Văn học Hán Nôm Nam Trung bộ – Những phác thảo

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Nam Trung bộ là mảnh đất khá “đặc biệt” của đất nước, là nơi lịch sử Hán Nôm bắt đầu khá muộn. Nhưng số lượng tư liệu Hán Nôm ở Nam Trung bộ rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên do vị trí đặc biệt của Nam Bộ mà tư liệu Hán Nôm trở nên vô cùng quý giá, nó là một phần của ký ức dân tộc ta thời mở cõi và đấu tranh giữ gìn sự thống nhất dân tộc. Hiện nay nhu cầu sưu tầm tư liệu Hán Nôm để phục vụ việc bảo tồn vốn văn hóa cổ, đồng thời cũng để phục vụ giáo dục và đặc biệt là nghiên cứu văn học có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là nguồn tư liệu thành văn được sử dụng để xác định những giá trị cần thiết của một vùng văn học cụ thể.

Nam Trung bộ từng là một vùng đất trung tâm của các cuộc giao lưu văn hóa của các cộng đồng người Chăm, Việt và Hoa. Là vùng đất đã chứng kiến biết bao cuộc biến thiên của lịch sử với những đặc tính phức tạp của nó. Vì vậy, qua sơ bộ tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy tư tưởng đặc thù của văn học Hán Nôm Nam Trung bộ được thể hiện qua mấy phương diện như: Phản ánh tình trạng phân cách của đất nước thời Trịnh Nguyễn phân tranh; đề cao tình cảm trung quân ái quốc và tự hào dân tộc; phản ánh sự thù nghịch; Phản ánh thời đại loạn lạc, chiến tranh liên miên; Phản ánh ý thức hệ của người dân vùng đất mới sau sự kiện 1470. Đặc biệt là sau năm 1558, khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, đã chính thức mở ra trào lưu văn học ở vùng đất mới thông qua việc mở mang giáo dục, khoa cử và tuyển chọn quan lại cho một bộ máy chính quyền mới. Đây là một vấn đề trọng tâm, thiết thực trong chương trình nghiên cứu lịch sử văn học của vùng đất này mà chúng tôi đang thực hiện.

1. Một số đặc điểm cơ bản của văn học Hán Nôm Nam Trung bộ
1.1. Tính “đặc biệt” của văn học vùng Hán Nôm Nam Trung bộ
Nam Trung bộ vốn là đất cũ của Chiêm Thành. Trong Đồ Bàn thành ký, Nguyễn Văn Hiển, đây là vùng có địa hình hiểm trở, thành trì kiên cố, người Chiêm Thành đã gìn giữ được 5 thế kỉ đến khi Lê Thánh Tông Nam chinh đã đánh lui về tận núi Đá Bia (Phú Yên) vào năm 1471, vùng đất này bắt đầu có sự cư trú của các lưu dân người Việt. Sau sự kiện 1558, các chúa Nguyễn liên tục thực hiện chính sách dồn dân lập ấp, đưa người Việt đến cư trú để mở mang bờ cõi. Vùng dân cư của Nam Trung bộ được hình thành và dần trở thành một vùng đất trọng địa của Đàng Trong.

Văn học Hán Nôm Nam Trung bộ, tính từ dấu mốc 1470, Lê Thánh Tông đã Nam chinh và mở mang bờ cõi đến vùng Thạch Bi sơn (Núi Đá bia), vùng văn học Bình Định có lẽ từ đó cũng bắt đầu dần được định hình. Với những tác gia thời kì đầu như Lê Thánh Tông (thế kỉ XV) với những tác phẩm Chinh Tây kỉ hành (là một tập thơ nhỏ được chép trong Thiên Nam dư hạ tập, biên chép hành trình chinh phục Chiêm Thành của Lê Thánh Tông vào các năm 1470 – 1471) và Minh lương cẩm tú thi tập (tập thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông và các văn thần: vịnh cách cửa biển (15 bài); Nỗi nhớ nhà của các tướng sĩ khi theo Lê Thánh Tông đi dẹp giặc Chiêm Thành; Đạo làm vua; Tiết tháo bề tôi; Vịnh mai; Tựa viết cho sách Quỳnh uyển cửu ca… Có lời bình của Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Nguyễn Trọng Ý, Ngô Luận…); đặc biệt là Đào Duy Từ (thế kỉ XVI – XVII) với vở Tuồng Nôm Sơn Hậu, Ngọa Long cương vãn (Ngọa Long cương ngâm), Tư Dung vãn… có thể được ghi nhận là những tác gia văn học Hán Nôm đầu tiên của văn học Bình Định và cũng người khởi xướng cho một dòng chảy văn học địa phương mới trong văn học Đàng Trong kể từ sau khi các chúa Nguyễn xưng vương. Đó là bộ phận quan trọng mà Nguyễn Văn Sâm gọi là văn học Nam Hà.

Văn học Hán Nôm Nam Trung bộ còn được khẳng định qua những tác gia Hán Nôm thời Tây Sơn và Nguyễn Gia Long sau này. Lê Ngọc Hân, Đặng Đức Siêu, Linh mục Đặng Đức Tuấn, Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc, Lê Công Miễn, Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Nguyễn Trọng Trì, Đào Phan Duân, Mai Xuân Thưởng, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thành, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… đều được đánh giá là những tác giả ít nhiều góp phần hình thành nên diện mạo văn học Hán Nôm khu vực “đặc biệt” này.

Qua vài nét phác thảo trên, chúng ta có thể nhận định: Văn học Hán Nôm Nam Trung bộ là nói nói đến bộ phận văn học chữ Hán và chữ Nôm của các địa phương từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Về mặt lịch sử, văn học Nam Trung bộ đã cũng chịu hưởng rất lớn từ những thành tựu văn học Hán Nôm từ khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ nhưng cũng có những đặc tính khu biệt do địa bàn phân bố và đặc trưng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Xem xét bộ phận văn học Hán Nôm Nam Trung bộ là để đi đến việc xác lập những giá trị, đóng góp của nó đối với bộ phận văn học Hán Nôm nói riêng và lịch sử văn học Việt Nam nói chung.

1.2. Về tư liệu văn học Hán Nôm Nam Trung bộ khá phức tạp và đa dạng
Hiện nay, trữ lượng tư liệu Hán Nôm Nam Trung bộ còn khá nhiều và rất quan trọng. Tuy nhiên công tác sưu tầm, bảo quản còn gặp khá nhiều khó khăn do những nguyên nhân sau:
– Công tác sưu tầm chưa được tiến hành một cách có hệ thống, có quy mô lớn như ở miền Bắc, miền Nam, khu vực Bắc Trung bộ, nhất là ở Huế, như các chương trình sưu tầm nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Hán Nôm, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM, Đại học Huế, Tổ chức UNESCO…

– Chiến tranh kéo dài, lũ lụt thường xuyên, khí hậu nóng ẩm khiến cho tư liệu dễ bị hư hỏng một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên các tư liệu Hán Nôm Nam Trung bộ rất quan trọng, vì nó ghi lại lịch sử cha ông ta thời mở cõi. Xứ Thuận Hóa, các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… những ngày đầu gian khó khai phá, ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giáo dục ra sao. Nó cũng ghi lại tình cảm, tư tưởng, nhận thức, kinh nghiệm của ông cha ta suốt mấy trăm năm, từ khi mở đất cho đến khi chữ Quốc ngữ Latinh làm thay công việc này. Đồng thời tư liệu Hán Nôm Nam Trung bộ cũng ghi lại những trang hào hùng và bi tráng trong lịch sử đấu tranh gìn giữ đất nước, chống lại âm mưu chia cắt đất nước của ông cha ta trước khi có chữ Quốc ngữ Latinh. Hệ thống tư liệu Hán Nôm của khu vực Nam Trung bộ hiện tồn tại dưới dạng văn bản giấy và vi phim ở một số thư viện và tủ sách tư nhân trong và nước ngoài; nó cũng tồn tại dưới dạng văn khắc: văn bia, câu đối, hoành phi, bài minh trên chuông… ở đình chùa, miếu, hội quán. Nếu không sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu, phổ biến thì hệ thống di sản này sẽ mai một dần theo thời gian. Chúng ta đã không ít lần chứng kiến nhiều tư liệu quý đã vĩnh viễn mất đi không còn tìm thấy lại được nữa.

Việc dịch thuật và công bố tư liệu Hán Nôm hiện nay do một số cá nhân và nhóm nghiên cứu ở các trường đại học Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, các Viện nghiên cứu như Viện KHXH&NV (ĐHSP Đà Nẵng), Phân Viện nghệ thuật tại Huế, Trung tâm Lưu trữ lịch sử và các nhà nghiên cứu độc lập.

Nhìn chung, hệ thống tư liệu văn học Hán Nôm Bình Định đã và đang nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, dịch thuật. Tuy nhiên, để khai thác tối đa những vấn đề trong nội dung của những văn bản hiện lưu trữ và sưu tầm, cần phải có một chiến lược lâu dài và đòi hỏi sự phối kết hợp của khá nhiều đơn vị hữu quan. Trong đó, vai trò thiêt yếu thuộc về các nhóm nghiên cứu, phục chế và sưu tầm văn bản Hán Nôm và các cơ quan chức năng của UBND các tỉnh thành thuộc khu vực Nam Trung bộ.

1.3. Sự phức tạp trong đội ngũ sáng tác của văn học Hán Nôm Nam Trung bộ
Về khảo cứu những tác gia cụ thể của bộ phận văn học này, chúng ta có thể kể đến vai trò của Nguyễn Văn Sâm, Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Lộc, Nguyễn Q. Thắng (chuyên gia khảo cứu các tác gia Hán Nôm Quảng Nam), Thảo Thy, Phan Hứa Thụy, Nguyễn Hoàng Thân, Nguyễn Sinh Duy, Vũ Ngọc Liễn, Đặng Quý Địch, Lê Hoài Lương… Tuy nhiên, vì mục đích nghiên cứu khác nhau, do vậy trong công trình của các tác giả này chủ yếu đi vào phác thảo những đặc điểm mang tính tiểu sử, văn bản tác phẩm và nội dung văn học của các sáng tác cụ thể. Việc định danh, xác định rõ vai trò, vị trí và những đóng góp của các tác giả Hán Nôm này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Điều này ít nhiều đã tạo nên sự hạn chế trong trường nghiên cứu và mở rộng so sánh, đối chiếu về sáng tác của các tác gia tiêu biểu đại diện cho bộ phận văn học có lịch sử gần 500 năm này.
Việc tìm hiểu, phân loại về lực lượng sáng tác văn học Hán Nôm ở Nam Trung bộ có tính phức tạp và hỗn dung nhiều quan điểm sáng tác khác nhau dựa trên những lập trường chính trị và môi trường nhân văn khác nhau. Để phân định các nhóm tác giả của văn học Hán Nôm Nam Trung bộ, chúng tôi cho rằng cần phải dựa vào quan điểm chính trị, thể loại, nội dung sáng tác. Đặc biệt là những tác gia đó phải có những sáng tác bằng Hán văn và chữ Nôm, viết về con người, văn hóa và bối cảnh chính trị ở khu vực Nam Trung bộ. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể phân chia đội ngũ sáng tác của văn học Hán Nôm khu vực này thành các nhóm nhỏ theo tiến trình lịch sử cụ thể như sau:

– Nhóm tác gia thời Trịnh Nguyễn phân tranh (tính đến trước năm 1789), đại diện cho nhóm này là Đào Duy Từ và Nguyễn Cư Trinh.

– Nhóm tác gia thời Tây Sơn (tính đến trước năm 1802), đại diện cho nhóm này là Nguyễn Huy Lượng, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Lê Ngọc Hân…

– Nhóm tác gia thời Nguyễn Sơ (tính đến trước năm 1858), đại diện cho nhóm này là Đặng Đức Siêu, Nguyễn Dưỡng Hạo, Phạm Lam Anh, Đặng Đức Tuấn, Ninh Tốn…

– Nhóm tác gia thời Nguyễn mạt (tính đến trước năm 1945): Đào Tấn, Nguyễn Diêu, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thuật, Nguyễn Thành, Trần Cao Vân, Tăng Bạt Hổ, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh…

Việc phân chia thành 04 nhóm tác gia theo tiến trình lịch sử như trên sẽ giúp cho chúng ta có được một cái nhìn bao quát về những đóng góp cụ thể của đội ngũ sáng tác đối với lịch sử văn học khu vực trong mối quan hệ với văn học cả nước. Cùng với đội ngũ tác gia của khu vực Nam bộ như Gia Định tam gia, Sùng Đức xử sĩ Võ Trường Toản, Nguyễn Đăng Thịnh… của Nam bộ và Ngô gia văn phái, Hồng Sơn văn phái, Đoàn Thị Điểm, Đoàn Nguyễn Tuấn… của Bắc bộ và Bắc Trung bộ, lực lượng sáng tác của khu vực này khá phức tạp và đa dạng. Những sáng tác của họ đã góp phần tạo nên một bức tranh văn học Hán Nôm phong phú đa dạng, cần được khảo sát, minh định một cách cụ thể.

1.4. Thể loại tiêu biểu của văn học Hán Nôm Nam Trung bộ
1.4.1. Tuồng Hán Nôm
Trong quá trình khảo cứu về thể loại văn học Tuồng Hán Nôm, chúng tôi cho rằng sở dĩ trước đây Tuồng Hán Nôm Nam Trung bộ chưa được đặt đúng vị trí, vai trò trong văn học sử do thiếu vắng thông tin về văn bản Nôm, còn khá nhiều văn bản chưa được hiệu khảo, đánh giá đúng mức. Bên cạnh đó, trong một số công trình văn học sử, văn học Tuồng chưa được nghiên cứu nhiều, đặc biệt là trên bình diện thể loại và tác gia tiêu biểu. Trong bối cảnh này, chúng tôi mong muốn từ việc nghiên cứu khai thác một số vấn đề nội dung và nghệ thuật kịch bản tuồng của một số tác gia như Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh – những danh gia tiêu biểu để có thể khẳng định những yếu tố mang tính trội bật của thể loại này đối với văn học sử khu vực trong mối tương quan với các thể loại khác của bộ phận văn học Hán Nôm khu vực Nam Trung bộ.

1.4.2. Văn tế Hán Nôm
Tính cho đến khi triều Tây Sơn sụp đổ, về cơ bản văn học Hán Nôm Nam Trung bộ đã thực hiện tốt chức năng phản ánh tình trạng phân cách, lưu tán của khu vực. Điều này được thực hiện trước hết qua sự ngợi ca bậc minh chúa theo quan điểm của các cá nhân và khuynh hướng chính trị khác nhau. Riêng về thể loại văn tế Hán Nôm, Nguyễn Văn Sâm trong Văn học Nam Hà (Văn học Đường Trong thời phân tranh) (Lửa Thiêng, 1974) đã khẳng định tác giả Đặng Đức Siêu là “nhà phù thủy với chiếc đũa thần văn tế”. Với nhiều tác gia khác như Phạm Liệu, Phạm Phú Thứ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Xuân Kiều, Huỳnh Bá Văn, Đào Phan Duân, Nguyễn Chuân, Lê Đình Huyến, Hòa thượng Bích Liên, Trần Trọng Giải, Trần Đình Tân… ông đã tạo nền tảng cơ bản cho thể loại này được phát triển khá mạnh mẽ trong dòng chảy văn học Nam Trung bộ trước năm 1945.

2. Một số vấn đề cần tiếp tục
Văn học Hán Nôm ở Nam Trung bộ có thể không thật phong phú như ở miền Bắc, nhưng đáng được trân trọng. Bởi lẽ nó là chứng tích cho một hành trình mở cõi, là minh chứng cho một quá trình tương tác văn hóa của một cộng đồng đa sắc tộc và vì nó liên quan đến các nhân vật, lịch sử, văn hóa của vùng đất Nam Trung bộ, là điểm nối tiếp cho văn mạch Hán Nôm của miền Bắc và Bắc Trung bộ. Chúng tôi hy vọng rằng những tìm tòi, khảo sát trong quá trình nghiên cứu về văn học Hán Nôm của chúng tôi sẽ góp một phần nhỏ bé vào quá trình nghiên cứu văn học Hán Nôm Việt Nam và ngày càng khẳng định những giá trị đích thực của nó trong dòng lịch sử văn học cổ điển nước ta. Ngoài ra, qua những phác thảo trên, chúng tôi muốn đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục thực hiện khi nghiên cứu về văn học, văn hóa Hán Nôm khu vực Nam Trung bộ như sau:

– Một là, vấn đề sưu tầm, bảo tồn và dịch thuật các tác phẩm Hán Nôm trong văn học khu vực nay tuy đã có một số thành tựu như đã trình bày. Song, nó vẫn còn tồn đọng khá nhiều vấn đề như việc phân chia môn loại, tuyển dịch tác phẩm, công bố tác phẩm, số hóa và lưu trữ tác phẩm, hiệu đính, khảo dị văn tự trong tác phẩm và nghiên cứu về tác gia Hán Nôm có ảnh hưởng tiêu biểu.

– Hai là, việc thẩm định, đánh giá nội dung tư tưởng cả các khuynh hướng sáng tác, các tác giả của bộ phận văn học này cần thật sự thận trọng và đặt trong mối tương quan với những dữ kiện, tư liệu lịch sử có thể kiểm chứng được.

– Ba là, ngoài văn học Tuồng và văn tế Hán Nôm, các thể loại khác như hịch, thơ luật, thơ Nôm, phú Hán Nôm… cũng có một trữ lượng khá lớn và hấp dẫn. Trên cơ sở so sánh với các khu vực khác, các nhà nghiên cứu cũng có thể tìm hiểu và xác định những đặc trưng khu biệt, góp phần định hình những đặc tính cơ bản của vùng văn học này trong tiến trình văn học cổ điển Việt Nam.

TS. VÕ MINH HẢI

 

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…