(VNBĐ – Văn trẻ).
1.
Nắng chiều ngả dài xuống từng quãng, len lỏi vào mái tóc, vào túi áo và đáp xuống mũi chân em. Từng giọt nắng cứ rơi xuống ấm áp nhưng lại trĩu nặng trong lòng tôi một cái bóng âm u khó tả. Tôi cứ như người mất hồn, những ý nghĩ lớn, nhỏ, cứng cáp hay mềm mại… đều quấn chặt lấy tâm trí tôi như tơ vò. Làm sao để những ý nghĩ ấy biến mất đi, và cả những vết bầm trên cánh tay của em? Em ngồi đó, vuốt ve bộ lông óng mượt của con Vàng, mặc cho nắng xế chiều có làm em cảm thấy khó chịu, hay những vết thương còn ứa máu và tím tái trên làn da em.
– Hải, em vào nhà ngồi đi cho đỡ nắng!
– Không sao đâu, anh cứ làm việc, lát nữa em về rồi.
Em ngẩng mặt lên nhìn tôi, nụ cười trong trẻo như ánh nắng. Thằng bé cười mà tôi lại xót. Những vết thương trên người em là dấu tích của cuộc bạo lực gia đình. Ờ, cũng chỉ có tôi là xót xa, chứ em đã quen bao trận đòn roi. Hải cứ thản nhiên, mặc kệ dù chúng có làm em đau đớn. Tôi xách hộp sơ cứu trên kệ tủ, nhăn nhó bước đến:
– Cô lại đánh em nữa hả?
Hải im lặng chẳng nói gì thêm, dường như sự im lặng chính là câu trả lời rõ ràng nhất, mà ở đó những vết hằn lại hét lên từng tiếng khổ đau. Hải chỉ biết cười trừ mà đánh sang chuyện khác:
– Con Vàng lớn quá anh ơi! Nó to hơn lần trước nhiều nhiều rồi này.
– Dạo này nó ăn khỏe lắm. Cơm đơn vị nấu còn không đủ, nhiều khi anh phải chia phần nữa đấy chứ.
Nắng cứ nằm lười biếng như tan vào bộ lông của con Vàng, rồi chúng thoắt nhanh qua chùm hoa giấy đã rộ được vài đợt kể từ ngày tôi gặp em. Kể cũng nhanh thật đấy.
Trong tâm trí tôi luôn hiện hình một con quái vật, nó luôn chực chờ cắn xé mọi thứ và quật ngã cả những khát khao. Kể từ khi vợ tôi mất, thứ hung ác đó càng làm tôi thêm chao đảo. Xung quanh tôi chỉ còn là những bức tường lạnh băng và một mớ kỷ niệm rơi ngổn ngang trên sàn. Tôi chẳng còn tha thiết gì chốn cũ, mọi thứ quá ngột ngạt và dường như bóp méo cả tâm trí. Tôi chuyển đến đơn vị công tác vào dạo trước. Khi con người ta quá bế tắc, họ luôn mong chờ một cánh cửa sẽ cứu rỗi lấy tất cả, cả tôi cũng thế. Và cánh cửa ấy đưa tôi đến một lối mòn nhỏ, với những rặng hoa nở bung cả mùa hè. Tôi thấy em nằm co ro dưới đất, tay ôm chặt con cún nhỏ trong lòng, mặc cho đám trẻ đánh đấm.
– Mấy đứa kia làm gì thế hả?
Tôi quát lớn một tiếng, đám trẻ giật mình bỏ chạy, ném lại sau lưng những tiếng cười ngạo nghễ. Em ngồi đó mà tay vẫn ôm chặt chú cún, đôi mắt rưng rưng như kiềm đi những giọt nước mắt rơi. Trước mắt tôi là một đứa trẻ chừng mười tuổi, thân hình gầy nhom, đen nhẻm. Áo em đã sứt chỉ được một đoạn, nhem nhuốc và lấm lem trông tả tơi như một người lính vừa đi đánh trận về. Đôi mắt em sáng bừng nhưng cũng ánh chút sợ sệt. Tôi cõng em trên lưng và em chỉ tôi đường về. Đám trẻ hả hê với những trò đùa cợt mà tàn nhẫn, và sự phản kháng của em chỉ càng làm cho bọn chúng sôi máu. Nắng chiều nhảy nhót trên da thịt mà tê rát từng vệt đỏ. Hải tựa vào lưng mà thỏ thẻ, em hỏi tôi đơn vị có nhận chú chó được không, tôi cũng “ờ” một cái chắc nịch dù biết các đồng chí khác sẽ hỏi tôi vác cục này từ đâu về.
2.
– Hải! Mày đi đâu giờ này mới về?
Tiếng cô tôi thét lớn từ trong nhà, bà cầm cán chổi dài bước ra gõ từng nhịp xuống đất.
– Mày muốn ăn đòn nữa phải không?- Cô trừng trừng nhìn tôi.
– Mày nhanh cái chân ra dọn cơm cho dượng mày, không thì tao đánh nát thây.
Tôi nuốt nước bọt, lủi thủi bước ra sau nhà nhanh chóng dọn cơm ra bàn, cứ tưởng mình sẽ bị tẩn cho một trận rồi ấy chứ. Kể từ ngày bố mẹ tôi mất, chưa lần nào tôi cảm nhận được hơi ấm của một gia đình. Nhưng tôi cũng thấy biết ơn khi cô đã cưu mang tôi, cho tôi ăn học. Chỉ là những áp lực từ cuộc sống, từ những trận cãi vã với người chồng nghiện ngập mà bản tính cô tôi dần trở nên bạo lực. Những mảnh chai cứa rách tâm hồn, và đổ đầy những cồn say vào người phụ nữ bất hạnh. Kẻ tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác. Bao trận đòn roi như làm dịu đi những cơn tức giận và uất ức trong người bà. Có thể vì là “người lớn” nên họ phải gồng mình trước những chao đảo của bốn bề mà không thể tìm ra được lối thoát, tôi đoán thế.
Người lớn thật khó hiểu, tôi không biết nữa. Chỉ biết cơ thể mình cảm thấy đau rát và nhức nhối, nó ăn sâu vào trong da thịt khiến tôi như mục rữa dần dần. Nhìn gia đình cô quây quần bên mâm cơm, tôi chỉ biết nép một góc trước hiên nhà mà nhai từng miếng nhỏ. Tôi nhận ra thứ mình cần là tình yêu thương của một mái ấm gia đình chứ không phải là sự ngụy biện cho những vết thương còn tướp máu. Vết thương sẽ lành nhưng sẽ để lại sẹo, chi chít và xấu xí.
Tôi hay kể cho anh Lâm về những ước mơ, những ước mơ đẹp đẽ và lấp lánh. Nó lượn lờ qua những hàng tre già, vòng qua con suối nhỏ nơi tôi và bố thường câu cá mà đáp xuống mặt nước một cách nhẹ tênh. Nó hòa vào tiếng cười của đứa trẻ khi một con cá nhỏ cắn câu. Hay nó còn nép vào cái bếp than nhỏ của mẹ, cá mẹ nướng thơm lừng, lửa reo tí tách mà làm cháy bùng ước mơ… Những ước mơ chỉ bé bằng cái kẹo đường hay mấy viên bi lăn tròn đựng trong hộp thủy tinh. Chúng là quá khứ hay chỉ là những giấc mộng mị, tôi không rõ, chỉ tiếc sao chúng đi nhanh quá. Một ngày kia những mơ mộng bị cơn sóng xô vào bờ, đánh tan cả chiếc thuyền ra khơi của bố mẹ, bao giấc mơ nát tan và lạnh lẽo, chúng yếu ớt khóc than, rồi ai sẽ cứu rỗi lấy chúng?
Anh Lâm đã ngồi đó được một lúc lâu, con cua nhỏ nằm yên dưới đáy xô mà không có lấy một bóng cá. Gần đơn vị anh làm có một con suối nhỏ, nước suối trong và lạnh ngắt. Mặt nước lấp lánh những ánh sao rơi đầy từ đêm qua sót lại. Anh lặng thinh nghe tôi luyên thuyên mọi thứ, dây câu đóng chặt xuống mặt nước mà chẳng buồn nhúc nhích. Anh thích nghe tôi kể chuyện, nhưng sẽ chẳng bao giờ bàn luận gì thêm. Mặt nước bỗng loang từng vân nước, cần câu giật lên một con cá rô độ chừng hơn một gang tay tôi. Anh nhảy cẫng lên mà hét lớn:
– Hải, Hải! Cá cắn câu rồi em!
Lửa vẫn tí tách ánh hồng, anh cẩn thận tách lớp thịt vàng óng ra để riêng cho tôi. Tôi không thích cá rô, vì mỗi lần ăn, xương cá sẽ hóc vào cổ đau điếng, nhưng mẹ tôi vẫn thường dỗ dành mà gỡ từng thớ thịt. Giờ đây, anh hành động y hệt như mẹ tôi. Từng thớ thịt ngọt, mềm tan vào vòm họng, đâu đó thoang thoảng chút khói bị ám vào quá lâu. Lòng tôi lâng lâng một cảm giác khó tả, những giọt nước như chực trào ra từ khóe mắt hay khói cay đã phủ mờ lấy con ngươi ướt sũng và cả nỗi u hoài vấn vương…
3.
Một đứa trẻ rên rỉ và đau đớn bởi những trận đòn roi nặng nề,chúng đánh quật cả thể xác và nát tan cả linh hồn. Tôi nghe bên tai là những tiếng vun vút như cắt ngang không khí, chiếc roi mây ăn mòn lấy da thịt. Cô túm lấy đầu tôi mà bấu mà vả, hai hàm bà cắn chặt nghe ken két, gương mặt ghê rợn và xấu xí vô cùng. Tôi nằm đây mà cảm thấy cô đơn và lạc lõng giữa những vụn nát rơi vãi, cô tôi đã xé rách miền tâm thức và đổ vào những mực đen ô uế. Tôi muốn tìm về những ước mơ, về đứa trẻ đã từng bị mẹ mắng vì ăn quá nhiều kẹo, hay bố phải đi tìm khi trời đã chạng vạng nhưng tôi mãi chơi chưa về, và cả những sự dỗ dành, yêu chiều tất thảy. Hai linh hồn đối lập đã va vào mà nứt nẻ, chúng ôm lấy nhau òa khóc nức nở, tiếng thở dài vang giữa khoảng không trống vắng rồi mất hút. Tôi bất lực nhìn chúng rên rỉ khổ đau.
Có những đêm tôi thức trắng không ngủ, cơn đau ăn mòn lấy cả cơ thể như những con mọt làm tổ. Trăng vén rèm soi sáng mà ấm áp làm sao, soi vào cả đôi bờ mi rũ xuống nghĩ ngợi xa xăm, hình như tôi thấy mẹ về, mẹ nhẹ nhàng vuốt ve, mơn man khắp da thịt. Tôi òa lên khóc nức nở, giọt nước mắt như phủ mờ lấy thanh âm, nghe tiếng được tiếng mất:
– Mẹ ơi, con nhớ mẹ, con nhớ mẹ lắm… Mẹ ơi, mẹ về với con đi.
Tôi khóc nấc lên đến mức khó thở, từng giọt nước mắt rơi xuống thấm đẫm vào hư vô. Mẹ chỉ cười hiền mà chẳng nói gì thêm. Bà ôm tôi vào lòng, ôm cả những mảnh hồn vụn vỡ, mẹ mang hơi ấm từ phương xa về bao trùm lấy tất thảy, xa lạ mà ấm áp vô cùng, những cảm giác đã bao lâu mất đi bỗng làm hồi sinh một cá thể. Những dày vò cắt xén cơ thể trần truồng, bỗng chốc biến tan… Tôi choàng tỉnh giấc.
Tiếng khua guốc inh ỏi vang ra từ ngoài hành lang. Cô tôi đẩy toang cửa, ném cho tôi một gương mặt méo mó, trông khó coi vô cùng. Trên tay bà vẫn cầm chiếc roi mây được vót nhọn hoắt.
– Mày khai thật thì tao tha. Mày có cắp chiếc nhẫn của tao không?
Tôi biết chiếc nhẫn đó, một chiếc nhẫn hình con công được chạm khắc rất tinh xảo, đó chính là nhẫn cưới của cô, dượng. Nhưng tôi lại rất ít khi thấy chiếc nhẫn xuất hiện trên ngón tay của bà. Tôi bình tĩnh quỳ xuống nền gạch lạnh tanh:
– Con không lấy cắp chiếc nhẫn của cô, con cũng không có lý do gì phải làm việc đó cả.
Khuôn mặt cô vẫn chưa có dấu hiệu giãn ra, từng nhịp roi đều đặn quật mạnh vào hư không. Cô đăm chiêu nhìn xa xăm mà nghĩ ngợi rất nhiều, rồi sực tỉnh như mường tượng ra điều gì đó. Tiếng gót chân vội vã va vào sàn nhà, cô tôi đứng trước cửa phòng mình sửng sốt. Căn phòng bị lục tung đầy hỗn loạn, dượng tôi đang nhét những tờ tiền nhăn nhúm vào túi áo cùng với chiếc nhẫn lóe sáng. Cô tôi lao đến túm vào cổ áo, tiếng thét lớn bị những cú nấc làm ngắt quãng:
– Con nghiện làm anh mờ mắt quá rồi! Đến ngay cả nhẫn cưới anh còn cầm đi chơi bạc. Anh đã lần nào nghĩ đến cảm giác của tôi chưa?
– Anh đem đi cầm, hôm nay nhất định sẽ thắng lớn, có tiền rồi, anh chuộc lại cho em – Dượng cười méo xệch.
– Anh lấy gì cũng được, nhưng tôi van anh, tôi lạy anh trả lại tôi chiếc nhẫn! – Tiếng nấc vang lên từng hồi, níu lại vạt áo đã sờn cũ.
– Mày cút bản mặt mày đi!
Sự giằng co làm ông ta phát bực mà hét thẳng vào mặt cô tôi. Dượng không còn đủ kiên nhẫn nghe những lời trách móc hay van xin. Vật chất đã che kín con mắt và lấp đi tâm hồn của ông. Ông túm lấy mái tóc cô tôi mà giật mạnh, những tia máu vằn lên trong con mắt đỏ gay tưởng chừng như sắp nổ tung. Từng nắm tay dốc thật mạnh vào mặt, vào ngực, vào hông. Cô tôi vẫn cố bấu víu giật lấy chiếc nhẫn, mặc cho những cú đấm như làm bà tê dại. Không dừng lại ở đó, ông cầm chai rượu trên bàn quật thẳng vào đầu cô tôi, gã đẩy mạnh bà xuống nền mà bước đi từng bước vội vàng chẳng thèm ngoảnh lại, miệng còn lẩm bẩm mấy câu chửi thề. Mùi cồn trộn lẫn mùi tanh của máu xộc thẳng vào khoang mũi tôi, tôi ú ớ tiếng được tiếng mất chạy vội đi tìm người…
4.
Tôi thấy được bản thân mình ở đâu đó trong em. Đôi mắt em rũ xuống trầm buồn. Ngày vợ tôi mất, thân xác tôi như héo úa, tàn lụi dần mà chết đi trong những ký ức quá đỗi màu mỡ. Những vết cứa hằn sâu vào tâm trí. Tôi không thể thở, thể nghĩ một cách bình thường. Giữa những chật ních khổ đau, tôi nằm co ro run rẩy như một chú mèo ướt sũng. Và giờ trong bóng tối lạnh lẽo, tôi nhìn thấy em, phải chăng những khốn khổ đã khiến em phải đi khát khao hạnh phúc gia đình? Thật nực cười, một đứa trẻ mười tuổi lại đi mong ước một điều như thế chứ không phải là những món đồ chơi, hay mấy bộ quần áo. Đó không phải điều nhất thiết em phải có sao? Và tại sao em phải cố biện minh cho những vết thương mà người khác cứa mòn lấy em? Tôi thương Hải vô cùng, như những người bộ hành gặp nhau chốn sa mạc cằn cỗi, chúng tôi hiểu rõ cái nóng, cái khô của chốn đây mà đồng cảm với nhau.
Hôm nay là ngày tòa đưa ra phán quyết cuối cùng cho người dượng. Em chôn chiếc nhẫn kế bên cạnh mộ của người cô. Dường như em chẳng để tâm mấy đến những lời tôi nói, ánh nắng đáp nhẹ xuống gương mặt mà lấp lánh, trong veo. Thủ tục nhận nuôi Hải cũng sẽ hoàn thành trước ngày tôi chuyển công tác. Mọi thứ rồi sẽ ổn, Hải à! Tôi sẽ gấp cho em những ngôi sao, mấy con hạc và thắt cả những chiếc nơ. Mấy viên kẹo sẽ tan ngọt lịm vào trong vòm họng. Tôi sẽ thoa thuốc cho những vết sẹo còn chưa lành, sẽ ngồi nghe em luyên thuyên về mọi điều. Em hay cười, và sẽ luôn như thế…
Tôi đào một cái hố sâu, đủ để chôn cất đi tất cả. Tôi cất lại những kỷ niệm, những đau khổ và cả những ước mơ, chúng ngủ yên và sẽ trở nên lành lặn. Tôi muốn khóc, nhưng bây giờ thì không phải là lúc. Những gì tôi mang đi sẽ là một giấc mộng mới, nuôi nấng và ấp ủ để càng thêm bừng sáng. Anh Lâm đã đứng trước cổng chờ tôi được một lúc. Nắng ngả dài ôm chầm lấy thân tôi, những vết sẹo đã bong tróc dần lành lặn, nắng ấm áp mà chẳng hề đớn đau. Chúng trườn lên nhánh cây đâm rẽ cả bầu trời, khô khan và đơn độc, nhưng những rễ lại cắm sâu vào lòng đất mà hồi sinh một cách thầm lặng. Để rồi những chồi lá sẽ điểm lên nhiều mầm xanh hy vọng…
NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG