Vinh danh di sản Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Sáng 19.02.2023, tại Di tích Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) đã diễn ra Lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn, vinh danh một di sản đã tồn tại 400 năm của Bình Định.

Lưu dấu thuở phồn vinh
Tên gọi Nước Mặn, xuất hiện vào đầu thế kỷ 17, là một địa chỉ nằm trên con đường tơ lụa trên biển với một số trung tâm thương mại quốc tế. Bản đồ vẽ vào năm 1608, con đường tơ lụa trên biển có hai địa danh được thương nhân nước ngoài thường đến buôn bán là Thị Nại – Nước Mặn và Hải Phố – Hội An nằm trên đường hàng hải đến với Vuconva (tức Bắc Philippines). Trong các thương cảng ở Đàng Trong lúc bấy giờ thì Thị Nại – Nước Mặn, thuyền buôn các nước phương Tây, Malaisia và một số nước khác đến buôn bán khá tấp nập. Nơi đây hình thành nhiều dãy phố buôn bán sầm uất với đủ các loại hàng hóa từ miền xuôi đến miền ngược, là nơi tàu thuyền và các thương nhân nước ngoài thường xuyên lui tới bang giao, trao đổi hàng hóa, đánh dấu đời sống phồn hoa đô hội của phủ Quy Nhơn xưa và của cả xứ Đàng Trong. Nước Mặn còn là địa điểm diễn ra quá trình nghiên cứu Latinh hóa tiếng Việt, góp phần quan trọng vào việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.

Từ những năm 1610, khi Cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư đến đây lập nghiệp. Khi đó, khu vực thôn An Hòa ngày nay là nơi tọa lạc cảng thị Nước Mặn. Người Hoa mở phố buôn bán sầm uất, cùng với các hình thức tín ngưỡng, họ đã lập chùa Bà (Thiên Hậu miếu) để thờ cúng. Chùa Bà là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, người thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn. Buổi đầu, chùa Bà chỉ là một ngôi miếu nhỏ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân. Họ thường đến đây để đi lễ, tỏ lòng cảm ơn Thiên Hậu Thánh Mẫu đã phù hộ cho họ di cư an toàn, cuộc sống no đủ. Dần dà, khi đã an cư lạc nghiệp, một số thương nhân đã đóng góp tiền của, tu bổ cho miếu thêm khang trang và to đẹp hơn. Từ đó tên gọi “Chùa Bà” ra đời. Khi các cư dân hòa nhập với cuộc sống người Việt, nhiều yếu tố văn hóa được người Việt tiếp thu và ngược lại. Chùa Bà đã trở thành tín ngưỡng chung cho cả người Việt lẫn các sắc tộc đã định cư nơi này. Lúc này khách thập phương lui tới chùa đông đảo hơn, hình thức tín ngưỡng cũng dần lớn lên, Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn dần hình thành và được duy trì, lưu truyền cho đến ngày nay. Chùa Bà được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2010.

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hàng năm, lễ hội được tổ chức trong 03 ngày (từ ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch đến ngày 02 tháng Hai, Âm lịch). Đến nay, lễ hội đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức cho phù hợp với tình hình mới. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa như: Lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông; lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng như: người đốn cây, khai phá rừng ngập mặn; nông dân vỡ ruộng đắp bờ; ngư dân bủa lưới đánh cá; người chăn nuôi gia súc… nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Ngoài ra, phần hội với nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Trải qua bao đời tiếp nối gìn giữ, lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, mang tính cộng đồng cao của địa phương Tuy Phước.

Niềm vui di sản
Sáng 19.02.2023 (nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Di tích Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), UBND huyện Tuy Phước phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định tổ chức trọng thể Lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn. Lễ hội cũng chính thức bắt đầu. Đông đảo người dân và khách thập phương đến chiêm bái và tham gia lễ hội.

Đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cùng đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn
cho lãnh đạo UBND huyện Tuy Phước. Ảnh: N.N

Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho hay: “Lễ hội là một hồi ức về cảng thị lớn nhất phủ Quy Nhơn thuở trước, đã hóa thân thành một thành tố của thành phố biển Quy Nhơn ngày nay. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao cùng các cơ quan chức năng, hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa, kiểm kê Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn đã được triển khai từ năm 2019. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tuy Phước đã phối hợp với Ban Quản lý di tích Chùa Bà và các tổ chức, cá nhân liên quan cùng cộng đồng thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021. Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn đã được kiểm kê, thiết lập hồ sơ khoa học với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh và đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 04 tháng 8 năm 2022”.

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn trở nên quen thuộc và thành một phần tín ngưỡng đối với người dân huyện Tuy Phước và Bình Định. Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 04.8.2022.

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn năm 2023 được tổ chức quy mô, diễn ra trong 05 ngày (từ 19 – 23.02.2023). Ngoài các phần lễ chính (Lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Lễ nghinh thần rước sắc, Lễ cầu an, Lễ tế Bà), phần hội năm nay có nhiều hoạt động như tổ chức hội đánh Bài chòi dân gian, biểu diễn múa lân, biểu diễn hát Bội, thi đấu bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ; biểu diễn võ cổ truyền, tổ chức các trò chơi dân gian…

Đại diện cộng đồng nghệ nhân nắm giữ, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn, nghệ nhân Nguyễn Văn Chín (hiện đang là Trưởng Ban quản lý di tích Chùa Bà) tâm sự: “Là một thành viên cộng đồng dân cư Nước Mặn thuở xưa, xã Phước Quang huyện Tuy Phước ngày nay, đồng thời cũng là một nghệ nhân trong thực hành, truyền dạy nghi thức tín ngưỡng Lễ hội truyền thống của Cảng thị, đô thị cổ Nước Mặn; bản thân tôi vô cùng sung sướng khi hay tin lễ hội truyền thống này được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với niềm xúc động và tự hào khó tả, nhân buổi lễ hôm nay, tôi xin phép được thay mặt tất cả anh chị em nghệ nhân đang nắm giữ tín ngưỡng Chùa Bà, Cảng thị Nước Mặn bày tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể vùng Nước Mặn trong thời gian qua. Đồng thời, cũng xin ghi nhớ công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, nghệ nhân, nhà nghiên cứu… đã có công sáng tạo, lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn để thế hệ hậu sinh của chúng tôi được thừa hưởng thành quả di sản quý giá này. Chúng tôi xin hứa sẽ nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo hết mình để cống hiến công sức, trí tuệ và khả năng của bản thân gìn giữ di sản Nước Mặn, để Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn luôn có sức sống vững bền và ngày càng phát triển, lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư từ đô thị đến vùng biển, nông thôn các khu vực có di sản tương đồng”.

Các nghệ nhân thực hiện nghi thức rước Bằng di sản văn hóa phi vật thể
quốc gia Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn vào Chánh điện. Ảnh: V.P

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn là sự hòa quyện và kết nối giữa hiện tại và quá khứ, là dịp để người dân hiểu nhiều hơn về vùng đất cảng thị và vai trò của Cảng thị Nước Mặn đối với đời sống kinh tế – văn hóa Bình Định qua bao thế kỷ. Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp sau Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định và Nghệ thuật Bài chòi Bình Định. Việc Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn được tôn vinh đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa dân gian của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này; khẳng định vai trò của lễ hội trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị của di sản tại vùng đất Bình Định, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, huyện Tuy Phước nói riêng… Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, bằng sự nỗ lực và trách nhiệm, huyện Tuy Phước cùng với Sở Văn hóa và Thể thao, cộng đồng dân cư tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy di sản Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn; tổ chức nhận diện, tư liệu hóa di sản, phục hồi các thành tố đã mai một; xây dựng các chương trình giáo dục, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, để di sản Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa, tạo ấn tượng mạnh mẽ, mời gọi du khách đến với Tuy Phước hiền hòa, thắm đượm tình người – vùng đất giàu trầm tích văn hóa đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ cùng với tỉnh nhà và cả nước”.

BẢO NHI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vũ Ngọc Liễn: Kẻ sĩ “ham chơi”

Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng…

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…