Mênh mang sông nước

(VNBĐ – Văn học thiếu nhi). Thằng Lời đứng dưới bãi gọi to khi thấy tôi vác cuốc đi đào dế ở nà sông. Tôi vội xuống xem nó làm gì dưới đó. Tôi leo hẳn lên cái thuyền rớ mà cha con nó ở quanh năm rồi ngồi ở đầu mũi ngó vào. Nó bưng cái bếp lò ra hẳn phía bên ngoài cho có gió để nhóm lửa nấu cơm. Ba nó đi xuống chợ bỏ cá đến giờ vẫn chưa thấy về. Tôi ngó vào bên trong khi thấy đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh. Chỉ có mấy mét vuông thôi nhưng vừa là nơi ăn, ngủ và học bài của cha con thằng Lời. Phía đằng lái lủng lẳng nào nhá, lưới và nhiều thứ dụng cụ đánh cá khác. Nó vừa nói chuyện với tôi vừa vo gạo bắc lên cái bếp lò đang bốc cháy. Tôi buột miệng hỏi khi nhìn quanh không biết nơi nào để cha con nó ngủ.

– Tối mầy ngủ ở đâu?

Nó cười chỉ tay vào chiếc chiếu đang cuốn để bên.

– Thời gian ngủ của tao và ba tao ít lắm. Tối đến lo thả lưới, cắm nhá rồi lo đi gỡ cá đến tận sáng. Tao thường ngủ lúc ba tao đi chợ bỏ cá cho người ta. Rảnh lúc nào tao ôn bài lúc đó chớ không có thời gian.

Trong lúc chờ cơm chín, nó với tay lấy cái bị treo ở mui ghe đưa tôi. Những vỏ ốc có hoa văn và màu sắc lấp lánh va vào nhau lốc cốc. Nó biết tôi thích những con ốc này khi hai thằng ngồi bên nhau trong lớp lật quyển sách sinh vật xem và tôi trầm trồ khen đẹp.

– Cho mầy đó. Hôm nào tao nhặt được nữa sẽ để dành cho mầy.

Tôi mân mê những cái vỏ ốc mà thấy thương tấm lòng vì bạn của nó. Đời nó nghèo nhưng tấm lòng của nó rộng rãi, chân tình và hết mình vì bạn bè. Cha con nó hay neo chiếc thuyền rớ ở khúc sông này lắm. Chính khúc ở sông này đây mẹ nó đã bỏ cha con nó ra đi mãi mãi. Nó vẫn còn nhớ như in cái đêm định mệnh ấy.

Con nước lũ từ đầu nguồn đổ về bất ngờ khiến cả nhà nó vội vàng nhổ neo, vớt lưới. Chiếc ghe nhỏ tròng trành trong con nước đục ngầu bọt bèo. Ba nó ngồi đằng mũi vừa bơi mái dầm vừa vớt. Mẹ nó đang bệnh nặng nhưng cố ngồi đằng lái ôm mái chèo. Mưa giăng, gió giật tứ bề làm mẹ nó cuống cả lên. Hình ảnh cái mái chèo gạt mẹ nó văng xuống nước rồi mất hút trong dòng nước lũ hung hãn cứ lượn lờ trong đầu nó từ bấy đến giờ. Cứ mỗi lần đi qua khúc sông này là nó nhớ. Có những hôm đang giữa mùa hè nước cạn, cái mái dầm nhẹ tênh kẹp nách mà qua khúc sông này nó cứ khư khư giữ thật chặt. Rồi nó nghĩ mông lung như mẹ nó còn quanh quẩn đâu đây. Ba nó ngồi đằng lái móc cái mái chèo treo lên khỏi mặt nước, lặng lẽ quấn điếu thuốc ngồi nhìn theo làn khói mặc cho thuyền cứ trôi. Nhiều hôm cha con nó neo hẳn lại nơi này nấu cơm. Đến bữa ăn ông thường bưng một chén cơm rải xuống dòng nước như mời mẹ nó ăn cùng. Nhìn những hạt cơm trắng cứ chìm dần, chìm dần trong làn nước mà tâm can nó như bị cào xé vì nỗi nhớ mẹ. Có những hôm nằm ngủ, nó như nghe tiếng mẹ gọi: “Lời ơi!” văng vẳng. Nó choàng tỉnh dậy rồi chạy vô định trên bãi cát giữa trưa nắng đến bỏng rộp cả hai chân. Tôi ngó vào trong thấy có chiếc lư nhang nhỏ bằng lon sữa bò treo trên mui – chỗ thờ mẹ nó. Tự dưng sóng mũi của mình nóng ran khi thương cho kiếp người sống bằng chài lưới trên sông mà dân quê tôi hay gọi là “dân thuyền rớ”. Đến chết, thân xác cũng vùi vào sông nước và nơi thờ phụng cũng chỉ là cái lon sữa bò để cắm nhang. Thấy tôi ngồi im không nói gì, Lời rủ rê:

– Hay trưa nay mầy ở lại ăn cơm cùng ba con tao? Tao đãi mầy ăn món cá bống kho tiêu mà mầy vẫn thường ao ước đó.

Lời vừa nói vừa đưa cái rổ đựng mớ cá bống nhỏ bằng ngón tay út còn tươi roi rói. Đây là thứ cá thường chui dưới cát mà ba con thằng Lời bắt được bằng cách thả nhá. Tôi từ chối nó, hứa hôm khác sẽ ở lại và dặn nó cho tôi đi theo xem đánh cá một bữa.

***

Chiều nay, Lời không đi học. Chỗ ngồi của nó trống làm tôi cảm thấy như thiếu thiếu cái gì. Nó vẫn thường một buổi phụ ba nó ngược xuôi trên những khúc sông, một buổi đến trường. Sự học của nó thường đứt quãng mỗi khi ba nó bận việc phải lên bờ hay nhiều lúc theo con nước mà ba nó tranh thủ đánh bắt. Tan học về, tôi chạy ra sông tìm nó. Chỉ có mình nó đang chuẩn bị dụng cụ cho chuyến đánh bắt đêm nay. Tôi theo nó leo lên chiếc ghe nhỏ xíu nhưng chất đầy lưới, nhá và những rổ dây câu đàn. Nó dặn tôi ngồi im đừng cử động. Bằng động tác thuần phục của người lớn lên trên sông nước từ nhỏ, nó ngồi xếp bằng ở mũi, kẹp mái dầm vào nách, lẩy nhẹ. Chiếc ghe đi êm ru mà không một chút lao xao sóng nước. Hai tay buông từng đoạn lưới cước trắng phau. Nắng chiều vừa tắt. Từng cơn gió nhẹ phả hơi nước vào mặt mát rượi. Chiếc ghe cứ nhè nhẹ, là là trên mặt nước lúc chiều tàn.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Thằng Lời thuộc lòng từng chỗ nông sâu trên dòng sông này. Nó rành nơi cá ở trên tất cả mọi ngóc ngách của khúc sông. Nó giảng giải cho tôi biết nơi nào có thể đánh bắt cá bống, cá chép, cá mương… Sau khi buông hết tay lưới, nó gõ nhẹ vào mạn ghe “bộp, bộp” xua cá và thả hai chân xuống nước bơi là là, lái chiếc ghe đi thu lưới. Những con cá mình trắng phau tung giãy lật bật mỗi khi được kéo lên khỏi mặt nước. Nó còn kể có hôm trúng luồng cá, hai ba con nó gỡ không kịp. Chỉ mấy đường lưới mà chỗ lòng ghe nơi chúng tôi ngồi đã xăm xắp những con cá nhỏ to tung lạch bạch làm nước bắn lên tung tóe.

Trời nhập nhoạng tối. Tôi phụ nó bỏ mồi vào nhá rồi mang đi thả. Những cái nhá bé tí đan rất công phu được cắm xuống nước để bắt cá bống. Rồi đến đoạn thả câu đàn khi trời tối hẳn. Cứ như vậy công việc của nghề chài lưới trên sông diễn ra trong thầm lặng cả đêm.

Thằng Lời kể có những hôm mệt nhoài, nó ngả người trên bãi cát ngủ một giấc ngon lành cho đến khi tỉnh dậy thì trời đã hửng sáng. Có những hôm chỉ mình ba nó đánh bắt còn nó buộc chiếc ghe lớn vào gốc sung trái chín đỏ thân cây cặp mé bờ để học bài. Ba nó khuyên nó cố kiếm cái chữ để sau này lên bờ kiếm nghề khác mà làm chứ đừng theo đuổi kiếp lênh đênh sông nước như ông nhưng sao nó thấy khó quá. Dòng sông, con thuyền, chiếc ghe đã gắn vào đời nó, ăn vào máu thịt từ khi nó còn bé nên có lẽ khó rời. Hơn nữa ở đáy sông kia còn là nơi gởi nắm xương tàn của mẹ nó làm sao mà nó rứt ra được.

Khi mọi việc xong xuôi, tôi và nó bơi chiếc ghe nhỏ về chỗ chiếc ghe lớn đang neo sát bờ ngồi đợi. Nó kể cho tôi nghe bằng cái giọng buồn buồn về cuộc đời của ba mẹ nó. Thi thoảng nó dừng lại chặc lưỡi thở dài ngao ngán. Mặt sông ban đêm loang loáng màu bàng bạc của hơi nước bốc lên trông huyền ảo. Gió xô những con sóng nước vỗ bì bạch vào mạn thuyền. Tiếng “ộp ộp” của những con ễnh ương bu vào những thân cây mé bờ làm cho không gian trên sông thêm hoang vắng. Ba mẹ nó nghèo tứ cố vô thân không có nổi cục đất chọi chim nên lấy ghe làm nhà, lấy sông làm kế sinh nhai. Cuộc sống lênh đênh xuôi ngược trên dòng sông này cũng chỉ giúp cho nhà nó bữa đói bữa no theo từng con nước, từng mùa nắng mưa. Nó lớn lên trong giấc ngủ cũng tròng trành, lắc lư theo con sóng. Những bước đi tập tễnh đầu tiên cũng chênh vênh trên miếng ván mục trong lòng ghe.

– Tao ước một ngày nào đó tao được lên bờ, được ở trong ngôi nhà rộng, được đi học đều đặn như tụi bay.

Không gian như chùng xuống theo niềm ao ước bình dị của nó. Nó ném hòn sạn đang cầm trên tay rơi đánh tõm. Âm thanh như ngân vang trên mặt sông phẳng lặng nghe buồn như tiếng lòng nó thở than. Cái bóng hai thằng đang ngồi trên ghe in xuống nước chao đảo, ngả nghiêng dưới ánh sáng lờ mờ, đùng đục của ánh trăng đầu tháng. Ánh đèn pin trên bờ cát làm cắt đứt những tâm tư của tôi và thằng Lời.

– Cháu ra chơi với thằng Lời hả?

– Tối nay Lời rủ cháu ở lại coi đánh cá đó bác.

Ba Lời ngồi đằng lái quấn thuốc hút. Cái quẹt lửa đánh đá xoẹt xoẹt trên tay soi rõ khuôn mặt dạn dày sương gió của người đàn ông chài lưới. Ông đốt cây nhang cắm vào cái lon sữa bò trên mui ghe rồi hối hai đứa đi gỡ cá. Chiếc ghe nhỏ lại lướt đi nhẹ nhàng trong đêm. Về khuya sương xuống trắng cả mặt sông làm tôi thấy lạnh. Tôi ngồi co ro đằng lái trong khi thằng Lời khua mái dầm nhấc từng cái nhá lên đổ những con cá bống nhỏ xuống lòng ghe rồi cắm trở lại. Đến việc thu câu đàn vào rổ. Công việc cứ diễn ra trong thầm lặng, trong đêm khuya thanh vắng trên sông.

Xong việc, Lời phân từng loại cá rồi bỏ vào cái chậu nhỏ để mai ba nó đi bỏ chợ. Trên bến sông thấp thoáng bóng người đi chợ sớm, quang gánh liêu xiêu trên bãi cát lúc rạng đông. Tôi rã rời sau một đêm thức trắng đánh cá cùng thằng bạn “thuyền rớ”. Cầm mớ cá bống trên tay tạm biệt nó lúc trời đã mờ mờ sáng mà tôi thấy thương cuộc sống mưu sinh trên sông nước của cha con thằng Lời vô cùng.

***

Tin thằng Lời bỏ học làm làm tôi buồn cả buổi chiều. Chỗ bàn tôi ngồi thiếu vắng nó trở nên trống vắng. Trong đầu tôi cứ văng vẳng tiếng sóng vỗ vào mạn ghe, tiếng nhịp gõ xua đàn cá bộp bộp, tiếng mái dầm khua vào mặt nước phẳng lặng nghe lao xao. Tôi nhìn xuyên cửa sổ ra mấy cây mít già có cái cành ngả nghiêng – nơi mà tôi và Lời thường ngồi trong những giờ ra chơi nghe nó kể chuyện sông nước, chuyện kỳ bí trên dòng sông bằng cái giọng già dặn, trải đời của một thằng bé con bị cuộc đời quăng vào vòng bươn chải quá sớm. Như vậy là thằng Lời không thực hiện được ước mơ mà nó nói với tôi hôm nào – cái ước mơ quá đỗi bình dị nhưng sao với nó rất xa vời. Dòng sông, con thuyền, tay lưới cứ bám lấy vào đời nó. Dù nó cố vẫy vùng cũng không thoát ra được. Cuộc đời trước mắt nó là cả một vùng mênh mang sông nước, là những chuyến ghe xuôi ngược không một bến bờ cố định.

Tôi thất thểu ra về sau khi tan học lòng miên man nghĩ thương thằng Lời. Tôi không thích những người qua lại bến sông gọi cha con thằng Lời là “dân thuyền rớ”, cái từ nghe nó tạm bợ, du mục và có vẻ khinh thường.

Về ngang bến sông tôi thấy ghe của thằng Lời vừa nhổ neo xuôi dòng. Nó đứng đằng mũi giơ cao mái dầm vẫy vẫy. Tôi đứng tần ngần ở bến sông cho đến khi ghe của thằng Lời khuất xa, mờ dần trong mênh mang sông nước lúc chiều tà.

BÙI DUY PHONG

(Văn nghệ Bình Định số 108 tháng 4.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nhà thơ Trần Kim Hoa

Kể từ tập thơ đầu tiên “Nơi em về” đến nay, nhà thơ Trần Kim Hoa đã có hơn 30 năm nặng nợ với thơ. Thơ chị neo vào lòng người đọc bởi những chiêm nghiệm, trăn trở đầy xúc cảm…

Thơ dự thi của Huỳnh Minh Tâm

Nhiều đêm ròng, tôi thao thức
Ai thêu dệt vẻ đẹp của đời sống?
Ánh trăng trải thảm vàng trên cánh đồng lúa
Hay đồng lúa đã dâng hiến tình yêu cho ánh trăng trú xứ?

Thơ dự thi của Trần Kế Hoàn

Sóng cúi đầu, biển dâng một tuần hương
Đảo chắp tay trước Quốc Công Tiết Chế
Ngọn bút sắc khảm vào đáy biển
đợi hịch truyền Tổ quốc lại bay lên.

Thơ dự thi của Nguyễn Tấn On

Nhiều khi núi đứng lặng thinh
Một chiếc lá rớt – giật mình – nhớ quê
Rưng rưng lỗi hẹn cuộc về
Thương từng vạt cỏ, bờ đê sông gầy.