(VNBĐ – Tản văn).
Vết phèn xỉn nâu góc móng chân
Má vội mang về bên kia cánh đồng bạc trắng…
Có lần, trong một truyện ngắn, tôi viết câu “Da mặt nhiễm phèn từ thuở sơ sinh”, kỳ thực là tôi bị ám ảnh bởi cái vết phèn vàng vàng nâu nâu thâm xỉn nơi góc móng chân của má tôi. Ngồi một mình tôi đã nhớ đến nó, nghĩ bụng, khi nào về hè sẽ cắt móng chân cho má và cạo cái vết phèn ấy. Bẵng đi đến năm cuối, bài vở và những cuộc ôn tập liên tục cuốn trôi các giáo sinh vào vòng xoáy thi cử, lại nghĩ, tốt nghiệp xong sẽ về nhà, sẽ ngồi với má thật lâu, sẽ thực hiện cái công việc nhỏ nhặt mà ám ảnh thành vết trong lòng đó.
Rồi ra trường, rồi bộn bề trường mới, lớp mới. Vào Ban giám hiệu lại họp hành liên tục, về nhà loáng cái lại ào đi. Có lúc đi nửa đường sực nhớ định quay về lại nhưng lại sợ trễ nãi công việc, lại hẹn. Có lúc nuôi má nằm chữa trị trong bệnh viện, vết phèn nơi cái móng chân ấy ngày nào cũng đập vào mắt, nhớ, nhưng nỗi lo bệnh tình của má lấn át tất cả, lại hẹn. Cũng thời gian đó, tôi lập gia đình, đầu tắt mặt tối với cơm áo gạo tiền, lại con mọn, lại nơi sống mới, lại hết lần hẹn này đến lần hẹn khác…
Ngày má tôi đi xa, tôi cũng không về kịp. Mỗi lần nghĩ tới má, cái góc móng chân xỉn nâu ấy lại hiện lên nhoi nhói, tức ngực. Tôi mãi thầm trách mình, sao chỉ một việc làm cỏn con ấy mà năm bảy lần hứa, cuối cùng cũng không làm được.
Mãi sau này, tôi mới hình dung hết cuộc đời cơ cực của má tôi. Trong cuộc dồn dân về ấp chiến lược Văn Mỹ, má gánh hai anh em tôi hai đầu quang gánh, lúc ấy tôi một tuổi, anh ba tuổi. Để cân bằng, bên thúng tôi ngồi được móc thêm mấy gói quần áo, gạo muối. Ba tôi mất do cuộc chiến tranh đến hồi ác liệt lúc ấy, vừa lo hậu sự, chịu tang chồng xong, nước mắt còn dầm dề, má vội gánh anh em tôi chạy băng qua vùng lửa đạn để theo kịp đoàn người đùm túm dắt díu phía trước. Đường lầy lội trơn trợt lắm, má phải vừa chạy vừa bấm hai ngón chân cái bập xuống đường, hình như do thường xuyên bấm ngón chân trên những con đường đất sét sình bùn như vậy nên hai ngón cái của má lúc nào cũng co cụp, đầu ngón phình to, chai cứng, gần như là tật nguyền.
Mình má tần tảo một nắng hai sương nuôi con với bao nhiêu gian truân khổ ải và cả nước mắt tủi nhục. Những ngày đầu ở ấp chiến lược, gia đình tôi phải lay lất với đời sống thiếu thốn trăm bề. Sau nhờ mấy người bà con giúp đỡ, chỉ vẽ, ngoài thời gian làm một vụ rẫy trồng dưa lấy hột theo mùa mưa, má còn đi cấy mướn gặt thuê khắp cánh đồng Phong Điền thuở đó. Vết phèn chắc là do những tháng ngày liên tục dầm chân dưới ruộng, kì cọ cũng không ra nữa. Mà cả đời má có bao giờ má nghĩ gì cho riêng mình, huống chi là việc chăm chuốt cái móng chân. Trong ký ức tôi, hình ảnh má lúc ấy, gầy rộc đi, xanh như tàu lá. Má đã hy sinh hết cả cuộc đời cho anh em tôi, vô điều kiện, má sống trọn vẹn cho tình yêu thương các con mình, vậy mà chỉ một việc nhỏ, chỉ vài phút thôi cho má, mà tôi đã hứa lần, hứa lữa.
Tôi cứ trách mình sao mải mê trong đời sống ích kỷ. Thực sự là đời sống của tôi cũng quá khó khăn, cũng quá nhiều phen lên bờ xuống ruộng, nhưng không phải là không có đủ thời gian cho một chuyến về với má, cho một sự chăm sóc quá đơn giản, quá nhỏ nhặt kia. Giờ, nhớ lại, nghĩ lại, đau thì đã đành, không tha thứ cho mình thì đã đành, trĩu ngực, tức ngực những lúc nhớ má đã đành, khổ nỗi, mỗi lần dạy con mình hiếu thảo, tôi thật sự thấy ngượng miệng, thấy hổ thẹn với chính mình, thầm hổ thẹn với các con.
Đường về nhà má bây giờ là đường về nghĩa trang. Mỗi năm giỗ má, tôi chọn mua bó hoa thật đẹp về cắm trước bia mộ, nhưng rồi tất cả chợt trở nên vô nghĩa khi tôi nhớ đến cái vết vàng vàng nâu nâu xỉn màu ấy. Vết phèn nơi móng chân của má giờ đã thành vết phèn bám rịt lấy tim tôi.
Nếu cần rút ruột truyền lại các con mình điều gì đó, tôi sẽ nói: Ở đời, có những điều tưởng nhỏ nhặt nhưng khi mình không làm được, không làm kịp, thì sau này trở thành nỗi ân hận lớn lao. Và nữa, đường về nhà ba má mình không bao giờ xa cả, các con ạ!
NGUYỄN HIỆP