Bài thơ tôi viết đã 50 năm

(VNBĐ – Nghiên cứu & phê bình). Một dòng sông còn đầy nước luôn luôn chảy, dù nhanh hay chậm. Thời gian thì cứ trôi qua đều đều, nhưng tùy cảm giác mỗi người, cũng có lúc nhanh lúc chậm.

Trong chiến tranh, thời gian trôi qua rất chậm.

Năm 1973 đó, khi tôi từ chiến trường Mỹ Tho về lại chiến khu, thì căn cứ cơ quan tôi đã chuyển từ Campuchia về Tây Ninh, cắm chốt ở sát sông Vàm Cỏ Đông. Ngày tôi đi xuống Mỹ Tho, cơ quan còn đóng tận rừng sâu thuộc đất Campuchia. Những ngày mới về chiến khu, không khí có phần tĩnh lặng, vì Hiệp định Paris đã có hiệu lực, Mỹ đã chính thức rút quân, lượng máy bay ném bom giảm hẳn, ở rừng gần như không còn phải đội bom nữa.

Buổi sáng, mấy anh em trong Tiểu ban tuyên truyền binh vận chúng tôi lại ngồi uống trà CỦ MĂNG với nhau, chuyện trò rôm rả. Hồi đó, chưa biết từ “chém gió”, nhưng cách chúng tôi trò chuyện với nhau cũng gần giống với các bạn trẻ “chém gió” bây giờ. Đủ thứ chuyện. Sau vài tuần trà, anh em tạm giải tán, ai về “nhà” nấy lo công việc của mình là viết bài cho Đài. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi còn một “món nợ” với chính mình, cái vẫn ám ảnh tôi lâu nay, là một bài thơ, sau khi tôi đã trải qua hai năm rưỡi ở chiến trường. Năm 1972, trước khi xuống chiến trường Mỹ Tho, tôi đã viết được bài thơ Thử nói về hạnh phúc. Bài thơ này tôi không công bố, mà đọc cho bạn bè tôi ở Đài giải phóng nghe, và gửi riêng cho bạn bè tôi ở Hà Nội cũng chỉ để đọc. Bài thơ ấy tôi viết, nửa dưới hầm, nửa trên mặt đất, vì hồi năm 1972 bom Mỹ thả ác liệt lắm.

Còn bài thơ tôi viết năm 1973 thì hoàn toàn trên mặt đất, dù viết cả ban ngày lẫn ban đêm. Thế cũng dễ chịu quá rồi. Đó là bài thơ cũng dài trên 100 câu thơ, nhan đề Một người lính nói về thế hệ mình. Viết bài thơ có đầu đề như vậy, tôi cũng muốn nói đôi điều, nhưng không phải “tuyên ngôn” hay “tuyên nghếch” gì. Nhưng hóa ra, khi tôi gửi bản thảo tập thơ đầu tay Dấu chân qua trảng cỏ cho các anh bên Ban Văn nghệ R đọc, chỉ để nghe góp ý, không ngờ các anh thích, nên chọn bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình in trong số tạp chí mới “xuất bản lại” sau mấy năm tạm ngừng vì chiến tranh quá ác liệt. Điều bất ngờ, là bài thơ ấy, khi vừa in ra, thì lập tức được… đánh. Khá tới tấp, khiến cả ban biên tập tạp chí Văn nghệ giải phóng cũng bất ngờ. Chỉ có tôi là tác giả thì biết tin này hơi muộn, do cơ quan tôi ở cách Ban Văn nghệ R cả ngày đường đi bộ, hồi ấy lại không biết điện thoại là cái gì, nên “tin buồn” đến chậm.

Đó là sau Tết Nguyên đán năm 1974. Khi tôi qua Ban Văn nghệ R chơi với các bạn mình, lại được gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi mới từ Hà Nội vào chiến trường Nam bộ, thì chuyện “đánh đấm” bài thơ của tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng, thực hư chưa rõ ràng.

Nhưng đó là chuyện thật. Sau này mới biết, cùng thời gian đó, ở Hà Nội cũng xảy ra “đánh đấm” mấy tác phẩm vừa được in cuối năm 1973, như bài thơ Vòng trắng của Phạm Tiến Duật, bài thơ Sẹo đất của Ngô Văn Phú, truyện ngắn Cây táo ông Lành của Hoàng Cát. Bây giờ mà các bạn trẻ nghe chuyện “Đánh đấm tác phẩm văn nghệ” hồi đó thì ngạc nhiên và khó hiểu, do bây giờ chỉ truy tố và đưa ra tòa các quan chức tham nhũng, không thấy “chỉ mặt đặt tên” các nhà thơ nhà văn có tác phẩm “lạ”. Nhưng hồi đó thì thơ văn luôn được quan tâm, và luôn được “đặt trong tầm ngắm”. Thơ hay văn xuôi đều được “soi” rất kỹ.

Lúc ấy, tôi chẳng phải nhà thơ, dù là “nhà thơ trẻ”, vì tác phẩm tôi viết ở chiến trường chưa hề được công bố. Rủi ro thế nào, bài thơ tôi nhờ đọc, các anh ban biên tập thương, chọn in, mới nên nỗi.

Cũng may, là thời gian trong chiến tranh, tôi chỉ là một nhà báo chuyên viết cho Đài phát thanh, viết tuyên truyền theo đúng chỉ đạo, thì chẳng ai “đánh” mình cả. Nhưng làm thơ là chuyện khác. Thơ tôi không tuyên truyền. Chỉ thành tâm, viết từ những trải nghiệm cá nhân, từ trái tim, như cách người ta hay nói bây giờ. Nên mới sinh chuyện.

Khổ nỗi, tôi đâu muốn “nổi tiếng” theo cách đó, bây giờ gọi là tạo “scandal” ấy mà. Thực tình hồi ấy, tôi không biết chuyện “nổi tiếng” là thế nào. Chỉ biết làm thơ, thì là làm bằng tất cả tâm hồn mình, thế thôi. Khi làm thơ, chỉ có bản thân mình, và thơ mình, không có ai “góp ý” hay “chỉ đạo” cả. Nên nếu có sai, chỉ “mình ên” chịu, theo cách nói của bà con nông dân Nam bộ.

Tôi đã chịu đựng. Và buồn.

May quá, trong lúc tôi buồn ấy, thì có hai người bạn tôi chưa quen, mới gặp lần đầu, là nhà thơ Chim Trắng, và nhà thơ tranh đấu trong phong trào học sinh Sài Gòn là nhà thơ Hữu Đạo, tìm đến gặp tôi để chia sẻ. Thời điểm ấy, gặp được hai người bạn chân tình như thế, thật là quý hơn vàng, dù lúc ấy tôi cũng chưa biết vàng là gì. Hai anh, kẻ trước người sau, đã đi bộ trong rừng suốt một ngày đường, đến với tôi, chỉ để anh em mắc võng nằm bên nhau một đêm, nói với nhau bao nhiêu là chuyện, bây giờ gọi là “xả xì-trét”. Sau một đêm không ngủ, sáng dậy anh em ăn với nhau một chén cơm rang, uống với nhau một tuần trà CỦ MĂNG, rồi chia tay.

Hai lần gặp hai người bạn ấy, là hai lần hạnh phúc trong đời tôi.

Tôi như người ốm bừng tỉnh lại. Khỏe ra. Và tiếp tục chịu đựng.

Bây giờ, khi cả hai anh Chim Trắng và Hữu Đạo đều đã qua đời, tôi càng thấm thế nào là “bạn hiền”. Với một người nhỏ bé như tôi, có được những người bạn hiền như thế, trong lúc mình gặp nạn như thế, thật quý vô ngần. Đúng là sống như thế nào thì được như thế ấy.

Sau này, lúc đã yên bình, tôi mới biết, bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình của tôi dù bị xé khỏi tờ tạp chí Văn nghệ giải phóng nhưng được nhiều người lính đến nhà in để… xin, dĩ nhiên không phải để lót nồi, mà để đọc.

Và sau chiến tranh nhiều năm, có một “cựu tù nhân Côn Đảo” đã gặp tôi và đọc thuộc lòng cho tôi nghe bài thơ này của tôi. Hóa ra, theo anh nói, bài thơ đã được những người tù mang ra Côn Đảo, chuyền tay nhau, và anh đã đọc rồi thuộc lòng.

Với người làm thơ, không có hạnh phúc nào lớn hơn thế.

Cũng nhiều năm trước, khi bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình được dịch ra tiếng Anh và in trong một tuyển tập thơ Việt Nam xuất bản tại Hoa Kỳ, thì một người bạn nhà báo có lần nói với tôi, bạn ấy có gặp một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, anh này thổ lộ, mỗi tuần anh đều đọc lại bài thơ này một lần, vì thấy nó hợp với mình, và mình cảm thấy thân phận của người lính, dù ở hai phía thù địch, vẫn có nhiều nét rất tương đồng. Tóm lại, anh nói, rất thích bài thơ này.

Tôi lại thêm một lần hạnh phúc nữa.

Bây giờ, bài thơ ấy đã tròn 50 tuổi.

Một người lính nói về thế hệ mình

THANH THẢO

ngày chúng tôi đi các toa tàu mở toang cửa
không có gì phải che giấu nữa
những thằng lính trẻ măng tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ
những thằng lính trẻ măng quân phục xùng xình
chen bám ở bậc toa như chồi như nụ
con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ
và dài muốn đứt hơi
hệt tiếng gã con trai ồm ồm mới vỡ
thế hệ chúng tôi
hiệu còi ấy là một lời tuyên bố
một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận
mà trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82
vẫn thường vác trên vai
một thế hệ thức nhiều hơn ngủ
xoay trần đào công sự
xoay trần trong ý nghĩ
đi con đường người trước đã đi

bằng rất nhiều lối mới

những cái tên trên cây rừng khắc vội
những chữ N chữ T vạch ở các bình tông
ba lô đựng một bộ áo quần
vài gói mắm cùng nắm cơm nho nhỏ
bếp dã chiến cháy dọc bờ suối đá
treo tòn ten mấy ống cóng canh chua
nấu lá giang và mắm ruốc
tất cả những gì chúng tôi có được
đều trải cho nhau, trải ra đất thật tình
với quân thù – chi đến tối đa

với bè bạn – phải chơi hết mình

nếu chỉ nhìn da chúng tôi đen hơn
nhìn cái vóc dạn dày trước tuổi
đếm vết chai trên bàn tay, chưa đủ

cũng chưa đủ nếu chỉ tính cuộc đời bằng những chiến công

ôi trảng dầu những chiếc lá khô cong
mỗi bước dưới chân rì rầm tiếng nói
đêm hành quân qua nhiều đống lửa

bùng tự nhiên ngay giữa lối mòn

thế hệ chúng tôi bùng ngọn lửa chính mình
soi sáng đường đi tới
có những đêm mưa quất bốn bề
giữa Tháp Mười không mái lá nương che
nước đã giật phải đẩy xuồng băng trấp
lúc ấy chân trời là lưng người đi trước

vụt lóe lên qua ánh chớp màn mưa

thế hệ chúng tôi trắng từng đêm lội nước
sình bết từ chân bết đến đầu
nên giọng nói có nhiều khi ngang dọc
nên cái nhìn có lắm phen gai góc
vì ngọn lửa chịu sình là lửa thực

đã bùng lên dám cháy tận sức mình

nhủ điều chi ơi tiếng quốc đêm sương
kêu da diết suốt một mùa nước nổi
bông điên điển mở cánh vàng nóng hổi
là nắng chiều đẫm lại giữa lòng tay
đất nước ngấm vào ta, đơn sơ
như Tháp Mười không điểm trang đầy im lặng
trên tất cả tình yêu tình yêu này đi thẳng

đến mỗi đời ta bất chấp những ngôn từ

tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ
đêm Mỹ Long hai đứa nằm lộ đất
trải dưới trời một tấm ni lông
nơi khi chiều B52 bừa ba đợt
nơi mấy năm rồi hố bom không đếm hết
nơi tôi chợt thốt niềm mơ giản dị của mình
“chừng nào thật hòa bình

ra lộ 4 trải ni lông nằm một đêm cho thỏa thích”

thằng bạn tôi đăm đăm
nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước
đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được

chứa đầy một hố bom và một ngôi sao…

cơn lốc xoáy trên nóc rừng nguyên thủy
tiếng gió hú dài trong những bộng cây
đàn dơi chấp chới bay

trảng tranh hừng hực nắng

chúng tôi qua cái khắc nghiệt mùa khô
qua mùa mưa mùa mưa dai dẳng
võng mắc cột tràm đêm ướt sũng
xuồng vượt sông dưới pháo sáng nhạt nhòa
đôi lúc ngẩn người một ráng đỏ chiều xa
quên đời mình thêm tuổi
chân dép lốp đạp mòn trăm ngọn núi

mà không hề rợp bóng xuống tương lai

những trận đánh ập về đầy trí nhớ
pháo chụp nổ ngang trời từng bựng khói
nhịp tim dập dồn lần xuất kích đầu tiên
bình tông cạn khô trên nóc hầm nồng khét
những vỏ đồ hộp lăn lóc
cái im lặng ù tai giữa hai đợt bom
một tiếng gà bất chợt

bên bờ kênh hoang tàn

thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm
không dựa dẫm những hào quang có sẵn
lòng vô tư như gió chướng trong lành

như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh

đoàn xuồng chuyển quân bơi rậm kênh Bằng Lăng
buổi chiều pháo bắn
những cây bình bát gục ngã
hoàng hôn đôi bờ như máu chảy

trắng dòng kênh xác xăng đặc lều bều

tôi bỗng thấy mặt mình trên mặt nước
mặt nước trôi những dề xăng đặc
mặt nước trôi những trái bình bát
mặt nước trôi quê hương không còn nguyên vẹn
và tôi thấy
trôi qua mặt mình bao nhiêu gương mặt
những bạn bè quen những bạn bè chưa gặp
trẻ măng
loang loáng theo con nước
tủa về những đồng sâu
                   hun hút

                         buổi chiều

đó là những người qua trước
không phải trước hai mươi năm
đó là những người qua sau
không phải sau hai mươi năm
mà vào buổi chiều ấy
trên những dòng kênh ấy
pháo bắn và nước chảy

thế hệ chúng tôi nhìn rất rõ mặt mình.

1973

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.