Bình yên sẽ trở về

(VNBĐ – Truyện ngắn). “Về thôi anh. Giọng Mây ngân dài thúc giục. Vẫn còn. Còn một ngàn cái vỏ ốc phải nhặt. Chưa về được đâu”.

Từ biệt thôi. Nơi biển rì rào, chẳng vồ vập như hai năm về trước. Dân chài vẫn được làm nghề đấy thôi. Ở bãi biển cách đó năm cây số. Vẫn cùi cụi làm ra sản phẩm. Vẫn bán mua tấp nập.

Giả tạo. Cô gái hét lên, giọng miền Tây đặc sệt. Tóc cô búi cao. Mắt to trong phản chiếu ánh chiều hoàng hôn. Rầm rập. Xềnh xệch. Bà con bắt đầu kéo những chiếc thuyền thúng của mình. Thuyền chạy dài, tạo thành vệt to đùng trên cát. Biển vẫn còn hoang sơ, không có vỏ chai hay rác rến đâu em. Cặp mắt tròn xoe vẫn căng ra nhìn chiếc thuyền có hai vệt sơn. Một màu xanh và cái kia màu đỏ.

“Có bóng hình nào đó đang ngụp lặn dưới kia. Là nó…”.

“Em lại nhìn thấy nó à? Đợi anh chút!”.

Thụ vội chạy vào nhà tìm hộp thuốc. Mở ra, tay anh lần tìm giữa đống hộp chai ngồn ngộn. Đây rồi, mấy vỉ thuốc đặc hiệu kiếm rất khó khăn. Chỉ có nó mới giữ được tâm hồn non nớt kia không bị tấn công bởi những ảo ảnh gớm ghiếc.

***

Đất biển tưởng hoang vu mà nhộn nhịp. Đất lẫn cát, sương có mùi mằn mặn nơi đầu lưỡi. Biển lạnh. Hơn chục chiếc thuyền thúng hùng dũng tiến ra khơi. Còn lão thầu Chính ở nhà. Lão cần gì động chân tay. Bọn đàn bà lo cả. Làm đi! Mấy con hàng lười biếng. Thầu Chính đẳng cấp lắm. Ờ, cũng chẳng ai hiểu cái từ “đẳng cấp” đấy như thế nào. Chỉ biết bụi tre trước nhà bị hứng axit đến cháy xém. Lười biếng thì có ngày như bụi tre này. Rõ chưa? Chỉ cần thế thôi là năm người phụ nữ môi tê tái, ngực phập phồng bỗng rúm ró quỳ sụp xuống đất. Tại sao họ bị đối xử như vậy? Thụ vẫn luôn tự đặt ra câu tự vấn đó.

“Đồ con hoang. Dám lườm tao”.

Máu chảy. Giọt tong tong rơi xuống sàn nhà bóng nhẫy. Sàn trơn như bôi mỡ, càng làm ánh lên dưới chùm đèn màu đỏ tinh khôi. Liếm. Liếm sạch cho tao.

Lưỡi thè ra, đưa nhè nhẹ. Lưỡi tủi nhục, không còn vị giác. Những tế bào cảm giác biến đâu mất. Kinh tởm. Đắng ngoét. Cho đến khi lão Chính tức giận đẩy cửa ra ngoài.

Lão đi rồi thì tất cả người làm đều được tự do trong một khoảng thời gian. Thụ vẫn may chán. Lão Chính không hứng thú với đàn ông. Không như mấy thằng cha tởm lợm ở chợ. Biết sao đây. Đời là thế. Đời không cho ta chọn. Con vua hay con sãi, giờ chẳng còn nghĩa lý gì hết. Con Loan, nô lệ cao cấp được cho quyền sinh sát cứ gõ nhịp một – hai xuống cái bàn sắt to tướng trong bếp như muốn giết từng tiếng tích tắc được tạo ra bởi chiếc đồng hồ cũ kỹ. Cái bàn ăn của người làm, được ráp lại bằng mấy miếng sắt mạ inox xam xám. Cũng đủ để nấu ăn lẫn gục xuống ngủ khi mệt quá. Mà chớ dại ngủ khi lão thầu Chính ở nhà. Gãy xương không chừng.

“Đêm qua em bị hiếp rồi”.

Tiếng nói nhỏ xíu, sợ sệt vang lên từ trong góc. Đâu như em quê miền Tây hả? Lại tiếng dạ lí nhí. Gái miền Tây gạo trắng nước trong lầm lũi ra Bắc đâu còn xa lạ gì. Nhưng lặn lội đến tận làng chài xa xôi này? Cùng với cái lắc đầu quầy quậy là tiếng quệt nước mắt sột soạt liên hồi. Ô, sao khóc? Mà cưng có khóc thì cứ khóc thành tiếng đi. Con bé nghe vậy, òa lên nức nở. Mấy chốc mà vạt áo đã ướt hết. Mấy tiếng thở dài đồng loạt cất lên.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Trong nhà lão thầu Chính, đàn bà là thứ gì đó không đáng được đối xử như con người. Vì họ ăn chực của chó. Con Bư, giống chó miền cực Bắc của nước Mỹ xa xôi, nay làm vua làm chúa ở đây, với đội quân hầu cận là hai nữ nô lệ thay nhau chăm sóc cả ngày. Đói thì cho ăn. Ngủ có bàn tay mềm mịn của phụ nữ ve vuốt. Mệt không? Chó Bư biến thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Hình như con Mây đang mơ như thế. Còn thực tế má của con Mây đang bị Bư liếm. Dám kéo nó ra không? Chẳng ai muốn ăn một trận đòn của lão Chính. Đành nhìn nó hành hạ con bé tội nghiệp. Mày kệ nó đi. Hạng nó có thoát ra khỏi đây chắc gì đã không bị bắt đi làm đĩ điếm. Con Loan cười hềnh hệch. Con bé hay xỉa xói chị em. Nó cũng là đầy tớ, nhưng nó lại được coi gần như là osin, tức vẫn có sự đối tốt nhất định.

Con Loan được lão Chính giao giám sát chúng tôi. Nó tự coi như thủ lĩnh gian bếp. Hàng trưa, trong khi chị em ngủ hết, nó đi đếm lông con Bư. Điên thật. Sao đếm nổi? Thì nó chỉ áng chừng thôi, nhưng nếu làm nó phật ý thì… bụp… tiếng gối che trước ngực rồi tiếp đến là những cú đấm chát chúa. Con Loan, nó điên rồi. Nó học mấy trò đó ở đâu? Ai dám cãi. Đánh chán, nó gọi vào một thằng du côn. Tấm áo mong manh bị xé toạc. Con Mây không dám thút thít kêu một tiếng.

***

Hôm nay biển động. Những con thuyền con lắc lư ghê gớm. Mối cá vẫn hoạt động dù số lượng ít hơn. Tất cả chảy về xưởng lão thầu Chính. Không ai biết người đàn ông đó giàu đến mức nào. Cũng chẳng ai hay lão có nuôi một đám nô lệ trong nhà. Thứ quyền lực tối thượng. Thứ uy áp tột cùng. Lão chầm chậm bước đến kia rồi. Người chưa đến, tiếng quát đã oang oang. Chúng mày đâu rồi. Thấy tao mà im thin thít? Lão xổ ra từng tràng ức nghẹn. Lão vừa bị quỵt một mối hàng ngon. Biển nổi gió, thầu Chính nổi bão dông. Quỳ không? Thế chứ. Mày biết chúng mày đã làm gì không? Không à. Đánh nó cho tao! Con Loan chỉ chờ có thế. Nó đã chuẩn bị một sợi roi da bóng loáng. Da cứng được sơn quét, ánh lên màu tội lỗi. Nó vụt. Nó quất. Nó tát, nó bứt tóc mấy con bé tội nghiệp. Lúc đầu chỉ có con Mây bị đánh. Sau đó, có đứa buột miệng xin cho con Mây, thế là tất cả bị ăn tát. Lão Chính chỉ đứng đó. Khác với mọi hôm, lão không cười. Lão chỉ nhếch mép khinh khỉnh. Chán quá rồi. Hành hạ bọn chúng cũng không hết bực. Con Mây nằm bẹp dưới đất. Áo nó rách bươm, con Loan thò tay vào xé nốt. Ngực hiện ra tròn lẳn. Áo lót cũng không có mà mặc. Gì thế này? Một cái lưỡi lam. Sắc lạnh. Cứa vào. Con Mây run cầm cập. Bàn tay, bàn chân co cứng trong cái rét đầu đông. Nó vùng lên. Nó quỳ lạy. Lão Chính hất ra làm nó ngã dúi xuống.

Ngoài cửa có tiếng râm ran. Ai đó bấm chuông. Con Loan kéo Mây vào phòng trong đóng cửa lại. May cho con Mây. Cuộc hành quyết đã kết thúc.

Biển vẫn xôn xao khi cơn gió mùa Đông Bắc đến. Công việc đổ hải sản cho chợ ngày càng bị kiểm tra gắt gao hơn. Thầu Chính không còn quyền uy mạnh như trước. Ngày biển lặng, tàu thuyền đi xa bờ. Đâu cũng về tay lão Chính thôi. Không ai biết, chẳng ai hay mấy cô gái khốn khổ. Trừ một người. Hôm qua, anh đã chứng kiến tất cả. Đầu anh như có lửa đốt phừng phừng ở trong. Sao anh không đưa tay ra? Mây run, anh cũng run rẩy. Mây bị xé áo, nước mắt anh chảy trong lòng. Đại úy Thụ của đội điều tra đặc biệt đang cố kìm nén cơn giận của mình. Biết là phải có hy sinh, biết phải trả giá nhưng sao đau lòng quá. Liệu có thể hy sinh cô bé này để thực hiện thành công chuyên án hay không? Băng thầu Chính hốt trọn mối cá ở vùng biển này. Không chỉ thế, lão còn cầm đầu một đội quân buôn lậu, trong đó có nhiều đứa dính đến ma túy. Quy mô băng tội phạm này quá lớn để một chiến sĩ có thể tùy tiện hành động theo cảm xúc nhất thời. Anh nén giận, chờ đợi thời cơ.

Bờ biển dài thăm thẳm. Thụ cứ đứng đấy hóng gió thổi tới từng cơn trong cái rét cắt da cắt thịt. Lão thầu Chính đưa mấy cô gái đi đâu đó. Chưa bao giờ xảy ra chuyện này sau mấy tháng đóng vai người làm cho công ty thương mại của lão. Bề ngoài, đây là cơ sở làm ăn đàng hoàng. Ai ngờ, cả hai cái kho to tướng phía sau ẩn giấu những thứ phi pháp. Hàng đống đồ buôn lậu từ Trung Quốc sang. Tất nhiên không khai báo và số tiền kiếm được rơi vào hết cái túi lão Chính.

Làm sao để phá được chỗ này mà thiệt hại ít máu xương của anh em nhất? Câu hỏi ấy không dễ trả lời. Trong hoàn cảnh làm ăn khó khăn, dịch bệnh hoành hành, nhiều nhà kinh doanh cố sống thoi thóp chờ thời, việc tự nhiên có người xin vào làm với bộ dạng như Thụ càng làm chủ nghi ngờ.

Thụ làm như điên. Tỏ ra có kinh nghiệm trông coi kho bãi. Lão ưng, nhận vào làm ngay. Thụ cũng không ngờ mình dễ dàng chiếm được lòng tin của lão Chính như vậy. Cứ như lão phơi bày ra trước mắt ánh sáng hy vọng. Năm người con gái ngồi kia. Anh chỉ dám liếc qua. Khác gì con vật. Khác gì đống giấy vụn dùng hết thì đốt. Không ai biết sự tồn tại của họ. Chỉ còn cái tên. Người như xác vật vờ.

Và cô bé tội nghiệp kia đang bị lột ra miếng vải cuối cùng. Ba cô gái khác trưng lên khuôn mặt sợ hãi như họ đã chứng kiến tất cả những điều đó. Ghê tởm. Nhục nhã. Tất cả những từ ngữ đó không đủ để diễn tả tâm trạng của Thụ lúc này.

“Sao? Mày muốn thử không? Thử cái cảm giác hành hạ mấy đứa này?”.

Lão Chính hất hàm hỏi, rồi bảo con Loan đưa roi da cho Thụ, không cần biết anh đồng ý hay không. Đôi mắt sáng trong của Mây vẫn ở đó, giương lên, cố tìm tia sáng hy vọng. Chắc muốn giơ cao đánh khẽ. Chắc muốn người đàn ông trước mặt làm một điều gì đó. Viển vông thôi cô bé. Tôi phải diễn. Tôi phải làm tròn nhiệm vụ. Tôi phải đánh cô đấy. Bàn tay run run của Thụ cứ nắm chặt mãi cây roi, mấy lần giơ lên thật cao rồi từ từ hạ xuống.

“Không dám đánh à? Đàn ông con trai gì mà nhát quá. Mày xếp hàng hóa thì khá thế mà”.

Cùng tràng cười to cất lên, Lão Chính vỗ vào vai Thụ như muốn động viên gã người làm tự nhiên sử dụng thứ đồ chơi đặc biệt của mình. Thế nào. Cứ đánh đi. Bọn nó sinh ra để bị hành hạ mà. Giọng con Loan tinh quái khe khẽ thì thầm vào tai, vào óc Thụ. Mây bắt đầu nấc lên ngằn ngặt, như bao kìm nén và tủi hổ lâu ngày bùng lên như quả bóng bay vỡ ra vì bị thổi khí quá nhiều. Mắt cô bé vẫn tròn to như thế. Giá cô ấy không phải là con ở. Giá như không phải nô lệ, chỉ cần làm lụng bình thường ngoài kia thì cô bé sẽ có thành công. Khuôn mặt dễ mến chắc chắn sẽ để lại thiện cảm cho khách nếu cô bé mở cửa hàng bán gì đó. Nhưng sao đời bất công như thế? Sao không để cho những người phụ nữ này có cơ hội được nhìn thấy mặt trời?

Hành động hay không? Làm hay không? Nếu Thụ làm gì đó, các cô gái có thể thoát khỏi cơn nguy hiểm hiện tại, nhưng về sau thì sao? Bàn tay anh tự nhiên nắm chặt. Bao xúc cảm chực chờ tuôn trào trong những cú đấm, cú đá của người chiến sĩ trinh sát đang phải nhẫn nhịn. Nuốt ực một cái để kìm hãm cơn tức, Thụ quyết định sẽ án binh bất động. Phải nghĩ đến đại cục. Đến một lúc nào đó, anh sẽ cứu họ. Lỡ để tên Chính nổi điên, hắn sẽ giết các cô rồi chôn xác, phi tang toàn bộ chứng cứ. Không phải chỉ có mấy cô gái này mà toàn bộ hoạt động phi pháp, hại biết bao nhiêu con người sẽ lại tiếp tục ở một nơi khác, dưới hình thức khác.

***

Dưới những cơn gió lạnh toát, một hàng xe thồ lầm lũi đi ra từ khu tập kết hải sản. Đoàn người khác với bình thường, bạt phủ kín mít, buộc dán chằng chịt. Đúng rồi. Bắt đầu chuyển hàng đây mà. Lầm lũi, khom lưng. Dưới ánh nắng hiếm hoi cuối cùng của mùa đông, hàng bắt đầu tập kết đến một nhà kho gần đó. Cửu vạn. Họ cũng gần giống những cô gái kia. Họ căng lưng dưới những tiếng quát, tiếng chửi tục tĩu. Không làm thì chẳng có ăn. Nhưng có vẻ những người này còn bị trói buộc bởi thứ gì đó rất khủng khiếp. Ma túy rồi. Đúng nó. Đúng thứ đó biến con người thành nô lệ. Bây giờ chính là lúc chấm dứt tất cả sự tủi nhục của họ. Kế hoạch tác chiến đã có. Đồng đội cũng đã sẵn sàng tập kích, chỉ cần đợi hiệu lệnh của chỉ huy. Bắt đầu rồi. Ba gã cai đầu sỏ đã bị khống chế nhanh chóng, đến nỗi chưa kịp rút súng. Phía nhà lão thầu Chính, không biết tin từ đâu báo đến làm lão và mấy đàn em cố thủ trong nhà.

“Ông Chính. Hãy đầu hàng để được hưởng khoan hồng của pháp luật!”.

Lão trùm chỉ lắc đầu, cười khẩy. Cũng đúng thôi. Tên tội phạm cộm cán, già đầu như thế còn biết sợ là gì. Lão có con tin là mấy cô gái “đồ chơi”. Trong căn nhà tội lỗi đó, con Loan đang run cầm cập. Nó sợ chết. Nó cũng là nô lệ nhưng được trao cho cái quyền hành hạ các nô lệ khác. Nó giờ vô dụng rồi. Chỉ còn tám cặp mắt tuyệt vọng đang quỳ dưới kia. Chết là hết phải không? Lão Chính gầm lên. Lão chĩa họng súng đen ngòm, từ từ bước tới dí vào đầu Mây. Bất ngờ, cơn điên lại bùng lên, lão co chân sút mạnh. Mây bị văng vào tường, nằm yên ở đó. Lão Chính lên cò súng, ngón tay trỏ dí tới như muốn kết thúc cuộc hành hạ, cũng là trò chơi bệnh hoạn lần cuối cùng. Con chó. Cởi hết quần áo ra. Tao sẽ cho mày tắm máu của chính mày. Tràng cười điên dại lại cất lên.

Không còn sợ nữa. Chẳng còn nghĩ suy. Mây nhắm mắt, đón chờ định mệnh ập đến bên mình. Tiếng nổ. Một cái bóng lao đến. Mây mở mắt, thấy một thân người nằm phía trước.

***

Mây, cô gái nô lệ năm nào. Không ngờ cô chọn ở lại chính mảnh đất này. Cô mở tiệm bán cá. Cá bắt lên từ thuyền thúng của ngư dân. Cá không đổ về tay chủ độc địa tàn ác. Tử hình là bản án thích đáng dành cho tên tội phạm không còn tính người. Các cô gái, người được về quê, người không có quê để về. Trong họ, gia đình thật sự có khi đã chết.

Người chỉ giữ được xác người. Người không ai nhớ mặt, biết tên. Tên Chính đã bỏ công tìm kiếm những người không còn thân nhân để thỏa mãn thú vui ghê tởm. Họ được giải thoát khỏi quãng đời nô lệ, nhưng khi được tự do, họ phải chữa trị về tâm lý và cần có tình yêu thương thật sự để hòa nhập với xã hội.

“Đủ một ngàn chiếc vỏ ốc rồi nhé. Về thôi em”.

“Gió biển lớn anh nhỉ. Em thấy hơi lạnh”.

“Nép vào đây nào”.

Mây chỉ dám bám nhẹ lấy cánh tay rắn chắc của Thụ. Bàn tay cô gái vẫn còn run. Run rẩy như thời gian ở địa ngục. Một bàn tay khác kéo cô lại, vỗ về khe khẽ.

Mây đã hết run. Một cảm xúc lạ kỳ gợn nhẹ lên cánh mũi.

ĐINH THÀNH TRUNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…