Người núi Mơ hồ Lỗ

(VNBĐ – Văn trẻ).

1.

Bà Nhạn kể, hồ Lỗ ngày trước chỉ là một cái trũng nước, làm mương nối hai khoảnh ruộng. Sau, ruộng đồng bỏ giá, mưa gió quanh năm, cái trũng ngày một rộng ra, biến thành cái lỗ, rồi hồ. Bà Nhạn còn kể, có một năm kia, cá lòng tong bơi về rúc quanh hồ Lỗ. Lấy rổ sảo xúc vào cạnh mương, một lượt có thể xúc được cả mớ. Có một cây điều già che mát bên bờ. Lũ trẻ chăn bò sẽ tranh nhau những cành điều đẹp ngồi hóng mát. Cành đẹp là cành cao vừa phải, hai chạng chắc chắn xòe ra như ná bắn chim, trên còn lá che nắng, dưới là mặt nước mát lành.

Hồ Lỗ ngày một lớn thêm. Cây điều già bật gốc, cá lòng tong bơi lạc bầy. Hồ Lỗ dần chạm đến chân núi Mơ, rêu phủ ngày một xanh, nước hồ ngày một lạnh, đáy hồ ngày một sâu. Bà Nhạn cười buồn, con người mình cứ quanh quẩn cả đời trong xó xỉnh vườn nhà, còn cái trũng nước năm nào nay đã chạm đến núi Mơ, người ta neo lồng bè nuôi cá trên hồ, giúp ích cho cả xã. Có người còn gửi cả cuộc đời lại trong hồ…

Bà Nhạn vừa kể, vừa nhìn mãi về phía núi Mơ bằng cặp mắt đục ngầu buồn. Núi Mơ xanh rì từng vạt, gió kéo rừng keo dập dìu, như sóng hồ Lỗ gợn. Bà Nhạn mất chồng lẫn con trai lớn ở đấy. Chồng bà bị rắn cắn chết, ba ngày mới tìm thấy người. Con trai lớn cùng con dâu đi bắt mật ong rừng, bị ong cắn chết. Nó chết trên lưng núi Mơ, cả người đầy những vết tím đen mưng mủ. Dưới chân núi Mơ, hồ Lỗ lạnh ngắt giữ lại cuộc đời thằng út. Nó nhảy xuống cứu người, người ta sống, còn nó kiệt sức chết. Chân tay nó co quắp, môi tái nhợt, bụng uống nước hồ Lỗ căng tròn.

Đó là bà Nhạn kể. Còn có người khác kể, do người ta quanh năm hút cát dưới trũng, làm hồ Lỗ sụt lún, sâu dần, rồi ngơ ngác lở mãi về phía núi Mơ. Tiếng dò đài lẹt xẹt như chổi chà quẹt đất. Cái đài cát-xét cũ kĩ có lúc ngứa gan gào một tiếng dài. Đứa cháu tỉ mỉ xoay xoay, ấn ấn những cái nút gỉ. Tiếng người, tiếng lẹt xẹt, tiếng người, tiếng ngứa gan. Bà Nhạn nín thở chờ đợi. Tiếng gió thổi qua khe cửa ồ ồ, rít rít, như khoan vào đầu, vào tai, vào môi, vào mắt. Bà Nhạn thất vọng thở dài…

2.

Bà ngoại không còn mấy cái răng. Những cái răng thọ nhất cũng đều đã xục xịch, như cây trên núi Mơ lay lay trước gió. Tóc bà ngoại bạc trắng tháng năm. Trên gương mặt cũ xưa, mí mắt trĩu xuống như hứng hết nỗi buồn thế kỷ. Bà ngoại ngồi bên bếp củi, gạn nước cơm vào trong chén, thêm chút đường, thổi nguội rồi đưa nó. Khói quẩn quanh trên ống khói giăng đầy bồ hóng. Gạt xong than, ngoại gác một con cá trê dưới cái kiềng óng ánh than hồng. Đấy là ngoại nướng cho nó, vì bà ngoại không ăn được cá đồng.

Nó dọn cơm ra mâm. Ba người ngồi trên tấm phản gỗ xám mốc meo, cơm đã bới, nhưng không ai gắp. Ngoại xé thịt cá bỏ qua chén má, chén nó, rồi quẹt quẹt cái cà mèn kho quẹt, mút đũa, ho khan. Mưa buồn thiu gõ vào mái tôn kêu từng tiếng đanh đanh. Tiếng đài kêu xẹt xẹt như tiếng chổi chà kéo lê trên đất.

– Má đi làm răng giả để chết làm no. Nhưng người núi Mơ nói, má chết cũng không ai thờ cúng, con coi người ta có ác mồm ác miệng không…

“… gửi lời yêu thương qua bài hát… lời nhắn đầu tiên…”.

Tiếng đài cát-xét lạc trong mưa.

– Má còn tiền uống thuốc không?

– Má xin thuốc ở trạm xá. Thuốc thường, nhưng uống được. Qua mùa mưa, má đi trỉa đậu, có tiền rồi má lại uống thuốc tốt.

Tiếng hát từ cái đài cũ hòa trong tiếng mưa và tiếng tháng năm nứt vỡ. Má bưng mâm ra sau nhà, hứng nước mưa rửa chén. Nước chảy xuống làm loang những vết dầu mỡ bảy màu. Nó ngồi bên cạnh má, vươn tay hứng những giọt mưa mát lạnh. Nó ngó ra phía xa. Hồ Lỗ nhìn từ đây cũng chỉ bé bằng cái lỗ nước. Trên kia, núi Mơ cây lá dập dìu. Giữa những vạt rừng xanh mướt, lấm chấm những vạt lá vàng điểm xuyết. Đó là những cây xà cừ mọc thành cụm đang thay lá trong mùa. Núi Mơ như cái ô chấm bi, bung ra che hồ Lỗ cùng làng xã.

Nó không có bà ngoại ruột, chỉ có mình ngoại Nhạn, má chồng trước của má. Ngoại Nhạn hiền từ, thường ôm nó vào lòng, hít hà mái tóc, rồi dúi vào tay nó những tờ tiền lẻ được ép phẳng phiu. Mưa từ đêm qua không ngớt, không làm gì được, hai má con chở nhau về ngoại. Lâu lắm rồi nó mới về thăm. Người núi Mơ ưa bàn tán, nên cứ chì chiết má: “Lúc nó chết mày khóc lắm, mà mấy năm sau mày lại lấy chồng? Mày lấy chồng mới, sao còn vác mặt về nhà nhìn chồng cũ?”.

Má thắp cho chú một nén nhang. Ngoại vẫn còn dùng diêm thay hộp quẹt. Mưa làm diêm ẩm, má đã quẹt gãy đến que diêm thứ ba. Ảnh thờ ba người đàn ông từa tựa nhau lạnh ngắt. Như nước hồ Lỗ sau mưa. Nó chăm chú nhìn vào gương mặt thân quen trên tấm ảnh thờ – là người đàn ông không phải ba trong bức ảnh cưới má vẫn còn giữ kỹ. Mùi diêm ngai ngái, quyện trong mùi khói hương. Chồng trước của má, người đã nằm lại cho ong cắn, để má chạy khỏi núi Mơ. Năm ấy má mới hai mươi. Giờ má đã bốn mươi. Hai mươi năm, bốn mùa thu gỗ, hồ Lỗ chạm tới chân núi Mơ, má ưng ba mười năm. Người núi Mơ, cắm vào núi Mơ mà sống. Má sợ ong núi Mơ, ba lại dắt má đi chặt cành, róc gỗ, mót bổi núi Mơ.

Ba thương má lắm, nhưng thương thôi thì được gì. Má vẫn khổ quanh năm suốt tháng. Khổ như những người đàn bà núi Mơ. Gọi “người núi Mơ”, là gọi chung cho những ai sống gần núi Mơ, gần hồ Lỗ. Người quanh đấy, hay cách đấy vài cây số, đều là người núi Mơ. Bạn gỗ của ba má hay ghé nhà nó nghỉ trưa. Có bà cô già ưa móc mỉa:

– Con bé gái, nghe nói học giỏi lắm, nhưng con gái thì học giỏi làm gì? Cưới chồng, chồng nuôi, sướng thân.

Nó vặn ngược:

– Vậy cô cưới chồng, chồng cô có nuôi cô không? Cô có sướng không? Cô có chồng rồi sao cô vẫn khổ?

Ba lấy đũa bếp quất vào mông nó đau mửa mật. Nó không thấy oan ức, nhưng đau trào nước mắt. Nó biết mình hỗn lắm. Càng hỗn là, ba lấy má về, lại để má cùng chịu khổ.

3.

Đêm như tấm chiếu phủ xác người. Trong gian nhà chật hẹp, mưa hò dô kéo lắc lư mái tôn cũ kĩ. Như bao người già, bà Nhạn không ngủ được. Bà nằm đếm nhịp tim mình. Có những đêm, tim bà đập trơn tru như bôi mỡ. Có những đêm, cơn đau rình cắn bà một phát, tưởng như chí mạng. Bà Nhạn chưa muốn chết, vì cái tâm nguyện cuối cùng vẫn còn dở dang. Cái tâm nguyện theo bà, dắt bà ra khỏi cơn đau khi những thớ thịt thi nhau co rút, nhảy nhót, rồi dần dần im lịm. Sau bao đợt thuốc tốt thuốc thường, đi qua cơn đau, bà Nhạn vẫn cứ sống, cùng cái tâm nguyện mãi chưa thành…

Qua mùa mưa, cây xà cừ trước nhà rụng lá. Khoảng sân chỉ bé bằng cái ô chơi keo của lũ trẻ con, lá đã rụng đầy. Bà Nhạn kéo chổi quét mỗi sớm, chiều lá đã lại đen ngòm rụng khắp. Tiếng cái đài kêu lẹt xẹt như tiếng chổi chà quẹt đất. Bà Nhạn đang chờ đợi… Đúng mười giờ, đài cát-xét tiếng được tiếng mất, va vỡ khoảng sân lặng yên thèm thuồng tiếng con người. Hôm nay, một cựu binh gửi bài hát ca ngợi người lính cho đồng đội cũ. Một bà cụ giọng Bắc run rẩy gửi câu quan họ cho người bạn ở xa. Một ông cụ giọng rặt miền Trung gửi lời nhắn nhớ thương cho người tình năm nào thất lạc. Bà Nhạn nín thở lắng nghe. Tiếng chào tạm biệt thính giả, bà Nhạn lại một lần nữa thở dài thất vọng.

Nhà bà Nhạn luôn có tiếng đài cát-xét. Cái đài con dâu bà mua sau khi thằng Hai chết được năm năm. Chồng bà chết năm bà hai lăm. Rồi đến thằng út chết. Rồi thằng hai. Bà không nhớ mình bao nhiêu tuổi, nhưng nhớ rõ từng cái chết. Những mốc thời gian cũng được tính bằng cái chết. Người núi Mơ bảo, số bà là số khắc chồng khắc con, còn sống thì khổ sở, chết cũng chết thảm thương.

Con dâu tái giá. Chồng nó ở xã bên. Bà Nhạn nhét vào tay nó chiếc nhẫn vàng năm phân, vuốt ve mãi bàn tay nó thô ráp. Nó mếu máo, “Má cũng là má của con, con sẽ hay về thăm má”. Xã bên tưởng gần mà xa lắm. Như núi Mơ, cây ở ngay đấy, cùng một cơn gió thổi, cùng một đám mây che, mà thật ra xa tít tắp. Bà Nhạn chỉ quanh quẩn nơi chân núi, chưa bao giờ leo tới đỉnh núi Mơ. Ngày nhỏ không dám đi, ngày lớn lo chồng con nhà cửa, ngày già đã không còn sức. Nó giờ đang trong ngày nhà cửa chồng con. Lâu lâu nó ghé ngang, cho bà Nhạn bó rau, con cá. Da nó ngày càng ngăm, càng xước sẹo, tay nó ngày càng gầy, càng thô. Mắt nó ngày một đục, như mắt cá ươn. Đàn bà núi Mơ chưa ngày nào thôi khổ.

Nó còn nhớ chứ không thương thằng hai nữa. Nó đã lấy chồng lâu thật lâu. Con gái nó giờ đã lớn lắm, tiếng cười trong veo, cái miệng leo lẻo. Bà Nhạn nhớ lắm, nhưng không muốn nó về nhiều. Nhà chồng người ta hiền, nhưng ba má chồng còn đấy, nó không thể ngày ngày về nhà chồng trước, gọi má chồng trước là má, để con mình nhận người ta là bà ngoại. Bà Nhạn tự trách mình sao cứ ôm ấp cháu người ta như cháu mình, thương dâu người ta như dâu mình, già đầu mà chẳng có khôn. Má con nó về thăm, nhà cửa sáng trưng, tiếng con nhỏ cười nói lanh lảnh. Má con nó vừa đi, nhà cửa lại lạnh ngắt, tối mù.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Bà Nhạn không biết mình bao nhiêu tuổi. Tuổi cũng cao như núi Mơ. Nhưng đời bà quẩn quanh hồ Lỗ. Bà đã còng lưng trên khắp các ruộng đất quanh núi Mơ, qua mùa khoai mì là mùa đậu phộng, kiệu, rồi mè. Mùa nào việc ấy. Người ta hỏi, bà Nhạn một thân một mình, ăn không dám ăn, ngủ không dám ngủ, làm lụng cực khổ để làm gì. Bà Nhạn móm mém cười, nhe hàm răng chỉ còn ba cái, đáp lớn: “Để dành tiền làm răng giả, để chết làm ma no”.

– Bà dành tiền mà ăn hồi còn sống. Chết rồi chắc gì có ai thờ cúng – Một người đàn bà xẵng giọng.

Bà Nhạn cúi đầu. Bà biết người ta nói đúng. Chồng con từng người từng người chết hết, bà Nhạn thấm thía: thế gian dại dại khôn khôn, sống mặc áo rách, chết chôn áo lành. Đời chồng bà, con bà đẹp nhất là lúc nằm trong quan tài, mặc áo quần chỉn chu thẳng thớm. Bà Nhạn sống đói khổ một đời, chỉ muốn chết được làm ma no. Sao không làm một người no, người đẹp? Hỏi ai bây giờ?

Ngoài kia, nước hồ Lỗ dội lên theo mưa buồn thiu. Đất đá ăn mòn nước hồ Lỗ. Qua bốn mùa mưa đập lạch cạch trên mái tôn mòn, bốn mùa khoai mì nhín nhịn, bà Nhạn đủ tiền làm răng giả. Hồng tưởng đó đã là cái tâm nguyện cuối cùng mà bà vẫn nhắc, nên cứ nắm mãi tay bà, dặn dò bà phải ăn uống nghỉ ngơi. Bà Nhạn nhe răng lắc đầu: không phải đâu, tâm nguyện cuối cùng của bà còn lạ kỳ hơn một hàm răng giả.

Làm xong răng giả, bà Nhạn vẫn không ăn ngủ được. Lần này, bà phải để dành tiền uống thuốc. Hôm nọ, theo đứa cháu trong xã đi khám bệnh viện tỉnh, người ta nói bà bị hở van tim hai lá, phải uống thuốc liên tục. Thuốc bào dạ dày, bà Nhạn chỉ ăn được cháo. Vậy là hàm răng đẹp bỏ không…

4.

Nó chạy về nhà ngoại Nhạn, chân chim, mắt mũi tèm lem, run rẩy, cả người lạnh ngắt. Ba má nó đánh nhau. Bữa cơm chiều nay, ba nghe má ghé thăm ngoại Nhạn, nổi sùng lên chửi rủa. Ba nói má làm ba phải mang tiếng đời. Má quơ tay kéo sóng chén ở bên đổ xuống ấm ức tan tành vỡ. Má đỡ cái tát của ba. Má gằn giọng hỏi, sao ngày trước ba đã chịu cho má được đi đi về về thăm hỏi ngoại. Nó bỏ nhà đi. Men theo đường tắt, nó cắm đầu chạy về ngoại Nhạn. Ngoại dắt nó băng qua bờ mương dài, mượn điện thoại hàng xóm gọi về để má đừng lo. Sau khi nó chạy đi, ba má cũng chẳng đánh nhau: ba đã đi đâu không biết, còn má đang dọn dẹp những mảnh vỡ.

Đêm đó, nó nằm trong lòng ngoại Nhạn. Ngoại vuốt ve tóc nó, dặn sau này không được bỏ nhà đi. Nó gật đầu vâng dạ, rồi tròn mắt hỏi:

– Hồi nhỏ ngoại từng bỏ nhà đi bao giờ chưa hả ngoại?

Ngoại kể chuyện ngày xưa, giọng ấm áp rầm rì. Nó tưởng tượng mình đang đứng giữa núi Mơ, nghe gió đùa qua đẩy lại trên cao… Ngoại cũng từng bỏ nhà đi. Trong một cơn đói rệu rã, ngoại lẻn ăn gần hết nồi cá kho mà bà cố xúc. Sợ bị đánh, ngoại trốn giữa ruộng đến nửa đêm. Bà cố đi tìm ngoại, thấy ngoại đang nằm tròn như con ốc, thương thực ói mửa, mặt mày xanh tái. Một trận đói cũng tởn bằng một trận no. Chờ ngoại thức dậy, bà cố lại đánh một trận nữa.

Nó nghe chuyện, lăn ra cười như nắc nẻ. Còn ngoại nằm lặng yên. Như bao người già, ngoại cũng mất ngủ. Đêm ngột ngạt bọc người ta lại, cửa sổ ọp ẹp kêu, lục cục với tiếng ngoại trở mình. Nó vòng bàn tay bé nhỏ ôm cánh tay ngoại rạn nứt. Nó không hay trong đêm, ngoại đã cong người như con ốc, tay ôm lấy ngực, ngáp ngáp thở từng hơi. Tiếng thở vón lại trong cổ họng, đẩy ra bao nhiêu nước mắt sống. Bàn tay non nớt của nó ôm lấy, sưởi ấm từng tiếng thở. Trời tờ mờ sáng, ngoại Nhạn lại thức dậy như bao ngày, quét lá xà cừ.

Nó mở mắt trong mùi khói lá thơm thơm. Ngoại Nhạn đốt rác, khói bay lên xuyên qua những tán xà cừ đã đổi sang màu mỡ gà bóng bẩy. Nó chạy ra sân, lót dép ngồi xuống, vẽ vẽ trên mặt đất những hình tròn, đường cong. Đây là hồ Lỗ mát lành, kia là núi Mơ xanh biếc. Và chấm thêm hai chấm nhỏ: nó và ngoại Nhạn. Tiếng đài cát-xét lại vang lên… Và biến mất. Và tiếng ngoại Nhạn thở dài…

– Chưa có ai tìm bà ngoại hết.

Ngoại Nhạn buông cây chổi xuống, nói một câu như thế. Nó nghe ra ngoại đã buồn đến tan nát cõi lòng.

– Là sao hả ngoại?

Ngoại Nhạn chỉ vào cái đài cát-xét đang kêu, nghèn nghẹn:

– Hơn chục năm qua, trong cái đài cát-xét này, chưa có ai tìm bà ngoại cả. Người ta tìm nhau từ Bắc chí Nam, vậy mà không có ai tìm bà ngoại thăm hỏi câu nào…

Ngoại Nhạn như sắp khóc. Tiếng đài cát-xét như ngứa gan gào một tiếng dài, “lẹt xẹt, xẹt xẹt…”.

Nó tròn mắt:

– Ngoại đang cần ai tìm ngoại hả ngoại?

– Ai cũng được…

Ngoại Nhạn lại cúi xuống quét lá. Nó mở to mắt cố gắng nghe trong tiếng đài cát-xét run rẩy kia, người ta đang phát chương trình “Nhắn gửi yêu thương”. Nó chợt nhớ về trò chơi bỏ lá nó thích nhất trong giờ ngoại khóa, dù hình như nó chưa bao giờ được thật sự chơi cùng. Nó cứ ngồi nhìn cái lá được bỏ xuống rồi nhặt lên, các bạn cười đùa và rượt đuổi. Nó thật mong được ai đó bỏ cái lá sau lưng, để nhặt lên rồi chạy quanh vòng tròn. Để thấy mình cũng là một người bạn.

“…cú pháp gửi lời yêu thương…”.

5.

Mẹ con nó đã lâu không còn ghé nhà ngoại. Đi qua mùa mưa, bà Nhạn lại sắp được uống thuốc tốt. Nước hồ Lỗ đã hạ xuống, người ta lại neo thuyền bè, thả cá. Bà Nhạn khom lưng trỉa từng hạt đậu giống xuống luống cày. Có nhà trỉa đậu theo đường cày, có nhà trỉa đậu bằng chiếc đũa, chọc từng lỗ trên đất xốp, thả hạt đậu vào rồi lấp lại. Mấy đứa trẻ con tranh nhau ngồi trên cái bừa san phẳng đất, tiếng cười, tiếng khóc, tiếng chửi vang khắp chân núi Mơ.

Gần đây, giữa những cơn đau ổ bụng và lồng ngực, bà Nhạn hay mơ thấy chồng con. Bà mơ thấy thằng hai dắt thằng út tắm hồ Lỗ, câu cá trê, vớt bèo về thả đầy chum vại. Bà mơ thấy thằng hai mang về mật ong rừng dẻo quẹo vàng óng. Nó xào những con nhộng thơm phức, ăn ngấu nghiến rồi sưng phù mặt. Bà mơ thấy thằng út tay chân co quắp, thằng hai cả người đầy những vết tím đen mưng mủ. Bà mơ thấy mặt chồng méo xệch trong hòm, mặc áo dài trắng, đội mũ mấn đen. Bà đã ngồi giữa nghĩa địa, đốt cho chồng đống áo quần cũ bạc rách bươm còn lại, có cái mòn vai, có cái bị thuốc lào đốt phải, thủng lỗ chỗ như tấm vải mùng.

Bà Nhạn biết chồng con đã nhớ mình lắm. Bà cũng nhớ ba người. Ba người đàn ông người núi Mơ luôn nói là do bà khắc chết. Bà thấy cả người mình có lúc nặng như đang ở dưới sình, có lúc nhẹ như một hạt đậu bộp. Những cơn đau hay rình rập hơn, gặm cắn lâu hơn. Bà Nhạn nấu cơm ăn no, mặc quần áo lành, đeo hàm răng giả, đóng kín cửa nhà, ôm cái cát-xét nằm chờ đợi. Bà nằm sấp lại, áp ngực lên sàn nhà. Đất lạnh là một liều giảm đau hiệu quả, xoa xoa ổ bụng và lồng ngực. Bà Nhạn nghĩ buồn. Cái chết của chồng, của con bất chợt như thế, khổ đau như thế, còn bà đã sống qua năm qua tháng, đã tường tận cái chết không biết bao lần, vậy mà cái xác già này mãi vẫn chưa chịu chết. Tiếng đài cát-xét lẹt xẹt như chổi chà kéo đất. Đã mười giờ. Hôm nay, một cựu binh, một người đàn ông miền Bắc, một người đàn bà miền Trung… Sau điệu ví giặm là một giọng nói non nớt quen thuộc…

Giọng kia run run, hòa vào tiếng dò đài, tiếng được tiếng mất một điều gì không nghe rõ. Nghe như gió từ núi Mơ thổi rít một đêm mưa. Nghe như đang bơi trên hồ Lỗ, nước rào rào vỗ qua tai, quét qua lưng, như người mẹ gãi rôm con nhỏ. Bà Nhạn thấy cả người mát lạnh, như ngồi trên cành điều đẹp nhất hóng gió mát và uống nước vắt từ quả điều mọng nhất trên cây.

Tiếng đài cát-xét như liều thuốc an tử đang nhẹ nhàng thấm tháp. Bà Nhạn khép mắt lại, nước mắt sống chảy ra như lũ đổ xuống núi Mơ. Tiếng tim đập nhanh trong thể xác rệu rã ọp ẹp. Đời bà Nhạn chỉ nhìn xuống đất, quét lá xà cừ đen ngòm. Bà không nhìn lên, để thấy lá xà cừ vàng rực đẹp như tranh. Bà chỉ ngước nhìn núi Mơ cao vời, cúi nhìn hồ Lỗ sâu hoắm. Bà không nhìn quanh. Để thấy Núi Mơ như cái ô che người núi Mơ nhằn nhọc. Để thấy hồ Lỗ lớn lên trong sụp đổ mất mát, đớn đau bóp chết lũ cá lòng tong. Trong mấy mươi giây ngắn ngủi cuối cùng, bà Nhạn đã thầm mong mỏi ít điều cho kiếp sau, nếu có làm người. Mong ngày ngày được thăm hỏi. Mong ưng được một người sống lâu trăm tuổi. Mong cả đời được mặc ấm, ăn no. Và thở ra hơi cuối.

THỤY HÂN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sau cơn bão Yagi…

Nơi người đàn ông từng vùi giọt mồ hôi xuống nương rẫy
dựng ngôi nhà mơ ước có đàn con thơ, vợ hiền
chiều chiều đốt lửa bên suối
tiếng cười làm vui cả ngọn đồi

Nhặt Huế

Đêm mang theo mùi hoang từ bến Ngự
Câu hò Huế nghiêng chao sóng nước
Trầm tích nơi dòng Hương giang