(VNBĐ – Truyện ngắn). Đất lề quê thói. Con gái làng tôi có chút ít nhan sắc vừa đến tuổi trưởng thành ra đi lấy chồng, không ít trường hợp còn vi phạm luật hôn nhân. Đến thế hệ của tôi, vẫn chưa có người đẹp nào trong làng học hành đỗ đạt, làm nên danh phận.
Chị Lựu cũng vậy. Đang ở tuổi đẹp nhất của đời người, tràn đầy khát vọng, chị lên xe hoa khi vừa mới tốt nghiệp Trung học phổ thông! Nghe nói cha mẹ chị Lựu tham giàu. Ngày họ hàng đưa dâu, tôi đứng từ xa nhìn chị Lựu đẹp mảnh mai, quý phái trong bộ váy cưới màu thiên thanh với tâm trạng vui buồn đan xen. Mừng chị đã có bến đỗ dù chưa biết trước đục – trong; buồn vì từ nay tôi đã vĩnh viễn mất đi một người bạn mà cũng là người chị họ xa đã cùng tôi gắn bó cả một thời thơ trẻ nhiều kỷ niệm.
Đêm tân hôn của chị Lựu, tôi cứ trăn trở, thao thức và hoài niệm về một thời tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo như giọt sương buổi sớm.
Nhà chị Lựu cách nhà ngoại tôi một bờ rào thưa, bờ rào chỉ là ranh giới tượng trưng giữa hai nhà.
Thời thơ ấu, chúng tôi rất hồn nhiên, vô tư. Những trưa hè thanh vắng, chị Lựu chui qua lỗ rào rủ tôi vào vườn nhà ngoại nhặt quả rơi chơi trò buôn bán đồ hàng, hoặc hái hoa xuyến chi, hoa tầm xuân, hoa loa kèn kết thành từng chuỗi dài đeo trước ngực giả làm cô dâu chú rể. Vườn nhà ngoại rộng lắm, toàn cây ăn quả như: ổi, mận, khế, xoài, có cả loại cây mang tên chị. Mùa nào quả nấy. Thi thoảng rủ nhau đi lang thang trên dãy đồi sau lưng nhà ngoại hái trái chim chim, dủ dẻ và ngắm cảnh làng quê bàng bạc dưới ánh hoàng hôn. Lúc ra về, hái vài ba hoa dủ dẻ cho vào túi áo, mùi hoa dại ngan ngát ngay cả trong mơ.
Bà ngoại và ba má tôi xem Lựu như con cháu trong nhà. Ngày lễ, Tết, hoặc có dịp xuống thành phố mua hàng họ, mẹ tôi thường đưa chúng tôi cùng đi. Những chuyến đi xa như thế, chúng tôi được dịp mở mang tầm mắt, được nhìn phố phường nhộn nhịp, xe cộ ngược xuôi; được ngắm những tòa nhà cao tầng và biển cả mênh mông trong sự ngạc nhiên ngơ ngác.
Lớn lên, tôi với chị Lựu học chung trường, chung lớp, đi về có nhau như hình với bóng…
Tuy sinh ra và lớn lên trên miền quê chiêm trũng, nắng lửa mưa dầm, nhưng Lựu càng lớn càng thông minh, xinh xắn, mảnh mai như người đẹp trong tranh của Tô Ngọc Vân, và mặc nhiên, là cái đích của bọn trai loi choi ngắm nhìn, tán tỉnh.
Thấy chúng tôi cứ quấn quýt bên nhau, có lần, mẹ tôi nói nửa đùa, nửa thật:
– Lựu nè, sau này cháu về làm dâu nhà dì cháu nhé?
Ngoại tôi đang ngồi đọc lại tập Hồn bướm mơ tiên của nhóm Tự lực văn đoàn, nghe mẹ nói thế, ngoại hạ tập sách xuống, trách:
– Vớ vẩn! Nước có quốc pháp, nhà có gia phong. Con Lựu với thằng Việt là họ hàng bên ngoại. Tuy họ xa, nhưng cũng vương víu chút tình máu mủ. Xét về tuổi đời, con Lựu hơn thằng Việt hai tuổi. Xét về vai vế họ tộc, thằng Việt phải gọi con Lựu bằng chị – Ngoại quay sang phía chúng tôi – Từ nay về sau, ngoại cấm các cháu xưng hô mày tao, nghe chướng tai lắm!
Sợ ngoại giận, từ đó, tôi gọi Lựu bằng chị. Lúc đầu tuy có bỡ ngỡ nhưng lâu dần cũng quen. Tôi và Lựu vẫn là đôi bạn hồn nhiên, vô tư.
Bà ngoại tôi gốc Huế, từng là học sinh trường Trung học Đồng Khánh. Ông ngoại ra Huế ôn thi tú tài thì gặp bà. Bà ngoại sống chuẩn mực, nghiêm khắc, nhưng cũng độ lượng, vị tha. Ngoại rất quan tâm đến con cháu.
Một đận, giữa năm học lớp 10, trên đường đi học về, tôi táng cho thằng Mạnh một trận đến dập môi, tứa máu bởi cái tội sàm sỡ chị Lựu của tôi. Mạnh hơn tôi ba tuổi, phong độ, đẹp trai. Mạnh bỏ học giữa năm lớp tám, chuyên đi đòi nợ cho má nó, một bà trùm cho vay nặng lãi. Cậy con nhà giàu, có quyền thế, Mạnh luôn tỏ vẻ cao ngạo, coi trời bằng vung. Bị tôi tác động vật lí, Mạnh giận lắm, nhưng biết tôi là con nhà võ nên ngậm miệng ăn thua, không còn dám quấy rầy chị Lựu nữa. Số phận dun rủi thế nào mà sau này, Mạnh là chồng chị Lựu!
Một tối, trăng mười sáu sáng vằng vặc trên sân nhà ngoại. Ngoại và mẹ tôi bắc ghế ngồi trên hành lang nói về mùa màng thóc giống, về cuộc sống trên thành phố. Còn tôi, tôi ôn bài chuẩn bị cho kì thi cuối năm. Đang tập trung giải bài toán khó, bỗng nghe bên ngoài có tiếng động nhẹ. Rời trang vở, phóng tầm mắt qua ô cửa, nhìn ra giếng nước chỉ cách phòng học chưa đầy sáu mét, tôi bắt gặp chị Lựu đang thản nhiên cởi bỏ hết quần áo rồi lấy gàu múc nước xối rào rào… Chúa ơi! Đây là lần đầu tiên trong đời được chiêm ngưỡng một thân thể trần truồng, trắng nõn, thon thả với những đường cong mềm mại quyến rũ lồ lộ dưới ánh trăng trong! Tác phẩm toàn bích, toàn mỹ của thượng đế cứ cuốn hút lấy tôi, tim tôi rạo rực, toàn thân nóng bừng, nhục cảm dâng lên cuồn cuộn… Bỗng, có vài giọt nước xuyên qua ô cửa với tiếng cười rúc rích của Lựu, tôi bừng tỉnh cơn mê sảng! Chị Lựu vội mặc lại quần áo lặng lẽ ra về.
Ngay sáng hôm sau trên đường đến trường, Lựu đột nhiên dừng lại, hỏi:
– Tối qua mày có thấy gì không?
Tôi luống cuống trả lời:
– A… Không, em… có thấy gì đâu!
– Tao hỏi thật đấy!
– Thật mà!
Chị Lựu cốc nhẹ lên đầu tôi:
– Mày mù à! Nhưng mà tao vô ý chứ không cố tình đâu. Chị lại khoác tay cười rúc rích, bảo: Thôi, quên đi. Sắp đến giờ vào lớp rồi. Chạy mau…
Tôi chạy theo chị…
Từ đêm hôm đó, mỗi lần gặp chị, tôi ít nói hơn, nhưng nhìn trộm chị nhiều hơn. Bấy giờ tôi mới nhận ra, chị Lựu rất đẹp, nét đẹp thanh tú, đằm thắm và đầy sức quyến rũ. Chỉ có đôi mắt buồn mơ mộng!
***
Sau buổi học cuối cùng năm cuối cấp, Lựu rủ tôi ra bãi dâu ngắm cảnh hoàng hôn. Bãi dâu nằm dọc theo triền sông quê, nơi mà tôi với chị Lựu thường đi lang thang tìm bắt dế mèn vào mỗi trưa hè. Lúc này, gió từ lòng sông thổi lên lồng lộng. Chúng tôi ngồi cạnh nhau dõi theo cánh chim chao liệng trên mặt sông loang loáng ráng hồng, nói về kì thi tốt nghiệp PTTH sắp tới, về việc chọn ngành vào đại học… Lựu bỗng quay sang tôi:
– Tao sắp lấy chồng, mày có buồn không?
Tôi ngập ngừng, hỏi lại:
– Chị… chị lấy chồng thật ư? Nếu đúng vậy em sẽ chúc phúc cho chị chứ sao lại buồn?
Chị hỏi:
– Tại sao?
– Vì… vì chị sẽ có người bạn mới mà chị yêu thích.
– Nói chuyện với mày chán thật!
Chị ngồi lặng lẽ thả hồn theo những con đò dọc từ thượng nguồn đang khỏa nước xuôi về miệt biển. Còn tôi, tôi nghĩ mông lung theo cách hiểu của tôi. Chiều đã muộn, những chiếc thuyền câu đang tấp vào bến đỗ. Tôi đứng lên giục:
– Về thôi chị, sắp tối rồi!
Không nhìn tôi, chị nói:
– Mày về trước đi, tao thích ngồi lại đây một mình cho đến khi hóa đá.
Tôi dọa:
– Khúc sông này có nhiều ma. Chị cứ ở lại, em về đây.
Lựu vội ôm cặp đứng lên, chạy thẳng một mạch về nhà, không thèm nói với tôi lời nào.
Một hôm, bên nhà chị Lựu bỗng dưng có kẻ ra người vào nhộn nhịp. Rạp đã được dựng lên ngay trong sân nhà, có kết hoa, treo đèn rực rỡ. Tôi nghĩ, chắc là ba má chị Lựu tổ chức ăn mừng cô con gái rượu vừa mới đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp PTTH. Nhưng đến lúc trông thấy tấm bảng đỏ treo trước cổng ngõ có chạy dòng chữ in, màu vàng LỄ VU QUY tôi mới biết, hôm nay là ngày cưới của chị!
Nhìn dòng chữ báo hiệu khúc rẽ của một đời người mà tim tôi như chùng xuống, một cảm giác thật buồn lan tỏa trong tôi. Chị Lựu của tôi ra đi lấy chồng thật rồi! Thế là ngay từ ngày hôm nay, tôi không còn được gặp lại chị. Tất cả chỉ là kỷ niệm!
Đêm hôm đó, tôi thao thức. Mãi đến quá nửa khuya lại rơi vào mộng mị. Trong mơ, tôi và chị Lựu đang trên đường đi xem đêm hội làng diễn ra tại sân đình. Bất chợt, phía trước mặt chúng tôi xuất hiện đám xăm trổ hổ báo. Bọn người hung tợn đó xông đến kéo lôi chị Lựu đến chiếc xe bảy chỗ đang đậu sẵn bên góc đường. Tôi vừa gào khóc, vừa cố níu giữ chị Lựu. Bọn chúng cậy đông, cố giằng lấy bàn tay chị Lựu ra khỏi tay tôi, đưa chị lên xe, nổ máy, chạy mất hút trong đêm. Bất lực, thương chị, tôi cứ đứng một mình gào khóc thảm thiết như đứa trẻ lạc đường. Lúc tỉnh mộng, trời đã sáng. Áo gối ướt nhòe. Trong mơ tôi đã khóc, khóc thật! Phía bên nhà chị Lựu tiếng người cười nói râm ran.
Chị Lựu lấy chồng chưa được ba tháng, làng tôi xảy ra chuyện lùm xùm về lá đơn nặc danh tố cáo ông Phó Chủ tịch xã chưa hết cấp hai đang theo học lớp cao học tại chức. Bố chồng của Lựu lúc bấy giờ là Trưởng công an xã, vu vạ ba tôi là tác giả đơn thư nặc danh nhằm bôi bẩn cán bộ địa phương. Buổi sáng, đang trên đường lên xưởng gỗ, công an đón bắt giải ba tôi lên huyện để điều tra… Mãi đến gần hơn tháng sau, nhờ báo chí và bạn bè nhiệt tình vào cuộc, ông Phó Chủ tịch xã bị cách chức đuổi về vườn vì tội sử dụng bằng giả, ba tôi mới được trả lại tự do.
Ba má tôi là công dân lương thiện, sống tử tế với mọi người, được dân làng kính yêu nể trọng. Sau ngày bị bắt giam rồi được trả về bởi lá thư nặc danh, ba tôi gặp nhiều khó khăn, phiền phức mỗi khi có việc cần liên hệ với chính quyền địa phương. Cuộc sống sau lũy tre làng ngày nay vẫn đang tồn tại nhiều mảng tối, nhiều góc khuất để lai những hệ lụy cho đám dân nghèo không tên không tuổi. Lý trưởng, trương tuần thời @ tinh ranh không thua kém bọn quan lại địa phương thời phong kiến. Ba tôi thở dài ngao ngán!
Cùng năm đó, tôi thi đậu vào đại học ngành Quản trị kinh doanh. Để tôi có điều kiện thuận lợi trong việc học tập, ba má tôi quyết định rời quê lên thành phố lập nghiệp. Ngoại rất buồn, nhưng không cản.
Cuộc mưu sinh trên thành phố đông dân nhất nước như cái vòng xoáy cuốn hút. Đường về quê ngoại chưa đầy một giờ bay mà sao cứ thấy xa lăng lắc! Thi thoảng vài ba năm, có khi còn lâu hơn nữa tôi mới tranh thủ về thăm ngoại, ở chơi với ngoại vài ngày rồi vội ra đi. Kỷ niệm êm đềm về một thời đã cũ với hình ảnh chị Lựu vào đêm đầy trăng chỉ còn trong ký ức.
Cuối thu, tiết trời se lạnh. Mẹ bảo tôi về quê thăm ngoại, luôn tiện biếu ngoại vài hộp thuốc bổ với chiếc áo len mẹ vừa đan xong, giúp bà qua những ngày đông tháng giá.
Từ ngày ba má tôi lên thành phố, ngoại ở với dì út. Nhờ khoản tiền trợ cấp hàng tháng của các cậu, các dì từ nước ngoài gửi về nên cuộc sống của ngoại rất thong thả. Thi thoáng ngoại còn sang Canada, sang Pháp thăm con cháu. Tuổi 82, ngoại tôi vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Mỗi khi cảm thấy bế tắc trong cuộc mưu sinh, mẹ tôi về quê xin ý kiến của ngoại. Có đận, ngoại giúp mẹ tôi thoát khỏi mưu hèn kế bẩn của bọn lừa đảo chuyên kinh doanh ngành địa ốc qua mạng xã hội.
Riêng tôi, mặc dù đang là nhà doanh nghiệp, ngoại vẫn xem tôi là cậu bé con ngày xưa. Mỗi lần về thăm, ngoại căn dặn tôi đủ điều về cách đối nhân xử thế. Ngoại còn cảnh báo, lớp trẻ thành phố ngày nay xăm trổ đầy mình, chơi bời bạt mạng, nói năng lỗ mãng, thậm chí còn mắng cha chửi mẹ, xúc phạm ông bà. Người có chút ít địa vị trong xã hội sinh kiêu căng, tự phụ, xa rời quần chúng. Cháu không nên giao du với bọn người này mà mang họa vào thân. Tôi chỉ biết ôm ngoại, động viên:
– Ngoại ơi là ngoại, cháu của ngoại học vị tiến sĩ, đang là Tổng giám đốc một công ty lớn trong thành phố mà ngoại. Ngoại đừng lo cho cháu. Ngoại cứ vui vẻ sống lâu đến trăm tuổi cho con cháu nhờ.
Ngoại biết tôi rất thích những món ăn dân dã. Mỗi lần về thăm, ngoại mang rổ ra vườn hái mớ rau má, rau dền, rau trai, hoặc bẻ mấy mụt măng vòi, giựt vài tàu môn xám đem vào luộc chín, vắt ráo nước, chấm với nước mắm nhĩ dằm ớt kim. Đây là món ăn khoái khẩu của tôi từ hồi còn sống chung với ngoại. Ở thành phố rất ngán thịt, cá trong mỗi bữa cơm, thi thoảng thèm những món ăn đồng quê, nhưng dễ gì có!
Bữa cơm lần này, ngoài các món tôi ưa thích còn có dĩa rau lang luộc vừa chín tới với tô mắm cua đồng ủ chua thơm nức mũi. Vừa ăn, giọng ngoại điềm đạm:
– Hôm qua, con Lựu mang đến cho ngoại một lít mắm cua đồng. Nhà sẵn có rau lang – Ngoại gắp bỏ vào chén tôi khúc cá tràu nấu chua, nhẩn nha kể tiếp – Con Lựu lúc này vất vả lắm cháu. Bố chồng vào tù vì tội biển thủ của công chưa kịp giáp năm thì mẹ chồng qua đời do chứng suy tim. Còn thằng Mạnh suốt ngày cứ say xỉn, đánh đập con Lựu không nương tay. Tất cả tài sản bố mẹ dành dụm, nó nướng hết vào cá độ bóng đá. Ngày cuối Chạp năm ngoái, thằng Mạnh chết do bị sốc thuốc, để lại con Lựu những món nợ khó trả. Đã vậy, họ nhà chồng còn chì chiết, hằn học, rằng tuổi con Lựu xung khắc với họ nhà chồng gây nên cảnh gia đình tan nát. Ngoại thở dài: Nghe đâu ông bác chồng đang phát đơn khởi kiện đòi quyền sở hữu khu đất sau nhà.
– Nghe nói Lựu có cậu con trai đang theo học cấp hai phải không ngoại?
– Gia đình nhà nó vô phúc cháu à. Thằng cháu đích tôn bỏ học giữa chừng theo đám giang hồ xăm trổ đi biệt xứ. Nghe mấy người cùng xóm với Lựu cho biết, nó qua Campuchia làm phụ hồ. Dừng đũa, ngoại nhìn tôi, động viên: Lựu năng đến thăm ngoại và hỏi thăm về mẹ con cháu. Nhà chồng nó ăn ở bất nhân nên bị quả báo nhãn tiền. Con Lựu mang vạ lây. Đúng là hồng nhan bạc phận! Hay là nhân dịp này, cháu nên đến thăm Lựu và an ủi nó vài câu. Dù sao các cháu từng chơi thân với nhau từ thời còn để chỏm.
Quê chồng chị Lựu phía bên kia dòng sông quê. Tôi chỉ biết có vậy chứ chưa đến lần nào. Công cuộc đô thị hóa nông thôn, làng quê ngày nay rất nhiều thay đổi. Hỏi thăm, người cùng làng cho biết, muốn đến nhà chị Lựu phải băng qua cánh đồng mông quạnh, rồi rẽ trái, sang phải… Hỏi thăm tiếp người ta sẽ chỉ cho.
Nhà chị Lựu dưới chân núi Mù U, mặt tiền nhìn ra con đường bê tông liên huyện. Nhà cấp bốn, trông rất bề thế. Hình như ngôi nhà lâu ngày không tu sửa nên sân trước, vườn sau cây cỏ um tùm; tường vôi loang lổ, vài chỗ bị bong tróc từng mảng lớn để lộ màu gạch nung đỏ quạch, mái ngói rong rêu…
Bước vào cổng ngõ bằng gỗ tạp đã ruỗng mục, tôi hỏi một người đàn bà đang ngồi dưới tán bằng lăng tím, đầu đội chiếc nón cời, tay cầm thanh tre miết từng hạt thóc tách khỏi gié lúa:
– Thím cho tôi hỏi, đây có phải nhà chị Lựu không?
Người đàn bà dừng tay, ngẩng mặt nhìn tôi một lúc, giọng bà lạc hẳn:
– Cậu…
Tôi khẽ kêu lên:
– Trời ơi! Chị Lựu!
Nếu không nhờ đôi mắt ngày xưa, tôi không thể nhận ra người bạn từng gắn bó với tôi suốt một thời thơ trẻ. Chị Lựu lúc này trông như một bà già khắc khổ với mái tóc màu muối tiêu, má hóp, da sạm đen, hàm răng trên khuyết mấy chiếc. Thời gian, khổ đau dồn dập kết hợp với cuộc sống lam lũ đã tàn phá dung nhan chị!
Chị Lựu mời tôi vào nhà. Trong lúc chị luống cuống pha trà, tôi rút bao thuốc lá ra nhón lấy điếu gắn lên môi, bật lửa, kéo một hơi dài đè nén cảm xúc:
– Ngoại thường nhắc đến chị luôn.
Bất chợt, Lựu cúi mặt xuống gầm bàn, đôi vai gầy run rẩy.
– Mới đó mà đã gần một phần tư thế kỷ rồi chị!
Chị Lựu ngẩng mặt nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ hoe, giọng chị phều phào:
– Dì và dượng vẫn khỏe chứ?
– Cảm ơn chị. Bố tôi mất gần giáp năm.
Thời gian dài biền biệt, bất ngờ gặp lại, cảm xúc cứ tuôn tràn. Chị lại cúi mặt xuống gầm bàn, khóc nức…
Biết phải nói gì thêm với chị trong lúc này? Không khéo vô tình làm tổn thương lòng tự ái của chị. Nâng tách trà chiêu một ngụm, lấy giọng thật tự nhiên:
– Đừng buồn, hồng nhan bạc phận mà. Tất cả rồi sẽ qua đi. Chị phải can đảm vượt qua số phận để lấy lại cuộc sống yên bình. Chị nên bảo trọng!
Rời khỏi nhà chị Lựu, tôi buông thả cảm xúc, mí mắt cay xè, cổ họng nghèn nghẹn. Hình ảnh chị Lựu vào một đêm của mùa trăng cũ như bức tượng thần vệ nữ Hy Lạp mãi theo tôi suốt những năm tháng xa quê, nay đã sụp đổ hoàn toàn! Âu cũng là số phận của một kiếp người trong cõi vô thường! Bất giác, tôi thở dài tự nhủ: Giá như đừng gặp chị!
Hè năm 2023
TRẦN QUANG LỘC