Yến Lan, trăng trên bến My Lăng

(VNBĐ – Nghiên cứu và phê bình). Trong tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 – 1956 có một bài thơ khá đặc biệt. Đó là bài Lại về tỉnh nhỏ của Yến Lan. Ngôn từ chắc khỏe, vần điệu thoải mái, câu chữ tự do, có câu thơ chỉ một đôi từ… Bài thơ nói về sự thay đổi của một tỉnh lẻ, tỉnh nhỏ qua thời gian, trước và sau ngày giải phóng 1954. Tôi rất thích cách diễn đạt phóng khoáng này:

Tỉnh nhỏ
Mặt trời ngủ giữa chiều
Trở mình trên mái rạ…

Tỉnh nhỏ
Cô em
Nằm xem kiếm hiệp…

Tỉnh nhỏ
Võ vàng
Nắng thắt ngang hầu thị trấn…

Bằng những câu thơ ngắn mà đanh như vậy, tác giả vẽ lên rất sống động cuộc sống của một miền quê khi cái cũ đang còn và cái mới đang đến sau ngày hòa bình. Những câu kết của Lại về tỉnh nhỏ khác hẳn với kiểu thơ hô hào lạc quan rất thường gặp trong thơ lúc bấy giờ, hoặc nói khác đi chất lạc quan đã được hình tượng hóa rất ấn tượng, đầy sức thuyết phục:

Tỉnh nhỏ
Mặt trời không muốn lặn
Mặt trời len vào mắt con người.

Bài thơ có thể xếp vào thể loại thơ không vần. Còn nhớ thơ không vần, trong đó có thơ Nguyễn Đình Thi vài năm trước, đã được đem ra mổ xẻ quyết liệt như thế nào trong Hội nghị Văn nghệ Việt Bắc 1949. Vậy mà, cả Nguyễn Đình Thi, cả Hồng Nguyên (Nhớ), cả Trần Mai Ninh (Nhớ máu) cả Hữu Loan (Màu tím hoa sim, Đèo Cả), cả Hoàng Cầm (Bên kia sông Đuống), cả Lê Đạt (Cha tôi), cả Yến Lan (Lại về tỉnh nhỏ)… vẫn không ngại thơ không vần, quả quyết lựa chọn thứ thơ có vẻ trúc trắc này, để biểu hiện tâm hồn mình. Quả là ở đây vần không còn đóng vai trò quyết định, có cũng tốt, không có cũng chẳng sao. Nhưng bù lại, nhạc điệu, nhịp điệu và ngôn ngữ thơ khá hiện đại đã rất phù hợp với nhịp điệu cuộc sống mới. Tôi đọc Lại về tỉnh nhỏ từ khi còn ít tuổi và những câu như Mặt trời ngủ giữa chiều/ Nắng thắt ngang hầu thị trấn/ Mặt trời không muốn lặn… cùng cái tên Yến Lan đã găm mãi vào trí nhớ.

Sau này lớn lên, biết Yến Lan là một thi sĩ của Phong trào Thơ mới, lại biết ông là một trong Bàn thành tứ hữu (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn và Yến Lan) tôi thường tìm đọc ông và nhận ra Yến Lan là một hồn thơ lãng mạn đặc sắc. Ngay từ bài thơ đầu tay viết khoảng năm 1933, lúc Yến Lan 17 tuổi, đã làm Hoài Thanh không khỏi ngạc nhiên: xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù… chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy êm như những dòng sông(*). Như đi trong mây mù, mờ mờ những con đường chảy êm như những dòng sông… chính là bút pháp Yến Lan. Ông dường như cố làm nhòe mờ tất cả. Điều đó có thể giúp ta nhận ra ngay cả cái bến My Lăng phi thực kia, cả anh chàng kỵ mã áo ngọc lưu ly kia, cả con đò của ký ức kia, cả vầng trăng vẫn thường ám ảnh các thi nhân Bình Định kia cũng nhuốm màu huyền ảo, cũng rất đỗi mơ hồ, như để tăng thêm chiều kích của bút pháp lãng mạn, và nói như R. Gamzatov: “Hãy tránh cho tôi khỏi sự tỉnh táo quá mức vì khi đó con người nhìn mọi vật xấu đi trăm lần”(**).

Vầng trăng Bình Định đã từng làm mê đắm những nhà thơ Quy Nhơn. Vầng trăng cũng thường ẩn hiện trong thơ Yến Lan như một khách thể thẩm mỹ để tác giả biểu hiện tâm trạng của mình. Khi thì nói trực tiếp: Ta yêu trăng quá, mê trăng quá; khi thì cắt nghĩa một thực trạng xót xa: Cơn đau trở dạ không giường chiếu/ Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng; khi thì nhuốm màu siêu thực: Tôi nằm trong vũng ca dao lạnh/ Đón những vầng trăng mẹ vớt lên… Những vầng trăng lạnh, trăng cô liêu, trăng gầy… trong thơ Yến Lan như một tín hiệu thẩm mỹ để nhận ra tâm hồn người viết. Nó cũng mang đậm tâm trạng cô đơn thường thấy ở các nhà thơ lãng mạn.

Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc
Em nằm thương xanh biếc cả trời buồn
(Bình Định 1935)

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.
(Bến My Lăng)

Đời phố huyện đìu hiu
Trăng tình lên ngơ ngác
(Uống rượu với bạn đồng hương)

Có điều tâm trạng rất đỗi cô đơn kia vì sao lại đến quá sớm đối với họ, những thi sĩ chỉ mới trong ngoài đôi mươi, như Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu…? Phải chăng cuộc sống đã không hé mở một chút hy vọng nào vào cái khoảnh khắc đêm trước của Cách mạng?

Cả một lớp thi sĩ tài năng của phong trào Thơ mới hình như chưa biết sẽ đi đâu về đâu, nếu không có Cách mạng tháng Tám. Bởi vì chúng ta biết cuối phong trào Thơ mới trên Thi đàn đã xuất hiện nhóm Xuân Thu nhã tập, chỉ lóe sáng một ít rồi sớm đi vào con đường không mấy sáng sủa. Cách mạng tháng Tám đã thực sự làm thay đổi cuộc đời và cách viết của những thi sĩ Thơ mới. Yến Lan không ngoại lệ.

Ta sẽ gặp trong thơ Yến Lan không khí rộn ràng của cách mạng, của kháng chiến, của hòa bình, của hợp tác xã, của đấu tranh thống nhất, của những ngày xây dựng CNXH, những ngày chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cũng như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… cách mạng đã đánh thức con người công dân trong Yến Lan. Một tinh thần nhập thế cảm động của những công dân mới, một sức sáng tạo căng đầy trong tâm hồn của những thi sĩ khát khao đem ngòi bút của mình phụng sự chế độ. Một sự thay đổi mang tính cách mạng trong bút pháp lãng mạn vốn đã đưa một lớp nhà thơ tài năng lên tận đỉnh của một phong trào thơ huy hoàng cho đến thời điểm đó. Cách mạng đến lúc lớp nhà thơ này vào độ tuổi ba mươi, cuộc đời sáng tạo vẫn còn khá dài trước họ. Nhiều người hòa nhập với cách mạng và đã tiến xa trên con đường sáng tạo. Cũng có người hoặc đi theo hướng khác, hoặc không theo kịp cuộc sống mới và im lặng. Đã đến lúc hoàn toàn có thể nhận ra trong sáng tác của các nhà thơ mới trước và sau Cách mạng Tháng Tám, những thay đổi, những thành tựu, những gì được và những gì là ngộ nhận. Yến Lan cũng không ngoại lệ. Nhưng điều này xin được không bàn ở đây.

Như đã nói trên, cách mạng đã đánh thức tinh thần công dân của lớp nhà thơ như Yến Lan. Từ một thi sĩ cô đơn như vầng trăng quạnh quẽ trên bến My Lăng mơ hồ, Yến Lan từng bước hòa nhập với cuộc sống mới, và không những thế ông hăng hái tham gia những công việc của cách mạng và kháng chiến tại quê hương ông ngay từ những ngày đầu:

Đường Cách mạng thơm từng trang lịch sử
Trong nhớ thương sông núi bớt mơ hồ
(Bình Định 1947)

Ôi Bình Định hôm nay chào Cách mạng
Đón hoàng hôn trong nhà nhỏ không đèn
(Bình Định 1945)

Rồi đến những ngày kháng chiến:
Ôi Bình Định đau thương gài trước ngõ
(Bình Định 1945)

Vẫn là nhớ nhung, đau thương, nhưng cái nhớ thương, đau thương này dường như đã bớt mơ hồ, đã gắn liền với đất nước, với sông núi, với cách mạng. Sau này, với Yến Lan, một nhà thơ từ miền Nam đi tập kết, nhớ nhung, đau thương gắn với một nửa nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh.

Tinh thần công dân mới mẻ này ta sẽ gặp trong thơ Yến Lan sau hòa bình ở các tập Những ngọn đèn (1957), Tôi đến tôi yêu (1965), Lẵng hoa hồng (1968) và rất nhiều bài thơ tứ tuyệt của ông. Điều dễ nhận thấy trong thơ Yến Lan giai đoạn này là hình ảnh cuộc sống mới tươi trẻ, đầy sức sống của những vùng đất ông đi đến. Thơ Yến Lan cố gắng ghi nhận thật nhiều những đổi thay trên khắp quê hương, đất nước mà ông chứng kiến. Vì vậy, thơ Yến Lan cũng như thơ của các nhà thơ khác thời kỳ này đa phần nặng về miêu tả, và tất nhiên là miêu tả theo khuynh hướng hiện thực XHCN. Hình như khẩu hiệu chân chân chân, thật thật thật đã được ghi nhớ khá triệt để. Bây giờ đọc lại, thấy quá hồn nhiên thơ của một thời. Đó là cái thời cố để có được cái bộn bề của đời sống, lại làm giảm đi cái lắng đọng cần thiết tâm trạng. Được cái chiều dài của những trang ghi chép lại thiếu đi cái hàm súc thường có của thơ. Được cái tinh thần cao của lòng căm thù lại thiếu đi chất thơ lắng đọng muôn thuở. Hoặc có thể nói ngược cách nói của Hoài Thanh trên kia: mất cả cái thơ mộng để được một ít cái rõ ràng. Chẳng hạn:

Dù tới tấp dưới trời Đông Nam Á
Rốc két Mỹ hằng ngày bắn phá
Trên miền Nam của đất nước Việt Nam
Lê Mỹ cắm vào họng sữa trẻ em
Răng Mỹ nhai giòn mũi, tai người sống
Đầu óc Mỹ muốn chiến tranh mở rộng
(Bài ca khi tất cả đã hướng về Hà Nội – Lẵng hoa hồng, 1968)

Không còn gì bí mật, bí ẩn nữa giữa những dòng chữ, sau những dòng chữ, ngoài những dòng chữ. Nhưng đó là thơ của một thời, nhân chứng tinh thần của một thời, cái thời cả đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt…

Nhưng nói thế không phải thơ Yến Lan trong khi làm nhiệm vụ công dân kia, không phải không có những bài, những câu thật sự xúc động:

Tang mẹ mãn rồi, bà mối giục
Chị đi bát đũa cũng mồ côi
(Chị đi lấy chồng)

Những câu thơ rất tài hoa:

Mẹ lên sân thượng
Phơi màn nôi cho con
Rung dây nắng động mùa thu xuống
Bóng ngã giàn su phủ lá tròn
(Cánh màn trong nắng)

Toàn bài là ngôn ngữ tả thực, chỉ có một câu siêu thực Rung dây nắng động mùa thu xuống, đã làm tất cả trở nên lung linh, mờ ảo trong một khoảnh khắc đời thực!

Có thể gặp trong thơ tứ tuyệt của Yến Lan nhiều tâm trạng của thi nhân sau những câu thơ sâu lắng, đầy cảm nghĩ, đầy nỗi niềm: Khi đã không còn sức trẻ nữa, Yến Lan chợt nhận thấy cuộc ra đi của mình như vẫn chưa dừng lại, chưa tới đích: Mình suốt đời đi chửa tới nhà (Tàu ngang quê cũ). Hoặc khi đã sức tàn, lực tận: Tay bưng thuốc đắng nhìn xuyên chén/ Năm tháng còn trên mấy đốt tay (Hẹn 1992). Bởi vì, hình như thời gian không biết nói lời chờ đợi, mới hôm nào xa quê: Cất bước đi nhanh chẳng dám chào/ Chiều hè man mác ráng ca dao/ Nhìn lui mồ mẹ dần xa khuất/ Bạc trắng trời quê một khóm lau (Ngày xa quê). Bởi vì nỗi buồn của kiếp người không bao giờ buông tha: Bèo trôi ra biển, mây rời núi/ Phiền muộn sao còn trụ mãi đây (Trụ lại). Mới hôm nào chia ly: Thoáng nghe tự đàn chim rơi một tiếng/ Cái nghẹn ngào mắc kẹt giữa chia ly (Mùa chim di cư). Mới hôm nào viết thơ tặng bạn: Tầu điện xa dần phía chợ Mơ/ Phòng văn được phút lặng không ngờ/ Họa my ai nhốt trong lồng trúc/ Vọng tiếng rừng sang góp với thơ (Họa my trong lồng). Mới hôm nào nằm nghe mưa đi trong tâm tưởng: Nằm yên dưới Trộ mưa rào/ Nghe rơi giọt nặng, nghe hao mực Triều/ Nước duềnh vào vũng cô liêu/ Lặng nghe vời vợi tiếng chiều đổ mưa (Nghe mưa). Mới hôm nào nhớ đến người bạn thơ Quy Nhơn: Sấu rụng, cây già, đứng ngẩn ngơ/ Cửa xanh lá sách khép phòng thơ/ Người đi – còn cả kho tình tứ/ Vương tới đời sau những mối tơ (Nhớ Xuân Diệu). Mới hôm nào còn mơ thấy bạn: Hương tạ trời khuya đọng sắc quỳnh/ Nửa nghiêng tiền kiếp, nửa lai sinh/ Lẫn vào hương khói ba canh mộng/ Một ánh phù du lộ bóng hình (Đêm hoa quỳnh nở, nhớ Chế Lan Viên). Vậy mà hôm nay: Giận mình sắc diện ngày phai nhạt/ Thu héo ngô đồng, hạ héo sen (Sầu tình).

Những câu thơ phảng phất phong vị Đường thi như vậy có nhiều trong thơ tứ tuyệt của Yến Lan!

Cũng là một nhà thơ mới, cũng là một trong Bàn Thành tứ hữu, nhưng Yến Lan lặng lẽ hơn, ít người biết ông, gặp ông, nghe ông bàn luận về nghề nghiệp say sưa như Chế Lan Viên, Xuân Diệu và nhiều nhà thơ khác. Có thể là do tính cách của ông, một nét trăng thanh yên lặng trên một bến đò yên lặng, bến My Lăng, chỉ tồn tại trong tâm tưởng, trong thơ như một biểu tượng. Và như thế đủ để người đời nhớ ông mỗi khi nhắc tới Bến My Lăng.

LÊ THÀNH NGHỊ

(Văn nghệ Bình Định số 104 tháng 12.2021)

(*). Hoài Thanh và Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học.
(**). R. Gamzatov: Đaghetxtan của tôi. Phan Hồng Giang dịch, NXB Kim Đồng, H, 2016, tr.395.

 

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…