho lắm. Nhưng mọi thứ ổn cả rồi. Ông vẫn còn giữ những bức ảnh trong đêm kinh hoàng ở Phú Tài chứ? – Lê Hữu Đam hỏi.

– Ồ, dĩ nhiên rồi! Tôi bảo quản chúng rất cẩn thận.

– Vậy thì hãy tiếp tục giữ chúng thật tốt nhé. Tôi đã tìm thấy được “bóng ma” rồi.

– “Bóng ma”? Ý ông là tay bắn tỉa Việt Cộng ở ngọn đồi năm đó?

– Đúng rồi ! Chúng ta cùng có một cuộc hẹn ở Việt Nam vào cuối tháng này. OK?

– Nhất định rồi, Đam!

Người cựu binh Mỹ phấn khích trả lời. Sau cuộc nói chuyện rất lâu với người bạn cũ, Hensinger lấy từ trong ngăn kéo ra những bức ảnh mà ông đã cất giữ trong hơn bốn mươi năm và chưa từng công bố. Với sự chăm chút trong quá trình rửa ảnh, những tấm ảnh của Hensinger vẫn lột tả chân thực được cơn bão lửa kinh hoàng mà năm đó, đồng đội ông đã trút lên những ngọn đồi đối diện với căn cứ Phú Tài nhằm tiêu diệt một người lính bắn tỉa Việt Nam can trường. Thậm chí, có một tấm ảnh còn ghi lại được khoảnh khắc tia đạn bắn vào tảng đá núi và bị nẩy ra.

Hensinger biết rằng, ông không thể tiếp tục để những tấm ảnh quý giá của mình nằm im dưới lớp bụi của thời gian.

(*) Lựu đạn MK-2 của Mỹ, được dùng phổ biến trong chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam.

NGUYỄN ANH TUẤN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…