(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). LTS: Sáng 26.10.2024, Hội VHNT Bình Định phối hợp tổ chức thành công tọa đàm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (18.11.1924 – 18.11.2024). Dự tọa đàm có các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các hội, sở, ban, ngành liên quan cùng các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. 09 tham luận và các ý kiến tại tọa đàm đã làm rõ thêm về cuộc đời và những đóng góp của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho hát Bội và Văn hóa Bình Định.
VNBĐ xin giới thiệu bài tham luận phát biểu tại tọa đàm.
1. Người đi từ “Ngọn gió Vũng Nồm”
Năm 2024, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn tròn bách tuế. Được sinh trưởng trên một quê hương giàu truyền thống cách mạng và nghệ thuật hát Bội, Vũ Ngọc Liễn đã sớm hòa mình vào phong trào đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc và đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cao cả ấy của đất nước.
Di sản nghiên cứu mà ông đã để lại cho các thế hệ hậu học đã khơi gợi một hệ thống phương pháp khoa học thiết thực, dựa trên tư liệu và một văn phong rắn rỏi, hấp dẫn, tư duy nhạy bén. Những bài viết, chuyên luận mà ông đã “trình làng” không chỉ là trăn trở, tâm huyết với nghệ thuật, với văn hóa của quốc gia và tỉnh nhà mà đó còn là sự thống nhất về đối tượng nghiên cứu, khảo sát. Tiếp cận di sản ấy, chúng tôi nhận thấy, trọn đời mình NNC Vũ Ngọc Liễn luôn thủy chung với cổ học và nghệ thuật hát Bội Bình Định.
2. Đam mê và trách nhiệm
2.1. Hành trình đến với di sản văn hóa Bình Định
Trước năm 1959 là thời kỳ Vũ Ngọc Liễn bắt đầu giác ngộ, tham gia cách mạng tại quê hương. Đây là giai đoạn hoạt động sôi nổi của chàng thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng. Trong giai đoạn này, ngoài các nhiệm vụ được phân công, ông còn tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn hát Bội. Rồi từ đam mê, ông đã “dấn thân” để cống hiến trọn đời cho bộ môn hát Bội.
Giai đoạn 1954 – 1959, Vũ Ngọc Liễn đã tập kết ra Bắc trong thành phần của Đoàn tuồng Liên khu V. Đây là giai đoạn bén duyên với nghệ thuật hát Bội, là tiền đề khởi phát để ông có những bước đi vững chãi hơn ở những chặng đường sau này.
Từ năm 1960 đến 1966, Vũ Ngọc Liễn đã học tập, nghiên cứu và tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành Lý luận sân khấu tại Trung Quốc Hý khúc học viện. Ở giai đoạn này, ông tiếp cận với lý luận Hý khúc Trung Hoa – nền tảng tri thức lý luận để hiệu đính tài liệu Hán Nôm, tư liệu lý luận về kịch bản Tuồng và nghệ thuật diễn xướng hát Bội sau này. Sau khi về nước, những trải nghiệm về lý luận nghệ thuật tại Trung Quốc đã được ông ứng dụng trong tình hình thực tế của nghệ thuật hát Bội Bình Định trên đất Bắc. Hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần I (1977) là điểm nhấn quan trọng trong cuộc đời của ông. Nó có tác động như một cú hích thúc đẩy ông phấn đấu trở thành Nhà Đào Tấn học trong tương lai.
Từ năm 1978 đến 1987 là thời đoạn nỗ lực phục hồi những giá trị lớn của văn hóa hát Bội Bình Định. Có thể nói, đây là thời gian ông tập trung nghiên cứu, khẳng định và tôn vinh Đào Tấn. Ông đã tham gia tổ chức các diễn đàn về Đào Tấn: Hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần II (1982), Hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần III (1988), các công trình: Thư mục tư liệu về Đào Tấn (1985), Thơ và từ Đào Tấn (1987). Đây cũng là giai đoạn trải nghiệm có tính quyết định đối với sự nghiệp nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch các tư liệu Hán Nôm Bình Định liên quan đến văn hóa hát Bội Bình Định. Từ nền tảng lý luận, ông đi sâu vào một tác gia cụ thể: Đào Tấn. Với ông, thực tiễn là bài học đắt giá nhất, không sa đà vào lý luận mà luôn gắn liền lý luận với nghệ thuật biểu diễn, hiệu đính kịch bản.
Từ 1987 đến 2013 là quãng thời gian chín muồi và nở rộ những công trình xuất sắc. Đối với di sản văn hóa và Hán Nôm Bình Định, đây là thời đoạn NNC Vũ Ngọc Liễn đã có những cống hiến rõ nhất và hiệu quả nhất. Danh xưng: Nhà Đào Tấn học, có lẽ được ghi nhận và khẳng định ở giai đoạn này. Sau những năm tháng miệt mài thầm lặng, sưu tầm, biên khảo, dịch nghĩa, ông đã cho ra đời bộ ba tư liệu về Đào Tấn (2.328 trang in): Đào Tấn – Thơ và từ (2003); Đào Tấn – Tuồng hát Bội (2005); Đào Tấn – Qua thư tịch (2006). Bên cạnh đó, cũng cần đề cập đến các công trình đặc sắc khác như: Kẻ sĩ đất thang mộc – Liệt truyện (1997), Góp nhặt dọc đường (tái bản và bổ sung 2010), Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – Ông đồ nghệ sĩ (2011), và dịch bản Lê Thị gia phả in trong Lê Đại Cang và Lê thị gia phả (2011).
Hành trình đến với di sản văn hóa Bình Định của Vũ Ngọc Liễn là cơ duyên nhưng cũng có những lựa chọn lịch sử của cá nhân. Trong sự nghiệp cá nhân, ông đã nỗ lực tìm kiếm những tư liệu Hán Nôm để dần minh định những giá trị của kịch bản Tuồng Nôm Bình Định, cùng những sáng tạo nghệ thuật của tác gia Hán Nôm Đào Tấn, Nguyễn Diêu và một số vấn đề khác liên quan đến văn chương Hán Nôm Bình Định trong tiến trình văn học dân tộc. Dù chỉ nhận là người Góp nhặt dọc đường nhưng những gì mà ông nhặt nhạnh được đã tạo nên một bệ phóng cho những ai nhiệt tâm muốn bảo tồn và phát huy giá trị bền vững của nghệ thuật diễn xướng hát Bội và di sản văn hóa, văn chương Hán Nôm Bình Định trong tương lai.
2.2. Thành tựu nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch
Bình Định là vùng đất hiếu học, là tiểu vùng văn hóa đặc biệt của khu vực Nam Trung bộ. Trong lịch sử hình thành và phát triển địa phương, hệ thống tư liệu Hán Nôm đã góp phần xây dựng những chứng thư khẳng nhận giá trị văn hóa địa phương. Kể từ khi về quê công tác, Vũ Ngọc Liễn đã quan tâm đến mảng di văn đặc biệt này. Ông đã tiếp cận và phân loại hệ thống tư liệu Hán Nôm liên quan đến Nguyễn Diêu, Trần Đình Tân, tư liệu Hán Nôm về phong trào Tây Sơn, khoa cử Bình Định…Trong đó nổi bật nhất là các Chế phong liên quan đến Đào Tấn và các văn bản liên quan đến gia đình, nơi sinh sống của cụ Đào. Đối với kịch bản tuồng và thơ Đào Tấn, NNC Vũ Ngọc Liễn đã sưu tập, hiệu khảo, xử lý các văn bản tuồng Nôm: Ngũ hổ bình Tây, Liệu đố của Nguyễn Diêu, tiếp cận và hiệu khảo các pho tuồng của Đào Tấn (Hộ sanh đàn, Trầm hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan). Ngoài ra, ông còn có công tham gia sưu tầm các tài liệu gia phả, tộc phả của họ Trần ở Phù Mỹ, Lê Đại Cang, họ Đào Tuy Phước,… và một bản địa chí Bình Định (bằng chữ Hán, sưu tầm tại Hoài Nhơn, năm 2006). Ở mảng dịch tư liệu Hán Nôm Bình Định, thành tựu lớn nhất của NNC Vũ Ngọc Liễn là biên dịch, hiệu đính tư liệu về Đào Tấn, Nguyễn Diêu. Ông đã chủ trì, tham gia biên dịch 83/141 bài thơ của cụ Đào và 08/60 từ khúc do Đào Tấn sao lục(1), đặc biệt đã xử lý văn bản và hiệu chỉnh 05 kịch bản tuồng cổ bằng chữ Nôm của Đào Tấn(2), 03 kịch bản tuồng Nôm của Nguyễn Diêu(3). Ngoài ra, cũng cần kể đến việc giới thiệu, biên dịch các văn bản liên quan đến cụ Hà Thị Loan – thân mẫu Đào Tấn, Đào Nhữ Tuyên và cụ Tú Nguyễn Diêu (sắc, chế, tang sự trích biên, liễn, đối). Về biên dịch các tư liệu lịch sử và lịch sử nghệ thuật hát Bội, ông đã xử lý văn bản và dịch nghĩa toàn bộ Gia phả Lê Đại Cang (26 trang, in trong Lê Đại Cang và Lê Thị gia phả)(4); Tư liệu về khoa cử Bình Định: Bảng thống kê, đối chiếu các vị thi đỗ thời Nguyễn, 39 trang (khảo sát trong Quốc Triều hương khoa lục, Quốc triều khoa bảng lục); Tư liệu về lịch sử nghệ thuật tuồng: Chầu Đôi (tư liệu chép tay của Phạm Phú Tiết).
Với tư cách là học giả, Vũ Ngọc Liễn đã thận trọng trong việc hiệu khám văn bản, chọn lọc câu chữ chuyển nghĩa phù hợp, vừa đảm bảo được văn mạch, vừa giữ được phong cách của tác giả, đồng thời thể hiện được sự tài hoa của cá nhân ông.
3. Di sản “Kẻ sĩ đất thang mộc” và những vấn đề đặt ra
3.1. Cần truyền thông đúng thuật ngữ Tuồng, hát Bội
Trong các bài viết của mình, NNC Vũ Ngọc Liễn đã rất thận trọng trong việc sử dụng hai thuật ngữ Tuồng và hát Bội. Ở đây, chúng ta cũng cần có sự truyền thông đúng về loại hình di sản này. Từ sự tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy cần phải minh định rõ thuật ngữ Tuồng và hát Bội.
Tuồng là một thể loại văn học, là một danh từ dùng để chỉ cho kịch bản sân khấu của một loại hình diễn xướng cụ thể như tuồng chèo, tuồng cải lương và tuồng hát Bội. Tên một công trình sưu tập các kịch bản sân khấu hát Bội của do Đào Tấn sáng tác, Vũ Ngọc Liễn cũng định danh Đào Tấn – Tuồng hát Bội. Còn hát Bội là loại hình nghệ thuật diễn xướng có tính cách điệu từ nội dung cốt truyện, tuồng tích đến hệ thống cử chỉ, điệu bộ, lời ca, tiếng hát, y phục, hóa trang và kể cả kỹ thuật biểu diễn… Hát Bội gắn bó chặt chẽ với hoạt động văn hóa đình làng và văn hóa cung đình. Đây là loại hình diễn xướng vừa có tính dân gian, vừa có tính bác học. Do đó, nghệ thuật diễn xướng hát Bội chính là di sản mà chúng ta đang bảo tồn và phát huy giá trị của nó trong đời sống hiện đại.
Như vậy, cách đồng nhất Tuồng với nghệ thuật hát Bội chưa thật sự thỏa đáng. Trong thời gian đến, công tác truyền thông nên thống nhất sử dụng thuật ngữ Tuồng để chỉ cho kịch bản văn học, kịch bản biểu diễn; còn Hát bội là chỉ cho loại hình nghệ thuật diễn xướng theo đúng nội dung Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25.8.2014 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về việc công nhận hát Bội Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
3.2. Liên kết đội ngũ chuyên gia Hán Nôm, hát Bội Bình Định
Trong cuộc đời làm khoa học của mình, Vũ Ngọc Liễn đã trao đổi, học hỏi với nhiều bậc túc Nho ở Bình Định như cụ cử Trần Đình Tân, Tú tài Nguyễn Hoài Văn, các nhà nghiên cứu, người có hiểu biết Hán học: Mạc Như Tòng, Trần Đình Trắc, Đặng Quý Địch, Huỳnh Chương Hưng,…cũng như các nghệ sĩ lão thành của bộ môn nghệ thuật hát Bội. Từ các chuyến điền dã và trao đổi ấy, không ít lần, NNC đã giới thiệu, thúc đẩy và kêu gọi hỗ trợ xuất bản các công trình nghiên cứu Hán Nôm, hát Bội tại Bình Định. Công việc này cần tiếp tục đẩy mạnh và thúc đẩy quá trình công bố các tư liệu sưu tầm, biên phiên dịch các tác phẩm do các bậc túc Nho, nghệ sĩ Bình Định sáng tác, nhằm khẳng định những thế mạnh, thương hiệu của Bình Định trong khu vực Nam Trung bộ, xứng đáng với danh xưng đất học tiêu biểu.
4. Lời kết
Vũ Ngọc Liễn là nhà nghiên cứu tâm huyết, trọn một đời cống hiến cho nghệ thuật hát Bội và Đào Tấn. Ông là tấm gương lao động bền bỉ, chuẩn mực và giàu cá tính. NNC Vũ Ngọc Liễn đã đi trọn hành trình trăm năm và những gì ông để lại đều rất đáng trân trọng, cần phát huy. Với lối viết mạch lạc, hấp dẫn, Vũ Ngọc Liễn đã để lại những trang văn sắc sảo, có tính định hướng, gợi mở cho thế hệ hậu học. Từ góc độ phong cách, qua cuộc đời và sự nghiệp của mình, Lão Ngoan Đồng Vũ Ngọc Liễn là minh chứng cho sự khẳng khái, chuẩn mực và chân tình trong nhân cách kẻ sĩ thời hiện đại. Vũ Ngọc Liễn trong cái nhìn của các thế hệ hậu học là người “gieo mầm” cho những đam mê về nghệ thuật hát Bội, là người “dẫn đường” cho hành trình phục nguyên không gian văn hóa Hán Nôm Bình Định, là người “truyền lửa” cho các nhà sưu tầm, nghiên cứu tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa Bình Định trong khu vực địa văn hóa Nam Trung bộ.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh, chúng ta nhìn lại những đóng góp của ông cho sự phát triển văn hóa Bình Định như là những nén tâm hương, tưởng nhớ về một lão ngoan đồng đang rong chơi nơi miền mây trắng.
TS. VÕ MINH HẢI