(VNBĐ – Thơ & lời bình). Tôi đọc bài thơ nhiều lần, nghe “kể” lại chuyện này nhiều lần vẫn cứ thấy xúc động. Xúc động vì cái đẹp, cái nhân hậu, cao cả trong hồn người trên thế gian. Chưa nói gì nhiều về những người chiến sĩ hy sinh vì nước, về người phụ nữ Việt Nam. Thực ra, câu chuyện đẹp này vẫn có thể gặp ở đâu đó trên khắp thế giới, và cái đáng nói chính là, bài thơ – câu chuyện đẹp này đã chạm thấu phần thiên lương vốn sẵn trong con người. Như đã nói, giả dụ dịch bài thơ này ra bất kỳ thứ tiếng nào và không ghi gốc Việt, hẳn người nước đó cũng xúc động vậy, cũng thấy ấm lòng khi nghĩ đến những người đã ngã xuống cho đất nước mình, dân tộc mình, thấy yêu thương, cảm phục tấm lòng là một vòng hoa ngát hương của người vợ mất chồng.
Cái hay của bài thơ trước hết chính từ vẻ đẹp đầy tính nhân bản ấy.
Có một bài thơ khác: Thăm mộ chiều cuối năm của Nguyễn Thái Sơn cũng có phần “trùng” với tứ thơ bài Viếng chồng, nhưng ở một không gian khác, tâm tư và tiếng vọng khác: Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội/ Nhang trầm một thẻ – biết làm sao…/ Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió/ Hương khói/ đừng quên nấm mộ nào. Cũng một hành xử riêng nhưng bài thơ này đã lan vọng đến vấn đề có tính ý thức cộng đồng, của người còn lại, người hôm nay đối với những thiêng liêng xương máu.
Người phụ nữ đi viếng mộ chồng đơn giản hơn nhiều. Chị chỉ hành xử cho phải lẽ, phải đạo thôi. Lẽ và đạo cuối cùng cũng thật đơn giản là, chồng chị và người đồng đội kia đều ngã xuống vì một mục đích. Hoa là lòng, nhưng cũng được biểu hiện bằng hình thức cụ thể. Thì hãy dành cho bạn, như một nghĩa cử. Còn chị bên mộ chồng là tình, là sự chia sẻ sâu nặng và riêng tư.
Thì cũng chỉ là chúng ta tìm kiếm cách lý giải thôi, ngay khoảnh khắc ấy – có thể nhầm hoặc chủ ý khi gặp tình huống không ngờ, người phụ nữ đã hành xử thật nhẹ nhàng đơn giản như là đương nhiên phải thế. Thêm một lần thấy vẻ đẹp từ căn cốt vốn sẵn của hồn người, đó là vẻ đẹp của sự hy sinh, của dâng tặng, từ cổ chí kim vẫn còn mãi những hành vi hào hiệp, nghĩa cử trong đời.
Nhưng câu chuyện quen về cái đẹp, về nghĩa cử làm xúc động lòng người ấy lẽ nào không có dụng công gì, dấu ấn gì của một nhà thơ?
Có vẻ như dụng công lớn nhất của tác giả là giấu mình đi, nhà thơ kể chuyện cho chúng ta nghe mà như chính ông cùng chúng ta chứng kiến. Cùng thấy anh chiến sĩ “nghẹn lời”, cùng nhìn theo ánh mắt người phụ nữ ngước ngó cả khu rừng rồi hai ngôi mộ, cùng xúc động nhìn chị dứt khoát “đặt hoa bên mộ đó” và lại với mộ chồng.
Trần Ninh Hồ chỉ sắp xếp sao cho thật ít lời mà chuyển tải được điều muốn kể, và với ngôn ngữ thật giản dị, chân thành. Ông đã rất thành công. Vì đã khiến chúng ta xúc động, nghiêng mình ngưỡng mộ vẻ đẹp cao cả đằm sâu trong hồn người, chứ chưa nói tới đề tài nghiêm trang “Thương binh liệt sĩ”. Bài thơ thực sự hay là bài thơ vượt thoát mọi thứ đề tài. Viếng chồng dù xuất phát điểm thế nào cũng đã đạt được điều ấy.
Viếng chồng
TRẦN NINH HỒ – Chị ơi!… – Chị hiểu ý em rồi |
LÊ HOÀI LƯƠNG