LTS: Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 17-20.6.2022 tại thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 130 đại biểu. Bình Định có 5 đại biểu được mời dự Hội nghị, gồm: Trương Công Tưởng, Vân Phi, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Đặng Thùy Trang và Nguyễn Anh Nhật. Ngoài đại biểu Nguyễn Anh Nhật hiện đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu còn lại đều là hội viên Hội VHNT Bình Định.
Những năm gần đây, lực lượng sáng tác trẻ tại Bình Định đã có những thành tựu nhất định trong hoạt động sáng tác. Từ năm 2014 đến nay, Hội VHNT Bình Định đều tổ chức Trại sáng tác VHNT Trẻ hàng năm dành cho các cây bút trẻ có tuổi đời dưới 35 (riêng năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tạm hoãn). Lực lượng sáng tác trẻ này đã từng bước trưởng thành. Tác phẩm của họ đã góp mặt vào các tuyển tập: Văn trẻ Bình Định (2012-2018); 10 năm văn xuôi Bình Định (2009-2019); 10 năm Thơ Bình Định (2011-2021); đăng tải trên các báo, tạp chí trong nước; đoạt giải các cuộc thi sáng tác văn học, giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam…
Trước khi lên đường dự Hội nghị, các đại biểu văn trẻ Bình Định đã dành cho chuyên mục Văn trẻ những tâm sự, chia sẻ khi được mời tham gia sự kiện này.
TRƯƠNG CÔNG TƯỞNG
Sinh năm 1990 (Hoài Ân – Bình Định).
Tác phẩm đã xuất bản: Ngồi gỡ tơ trời (Thơ), Đợi những vắng xa (Thơ). Giải B (không có giải A) Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2019 với tập thơ Ngồi gỡ tơ trời.
Lần thứ hai tham gia hội nghị, tôi muốn lắng nghe tổng kết một chặng đường của văn học trẻ Việt Nam trong hơn 5 năm vừa qua, lắng nghe những giọng điệu, những tiếng nói mới mẻ – họ chính là những nhân tố đầy hy vọng cho tương lai văn học nước nhà. Thêm nữa, tôi muốn những người trẻ cùng các thế hệ đi trước cùng nhau kiến tạo những giải pháp để lấy lại vị thế của nhà văn trong xã hội mà thời đại công nghệ đang lấn át với những loại hình giải trí khác nhau. Văn chương phải thật sự được xã hội trân trọng, đón nhận và tôn vinh như một bộ môn nghệ thuật gốc của các loại hình nghệ thuật.
Theo tôi nghĩ rằng, những người viết trẻ hiện nay phải thật sự ý thức được ngòi bút của mình, luôn trau dồi, học hỏi, tránh sa vào dễ dãi, hình thức. Văn chương nói đúng ra chính là cuộc truy tìm bản thể, tìm ra giọng điệu riêng của chính mình để hòa vào giọng điệu chung góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học. Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, văn chương cũng thế nhưng chúng ta còn sống, còn đọc, còn viết là chúng ta còn yêu thương, còn thổn thức bởi những điều nhân văn tốt đẹp.
VÂN PHI
Tên thật: Nguyễn Văn Phi, sinh năm 1990 (An Nhơn – Bình Định). Tác phẩm đã xuất bản: Ngày mắc cạn (Thơ). Giải C (Thơ) Cuộc thi sáng tác Văn học Bình Định mở rộng năm 2018 – 2019; giải C Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2021 với tập thơ Ngày mắc cạn…
Hội nghị là nơi gặp gỡ các bạn văn mà lâu nay chúng tôi chỉ kết nối qua mạng xã hội. Đây cũng là cơ hội để lắng nghe những tâm sự, chia sẻ từ các nhà văn trẻ và những người cầm bút lâu năm.
Nhiều người nói tuổi trẻ cần những dấn thân, đột phá mạnh mẽ? Tôi nghĩ điều ấy cần thiết, nhất là với người sáng tác. Bên cạnh đó, tôi cho rằng người trẻ cũng cần thể hiện trách nhiệm của người cầm bút trước các vấn đề nhức nhối hiện nay qua sự khúc xạ của văn chương. Đó không chỉ là vấn đề thời sự, mà còn là thân phận, sự mục ruỗng trong tâm hồn… Những năm gần đây, chúng ta đã có cái nhìn cởi mở hơn. Ví như việc trao giải sách quốc gia cho nhà thơ Trần Vàng Sao chẳng hạn, là một tín hiệu đáng mừng. Đó là những ghi nhận và là cơ hội để người trẻ mạnh dạn thể hiện chính kiến và góc nhìn của mình thông qua những sáng tác.
NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG
Sinh năm 1993 (Quy Nhơn – Bình Định)
Tác phẩm đã xuất bản: Bay (tập truyện ngắn); Xương cá biết nói (tập truyện thiếu nhi); Ký tự Nàng (Thơ – In chung cùng My Tiên); Đậu Đậu, Sâu Sâu & Be Bé (tập truyện thiếu nhi – In chung cùng Mộc An). Giải KK (Thơ) cuộc thi sáng tác văn học Bình Định mở rộng 2018 – 2019; giải tác giả Trẻ, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2000 với tập truyện ngắn Bay.
Là một người viết, tôi cảm thấy rất vinh dự khi được mời tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần này. Tôi thấy đây là cơ hội để học hỏi, giao lưu, trải nghiệm và bồi đắp thêm tình yêu với văn chương. Tôi là một người viết trẻ nên hiểu ý nghĩa của việc quan tâm đến đội ngũ sáng tác trẻ, bồi dưỡng cho họ niềm tin và động lực để theo đuổi lâu dài mà Hội đã làm trong thời gian qua. Hy vọng tương lai, sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa, nhiều bạn trẻ hơn nữa tham gia vào lĩnh vực này. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp!
Đối với tôi, viết văn là một việc đòi hỏi năng khiếu, tiếp đó là sự kiên trì theo đuổi, tự học và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà văn đi trước, các nhà văn hiện thời, trong các tác phẩm văn học của bạn văn. Tôi muốn trở thành một người viết chuyên nghiệp và vì thế tôi thấy để đi đường dài thì cần thời gian, sự nghiêm túc với tác phẩm của mình. Thời gian tới vẫn là lúc tự học, trau dồi thêm, hy vọng mình sẽ có được những tác phẩm ưng ý.
TRẦN QUỐC TOÀN
Sinh năm 1992 (Tuy Phước – Bình Định).
Giải C (Thơ) cuộc thi sáng tác văn học Bình Định mở rộng 2018-2019; Giải Tư cuộc thi thơ online của Hội VHNT Thái Nguyên phối hợp với Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn; Giải A cuộc thi thơ tứ tuyệt và giải B cuộc thi truyện ngắn Quán Chiêu Văn.
Được Hội VHNT Bình Định đề cử tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần này, tôi cảm thấy khá hồi hộp, vì được giao lưu với những người viết văn trẻ mà hồi giờ chỉ gặp trên trang viết, nay mới gặp nhau ngoài đời. Người trẻ viết để làm gì? – Câu hỏi thật thú vị từ phía Ban tổ chức. Tôi nghĩ, cái rốt ráo sau cùng, viết là để truyền tải thông điệp về cách nhìn thế giới chung quanh, như con người, tự nhiên, tình cảm, sự vật, hiện tượng… vào sáng tác của mình, bằng cách riêng. Đồng thời từ đó phản ánh hiện thực đương đại mà tác giả đang sống.
Qua hội nghị lần này, tôi cũng mong muốn Hội VHNT địa phương và Hội Nhà văn Việt Nam ngày càng quan tâm hơn nữa các cây viết trẻ, tạo nhiều sân chơi để cho những người viết trẻ có thêm cơ hội trao đổi giao lưu và trau dồi bút lực của mình.
Dự định sắp tới của tôi là tiếp tục sáng tác ở hai mảng thơ và văn xuôi, và sẽ in một tập thơ có tên là Linh giác trắng và một tập tiểu thuyết có tên là Xưởng tái chế linh hồn. Tôi vẫn đang lựa chọn và sắp xếp lại bản thảo, những gì không cần thiết tôi loại ra khỏi bản thảo, chỉ giữ lại những gì được nhất để chuẩn bị cho đứa con tinh thần của mình ra đời.
NGUYỄN ANH NHẬT
Sinh năm 2000 (An Lão – Bình Định).
Tác phẩm đã xuất bản: Chân đi không hết một cuộc tình (Tập truyện ngắn – In chung cùng Kai Hoàng) và nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí…
Tôi đến với văn chương hồn nhiên như một đứa trẻ quê lần đầu nhìn thấy những trang sách. Ham muốn đọc dẫn tôi đến ham muốn viết, đó là sự tự nhiên và tự thân. Và, khi tôi viết văn, trước để giải tỏa mình, sau là mong đợi những phản chiếu rất riêng đến từ hành trình mỗi người đọc. Tôi thật tình muốn viết về những khả thể mới, và tôi đang viết về nó. Điều khiến tôi hạnh phúc là những đứa con tinh thần của tôi được bạn đọc chia sẻ, đón nhận.
Khi nhận thư mời tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ, tôi cảm giác dường như mình được chú ý đâu đó trên dòng chảy văn trẻ nước nhà. Điều này khiến cho mong muốn được chia sẻ và kết nối với những người viết giống như tôi càng thêm mạnh mẽ. Với lần đầu tiên này, cơ hội để tôi hiểu thêm về sự viết được mở ra; đồng thời là động lực để bản thân tiếp tục tự tin cầm bút và viết, và viết.
P.V (thực hiện)