(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Đối với Jagat Singh, việc đi học giống như uống thuốc quinine hoặc dầu cá. Cậu ta là đứa bé ương ngạnh, cẩu thả và cứng đầu. Thi thoảng, cậu ta đột kích vào vườn trộm ổi, hay trèo lên đò đang có người lái và chèo qua sông. Cậu ta thích bị mắng chửi. Cậu ta không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để được như vậy. Cậu ta giải trí bằng cách vỗ tay sau lưng người đánh xe ngựa và kéo lại xe ngựa hoặc giễu nhại người già.
Kẻ lười không muốn làm lụng và do vậy, trở thành nô lệ của những hành vi xấu và hành vi xấu không thể được thực hiện nếu không liên quan tới tài sản. Mỗi lần có cơ hội là Jagat Singh ăn cắp vặt trong nhà mình. Nếu không có tiền thì cậu ta lấy đồ đạc để bán. Cậu ta dọn sạch chai lọ trong nhà. Cậu ta cũng lần lượt chôm các thứ đồ gia truyền. Cậu ta thành thạo, có kỹ thuật trong việc này đến mức người ta ngạc nhiên. Có lần, cậu ta leo từ bên ngoài vào một ngôi nhà hai tầng và cuỗm một chiếc dĩa đồng trên tầng hai mà không ai hay biết gì.
Cha cậu ta, ông Bhagat Singh, là thư ký ở bưu điện địa phương. Sau nhiều nỗ lực, ông được chuyển về thị trấn. Nhưng ông không hài lòng khi ở vị trí mới. Đúng hơn là ông khổ sở vì đậu lăng và phân bò khô là những thứ được cho không lại không có ở thị trấn. Ở thị trấn, ông gần gũi với mọi người. Ông không hà khắc với ai và không làm mất lòng ai. Sự túng thiếu làm ông Jagat Singh nghĩ đến việc tham ô. Nhiều lần cha cậu đánh cậu một cách không thương tiếc. Là người mạnh mẽ nhưng Jagat vẫn phải ngoan ngoãn chịu đựng. Dù vậy, việc đánh đập, chửi bới và dọa nạt không có hiệu quả gì.
Khi cậu ta bước vào nhà, ai cũng dè dặt. Mẹ cậu ta mắng cậu ta, chị gái thì chì chiết. Cái xấu thường bị xa lánh. Có khi cậu ta nhịn đói hai, ba ngày. Cậu ta là cái gai trong mắt mọi người trong nhà. Tính ương ngạnh giúp cậu ta quen với sự gian khó. Cậu ta ngủ bất cứ nơi đâu khi cậu ta buồn ngủ và ăn bất cứ thứ gì có được.
Người ta đã mệt mỏi với các trò của cậu ta và bắt đầu lẩn tránh cậu. Do vậy, có khi cậu chẳng thể đụng đến được thứ gì trong cả tháng. Cậu ta nợ tiền người bán dạo charas. Những người bán bánh gai dầu khổ sở đòi nợ cậu ta. Người bán kẹo bắt đầu đòi nợ cậu ta khi thấy cậu ta trên đường. Cậu ta nằm đêm ngày chờ thời nhưng không có gì đến.
Vào buổi trưa, khi ông Bhagat rời bưu điện, ông đặt sổ sách bảo hiểm vào túi. Ông không nhớ tới điều đó khi ông cởi áo achkhan lúc đã về tới nhà. Jagat Singh đang tìm cơ hội. Cậu ta mò mẫm trong túi chiếc áo achkhan, hy vọng kiếm được một số tiền và thấy một cái gói nhỏ có tem bên trong, trị giá nhiều annas. Cậu ta cầm cái gói lên và lấy tem. Thường thì cậu ta hay chôm tem và bán với giá rẻ hơn một nửa. Vì không thể lấy tem ra khỏi gói nên cậu ta xé cái gói.
Nếu cậu ta biết là trong gói có các tờ tiền, cậu ta sẽ không xé cái gói. Nhưng khi cậu ta xé cái gói, tiền rơi vương vãi, làm cậu ta sửng sốt. Cái gói bị xé như trêu ngươi cậu ta. Tình cảnh của cậu ta giống như một người thợ săn đang cố bắn một con chim nhưng đã bắn nhầm người. Anh ta đầy ân hận, nuối tiếc nhưng không dám đối diện với sự trừng phạt do sai lầm. Cậu ta nhét tiền lại vào cái gói và đi ra.
Lúc đó là vào mùa hè. Mọi người đều ngủ trưa nhưng Jagat không thể chợp mắt. Hôm nay cậu sẽ bị đối xứ thô bạo. Đó là điều chắc chắn. Ở lại nhà là không nên. Cậu cần đi đâu đó vài ngày. Sau đó, cha cậu sẽ nguôi giận. Nhưng cậu nên đi thật xa. Cậu không nên núp trong các túp lều nhiều ngày. Ai đó sẽ báo và cậu sẽ bị bắt. Đi xa nghĩa là cậu cần phải có nhiều tiền. Tại sao không lấy tiền trong cái gói? Ai cũng sẽ biết là cậu đã xé cái gói nên việc lấy một tờ tiền thì có xấu xa gì? Bố có tiền và ông sẽ bù vào. Nghĩ vậy nên cậu lấy một tờ 10 rupee. Nhưng ngay lúc đó, một ý nghĩ mới đã ập đến với cậu. Nếu cậu lấy toàn bộ tiền và đến một thị trấn khác mở một tiệm tạp hóa thì sẽ rất hay. Do đó, cậu không phải cậy vào việc ăn cắp của ai đó 1, 2 paisa. Trong một thời gian ngắn, cậu sẽ kiếm được nhiều tiền và trở về nhà. Ai cũng sẽ ngạc nhiên.
Cậu lại cầm cái gói ra. Tổng cộng số tiền trong đó là 200 rupee. Với số tiền này, cậu sẽ mở một tiệm sữa. Người ta sẽ cầm xô chậu đến tiệm. Cậu sẽ quẳng 1 đồng rupee để mua charas. Cậu sẽ đánh cá tới 10 rupee. Làm sao cậu có địa vị nếu cậu không làm ra tiền? Cậu suy tưởng với giấc mơ này, đến mức trở nên chơi vơi, như người ta mất thăng bằng trong dòng suối và bị nước cuốn đi.
Cậu đi Bombay ngay đêm đó.
Ngày hôm sau, ông Bhagat Singh bị tòa án buộc tội biển thủ.
***
Trên khoảng đất rộng trước pháo đài Bombay, những người lính trẻ trung của Trung đoàn Rajput đang diễu hành. Gió mạnh làm cho hàng ngũ rối tung, cùng lúc đó, viên chỉ huy sắp xếp lại đội hình.
Khi cuộc diễu hành kết thúc, một chàng trai trẻ cao ráo đến gặp viên chỉ huy. Viên chỉ huy hỏi, “Anh tên gì?”. Người trẻ chào theo kiểu nhà binh và đáp, “Jagat Singh”.
– Anh cần gì?
– Tôi muốn gia nhập quân đội.
– Tôi hy vọng anh không sợ chết.
– Không sợ. Vì tôi thuộc đẳng cấp Rajput.
– Anh sẽ phải chiến đấu, tập luyện rất vất vả.
– Tôi không sợ vất vả.
– Anh sẽ phải tới Aden.
– Tôi vui vẻ đi tới đó!
Viên đại úy thấy người trẻ rất can đảm, hài hước và đầy sức sống. Anh ta cho cậu nhập ngũ. Ba ngày sau Trung đoàn đi đến Aden. Khi tàu lướt đi, Jagat nghĩ về quá khứ. Anh nhìn đất liền và đăm chiêu. Khi không còn thấy đất liền, chỉ còn biển cả, anh thở ra và khóc. Lần đầu tiên trong đời, anh nhớ gia đình thân yêu của mình. Anh nhớ ngôi làng nhỏ, cửa tiệm bán bánh dâu gai. Bạn bè và những cuộc lang thang hiện ra trước mắt anh. Anh không biết bao giờ anh mới có thể gặp lại chúng. Anh bồn chồn đến mức muốn té xuống nước.
***
Jagat Singh đến Aden đã ba tháng. Anh thích thú với cảnh vật mới và các thứ mới trong nhiều ngày. Nhưng dần dần, cái mới nhạt phai và các ký ức cũ lại hiện về. Anh nhớ người mẹ trìu mến, sự giận dữ của cha, câu chửi mắng của chị, lời dè bỉu của họ hàng. Anh nhớ những khi anh bị bệnh. Lúc đó, anh không còn hy vọng sống nhưng cha anh, chị em anh không mấy quan tâm. Chỉ có mẹ anh suốt đêm ngồi bên giường, nói lời vỗ về. Đã bao đêm anh thấy mẹ anh sùi sụt. Bà héo hon vì chính bệnh tật của bà nhưng bà vẫn chăm anh, quên bệnh đau của mình. Bà như thể không có bệnh đau gì! Anh có cơ hội gặp lại bà không? Lòng đầy ân hận, anh đi ra bãi biển, nhìn sóng xô nhào nhiều giờ liền. Đã nhiều ngày, anh muốn viết thư về nhà nhưng vì hổ thẹn, thấy tội lỗi nên anh lại thôi. Cuối cùng, vào một ngày nọ, anh không còn kìm nén được nữa. Anh viết thư để cầu xin tha thứ.
Từ đầu đến cuối thư là những lời ăn năn. Cuối thư, anh cố an ủi mẹ: “Mẹ ơi, con đã làm mẹ khổ. Mẹ đã giận con. Con xấu hổ vì những gì con đã làm và muốn chuộc lỗi, khi nào con còn sống. Mẹ có lẽ sẽ không còn ngần ngại gọi con là con. Hãy cầu cho con giữ được lời hứa này”.
Anh gởi thư đi và chờ hồi âm. Một tháng trôi qua nhưng không có hồi đáp. Anh bắt đầu lo lắng. Sao gia đình mình không hồi âm? Mẹ bệnh hay sao? Ba thì giận mình nên không trả lời. Mình hy vọng ba mẹ và cả nhà không gặp phải nỗi bất hạnh nào. Dưới một gốc cây trong doanh trại, vài người lính đang xếp sắp đá shaligram. Một số người lính thành tín còn rửa đá đó bằng nước thiêng. Jagat Singh thường hài hước với họ. Nhưng hôm nay anh ngồi cúi đầu ở đó khá lâu. Một người giúp việc ở văn phòng trung đoàn mang tới cho anh một lá thư. Jagat Singh run rẩy đưa tay ra nhận thư. Anh gọi tên thượng đế rồi mở thư ra đọc. Thư viết: “Ba con bị tù 5 năm vì bị buộc tội biển thủ. Mẹ con không chịu nổi cú sốc này nên đang nằm liệt giường. Con hãy nghỉ phép mà về thăm nhà”.
Jagat Singh chạy ngay đến gặp viên đại úy và nói:
– Thưa chỉ huy, mẹ tôi đang bệnh. Xin cho tôi nghỉ phép.
Viên chỉ huy liếc nhìn anh và nói:
– Giờ anh chưa thể được nghỉ phép.
– Vậy thì tôi xin xuất ngũ.
– Việc anh xuất ngũ cũng không được.
– Tôi không thể ở đây thêm.
– Anh phải ở đây. Tất cả các anh sẽ sớm phải ra mặt trận.
– Vậy là chiến tranh sắp xảy ra. Tôi giờ không thể về nhà. Khi nào chúng ta xuất quân ạ?
– Sớm thôi. Hai, ba ngày nữa.
***
Đã bốn năm trôi qua. Không có người lính nào trong trung đoàn được như Jagat Singh. Anh dũng cảm trong mọi tình huống. Anh tiến công khi kẻ khác từ bỏ. Anh luôn tiên phong trong mọi cuộc đột kích, mọi chiến dịch. Anh chưa hề cau mày. Đã vậy, anh còn luôn tử tế, vui vẻ, đúng mực do đó cấp trên và thuộc cấp đánh giá anh rất cao. Anh như thể đã sống cuộc đời mới. Các sĩ quan luôn tin anh. Chuyện về anh có rất nhiều. Hỏi bất cứ ai thì anh ta sẽ kể lại việc anh đốt sách báo quân Đức, đã cứu viên đại úy khỏi súng máy của kẻ thù, đã vác xác đồng đội đã chết ra sao. Xem ra, anh chẳng màng đến sinh mạng mình, chỉ chờ trông các thách thức.
Nhưng về đêm, khi còn thức một mình trong doanh trại, anh nhớ cha mẹ, các chị em và chảy nước mắt. Anh gởi về nhà phần lớn lương tháng của mình. Chưa tuần nào anh không viết thư về thăm cha mẹ. Anh âu lo nhất cho cha anh, là người vì anh mà bị cầm tù. Sẽ có ngày anh quỳ trước cha anh, mong tha thứ và cha anh có tha thứ cho anh không?
***
Đã bốn năm ba tháng trôi qua. Có một đám đông trước nhà tù Naini. Buổi tối. Có nhiều tù nhân đã mãn hạn tù. Gia đình họ đến đón họ trở về nhưng lão Bhagat Singh vẫn ngồi ủ rũ trong phòng giam. Lưng ông cong như một cái cung. Ông gầy trơ xương. Người ta có thể đếm được xương sườn ông. Hình như một nghệ sĩ tài hoa nào đó đã tạc bức tượng người đàn ông đau khổ là ông. Ông đã mãn hạn tù nhưng không có ai đến đón ông về nhà. Ai sẽ đến? Gia đình ông có còn ai không?
Một tù nhân già nhưng vạm vỡ đến lay nhẹ ông và nói:
– Nói cho tôi biết, có ai đến đón anh không?
Bhagat Singh nói bằng giọng run run:
– Gia đình tôi còn ai không?
– Anh sẽ về nhà chứ?
– Nhà tôi ở đâu?
– Chẳng lẽ chúng ta ở đây mãi?
– Nếu người ta không đuổi tôi đi, tôi sẽ ở đây.
Hôm nay, sau bốn năm, Bhagat Singh nghĩ về đứa con lưu đày đã bỏ nhà đi. Vì nó mà đời ông tàn tạ, danh dự bị hoen ố, gia đình tan nát. Ký ức làm ông không thể chịu đựng được. Nhưng hôm nay, sau khi bị chìm trong đau khổ, ông cố quên đi điều vô nghĩa kia. Ông không biết điều gì đã xảy ra với đứa con khốn đốn. Nó hư hỏng nhưng vẫn là con ông, là máu mủ. Nếu tôi chết, nó sẽ khóc. Nếu tôi khát, nó sẽ mang cho tôi nước. Trời ơi! Tôi chưa bao giờ đối xử bằng yêu thương với nó. Nếu nó ngỗ nghịch, tôi đã vồ nó như thần chết vồ. Có lần nó đi vào bếp mà không rửa chân. Tôi treo ngược nó để trừng phạt. Nhiều lần tôi tát nó chỉ vì nó nói to tiếng. Nó là cậu bé trẻ trung nhưng tôi đã không quý nó. Tôi trừng phạt nó là do vậy. Gia đình sẽ ra sao nếu thiếu tình yêu thương?
***
Bình minh. Mặt trời sáng sủa nhô lên. Các tia nắng hôm nay ngọt ngào, dịu hiền, khí trời mát mẻ, bầu trời vui tươi, cây lá xanh rì, chim hót ngọt ngào. Thiên nhiên nhuốm một màu hy vọng nhưng với Bhagat Singh, xung quanh là tăm tối.
Cai tù đi tới. Tù nhân xếp hàng. Viên cai tù lần lượt đọc lệnh phóng thích cho từng người. Các khuôn mặt của tù nhân bừng sáng. Họ vui mừng đi tới phía viên cai tù khi được gọi để nhận lệnh phóng thích. Họ chào viên cai tù, ôm hôn bạn tù và rời đi. Bạn tù thân sẽ chạy tới và ôm chặt họ. Có ai đó cho tiền. Kẹo được phát ở đâu đó và cai tù được tặng quà. Hôm nay, cư dân ở địa ngục là hiện thân của lòng tử tế.
Cuối cùng, tên ông Bhagat Singh được gọi. Ông cúi đầu, chậm chạp đi tới phía cai tù và nhận tờ lệnh. Sau đó bước về phía cổng nhà tù. Ông như bị biển cả làm cho chao đảo. Ông bước ra cổng và ngồi bệt xuống. Ông sẽ đi về đâu?
Bỗng có một người lính trẻ cưỡi một con ngựa ô phi nước đại về phía nhà tù. Anh mặc quân phục bằng vải khaki và đội khăn quấn đầu nhiều màu. Anh ngồi kiêu hãnh trên ngựa, sau lưng anh là một chiếc xe ngựa bốn bánh. Khi lính coi tù thấy viên sĩ quan là anh, họ bồng súng đứng chờ và chào anh.
Ông Bhagat Singh nghĩ, “Ai mà may mắn có xe ngựa bốn bánh đến đón vậy? Tôi là kẻ đau khổ, không có ai đến đón”.
Viên sĩ quan nhìn quanh rồi xuống ngựa, đến đứng trước ông Bhagat Singh.
Bhagat Singh chăm chăm nhìn anh rồi thét lên:
– Con trai Jagat Singh của ba!
Jagat Singh quỳ xuống trước ông, nước mắt chảy đầm đìa.
Premchand (1880 – 1936) được xem là một trong các nhà văn lớn ở thời kỳ đầu của văn học Ấn Độ. Premchand là nhà báo, nhà viết kịch, dịch giả, tiểu thuyết gia và là nhà văn viết truyện ngắn, với gần 300 truyện. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội các nhà văn tiến bộ Ấn Độ (Progressive Writer’s Association).
Truyện ngắn Premchand có nhiều chủ đề, trong đó có tiếng nói phản kháng thực dân, kêu gọi lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phơi bày nỗi thống khổ của con người do áp bức, sự phân biệt đẳng cấp…
PREMCHAND (Ấn Độ)
TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch
Dịch từ tiếng Anh, trong Premchand, The complete short stories, Volume 1, Penguin Books, 2017.