Về nhà sớm mai

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). 

1.

Trong mơ màng, chị nghe tiếng gà. Tiếng gọi tịnh thức cho một cơn mộng đang giãy giụa. Những nổi trôi của vệt sáng ngoài trời kéo dài từ chân núi Cần Lao. Lũ kiến gọi đàn men theo lối mòn dưới núi. Hình như chúng kéo lá về xây những cái tổ hình quả cầu chắp nối. Thứ rời rạc mang mùi hương của kiến chúa dưới đụn đất.

Chị xoay lưng với cơn dùng dằng níu giường. Cái vách tường tróc sơn đang pha bạc con nắng đầu ngày. Tóc chị hẩy chút vàng, chui tọt vào mí mắt. Cái mí hé ti hí đủ để người ta biết mình chưa thực ngủ. Chị vẫn biết vòi nước hở van đang nhỏ giọt vào thau nước ngoài lu gốm. Hay con gà trống vừa gáy xong đã cục cục đi đào đất tìm giun cho bọn mái mơ.

Bà Bá kéo cửa. Cái tiếng kéo ken két đặc trưng của sắt rỉ dưới mưa kèm chút hậm hực. Bà chẳng muốn ai ngủ khi mình đang thức bảnh mắt.

Chị cựa vai, gối cọ sột soạt vào mái tóc uốn xoăn lọn to. Cái gương mặt ngái ngủ đang giăng mắc sự bất chấp. Có bữa chị quen con mắt trong cái mê man dính đầy ghèn, chị chờ lũ kiến tha xong mớ lá mới xoạc chân xuống giường. Bà Bá la to. Tiếng la lối đầu mai làm cả ngày hậm hực. Rồi cũng quen. Mà quen dễ kéo thấp cái ngưỡng gọi là tạm chấp nhận. Hai người chịu đựng nhau. Qua ngày tàn tháng tận, khi lũ kiến kéo gần hết mớ lá bìa rừng.

Bà Bá hỏi dò lần thứ ba mươi sáu. Này, cái thằng bữa nghe nói làm nhà máy gạch ngoài bãi, dạo này sao không tới nữa? Chị dụi má vào cái gối thêu hình con cò co chân. Ghèn nhầy nhụa từ mắt. Chị chẳng biết mình cần nói gì hoặc có nên thức dậy. Cái thằng chẳng có một dòng tin nhắn đã vội xuống thẳng nhà nói như rồng leo, rồi lặn mất tăm không sủi bọt, thì có gì để đợi? Bà Bá thích hỏi như một cách tu từ chẳng cần đáp lời. Hệt cái việc chị nhập nhèm chẳng tỉnh khi gà đã gáy.

Bà Bá chép miệng. Con Hiên đã gả lần hai. Con nó cũng vào lớp sáu. Chẳng biết chị đợi gì ở duyên số vô định trên đường chỉ tay chảy ngang dưới ngón út. Ba cái hứa hẹn mịt mờ của bọn đàn ông xứ ngoài làm chị bỏng tai. Rồi giờ người ta cũng qua đất nước cách nước mình nửa vòng, bay miên mải gần trọn một ngày. Rồi giờ người ta cũng kiếm được cái quốc tịch rồi ở bển định cư. Rồi giờ người ta cũng chả là gì của chị. Ừ thì bọn đàn ông họ hứa. Hay thôi, ưng thằng làm nhà máy gạch? Bà Bá lại đâm ngang họng. Chị bực bội thở hắt. Bước đi của chị trĩu trịt như dưới chân đang kéo chẳng phải đôi dép lê xỏ ngón. Bà Bá phiền thấu chị. Chị cũng chẳng hơn.

Chị vốc mớ nước từ chiếc van hở nhỏ giọt, dội thẳng lên mặt. Mớ tóc mái dính đùm riết lên má, lên trán.

– Quét nhà đi!

Bà Bá hét lớn. Chị lầm lì cầm cái chổi dừa dựng ngược cán cạnh chái bếp. Bước ra sân sau, chị thấy lá xoài rụng đầy dưới đất. Những mảnh lá ướt đẫm sương đêm đang phân hủy còn mảnh gân và chút vụn lá, dính nhớp dưới nền chẳng cách nào dùng chổi gẩy lên.

– Rồi cái thằng nhổ măng trong Đồng Trâm? Hay…

– Mẹ! – Chị khó thở hệt mấy ngàn cái cân treo trước ngực, kéo giãn xuống đất tới độ muốn thòng tim.

Miệng bà Bá xệ xạc hơn treo hũ dầu phộng vừa ép lên vành môi. Ờ, mầy cứ hét lên, to lên, đồ con lỡ thì còn bất hiếu. Bà Bá nói xong liền nhổ xoẹt một ngụm nước bọt xuống nền nhà vừa quét. Nhơ nhớp và dính mắc khiến lũ kiến tha lá phải chết đuối trên bờ, ngay con đường về tổ.

Chị cúi gằm. Một nửa gương mặt đang in bóng lá xoài già. Chị nghe bên kia bờ rào, nơi có chuồng bồ câu của nhà ông Quy Nhơn, hình như bọn nó đang gọi nhau tạo đàn mới. Chị nghe bằng tâm cái thú ngữ của loài chim hiền hòa, chứ cũng chẳng biết có phải một loại ảo giác của việc thiếu giấc. Nhưng lại nghe, bọn chúng vỗ cánh. Cú đập cánh dứt khoát trong chuyến bay sáng chắc sẽ chẳng quay về tổ vào chiều. Dễ lần này nhà ông Quy Nhơn lại để xổng chim trống tổ. Mà nhắc tới ông Quy Nhơn, đó không phải một cái tên theo kiểu khai sinh. Ông ta vốn giấu bặt tên họ, từ cái ngày nhảy thụp xuống xe khách vào ba năm trước. Nhưng làm gì có ai chẳng có một định danh. Thế là người ta gọi tên theo cái bảng quảng cáo của tiệm sửa điện tử Quy Nhơn mà ông ta mở. Đó giờ gọi trước mặt, cũng chẳng thấy ông ta phản bác lần nào.

Ông Quy Nhơn chẳng phải người Quy Nhơn. Cái giọng rặt Bắc với đôi từ khác biệt với dân xứ nẫu khi gọi tên đồ dùng nhà bếp chỉ cần nghe là biết. Ông ta thích ăn thịt chó và uống rượu đế mỗi chiều. Tiếng lè nhè của ông Quy Nhơn như một hệ quy chiếu thời gian. Nhiều khi quét sân nghe ông ta cụng cạn, chị mới giật mình biết mình ngủ vùi trong chăn thiệt lâu và bà Bá thì sáng đó chẳng mở cửa.

Chị quét tới ổ chó. Con chó vàng đang xoắn đuôi. Nó được xin từ ngày chưa mở mắt, bện hơi nên giống chị. Nó mới hai tháng và chẳng bao giờ muốn ngồi im. Bốn chân ngắn xiêu vẹo chạy khắp vườn, dẫm nát vài mảnh rau cải vừa nhú của bà Bá. Chị đưa lưng về giếng để che, lom khom trồng lại trước khi bà Bá ra sân rồi làm bão nổi. Chị cùng con chó thậm thụt như làm gì sai quấy, lén lút trong chính ngôi nhà của mình chẳng khác gì kẻ trộm.

– Bữa nay đi cùng tao xuống nhà cậu Chánh. Ăn mặc tươm tất, vứt cái áo đen sì giống đứa mở cửa xe trước cổng nhà khách đi, không là tao xé hết!

Bà Bá bước ra. Giọng bà bớt to nhưng vẫn cay nghiệt. Rồi bà đưa chân hất bay con chó vàng. Nó ẳng một tiếng lăn xuống đám rau cải vừa trồng lại. Chắc là số mấy cây cải đó phải sống xiêu vẹo bởi lưng con chó. Mà cũng chẳng biết có sống nổi không, khi đã bung gốc hai lần.

Chị vẫn chưa ngẩng mặt lên. Chị hiểu ý bà Bá. Lại những cuộc xem mắt kệch cỡm khi biến mình như món hàng. Bà Bá thường dùng mối tình với tên đàn ông họ hứa đang ở xứ cờ hoa để châm chọc mắt xem đàn ông của chị. Và rằng nếu như chị cự cãi chống đối sự sắp đặt, chính là một đứa không biết điều.

Chị theo chân bọn kiến tha lá, men theo lối mòn ngoài vườn vào nhà. Những dãy quần áo xám xịt và bệ rạc như chính chị hôm nay, vào cái tuổi 39. Chị tròng lên một bộ váy màu vàng nhạt. Con Hiên hôm trước cho chị lọ kem chống nắng mà nó không thích dùng. Chị bôi lung tung lên mặt thay phấn nền, trắng cót và ran rát như kiểu lỡ dính dầu cù là lên má. Môi cũng tô bằng thỏi son từ ngày còn làm ở công ty trong thành phố, với cái đầu mòn dẹt và nhão nhoét.

Con chó chạy theo chị. Nó xoay mòng mòng dưới chân như mấy người thổ dân nhảy đống lửa trong một tục cầu nguyện. Nó cố với mõm lên nhưng chẳng cắn được làn váy ngang đầu gối. Chị đổ cho nó ít nước vào thau cùng tô cơm chan mắm. Dù có đi bán chính mình, mau hay lâu, thì cũng chẳng thể để nó đói. Nó không giống bọn kiến lang thang khắp chân núi Cần Lao, biết đi lang bạt kỳ hồ để kiếm ăn, tha lá.

Bà Bá đã bóp còi bim bíp. Như tiếng cửa, còi xe của bà Bá cũng mang thanh âm nhân vi. Dồn dập và có phần bực dọc. Bà Bá đang hối thúc. Chị ngồi trên yên sau. Bà Bá già rồi, nhưng chẳng bao giờ muốn giao tính mạng vào tay người khác.

2.

Nhà cậu Chánh có cái xe tải trước cửa. Cậu dùng xe chở mì gòn đi bỏ mối ở mấy chỗ, kiếm vài trăm triệu cho con Hiên trả góp mua chung cư trong Sài Gòn. Chắc Hiên nó biết cha mình chẳng bao giờ mặc kệ nó, nên cứ không vừa ý với chồng là nó bỏ về ngay trong đêm với chuyến bay đặt gấp giá đắt hơn ba, bốn lần. Nó có tư bản để tùy hứng.

– Vào đây.

Bà Bá đẩy vai chị cái uỵch. Trong nhà đã có hai người đàn ông, một là cậu Chánh. Chị ngước mắt lên, chợt trợn to như bị hóc xương cá. Cha má ơi, cái ông Quy Nhơn già lọm khọm chỉ vô tình ngồi hay có chủ ý? Mắt ông ta lia thẳng xuống cẳng chân chị. Giá mà lúc nãy chị để con chó cắn xệ dài gấu váy giùm chị. Chị thấy chân mình như bị gai chích.

Ông Quy Nhơn cười nham nhở, hàm răng vàng chóe vì nghiện thuốc lá. Ông ta bắt đầu nói về cái tiệm sửa đồ điện cứ tới chiều là đóng cửa của mình, về những chai rượu ông ta thích và rào trước sẽ cần một cô vợ biết nấu được món nhậu. Chẳng có một câu mang tính xây dựng. Chị vẫn chẳng biết tên họ hay gia đình ông ta. Bà Bá nhéo tay chị, gật đầu ra hiệu. Chị nhìn sang cậu Chánh. Cũng là những cái gật gù. Cỡ mầy như vậy là quá tốt rồi. Chị cắn môi hằn vết răng. Chị nhớ người chồng thứ hai của con Hiên được chọn kĩ như một kì thi sát hạch bằng lái. Chẳng ai xem nó như dưa nứt táo vẹo cần bán gấp. Cũng chẳng thấy cậu Chánh hay bà Bá đưa nó tới trước mặt ông Quy Nhơn rồi khen ông ta là người tốt.

Những con kiến tha lá chắc đã về tổ. Chị cúi gằm mặt xuống nền nhà, nơi có mấy khe rãnh giữa hai miếng gạch. Vài con kiến đang tha mấy vụn bông lan từ cái bánh mà ông Quy Nhơn ngấu nghiến. Bọn chúng không đi tha lá xây tổ như bọn kiến ở núi Cần Lao. Chúng đã có cái tổ trong căn nhà có lắp máy lạnh mát rượi như trời thu tháng Mười.

Chị ngẩng mặt lên. Lần đầu chị dùng mắt để đối diện với bà Bá. Chị nói câu từ chối bằng mắt, và cũng dùng mắt để van lơn. Đôi mắt của chị đục và mờ dần như chực chờ rớt xuống thành dòng. Bà Bá nhíu mày, vươn tay đánh chị mấy cái điếng người. Thế mầy muốn chọn kiểu gì, diễn viên tài tử hay mấy ông sếp lớn? Rồi bà Bá quay sang ông Quy Nhơn. Cái giọng the thé đổi sang đon đả. Bà gọi tên người đàn ông chỉ nhỏ hơn mình hai tuổi bằng cháu, và cười phơ lớ như vừa bán được con bò già.

Chị nghiến chặt răng, bật dậy. Cái ghế đẩu xô lệch kêu két. Lần này chị từ chối bằng câu chữ. Khi đôi mắt đã chẳng còn giá trị, việc gì chị phải giữ mặt mũi cho ai. Rồi lại có tiếng két của ghế. Ông Quy Nhơn xô ngã. Đôi mắt ông ta long sòng sọc như muốn nuốt chửng cả hàng lông mi. Rồi ông ta bỏ đi, nhổ toẹt một bãi nước bọt ngay cạnh cái xe tải mì gòn. Mấy người như ông Quy Nhơn hay bà Bá, hay vô số người sống mòn ở chân núi Cần Lao, hình như đều có cách thể hiện lòng mình bằng bãi nước bọt nhơ nhớp.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Chị cúi gằm mặt. Bà Bá đang đập bôm bốp vào ngực. Bà than trời than thân, rồi dùng chân giẫm nát mấy con kiến cho hả giận. Kiếm ăn ở nơi này có vẻ cũng chứa cơ man nguy hiểm. Phận con kiến thì ở đâu cũng là con kiến.

Loay hoay mấy giờ than thân, rồi bà Bá cũng ngừng nghỉ bằng tiếng bóp còi. Chị lại lên yên sau, ngồi cách bà Bá một khoảng chừng hai bàn tay của kẻ khổng lồ trong phim bom tấn. Cái không khí quánh đặc giữa hai người như hóa thành thực thể, bóp nghẹt tim chị. Rõ ràng chị đã ngừng nghỉ cái mong chờ lâu lắm, nhưng sao vẫn cứ xốn xang chờ một câu quan tâm thiệt lòng. Không biết trên trời cao mấy ngàn trượng, cha chị có kịp thấy cái nóng rẫy trong mắt chị chưa. Hay cha chỉ nhìn tới cái đập ngực của vợ ông ấy là bà Bá. Đôi mắt của ông chẳng biết còn sáng rõ với tật viễn thị hay đã bị mây mờ che khuất. Chị chợt muốn thấy lại đôi mắt của ông, để nhìn sâu vào, để gửi lời hỏi thăm dù bằng tâm tưởng.

3.

Càng gần chân núi Cần Lao, đàn kiến tha lá càng có vẻ hỗn loạn. Chị chẳng hiểu sao mình lại nhìn rõ bằng đôi mắt người trần, thấy vội vàng trong bước chạy của bọn nó. Chị nghĩ tới đàn chim bồ câu nhà ông Quy Nhơn. Cái đàn chim đập cánh dữ dội ban sáng. Nó cũng như trốn chạy và có lẽ chiều nay sẽ chẳng bay về. Chị nghĩ tới con chó vàng cứ chạy ngả nghiêng làm nát đám cải non. Nó cũng làm mấy cú xoay vòng quanh chị như cái tục cầu nguyện và quyến luyến. Chị thấy cái cửa nhà he hé mở trước mắt. Bà Bá lái nhanh đến nỗi chị chưa kịp có cảm giác về nhà. Thậm chí trong nhiều cơn miên mải mấy năm nay trong chính căn nhà có bà Bá, chị vẫn cứ khắc khoải nhớ nhà, muốn về nhà vào một sớm mai.

– Xuống xe!

Bà Bá đạp chống mà chẳng chờ chị dừng cú đà quán tính. Chị nghiêng ngả rời yên, lảo đảo vào nhà. Bà Bá nhăn trịch mày nhìn chị như một tội nhân cần xử bắn. Bất kỳ đứa con gái lỡ thì làm bà bị hàng xóm dè bỉu đều cần phải chịu tội.

Chị nhìn đàn kiến trên lối đi, rồi lần mắt tìm con chó vàng. Nó không ở cạnh luống rau, hay cái tô cơm đầy ắp. Nó chưa ăn và cũng chẳng uống. Từ bao giờ mà nó dám chạy đi chơi rồi bỏ ăn như thế. Chị chạy xộc ra sau. Chẳng có gì ngoài cây xoài và tổ chim bồ câu xéo ngang ở nhà ông Quy Nhơn. Hơi thở chị dần dồn dập. Chắc người ta đều có điềm báo về tương lai, chị dùng đôi mắt trần để tìm hơi thở của nó. Chẳng có. Nó đã đi đâu xa trước khi chị về nhà. Chị ngồi thụp xuống nền sân vừa quét lá. Bọn kiến né ngang qua chị.

Chị nghe tiếng “dô” thật to. Nhà ông Quy Nhơn lại tổ chức nhậu. Ông ta về trước chị và kịp nốc vài cốc rượu đế. Chị thấy ông ta nheo mắt nhìn chị. Cái hàm răng ố vàng đang gắp từng miếng mồi nhắm, ngấu nghiến. Lần đầu chị ngó kĩ đôi mắt ông ta. Đôi mắt đầy sự hả hê cùng thách thức. Chị rùng mình từng chặp. Chị sợ hãi đảo mắt.

– Trời ơi!

Lần đầu chị hét lớn như bà Bá. Chị thấy cái gì sao? Chị thấy quân sát sinh ác ôn. Trong cái bao rác mở rộng hoác của nhà ông Quy Nhơn là một cái đầu chó.

Đôi mắt chị hằn lên từng vệt đỏ sậm như người chìm trong cơn sốt cao. Tay chị run rẩy. Chị xé tan hàng rào, những bụi gai hoa giấy cứa vào da chị. Máu chị vẩy giọt như hòa cùng máu của con chó vàng. Giọt máu nóng trùm lên giọt máu lạnh, như ngọn lửa đỏ giăng đổ lối đi của bọn kiến tha lá. Chị bước tới cái đầu chó với đôi mắt trợn to. Chị nắm chặt cú đấm.

– Sao ông dám?

Làn khói trắng phả xộc vào mặt chị. Chị sằng sặc ho như người lên cơn lao. Mắt chị trợn đầy căm thù. Ông Quy Nhơn ngả ngớn dựa vào ghế, ngón tay gẩy điếu thuốc, những tàn lửa đỏ rớt xuống cái đầu chó. Chị xông tới giật lấy túi rác. Mùi của sự chết chóc nhảy lên óc chị.

– Là con chó thì cần hiểu vị trí của mình.

Ông ta nhếch mép rít một ngụm thuốc. Cái miệng dính nhớp mỡ đang thổi hơi chó vào mặt chị. Thuốc lá cũng chẳng ngăn được mùi của sự táng tận thiên lương. Chị giật lùi, thở hổn hển như cá mắc cạn.

Bà Bá đứng cạnh cây xoài già. Chẳng biết bà đứng bao lâu, chỉ thấy lũ kiến đã kịp vòng qua chân để kéo lá. Bà Bá nhìn chị, nhìn cái đầu chó trong túi rác, rồi ngó ông Quy Nhơn. Chị liếc bà Bá, trừng ông Quy Nhơn, rồi ôm ghì cái đầu chó.

– Vào nhà! Chỉ là một con chó.

Đoạn bà liếc xéo chị, hét lớn:

– Cũng do mầy!

Rồi bà quay lưng, đập bôm bốp vào cửa sắt. Bà Bá có vẻ bực dọc. Một ký chó thịt cũng đã khối tiền. Bà Bá giận, nhưng bà không dám nói. Chị cụp mắt, mặt vô hỉ vô bi. Chị xiết chặt đầu chó. Con chó không nhắm mắt, lưỡi lè ra như an ủi. Đến chết nó vẫn sợ chị buồn. Tự nhiên chị lạnh toát, chẳng biết khi nào mình cũng giống con chó. Đời người, đời chó, như một mớ len rối nùi chẳng cách nào gỡ. Chị nhìn ông Quy Nhơn thật sâu bằng đôi mắt như giếng cạn. Rồi chị quay lưng. Cái đầu chó được ôm về cùng bao rác hôi thối đầy kiến.

4.

Chị chôn đầu chó dưới gốc xoài. Thứ mai táng kèm theo chỉ là mớ lá giật từ bọn kiến lửa cùng cọng cải ngả nghiêng. Rồi thì cây cải cũng về trời cùng bóng lưng con chó.

Bà Bá hắt xô nước rửa cá. Mùi tanh nồng của cá sắp ươn trộn vào mớ đất bên gốc xoài. Bà Bá lẩm bẩm câu đen đủi. Ai bảo nghĩa tử là nghĩa tận. Chứ trong cái nhà có bà Bá, tận cùng của chết tâm lý là chết sinh học, sau đó mới là sự giải thoát một nửa. Nửa còn lại phải xuống đấy xem ở tầng bao nhiêu.

Bà Bá liếc khẽ nhà ông Quy Nhơn rồi bỏ vào trong. Bà chỉ dám liếc khẽ.

Lũ kiến vẫn miệt mài tha lá. Chúng cố gộp đủ số lá bị chị giật. Không hờn giận hay hỏi tại sao. Chị cười nhẹ. Đi nhé. Rồi chị rải nắm đất cuối. Nắm đất quê nhà mà con chó hay lăn dưới lưng.

Chiều tà, đàn kiến đã dừng tha lá. Chúng chậm chạp chờ hiệu lệnh ăn tối từ dưới đụn đất. Chị cũng chờ bà Bá. Những bữa ăn không bắt đầu khi mình đói. Chị lúi húi ra sau thu mớ đồ vừa ráo ngoài sào. Chị khẽ ngó sang chuồng bồ câu. Chẳng có một con nào về tổ. Nhà ông Quy Nhơn vẫn còn tiếng lè nhè sau cơn say, cùng thứ âm nhạc đặc trưng từ loa kẹo kéo. Ông ta vẫn không tỉnh dù chưa tới giờ ngủ, và cũng chẳng kịp phát hiện bọn bồ câu đã bay. Loài chim hiền hòa cũng muốn gây chiến.

Bà Bá khua chén. Tiếng chén lạo xạo cùng đôi đũa đập vào chạn. Ngày nào bà Bá cũng dùng âm thanh đồ vật để nói chuyện tâm tình. Những tâm tình dọc ngang đầy nỗi bực khó hiểu. Bà Bá tự vẽ lên mặt nhiều nếp nhăn.

– Còn chờ tao hầu mày ăn?

Chị mím môi, lủi thủi vào bếp. Đôi khi chị mong Bà Bá dùng thể mệnh lệnh, chẳng hạn “Vào ăn”, hoặc đại loại. Những câu hỏi rặt màu cảm xúc của bà làm chị bức bối. Cả những câu dò hỏi khiến người ta nuốt không trôi. Thằng đào măng, thằng lò gạch,… Bà Bá như người bán hàng đêm giao thừa, vừa bán vừa cho để kịp đón Tết. Cái Tết của riêng bà.

Chị và cơm máy móc. Rồi chị thẩn thơ. Chị nhớ về tin nhắn ban nãy sau khi chị chôn con chó vàng. Tin nhắn từ số lạ của một người đàn ông tự xưng là chú của tên họ hứa. Chú ta hỏi thăm tình hình gần đây. Nhưng để làm gì đâu? Chị tiếp tục và cơm trong vô thức.

Ánh sáng đèn điện hắt từ nhà ông Quy Nhơn. Tiếng chửi rủa cũng truyền sang qua dãy hàng rào. Tiên sư bố đứa nào bắt bồ câu nhà ông. Rồi tiếng đá rầm rập vào chuồng chim. Những thanh âm thình thịch làm người ta sợ hãi. Chị chợt hối hận vì lúc nãy chưa đóng cửa sổ. Chị thấy ông ta liếc xéo. Nhưng nếu giờ ngăn cách mắt ông ta, dễ lại bị cho là chột dạ. Bọn bồ câu có cánh, có lẽ chúng chỉ muốn tránh xa gã chủ lè nhè để có giấc ngủ yên. Nhưng ông Quy Nhơn luôn cho mình hoàn hảo. Mọi sự có lỗi là ở người ngoài. Tự nhiên chị dừng đũa, chẳng nuốt trôi. Bà Bá cũng im bặt, nhưng tiếng lách cách chén đũa vẫn vang. Bà Bá lại dùng âm thanh đồ vật để phát tiết.

5.

Một đêm vô mộng. Tiếng động cơ ầm ập gọi tỉnh chị. Trời sáng trước tiếng gà và bà Bá chưa có cớ đập cửa. Bà ấy đang cầm kéo cắt ngang bụi hoa hồng, vứt đầy bao rác. Chẳng biết mới sáng ra ai đã chọc giận bà. Chị run nhẹ hai vai.

Tiếng nói lao xao cũng gọi bọn kiến tỉnh giấc. Chúng lại tha lá dưới chân núi. Những công việc thường ngày nhàm tới đơn điệu. Chị cũng nhìn bọn nó đến chán ngấy. Bên hàng rào nhà ông Quy Nhơn, vài người mặc sơ mi đóng thùng đang cầm trên tay những tập hồ sơ. Cây bút hí hoáy ghi gì đó sau những lần cong dây đo đạc. Rồi tiếng cãi cọ nổi lên. Ông Triều chủ nhà đang vỗ đùi phành phạch. Ông ta kéo tay ông Quy Nhơn như tìm đồng minh. Kẻ thuê nhà mới lè nhè say hôm qua bật dậy hầm hừ cho có lệ, rồi lẻn ra ngoài chái hiên hút thuốc. Đôi tay ông Quy Nhơn run run, nhác có vẻ sợ sệt. Chẳng thấy chút hung dữ chiều qua bên cái đầu chó.

– Kết quả đo đây. Nhà xây trái phép, lấn lộ giới. Chú ký vào biên bản này rồi lãnh tiền đền bù nhà cửa. Mai mốt người ta tới đập để mở rộng Quốc lộ 19, chú nhớ phối hợp.

Người đàn ông đeo kính trầm giọng. Rồi ông ta chìa tờ biên bản. Thì ra là cán bộ xã. Chị tựa cửa trông sang. Ông Triều hãy còn giãy nảy. Ông ta giật phăng tờ giấy, lấy cây bút hí hoáy viết vẽ. Đoạn lên giọng thật to, đây nhé, theo định lý Pytago, bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông. Miếng đất nhà tui chỗ này rõ ràng không dư, làm gì có chuyện lấn đất. Mấy ông muốn mở rộng quốc lộ, thì cần đền bù nhiều hơn gấp ba. Nếu không thì đừng hòng tui ký.

Người cán bộ lại nheo mắt thở dài. Hình như đã là lần thứ ba mươi hai. Những người như ông Triều không hiếm. Ông Triều sai, nhưng không dễ giải quyết cho êm. Càng cự cãi lại càng khó coi. Rủi ai lấy điện thoại quay phim đăng mạng, chắc nửa đêm lại phải chạy đi giải trình. Nhưng cũng chẳng thể mềm như quả hồng để bị chắt bóp. Người đàn ông húng hắng ho, rồi lấy ra mấy giấy tờ sổ đất. Vừa nói vừa răn đe, rồi quay ngoắt bỏ đi. Ông Triều đứng sượng trân, nhìn hàng xóm giống ông đang kí tên nhận tiền. Lỡ đâu làm quá lại mất đền bù, còn bị cưỡng chế? Nhìn mặt ông ta xám như tro nhà bếp.

Chị lại ngó sang mái hiên. Ông Quy Nhơn đang gẩy tàn thuốc. Những con kiến tha lá xúi quẩy bị bỏng đỏ dưới chân ông ta. Dễ chúng phải chuyển nhà để tránh nạn.

Chị quay vào phòng. Bà Bá đã cất cây kéo. Bà lôi trong bịch hồ sơ mấy tờ biên bản đền bù. Hóa ra bà cũng chẳng ưng số tiền được nhận, nhưng đành bóp mũi. Hèn chi mà mấy bụi hoa hồng lại trụi lơ. Chị tiếc rẻ lắc đầu.

Nửa đêm, gió đập ầm ã vào cửa. Chị nằm gian sau, thấy người rợn nổi da gà. Hình như người ta luôn có những dự cảm. Rồi chị thấy cửa đang cạy nhẹ trong cơn mơ tỉnh. Chị nghe mùi thuốc lá cùng cái nhơ nhớp mỡ từ miệng ông Quy Nhơn. Ông ta đang nheo mắt nhìn chị qua khe. Chị la to giật thót. Ông ta cố xông vào. Những miếng gỗ lỏng lẻo sắp bị bung ra. Làm sao đây. Chị sợ tới bật khóc. Chị thấy bà Bá đang nép sau tấm ván gỗ. Bà nhíu mày, nhưng chẳng dám ra. Bà níu chặt ổ khóa gian ngoài như cách tự bảo vệ, sợ nó sẽ bung như tấm ván. Cơn tuyệt vọng xộc thẳng lên óc. Chị vơ vội cái đòn gánh, đập xối xả vào ông Quy Nhơn. Ông ta hự một tiếng rõ to, nghe chó hàng xóm sủa vang, mới xông vào bóng đêm ngoài bãi. Chị ngã xụi lơ dưới nền nhà đã chẳng có nổi một con kiến.

6.

Lần cuối chị thấy ông Quy Nhơn là sáng hôm sau. Ông ta khệ nệ ôm mớ đồ đạc đón xe khách liên tỉnh. Rồi ngắc ngứ quay sang trừng chị. Cái trừng sắt lẹm của sự không cam lòng. Ông Triều đã nhận đền bù. Căn nhà này sắp bị phá dỡ. Ông Quy Nhơn chẳng còn chỗ thuê. Ông ta muốn làm liều trước khi chuyển đi. Ai nghĩ chẳng thành còn bị đánh. Bóng lưng ông ta câu lũ dưới nắng. Chị nhìn sang, tai như vẳng lại câu nói hôm trước: là con chó thì cần hiểu vị trí của mình. Ông ta cứ đi lầm lũi và kín tiếng hệt cái ngày mới tới.

Bọn kiến cũng đã chuyển tổ đi xa. Chúng bỏ lại đám lá dưới chân núi. Chị nhìn bà Bá đang lấp ló dưới hiên. Bà Bá chột dạ. Chị vào phòng kéo chiếc vali. Chị cũng chờ một chuyến xe khách.

Dưới cái nắng chói bỏng mắt, điện thoại chị đang nhấp nháy sáng. Là tin nhắn của tên họ hứa phương xa.

NGUYỄN TRẦN THANH TRÚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Duyên nợ trùng sinh

Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can…

Thơ dự thi của Thái An Khánh

An Nhơn ẩn vào ta bằng ngôn ngữ của lúa
đôi vai của mẹ gánh trĩu mặt trời
lấm tấm mồ hôi mặn mòi non nước
đất nặng nghĩa tình gieo hạt trái tim ai.