(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (1924 – 2024)
Sinh thời, Vũ Ngọc Liễn thường bảo: “Tui là người ham chơi”. Ông ham chơi thật chứ không phải một cách nói. Từ tuổi thanh niên bay nhảy trước Cách mạng Tháng Tám đến tuổi hồi hưu, lên cụ, đến trước ngày nhẹ nhàng thanh thản vào cõi thọ, dù đang rà kính lúp trên mấy chữ thông bảo nhòe mục tiền đồng, dù đang khẩn trương hoàn thành bài báo đặt hàng, hay tra cứu một điển tích, bạn hú một tiếng là ới lên ngay. Nhưng “người ham chơi” này đã có những bộ sách để đời, được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật…
1.
Ông được trao Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành Sân khấu với cụm 2 công trình: “Đào Tấn – thơ và từ T.I, Đào Tấn – tuồng hát Bội T.II, Đào Tấn qua thư tịch T.III”, và Góp nhặt dọc đường. Nếu công trình Đào Tấn là gần nửa thế kỷ sưu tầm, khảo dị, hiệu đính, biên dịch (cùng nhiều bậc trí giả, nhà văn nhà thơ tên tuổi), chú giải, góp phần hàng đầu cho việc minh định giá trị và tôn vinh nhà thơ, nhà soạn tuồng kiệt xuất – danh nhân Đào Tấn, thì Góp nhặt dọc đường là tập hợp phần lớn những bài nghiên cứu, tìm tòi, minh xác về lịch sử và những giá trị độc đáo của nghệ thuật hát Bội và hát Bội Bình Định. Một đời ông dành trọn cho Đào Tấn, cho hát Bội và thực sự là một tên tuổi hàng đầu về mảng này, xứng đáng được tôn vinh.
Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp nhà soạn Tuồng Nguyễn Diêu – cuộc hội thảo có tầm quốc gia ở Bình Định (2012), về căn bản, có được là từ công trình Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Rất nhiều diễn giả nổi tiếng đăng đàn, nhưng trước khi đọc tham luận về Quỳnh Phủ tiên sinh, đã nói lời cám ơn và ghi nhận công lao của Vũ Ngọc Liễn. Họ biết ơn ông vì, nếu không có cuốn sách công phu của ông, ít người biết đến nhà soạn kịch kiệt xuất nữa ở Bình Định – là tôn sư và nghiệp sư Đào Tấn – chỉ với vài vở kịch còn lại: Ngũ hổ bình Liêu, Liệu đố, Nguyệt Cô hóa cáo… Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu đã được các bậc trí giả hội thảo đánh giá là “thiên tài”, là sánh ngang với các kịch tác gia cổ điển hàng đầu Châu Âu: J. Racine, P. Cornay… Người không đến được với hội thảo thì gửi bài viết đánh giá rất cao cuốn sách của Vũ Ngọc Liễn như giáo sư Vũ Khiêu: “Quyển sách của Vũ Ngọc Liễn đã đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng trong việc phát hiện và tôn vinh một nhà văn mà vị trí phải ở ngang hàng với những nhà văn lớn của dân tộc”, “Chưa có quyển sách nào mà tôi đã dành nhiều thời gian để đọc lại, nghiền ngẫm từng câu, từng chữ như cuốn sách này”…
Với cái sở học 7 năm ở Bắc Kinh, chuyên ngành Hý khúc học viện rồi Trung Quốc Hý khúc Nghiên cứu viện, Vũ Ngọc Liễn đã được trang bị một kiến văn chuyên sâu của một nhà nghiên cứu. Đặc biệt ông nhắc mãi tới người thầy Trương Canh với câu nói nhớ đời: “Xét cho cùng, khoa học là sự chính xác!”. Câu nói đã ảnh hưởng đến suốt đời cầm bút của ông: trên con đường hình thành tầm vóc một nhà nghiên cứu, ông đã cẩn trọng gạn đục khơi trong từng câu chữ, từng biện giải. Và sẵn sàng học tập mọi nơi mọi lúc, cả những người còn rất trẻ, học tập và cầu thị với những bạn xa chưa biết mặt. Sự cầu thị này đã được nhiều đền đáp: những cổ ngữ, địa danh xưa chưa kịp hiểu đã có những “đồng điệu” đáp lời. Thẳng thắn, trung thực và cầu thị cũng là những đức tính cần cho nghiên cứu khoa học mà ông là một tấm gương đẹp.
Ngót 2.400 trang in khổ lớn, công trình về Đào Tấn là sự miệt mài ngạc nhiên suốt mấy chục năm gom nhặt từng tư liệu quý của ông. Từ bản Hộ sanh đàn do bà Trúc Tiên từ Pháp gửi về những năm trên đất Bắc, đến những lần xuôi Nam sau Bảy lăm, vô Sài Gòn gặp bà Chi Tiên – hai người con gái – và ông Đào Sư Nhượng cháu nội cụ Đào; gom nhặt từng chút từ người hâm mộ, các bậc túc nho Bình Định, bạn bè… Rồi, hiệu đính, chú giải cùng một số nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa có uy tín khác: Xuân Diệu, Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường…, Vũ viết nhiều khảo luận nêu bật những giá trị nghệ thuật và tầm vóc nhà soạn Tuồng kiệt xuất. Có thể nói, ông không thuần túy là một nhà nghiên cứu: ông có mặt như sự may mắn kịp thời, tất yếu, lưu giữ, phục dựng một giá trị văn hóa lớn của dân tộc! Và xứng đáng với 4 chữ bà Chi Tiên trân trọng ghi tặng: hàm ân bất kí, nghĩa là chịu cái ơn lớn không kể xiết. Không riêng bà, những người yêu thích nghệ thuật hát Bội hoặc muốn tìm hiểu mảng văn hóa quý giá này hoặc yêu kính danh nhân Đào Tấn, Cụ Tú Diêu, bây giờ và mai sau sẽ còn biết ơn ông.
Nhiều người trùng nhận xét rằng duyên may cho ông và cho hát Bội, vì nếu chỉ làm cán bộ ở Bộ Văn hóa, Vũ Ngọc Liễn cũng chỉ làm đến Cục, Vụ gì đó là cùng. Về với Bình Định, với cái nôi hát Bội, với nghệ sĩ và công chúng hát Bội, với các bậc túc nho mê hát Bội, với con cháu cụ Đào Tấn, cụ Tú Diêu, ông mới có thể hoàn thành những công trình quan trọng đã nêu. Hoàn thành kịp lúc trước khi mọi thứ mai một.
Sau mỗi “đại công cáo thành”, ông không xoa tay mãn nguyện rồi nghỉ ngơi, dù đã cận cửu tuần. Nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT (9.2012), “người ham chơi” này trích một phần tiền thưởng, cùng vài cộng sự chuẩn bị các thủ tục lập “Quỹ Vũ Ngọc Liễn – khuyến tài hát Bội, Bài chòi Bình Định”, tháng 11 năm này ra mắt. Bằng uy tín và đóng góp một đời của mình, ông muốn “mọi người cùng chung tay ghé vai đỡ “Tổ đình” đang liêu xiêu”. Thêm việc quan trọng nữa, là bắt tay khẩn trương quy tập, biên khảo, chú giải 100 vở tuồng cổ hát Bội, in đóng tập từng vở cẩn trọng, công phu. Việc cần thiết để lưu giữ và minh định văn bản vốn lâu nay lưu truyền từ các ông bầu, với những chép tay tam sao thất bổn. Đã có những vở nên hình nên vóc trang trọng, mẫu mực.
Riêng Giải thưởng Khuyến tài hát Bội, Bài chòi Bình Định mang tên ông, sau khi ông qua đời (2013), những người bạn tiếp tục thực hiện trao giải đến lần thứ VII (2022) với tổng cộng ngót 60 lượt nghệ sĩ trẻ được tặng thưởng. Sau 10 năm hoạt động, Ban điều hành thống nhất định hướng hoạt động mới, đổi tên Giải thưởng… thành Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ hát Bội, Bài chòi Bình Định với chức năng khác.
Trong một bài viết, nhà thơ Thanh Thảo nhận xét xác đáng về nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn: “Gọi Vũ Ngọc Liễn là “Nhà Đào Tấn học” không chỉ vì ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Đào Tấn, mà chính vì ông đã chọn Đào Tấn và nghệ thuật Tuồng của cụ Đào như một nghiệm sinh của mình. Vũ Ngọc Liễn đọc Đào Tấn, học Đào Tấn, nghiên cứu Đào Tấn, và cuối cùng ông chiêm nghiệm Đào Tấn, rồi có thể ông thiền Đào Tấn, thường khi là với một nụ cười lặng lẽ. Nó mất của ông cả đời người. Và được cho ông cũng cả đời người”.
2.
Phòng khách của Vũ Ngọc Liễn ở 06, Nguyễn Biểu, TP. Quy Nhơn từng là nơi giao lưu ấn tượng của khá nhiều văn nghệ sĩ trong tỉnh và cả nước. Nhà văn Hoàng Quốc Hải sau một lần đến thăm, khi về Hà Nội đã viết thư kể ấn tượng lớn ở “không gian Vũ Ngọc Liễn”, mà ông định danh là “salon văn hóa”! Ở đây, Vũ trưng bày nhiều câu đối và kỷ vật, trong đó có bài thơ của NSND Tào Mạt viết tặng Vũ dịp từ Nam Định vào Quy Nhơn thăm ông năm 1994. Bút tích chữ Hán của soạn giả chèo lẫy lừng – Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT – thật chuẩn mực mà tung tẩy: “Huyết cốt thâm giao sổ thập niên/ Thi đàm, Vị thủy dĩ tương liên/ Bi hoan kỷ độ tâm do tráng/ Đại tiếu văn chương bất vị tiền” (Đã hàng chục năm kết bạn xương máu/ Nước đầm Thị Nại và sông Vị đã liền nhau/ Bao bận vui buồn lòng vẫn khỏe/ Cả cười văn chương không vì đồng tiền). Soạn giả chèo Tào Mạt với bộ ba tác phẩm kinh điển Bài ca giữ nước, có sáng tạo một nhân vật phụ vở khác, khá hấp dẫn là Trung sĩ I-nốc. Khi viết những bài phiếm luận cho các báo, Vũ thích thú lấy bút danh “Trung sĩ I-nốc” như một tương liên, đồng cảm với bạn.
Vũ tiên sinh viết nhiều câu đối tặng bạn văn, nhiều câu khá sắc sảo những cảm nghiệm về người văn, về thế cuộc; hoặc gửi gắm lòng yêu, sự ngưỡng mộ biệt tài của họ. Như đối tặng các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Yến Lan, Thanh Thảo, nhà nghiên cứu Diệp Đình Hoa, soạn giả cải lương Vĩnh Điền (chắt rể Đào Tấn), đại danh ca hát Bội NSUT Hoàng Chinh, nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng v.v… Tặng chữ cho bạn là gửi chữ, gửi tấm lòng. Tại nhà, Vũ viết cho mình câu đối treo cạnh bài thơ Tào Mạt: “Sinh hoạt kháo gia trù, đản năng thưởng cổ kim giai thư hảo họa/ Tâm trường vô tục khí, phương khả du thiên hạ danh sơn đại xuyên” (Đời sống dựa vào cái bếp nhà nhưng cũng thường được thưởng thức sách hay, tranh đẹp/ Lòng ruột không có khí tục, tiện cho việc đi đây đi đó chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong thiên hạ). Ông tặng mình mấy chữ tâm trường vô tục khí vừa khí chất vừa tự tin đến cao ngạo! Biết sao được, khi ông nhìn thấu đầy rẫy các thứ “tâm” nhân danh trong đời!
Phối với chữ là vài bức tranh cổ vẽ hoa, chim; 2 bức gỗ lim khảm xà cừ nghe nói từ cánh cửa tủ nhà Hoàng Cao Khải lưu lạc; mấy cái lọ gốm cổ, trong đó có cái như độc bình đựng rượu thầy Trương Canh tặng ông, nghe nói từ cung vua triều Thanh trôi nổi sau Cách mạng 1912… Và rượu, trong tủ cạnh bộ sa lông mây tiếp khách. Các ấm gốm chứa rượu Bàu Đá các loại niêm phong, ghi ngày ủ; các chai rượu tiêu chuẩn uống hàng ngày với bạn; loáng thoáng chai rượu sâm, rượu Tây thân hữu tặng… Đó, cái không gian Vũ Ngọc Liễn, ngoài mảng riêng nghiêm cẩn hậu tổ Tuồng Đào Tấn là sách và chữ; chim, hoa và rượu!
Vũ Ngọc Liễn là nhà chuyên môn, nhà khoa học, không ham quyền chức, không sợ uy vũ. Ông rất rạch ròi, cực đoan trong yêu, ghét. Cái kiểu không hạp nhãn hay nghịch nhĩ (dĩ nhiên về bản chất) là tỏ thái độ, phát biểu quyết liệt, không khoan nhượng, dù đó là “nhân vật” nào.
Ông cũng không giấu giếm máu bản địa của mình. Ông mừng cho cầu Mỹ Thuận, cho dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc…, nhưng không có nỗi mừng nào sánh được khi cầu Thị Nại nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai có Nhơn Lý quê ông, có khu kinh tế trọng điểm Nhơn Hội – niềm hy vọng cho Bình Định cất cánh. Trước khi người ta làm lễ khánh thành rầm rộ cây cầu vượt biển này hai ngày, ông tổ chức cuộc mừng trước với một số bằng hữu thân thiết ngay giữa cầu trong mưa lạnh căm căm tháng 12. Sau nghi thức rót bia xuống đầm Thị Nại “tưởng nhớ những thủy quân Tây Sơn” là cuộc mừng cho quê hương. Thấy điên điên cái cảnh đội mưa cụng chai, ràn rụa cảm xúc! Một cuộc chơi nhớ đời…
Nhắc tới sự chơi, Vũ tiên sinh thuộc diện con người trần thế nhất. Ông không có vẻ đạo mạo kiểu nhà nghiên cứu lão thành, dù luôn nghiêm cẩn với câu người xưa, cha dạy ông buổi đầu học chữ Nho: “Tịch bất chính bất tọa” (Chiếu trải không ngay thẳng không ngồi). Âu phục đẹp hợp mốt, phong thái luôn lịch lãm, tưởng như vẫn là ông thuở đôi mươi theo bạn bè, đàn anh, những hội chơi hát hỏng đàn đúm liên xã, liên huyện xưa. Hàng ngày là những thụ hưởng, thưởng thức như cuốn sách hay, chén trà, ly rượu ngon, tiếng chim gù trong phố, bông hoa thủy tiên gọt tỉa nở hoa đẹp đúng giao thừa… Có hai thú vui ông ham thích đặc biệt và ít khi bỏ lỡ là cờ tướng và bóng đá. Cờ tướng giúp ta kiên trì trong mọi tình huống – ông giải thích – còn bóng đá độc đáo ở khoảnh khắc con người thành anh hùng hoặc tội đồ và mọi thứ có luật rõ ràng, công khai, có thể chê khen hoặc chửi!
Ông thuộc lòng bài ca trù của Dương Khuê Hồng Hồng Tuyết Tuyết không hẳn do mê nghệ thuật mà bởi đồng cảm với bậc tiền bối chuyện mê… gái. Họ Dương nói quá đúng sự đàn ông, kiểu: “Hồng, Hồng, Tuyết, Tuyết/ Mới ngày nào chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu/ Ngã lãng du thời quân thượng thiếu/ Quân kim hứa giá, ngã thành ông/ Cười cười nói nói thẹn thùng/ Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại/ Riêng một thú Thanh Sơn đi lại/ Khéo ngây ngây dại dại với tình/ Đàn ai một tiếng Dương tranh?”. Không chỉ nghĩ, tưởng, mà ông cũng đắm đuối trước hồng nhan thật! Nếu thụ hưởng là một giá trị sống thì với ông, chuyện sắc, giới, thuộc diện “ngoại hạng” mọi vui thú. Từ ngạc nhiên đến yêu thích, thế nhân gọi ông nhiều khoái danh: “Lão Ngoan Đồng (mê hát Bội)”, “đại ca Yamaha”,… Mặc thiên hạ khen, chê, ông cứ sống phần mình thật nhất những nên, hư, không màu mè, che đậy.
3.
Dù có người chưa đồng thuận, ông vẫn gọi Bình Định là “đất Thang Mộc” đầy tự hào. Cuốn Liệt truyện Kẻ sĩ đất Thang Mộc, Vũ Ngọc Liễn viết về thân thế, sự nghiệp các bậc túc nho, trí giả của Bình Định – quan hay dân – đều có nhân cách cao đẹp, đầy nghĩa khí, trung thực, vì dân vì nước, thời thực dân phong kiến: Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo. Thể loại cuốn sách đã giúp họ Vũ vượt thoát khỏi những mực thước của nghiên cứu khoa học và văn phong ông sắc lẻm, tung tẩy đầy cá tính. Một đóng góp quý nữa của Vũ tiên sinh cho Bình Định bên cạnh các công trình về Đào Tấn, Nguyễn Diêu và hát Bội.
Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng. Vũ đã biến khái niệm cao sang như “tận hiến” thành nhẹ nhàng mà cao sâu hơn, biến thú vui trần thế thêm nhiều hương sắc hơn. Với dấu ấn độc nhất vô nhị ấy của mình, tôi mạo muội gọi ông là Kẻ Sĩ Ham Chơi.
01.10.2024
LÊ HOÀI LƯƠNG