Ầu ơ… vọng tiếng bà ru

(VNBĐ – Tản văn). Đang đạp xe thong dong quanh những con đường quê khi cái nắng đầu hè đã bắt đầu dìu dịu đôi chút, tôi bất chợt nghe tiếng ru con văng vẳng từ chiếc võng được cột dưới bụi tre ven đường. Tiếng ru đều đều theo nhịp đong đưa như hòa vào gió loang ra trong chiều quê yên ả. Người phụ nữ ru cháu, dường như không còn trẻ, nhưng giọng nghe sao cứ ngọt lịm gieo vào lòng tôi chút buồn man mác. Lời ru được cất lên từ những câu thơ lục bát vần điệu, bắt đầu bằng từ vào nhịp nghe lên bổng, xuống trầm rồi ngân nga, tan ra như làn khói mỏng. Nhờ gió đẩy đưa mà những thanh âm bay xa trong không gian chiều nhuộm vàng nắng. Tôi dừng xe đứng nghỉ, nhưng thực tế là đứng để cảm nhận giọng ru đã lâu lắm rồi mới được nghe lại. Những giọt nắng vẫn không ngừng nhảy múa trên con đường quê vắng lặng khi gió lay hàng tre xao xác. Tim tôi như se thắt khi câu hát quen thuộc thuở nào mà người phụ nữ cất lên. Đâu đó như bóng bà mình chập chờn theo lời ca nghe xuyến xao đến lạ lùng. Tôi ngửa mặt nhìn trời xanh mở toang thính giác cho những câu ca kia ùa vào mà khỏa lấp nỗi nhớ bà lúc này. Ngày xưa bà cũng hát ru chúng tôi bằng chính những câu ca ấy.

“ Ầu… ơi… chim quyên ăn trái đa đa
Nuốt vô sợ đắng nhả ra bạn cười…”.

Chúng tôi lớn lên trong tiếng ru hời của bà. Từ thuở lọt lòng, rồi cả thời thơ ấu, tôi đã cảm nhận được những âm thanh ấy. Những âm thanh êm dịu từ lời ru của bà cứ phảng phất đâu đây và theo tôi cho đến tận bây giờ. Bà ru chúng tôi để má rảnh tay mà đi làm đồng. Những lời ru cứ đẩy đưa theo vần, theo nhịp chứ không ngân dài. Lời ru cứ đu đưa theo nhịp võng lúc chậm lúc nhanh. Đôi mắt của các cháu bà cứ thế mà nhắm tịt lại đi vào giấc ngủ lúc nào không hay. “Ầu… ơ… sáng mai ra dạo vườn cà/ Trái non làm mắm trái già làm dưa/ Làm thì ba bữa dưa chua/ Chị kia xách chén lại mua ba đồng…”. Câu hát ru của bà không bắt đầu bằng à… ơi… hay ru… hời… mà bà thường dẫn vào câu hát bằng ô hôi… ố hồi… hay ầu… ơ… Những lời ca dân dã, mộc mạc với âm điệu giản đơn vậy nhưng lại có sức cuốn hút lạ lùng. Nó như có phép thuật thôi miên các cháu bà trôi nhanh vào những cơn mơ khi bóng nắng đã trùm lên chái rạ sau nhà. Bao giấc ngủ của chúng tôi trôi qua êm đềm trên chiếc võng được bện bằng xơ dừa của những ngày thiếu trước hụt sau cùng tiếng hát ru của nội. Chiếc võng mòn nhẵn thín cứ kẽo cà kẽo kẹt đu đưa giúp bà ru hết đứa cháu này đến đứa cháu khác. Tiếng ru cứ dặt dìu, khoan thai theo nhịp võng, như tan vào nắng, hòa vào gió nghe ngọt lịm, gieo vào lòng các cháu những cảm nhận về phận người, về những dãi dầu cơ cực, về những điều nhân nghĩa ở đời… Bà thổi vào hồn những thiên thần bé nhỏ của mình bằng giọng ru thiên phú, để rồi từ ấy, những đứa cháu của bà vươn vai mà lớn, mà rời cái tổ nơi làng quê nghèo bay xa mọi miền. Tiếng bà ru hòa vào tiếng gà xao xác nắng trưa, tiếng bà ầu ơ chìm trong tiếng ve ngân đầy bóng nắng nhảy nhót trên thềm nhà. Giọng ru của bà như lọt thỏm giữa ào ạt những giọt mưa tuôn trên mái trong những ngày dầm dề rét mướt. Tháng ngày cứ trôi đi. Rồi mùa nối tiếp mùa. Những câu ca cứ mãi quấn quýt với chúng tôi trong suốt cuộc đời này, dù bà đã về miền mây trắng tự lâu rồi.

“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Trăm mối khó gỡ, trăm điều phải mang
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều dắt vai”.

Những câu ca của bà là những nỗi niềm, là sự giãi bày tâm sự về thân phận của người phụ nữ mà hầu hết xuất phát từ những câu ca dao, tục ngữ của vùng đất xứ dừa. Những con người chịu thương chịu khó, như thổ nhưỡng nơi đây quanh năm hứng chịu sự trút giận, trút hờn của đất trời trở thành những câu hát ru mộc mạc. Những câu ca mà bà ru cháu, mẹ ru con ngọt ngào ấy chính là những lời bộc bạch, nhắn nhủ về sự thủy chung son sắt, cam chịu của người phụ nữ một thời ở xứ miền Trung này.

“ Ầu… ơ… Một mai ai chớ bỏ ai
Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim
Kim đồng, kim sắt, kim thau
Ai mua chỉ tàu vá áo cho anh…”.

Những nỗi lo toan mà họ không biết bộc bạch cùng ai nên chỉ biết gởi vào câu hát ru truyền từ đời này sang đời khác. Giọng bà dìu dặt trong câu hát như bảo rằng “cháu ơi hãy ngủ cho ngoan, cho mau lớn nhé để bà còn nhờ, để ba mẹ trút bớt nỗi lo”.

“Một mình lo bảy lo ba
Lo cau trổ muộn lo già hết duyên
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình”.

Thế giới trong lời ru của bà thấp thoáng những mảng màu buồn, vui của cuộc sống ngày xưa. Chẳng có nhiều phương tiện để lưu lại những gam màu ấy nên người ta lưu truyền qua khúc hát ru. Những câu ca mỗi khi được cất lên nghe cứ man mác, du dương ru hồn người vào thế giới của những ruộng lúa, nương dâu, vườn cà. Thế giới mà trẻ con trước khi chìm vào những giấc ngủ có cả những phận đời long đong, những nhọc nhằn gian khó và cũng có cả những châm chọc, đối đáp làm tươi vui cuộc sống vốn đầy những lo toan. Những câu bà ru cứ như kéo các cháu mình ngược dòng về quá khứ, lùi lại với thời gian để tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những “Chiều chiều ra đứng ngõ sau…”, “Em tôi khát sữa bú tay…”, “Gió đưa bụi chuối sau hè…”…

Những câu hát mà bà ru cháu ngày xưa cứ tưởng đã bị lãng quên trong thế giới hiện đại này lại đong đưa trong một chiều đầu hè nơi bờ tre quê nghe xao xuyến lạ. Những bà mẹ trẻ bây giờ dường như không còn biết hát ru và những câu ca ru con chẳng mấy ai còn nhớ. Chứng kiến những bạn trẻ ru con bằng điện thoại với tân nhạc làm tôi vừa tức cười vừa buồn. Chẳng có phương tiện nào có thể thay thế vòng tay, hơi thở và câu hát ru của người mẹ, người bà. Nó là thứ “thuốc ngủ” êm dịu nhất cho bao thiên thần khi còn nằm võng, nằm nôi. Và cũng là món ăn tinh thần đầu đời, nuôi dưỡng tâm hồn của các bé đấy. Tiếc rằng sự lưu truyền đã dần mai một…

Này nhé, những bà mẹ trẻ! Hãy học hát ru đi, để cho những thiên thần nhỏ của mình được nâng niu từ chính những những mạch nguồn ầu ơ mộc mạc đã được lưu giữ, trao truyền từ bao đời.

BÙI DUY PHONG

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…