Văn học Bình Định và dấu ấn An Nhơn

(VNBĐ – Nghiên cứu & phê bình). Văn học Bình Định thế kỷ XIX về trước chủ yếu lưu dấu danh thần/ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ (vốn người Thanh Hóa vào Nam, ban đầu sống ở Hoài Nhơn) những năm 20, 30 thế kỷ XVII với các tác phẩm: Ngọa Long cương vãn, Tư Dung vãn. Trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, các bậc túc nho Bình Định chỉ ngâm ngợi theo lối Đường thi trong tình hình đất nước thực dân, phong kiến. Những áng thơ hay của danh nhân Đào Tấn lại viết bằng chữ Hán chưa mấy phổ biến. Văn chương chữ nghĩa chỉ lưu dấu bằng các vở tuồng hát Bội trong dân của hai nhà soạn tuồng kiệt xuất: Đào Tấn, Nguyễn Diêu.

Đến thời Thơ Mới 1932 – 1945, Bình Định bắt đầu bằng phong trào sáng tác của nhóm “Thái Dương Văn đoàn” từ môi trường trường Colleège de Qui Nhon (tiền thân của trường Quốc học sau này), gồm các học sinh: Nguyễn Viết Lãm, Chế Lan Viên… Còn có Nguyễn Minh Vỹ, Yến Lan bên ngoài. Và lúc này thêm Hàn Mặc Tử đã từ Sài Gòn ra Quy Nhơn làm công chức, vừa in tập thơ Gái quê (1936). Chế Lan Viên năm sau (1937) in tập thơ Điêu tàn (năm mới 17 tuổi). Yến Lan có tập Giếng loạn (đã thất lạc). Nhóm thơ gắn bó với nhau bởi những gần gũi về các tìm tòi mới trong sáng tác, có định hướng “nghệ thuật vị nhân sinh”. Và phần nào trong nhiều cá nhân bộc lộ khẳng định: trên vùng đất tỉnh lẻ này, cũng có những gương mặt thơ xứng tầm chứ không riêng các vùng trung tâm, kinh kỳ Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Nhóm thơ xuất bản Nắng xuân, tập hợp thơ của nhóm, ngoài những người nêu trên, có Phú Sơn, Hoàng Diệp, Xuân Khai (bút danh khác của Yến Lan)… Đặc biệt trong tập in tiểu phẩm Ông nghị gật của Hàn Mặc Tử (bút danh Trật Sên), chế giễu trò bầu cử Trung kỳ nhân dân đại biểu…

Vì nhiều lý do, “Thái Dương Văn đoàn” không tồn tại lâu.

Cùng lúc ở Bình Định chuyển sang tập hợp những nhà thơ vốn đã gắn bó hơn nhiều: Nhóm thơ Bình Định gồm 4 người: Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên. Dù Quách Tấn trước sau trung thành lối thơ Đường thi, với những Đọng bóng chiều, Mùa cổ điển của mình, nhưng ông rất gần gũi, trân trọng những tìm tòi thơ mới của các bạn, và gắn kết với nhóm, động viên nhau sáng tác. Nhóm thơ thường gặp nhau ở thành Bình Định. Theo ký ức nhà thơ Yến Lan, hồi ấy suốt ngày người trẻ nhất nhóm – Chế Lan Viên, cứ lang thang đến những tháp Chàm, nhặt từng viên gạch rụng, săm soi… Và Điêu tàn đã ra đời như thế đó.

Nhóm thơ đã tạo nên tiếng vang trên văn đàn cả nước lúc ấy, được trân trọng giới thiệu các gương mặt thơ trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân. Người Bình Định yêu thơ tặng Nhóm thơ Bình Định danh hiệu: Nhóm Bàn Thành tứ hữu (Bốn người bạn thơ thành Đồ Bàn). Và gắn họ với Tứ Linh: Hàn Mặc Tử – Long, Yến Lan – Lân, Quách Tấn – Quy, Chế Lan Viên – Phụng.

Họ Quách ở Tây Sơn, Hàn gốc Quảng Bình, Chế dân Quảng Trị, chỉ Yến rặt người ở Thành Bình Định, An Nhơn. Nhưng tình bạn văn chương của họ gắn kết sâu sắc trên miền đất văn hóa đầy ấn tượng. Cũng từ nhóm thơ này, năm 1937 dần hình thành một Trường phái thơ chính danh, do Hàn Mặc Tử chủ súy: Trường thơ Loạn, có tuyên ngôn, định hướng nghệ thuật. Ý tưởng ban đầu của họ Hàn, tên Trường thơ Giếng loạn (theo gợi ý tên tập thơ của Yến Lan), nhưng sau rút lại vậy. Trường thơ Loạn còn gọi là Thơ Điên. Dĩ nhiên, với tiêu chí nghệ thuật mới này không có Quách Tấn tham gia, mà chỉ từ ba thành viên: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên (là chính), và Yến Lan. Sau này có thêm thi sĩ tài danh Bích Khê từ Thu Xà, Quảng Ngãi nhập nhóm. Rồi còn có Hoàng Diệp, Quỳnh Dao nữa.

Trường thơ Loạn, với các chủ thể trung tâm Trăng, Hồn, Máu, và cách bộc lộ hết mình, quyết liệt cả tinh thần, thể chất trong sáng tạo, với mỹ cảm vượt qua chủ nghĩa lãng mạn thiên về tượng trưng và siêu thực, đã thực sự gieo “niềm kinh dị” cho giới phê bình, cả “chủ soái” Hoài Thanh lúc ấy.

Năm 1940, Hàn Mặc Tử qua đời. Dù nhóm vẫn còn Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê… nhưng dường như cũng không mấy ai mặn mà, và Trường thơ Loạn tan rã. Đến gần đây, các nhà phê bình mới có nhiều hơn những điều kiện giải mã thấu đáo dòng thơ độc đáo, táo bạo này.

Vì sao thời kỳ này, trên mảnh đất Bình Định (mà trung tâm là An Nhơn), xuất hiện những Nhóm thơ, Trường phái thơ lẫy lừng như vậy? Chỉ có thể lý giải về yếu tố địa – văn hóa Bình Định/ An Nhơn, nơi từng một thời vàng son kinh kỳ rồi khuất lấp, những dấu vết thịnh/ suy, những vết tích lộng lẫy và rêu phong đền tháp, những biến động dữ dội ngựa hý voi gầm, đại bác rền vang, chiến địa bi hùng… Vùng đất của anh hùng với giai nhân, thành và bại, khát vọng và tiêu vong…, đâu đó cứ như còn đây trên mỗi dấu vết, sử sách, mơ màng.

Ngay đến giờ, nhiều văn nhân, thi sĩ cả nước về Bình Định vẫn còn cảm nhận: trăng Bình Định lạ lắm, khác với các nơi khác. Tháp Chàm cũng vậy. Cả sóng biển, gió cát… Có thể họ ảnh hưởng nhiều từ thơ Bình Định xưa. Ở đó có ánh trăng đẹp rờn rợn, ma quái của Hàn Mặc Tử; ánh trăng huyền mị, dấu tích thành quách vàng son một thuở của Yến Lan; có bóng tháp Chàm và những chiến tượng kiêu hùng khuất lấp, ẩn hiện một tiếc thương xa vắng của Chế Lan Viên…

Giai đoạn từ sau phong trào Thơ Mới đến trước 1975, mảng văn học ở An Nhơn không thật nổi bật hẳn so với vài vùng khác. Nhưng từ trong kháng chiến bắt đầu xuất hiện một tài năng đặc biệt, và được phát triển tiếp ở miền Bắc: nhà thơ Phạm Hổ với tác phẩm viết cho thiếu nhi, bài thơ Chú bò tìm bạn ngay trên quê hương kháng chiến của mình. Ông là em trai nhà văn Phạm Văn Ký ở Pháp. Tập kết ra Bắc, sở trường viết cho thiếu nhi đã tiếp tục những thành công: nhà thơ thành một trong số những cây bút đặc sắc mảng văn học thiếu nhi của văn chương Việt.

Ở An Nhơn giai đoạn này, khi chiến tranh lan rộng, nhiều cây bút gắn một phần thời cuộc vào trang văn và có tác phẩm lưu dấu như Mang Viên Long (1944 – 2020), những tập truyện, tạp bút: Trên đỉnh sa mù, Mùa thu trống trải, Phố người, Có những mùa trăng… Có nhà thơ thiên về thơ thiền như Đặng Tấn Tới (1943 – 2017): Mưa mắt tình, Tâm thu kinh, Tuyệt huyết ca, Thi tiên, Trúc biếc. Thơ Đặng Tấn Tới làm ngạc nhiên văn giới vì độ kiệm lời và hàm ngôn sâu xa. Ông vừa có tên kết nạp vào Hội Văn bút của Sài Gòn, thì năm 1975 đến, mọi thứ ngưng lại. Sau năm 1975 ông viết ít hẳn, và tạng thơ thiền không thịnh trên các báo, tạp chí lúc này. Ông sống lặng lẽ, tham gia tạp chí Văn nghệ An Nhơn rồi qua đời năm 2017.

Sau 1975, Bình Định như các tỉnh thành khác, khi hết chiến tranh, ổn định công việc thời bình, chủ trương xây dựng các hoạt động văn hóa văn nghệ như một mảng đời sống cần thiết. Tỉnh sáp nhập cùng Quảng Ngãi thành Nghĩa Bình, và Hội VHNT Nghĩa Bình hình thành (nhà thơ Yến Lan làm chủ tịch danh dự), hoạt động gần 15 năm (đến khi chia tách tỉnh trở lại 1989).

Duy nhất trên tỉnh Bình Định, một đơn vị cấp huyện thị là An Nhơn, thành lập Hội VHNT độc lập hoạt động. Hội VHNT An Nhơn khởi đầu với Đại hội lần thứ nhất thành lập từ năm 2010. Do những khó khăn khách quan, rồi dịch bệnh… các kỳ đại hội tiếp theo: lần 2 ngày 02.12.2017 nhiệm kỳ 2017 – 2022, lần 3 ngày 31.3.2023, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Từ nhiệm kỳ 1 đến 2 đến 3, số lượng hội viên luôn tăng. Các hoạt động càng lúc càng bài bản hơn, tạo sinh hoạt văn hóa văn nghệ sôi nổi và có tác động tốt, góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ văn hóa, văn nghệ cho công chúng An Nhơn.

Ngay trước khi thành lập Hội VHNT của riêng địa bàn mình, từ những năm 1980, An Nhơn đã duy trì mỗi năm một số Tạp chí VHNT An Nhơn (số Tết) khá đẹp về hình thức, và chất lượng về nội dung. Sau này khi có Hội VHNT, An Nhơn duy trì mỗi năm 02 số tạp chí.

Trước hết phải ghi nhận đất An Nhơn vốn có tiềm năng về văn hóa/ văn học nghệ thuật. Và điều quan trọng, lãnh đạo các thời kỳ của An Nhơn đều quan tâm đến mảng này; tự hào và quan tâm trên cơ sở hai chiều: đặt vấn đề chăm sóc phong trào sáng tác vốn có truyền thống mạnh trên quê hương mình, và cũng từ nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Dễ dàng nhận thấy, với số lượng, chất lượng làm văn hóa/ văn học nghệ thuật của tỉnh Bình Định, người An Nhơn chiếm số đông nếu so với các huyện, thị khác.

Trên phạm vi cấp tỉnh, đến nay, mảng văn học An Nhơn luôn giữ được truyền thống văn chương xưa với nhiều cây bút nối tiếp, tạo dấu ấn trong nền văn học mới, như nhà văn Nguyễn Thanh Hiện. Ngoài các tập truyện, tiểu thuyết in chính thức: Khoảnh khắc ngày và đêm, Trở lại Xương Quơn, Người đánh cắp sự thật, ông còn có lượng bản thảo đồ sộ, với tổng bộ: 16 tiểu thuyết, 18 trường ca, 07 tập truyện ngắn. Quả là một sức viết đáng nể. Giờ tuy sức khỏe yếu, sống giữa thành phố mà như ẩn dật, nhưng hàng chục tác phẩm tiểu thuyết, thơ, trường ca kể trên (ít phổ biến, dạng tự in, tặng bạn bè, hoặc in trên trang mạng văn chương riêng của ông), với những tìm tòi mới về thi pháp vẫn có tác động tích cực với bạn đọc. Ông, một người suy nghĩ rất nghiêm túc về văn chương.

Số còn lại, mỗi người một đóng góp nhưng các cây bút An Nhơn khá đông đảo. Mảng bút ký, hồi ký về chiến tranh đáng kể nhất là cây bút Thu Hoài với bộ sách khá đồ sộ: Bình Định những năm tháng chiến tranh. Mảng tùy bút, biên khảo về phong hóa khá thành công. Huỳnh Kim Bửu với các tập sách Nơi con sông Côn chảy qua, Trong như tiếng hạc bay qua đã tạo ra một phong cách riêng biệt độc đáo trong kể chuyện làng đầy sức thuyết phục. Trần Duy Đức với nhiều tập sách về An Nhơn xưa: Tìm lại dấu xưa, Chân dung làng quê An Nhơn xưa… thật nhiều tư liệu một thời đã qua, đã xa trên vùng đất này. Thơ có Đào Viết Bửu, Trịnh Hoài Linh, Phạm Văn Phương, Đặng Quốc Khánh, Trần Quang Khanh, Lê Văn Hiếu, Nguyễn An Đình, Lê Vinh, Khổng Trường Chiến, Lê Thị Kim Tiết, Miên Linh, Vân Phi… Trong số những nhà thơ này, Trịnh Hoài Linh khá đặc biệt với chất thơ “nông dân” đặc sắc. Thơ ông xoay quanh các tâm tình, khó nhọc, niềm vui của người nông dân và ruộng đồng, làng xóm. Dù chỉ mới in một tập thơ Hương của đất rồi “về với đất” vì tai nạn, cũng gắn với hoạt động nông nghiệp, nhưng thơ ông thực sự ấn tượng một nét riêng không trộn lẫn. Văn xuôi có Phạm Hữu Hoàng miệt mài với các câu chuyện lịch sử, dã sử thời xa xưa, thời Tây Sơn, qua các tập truyện Vương pháp, Nguyệt cầm…, dẫn dắt người đọc vào không gian mờ khuất, có màu sắc kiếm hiệp, nhưng ký gửi ý tưởng sâu xa về lẽ phải, về kiếp nhân sinh, về thời cuộc; Trần Văn Bạn với những câu chuyện về đời sống theo phương thức sáng tác Hậu hiện đại, nhiều tầng nghĩa, khá gợi trong các tập truyện Khuôn mặt người, Lửa; Lưu Thị Mười trước sau chú tập cho muôn kiếp phận của người phụ nữ Việt Nam hôm nay với các tập truyện Trăng khóc, Âm ỉ tàn tro bằng một giọng văn nồng nàn, chăm chút tâm lý nhân vật, nói chung, một đàn bà muôn năm không cũ với nỗi đau, thua thiệt, khát khao không dứt…

Có lẽ, tuy sống nhiều vùng miền khác nhau, nhưng người An Nhơn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vẫn đông ấn tượng: Lâm Huy Nhuận, Nguyễn Thái Dương, Hương Đình, Mai Thìn, Trần Quang Lộc, Đào Minh Hiệp… Mỗi người một phong cách, sở trường khác nhau nhưng đều là những tên tuổi đã thành danh trong văn giới cả nước. Trừ Trần Quang Lộc chuyên tâm cho truyện ngắn, các nhà văn còn lại chủ yếu là thơ. Mai Thìn ngoài những tập thơ là chính, còn viết mảng tản văn, biên khảo, đáng chú ý các tập: Lá rụng buồn tênh, Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành, Làng ven thành. Nhà thơ Mai Thìn hiện là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Định (nhiệm kỳ 2022 – 2027). Và đâu đó đã có hồ sơ vào Hội Nhà văn Việt Nam, sắp tới có thể sẽ là Lưu Thị Mười, Phạm Hữu Hoàng, Lê Văn Hiếu…

Sau năm 1975, mảng văn học An Nhơn không có đỉnh vang dội trên văn đàn cả nước, nhưng rất nhiều cây bút được bạn đọc khắp nơi biết tiếng. Và điều quan trọng là tạo được cái nền khá bền vững các mảng, duy trì được nối tiếp các thế hệ cầm bút: nếu nói “truyền thống văn chương Bình Định”, thì đến giờ, An Nhơn vẫn có một lực lượng văn học đáng kể, đáng nể.

Văn hóa/ Văn học Nghệ thuật An Nhơn, trong những dữ liệu có thể khảo sát được từ hơn trăm năm qua, đã cho thấy một vùng đất thực sự là trung tâm của tỉnh Bình Định – một trung tâm văn hóa, chính trị nhiều thế kỷ.

Từ các nghệ thuật truyền thống: hát Bội, Bài chòi dân gian, võ thuật đã thành Di sản quốc gia, Di sản thế giới, đến các chuyên ngành Văn học Nghệ thuật, An Nhơn luôn là vùng đất tập trung những nhân tố quan trọng có tầm lan tỏa hoặc số lượng lớn nhân tài những mảng trên.

LÊ HOÀI LƯƠNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nói với con hay tự nói với mình

Bài thơ “Sớm mai con vào lớp ba” Y Phương viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết…

Văn học và âm nhạc Nga trong tôi

Bây giờ, mỗi khi đọc lại thơ Puskin, thơ Lermantov, thơ Blok hay thơ Êxênhin, tôi vẫn cảm nhận được mùi hương đặc biệt của những cánh đồng Nga, vị ngọt của gió…

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…