Viết như một trị liệu…

(VNBĐ – Chân dung VNS). Tôi luôn thấy ở nhà văn Trần Như Luận một say mê, trường lực với cả vai trò một thầy thuốc và người sáng tác văn chương. Với vai trò một bác sĩ, anh giúp bệnh nhân dịu đi những cơn đau sinh học. Với văn chương, không ai ép nài anh vào chức phận nào cả, nhưng dường như trang viết của anh cũng là một phương thuốc trị liệu, cho tinh thần của người đọc, cho nhận thức trách nhiệm một công dân.

Bằng sự say mê của mình, anh lặng lẽ nghiên cứu, đọc và viết. Anh vừa chuyển ngữ các tác phẩm nước ngoài, vừa viết truyện, tiểu thuyết, miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa. Giữa năm 2022, anh ra mắt bạn đọc tiểu thuyết thứ 3 của mình – Gương mặt loài Homo Sapiens. Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1985 – 27.2.2023), chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng bác sĩ, nhà văn Trần Như Luận để lắng nghe những chia sẻ của anh xoay quanh việc sáng tác của mình.

Mỗi ngày viết là một hạnh phúc…
* Không thấy dấu hiệu “nghỉ hưu” nơi anh, nhất là trên cánh đồng chữ nghĩa, điều gì giúp anh cân bằng giữa hai công việc chính này?

TNL: Thật ra, tôi có hứng thú với văn chương từ thời còn mài đũng quần ở ghế nhà trường THCS. Thơ tôi xuất hiện đầu tiên trên vài số Tuổi Hoa khi tôi mới 14 tuổi. Vài năm sau, khi ở bậc THPT, tôi sử dụng nhiều bút hiệu khác nhau và đích thân hí hoáy viết viết vẽ vẽ cho các tờ báo tường của lớp. Có lần, một mình tôi đã hoàn thành tờ bích báo cho lớp, giành được giải Nhất toàn trường, với mười bài thơ, một số truyện cười, truyện ngắn và tranh vẽ của tôi. Thầy chủ nhiệm thời ấy ghi vào sổ lưu bút cho tôi khi tôi sắp rời trường: “Tôi thầm đoán trong tương lai, em sẽ thành công ở cả hai lĩnh vực khoa học kỹ thuật và văn chương”. Tôi không cho rằng tôi từng thành công, nhưng tự nhận thấy niềm say mê kiến thức cùng một lúc nhiều lĩnh vực, và nhất là niềm đam mê văn chương của tôi chưa bao giờ nguội đi. Người thầy dạy Hán tự cho tôi là dịch giả Trà Ly từng nói: “Hóa ra, chứng mất ngủ của cậu cũng có cái lợi ghê gớm: Cậu thừa thời gian để sáng tác cả tiểu thuyết!”. Đó cũng là câu trả lời của tôi: “Để cân bằng cuộc sống, ban ngày tôi cầm ống nghe. Nửa đêm về sáng, tôi vừa là độc giả, vừa là người say sưa gõ bàn phím…”.

* Anh khá hứng thú với văn học dịch? Những kênh chuyển ngữ chính của anh?
TNL: Tôi có cơ may tiếp xúc thân tình và làm thông dịch cho Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh kể từ khi đoàn tình nguyện viên New Zealand quay lại đặt vấn đề giúp đỡ về trang thiết bị y tế và đào tạo nhân lực cho nhân viên y tế tỉnh Bình Định. Khi kết thân với các cô giáo tiếng Anh như Fiona, Sheila, Barbara, Heather và sau này là thầy Michael, tôi thường có thói quen trò chuyện bên cạnh tủ sách của họ. Tôi say mê đọc các tập truyện ngắn mượn được. Thoạt đầu, tôi đã từng dịch khoảng 20 truyện ngắn New Zealand. Nhưng đọc đi đọc lại, tự thấy chúng chưa hay, có lẽ do nguyên bản chưa thật xuất sắc. Sau năm 2010, kể từ khi theo dõi website của các tạp chí văn học danh tiếng như The New Yorker, Electric Literature, Fictionaut, Wattpad, 3:AM Magazine, Inkitt… (chủ yếu đăng truyện ngắn và truyện cực ngắn của các tác giả đương đại), hoặc đọc truyện ngắn đoạt giải trên website của BBC National Short Story Award, tôi bắt đầu tìm thấy vô vàn truyện ngắn Anh – Mỹ đặc sắc. Hai website literaryreview.co.uk và Reedsy.com của Anh cũng cung cấp cho tôi nhiều bài phê bình văn học độc đáo.

Ban đầu, tôi thích chọn các tác giả hay viết những truyện ngắn rất gọn như truyện của Kate Chopin. Nhưng về sau, tôi bị cuốn hút bởi những truyện ngắn khá dài như truyện của James Joyce, Louisa May Alcott, Nathaniel Hawthorne, Ambrose Bierce. Các tác giả đương đại như George Sauders, William Faulkner, Sarah Hall cũng được tôi quan tâm bởi tính chất hiện đại và thi pháp truyện ngắn khá uyển chuyển của họ.

* Có khó khăn gì trong việc chuyển ngữ không, thưa nhà văn. Nhất là chuyển ngữ một tác phẩm văn học?
TNL: Tôi không thấy khó khăn gì lắm khi chuyển ngữ truyện ngắn hoặc thơ từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Có lẽ là do hiện nay công nghệ từ điển điện tử đã quá mạnh, đủ để chúng ta dễ tìm ra ngay các nghĩa phù hợp cho các ngữ cảnh khác nhau. Tôi có thói quen dùng từ điển Anh – Anh để nắm bắt nghĩa của từ tới nơi tới chốn. Tôi dự định in trong năm nay cuốn Tuyển tập truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh, gồm 12 truyện ngắn của 05 tác giả. Trong năm tới là cuốn Vẻ đẹp truyện ngắn Anh – Mỹ hiện đại với 19 truyện ngắn của 18 tác giả. Tôi có ý định dịch tiểu thuyết, nhưng việc liên hệ với các tác giả đương đại hoặc các NXB nước ngoài thường rất khó, vì chúng ta khó biết được đường đi nước bước để mua bản quyền của họ.

Ý thức trách nhiệm người cầm bút
Những tác phẩm gần đây của nhà văn Trần Như Luận, đều cho thấy độ công phu, dày dặn với nhiều ý tưởng, thông điệp, gắn liền với nhân sinh, thế sự. Từ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 đệ tử (2014) đến Đời vớ vẩn (2019). Và giờ, mới rợi với Gương mặt loài Homo Sapiens (tháng 5.2022), anh đã cho thấy một trường lực sáng tác. Hơn nữa, là cho thấy rõ trách nhiệm của một nhà văn với xã hội.

* Chúc mừng nhà văn với tập tiểu thuyết mới – Gương mặt loài Homo Sapiens. Có một vấn đề nhỏ tôi muốn lắng nghe chia sẻ từ anh. Ấy là, độc giả hiện tại dường như ít mặn mà với tiểu thuyết, họ thường dành sự chú ý và lựa chọn những tác phẩm có dung lượng ngắn, dễ dung nạp. Lựa chọn cách thức sáng tác tác phẩm tiểu thuyết, anh có băn khoăn, lo ngại gì chăng?

TNL: Không hẳn vậy. Hiện nay đang song song diễn ra một tiến trình khác: Không riêng gì Việt Nam, mà trên toàn thế giới, các giải thưởng tiếu thuyết vẫn tiếp tục được tổ chức và thu hút hằng nghìn tác giả tham gia. Giải thưởng tiểu thuyết Fitzcarraldo Editions của Anh hằng năm là một thí dụ điển hình. Ở Việt Nam, các tiểu thuyết nổi tiếng của các nhà văn Tự Lực văn đoàn và các cây bút lớn như Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh và Dương Hướng với Bến không chồng vẫn liên tục được tái bản. Ở trong Nam, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với hàng chục tiểu thuyết hoặc truyện dài dành cho tuổi mới lớn, nhà văn Dương Thụy phát hành 15 đầu sách, đa phần là truyện dài hoặc tiểu thuyết và nhiều tác giả khác vẫn nổi danh với một số lượng ấn hành lên đến hằng trăm nghìn bản in. Từ xưa tới nay, độc giả chưa hề quay lưng với tiểu thuyết. Họ chỉ ngán ngẩm những cái na ná tiểu thuyết, vừa tẻ nhạt, vừa vô bổ, chẳng nói lên được điều gì…

* Ở tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens, anh có trích hồi ký của Po Martin, một nhân vật trong tiểu thuyết như một câu đề từ: “Ở nhiều nơi, kẻ ác kết bè kết lũ mặc sức hoành hành; những người hiền lương thường thấp cổ bé họng, sống trầm tư, đơn lẻ và phản ứng muộn”. Dường như, trích dẫn ấy cũng ẩn chứa tinh thần, thông điệp nào đó của tiểu thuyết này?
TNL: Tôi đã trăn trở thật nhiều trong quá trình thai nghén và lên đề cương để viết tiểu thuyết này. Sau bộ tiểu thuyết gần 1.200 trang với nhan đề Thầy Gotama và 8000 đệ tử, dù tôi đã cho phát hành cuốn Đời vớ vẩn (264 trang) xen ngang một cách bất chợt, nhưng thật ra cuốn mà bạn đang có trong tay (372 trang) chính là cuốn thứ hai. Tôi đã gõ trong hai năm và dành ra tới năm năm để chỉnh sửa bản thảo trước khi cho tác phẩm ra đời. Tôi nghĩ, đã là tiểu thuyết thì nó luôn hàm chứa nhiều thông điệp, với một số chủ đích tư tưởng, chứ không phải một. Đôi khi, chỉ một tiểu truyện trong tiểu thuyết cũng hé lộ một khía cạnh nào đó của đời sống hoặc ẩn dụ một điều nào đó mà tác giả muốn đề cập. Chẳng hạn, ở cuối chương 15 tiểu thuyết này, một nhân vật nữ thẳng thắn nhắc người tình: “Tối nay em muốn anh cầm theo tấm gì đó để lót nằm. Chỉ hôn… về nhà em khó chịu trong người lắm”. Câu thoại ấy gợi lên nỗi khao khát, bức bối của loài homo sapiens gần như suốt đời dù muốn dù không cũng phải mang nặng một niềm ao ước rất chi là xác thịt. Vậy nên, Milan Kundera từng nói: “Lẽ tồn tại duy nhất của tiểu thuyết là nói ra cái điều chỉ tiểu thuyết mới nói được. Tiểu thuyết như là một sự chiêm nghiệm có tính thơ về sinh tồn. Chức năng của tiểu thuyết, không phải là phản ánh hiện thực, mà là khám phá cuộc sống”. Po Martin trong tiểu thuyết, thoạt đầu là một cậu bé rừng xanh, lớn lên trong một xã hội nguyên sơ. Sau khi rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, rồi tận mắt chứng kiến sự dã man, tàn bạo của vài nhóm người, cậu đã viết ra nhận xét như bạn vừa trích dẫn. Nhận xét ấy chỉ là một ý nghĩ bất chợt, khi cậu đang theo dõi nội dung một buổi hội thảo về văn minh nhân loại. Nó chỉ là một ý tưởng, được thốt lên một cách cảm tính, không đủ tạo nên một thông điệp.

* Anh nghĩ như thế nào về vai trò của nhà văn trong đời sống hiện tại?
TNL: Một số nhà báo đã dấn thân rất kiên cường trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Còn nhà văn? Đành rằng nhà văn cần thỏa mãn nhu cầu tự thân là sáng tác – sáng tác là cách “dễ thương” nhất, hiệu quả nhất để tiếp cận với cái Đẹp. Song, họ cần lên tiếng với tư cách là một công dân. Trong công cuộc “trong sạch hóa” xã hội, tôi nghĩ, nhà văn không thể lơ là. Các tác phẩm của tôi, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết chưa bao giờ rời xa trách nhiệm đối với cộng đồng ở cả hai lĩnh vực giáo dục thẩm mĩ, lẫn tinh thần xây dựng xã hội, chống tiêu cực.

* Anh còn khá nhiều bản thảo đang thành hình? Liệu mình có thể bật mí đôi chút, thưa nhà văn?
TNL: Ngoài hai cuốn truyện dịch mà tôi đã đề cập, tôi đang chuẩn bị in một tập truyện ngắn gồm 14 truyện, mang tựa đề Thái Bạch đêm ấy và 13 truyện ngắn khác. Sách có kèm nhận định của nhà phê bình văn học Hồ Thế Hà và cảm nhận của bạn tôi – nhà văn Lê Hoài Lương. Tôi cũng đang viết cuốn tiểu thuyết thứ tư, với một chủ đề rất khác biệt so với ba tiểu thuyết đã in. Cuốn ấy dự định sẽ ra mắt bạn đọc cuối năm 2023.

Nhà văn Trần Như Luận sinh năm 1955, quê Thừa Thiên – Huế. Tốt nghiệp trường Ðại học Y khoa Huế năm 1980. Hiện anh đang sống và làm việc tại TP. Quy Nhơn (Bình Định). Tác phẩm chính: Như là để tỏ tình (thơ, 1993); Dấu ấn tuổi 17 (truyện dài, 2007); Thầy Gotama và 8.000 đệ tử (tiểu thuyết, 2014); Tuổi của tình yêu và 13 truyện ngắn khác (tập truyện, 2015); Ðời vớ vẩn (tiểu thuyết, 2019).

Giải thưởng: Giải A, Giải thưởng VHNT Ðào Tấn – Xuân Diệu lần thứ V (2011 – 2015); Giải B, Giải thưởng VHNT Ðào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI (2016 – 2020).

* Cám ơn nhà văn về cuộc trò chuyện thú vị này, chúc anh sức khỏe và nhiều sáng tạo.

VÂN PHI (thực hiện)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…