Văn học Bình Định nhìn từ Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI (2016 – 2020)

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). LTS: Giải thưởng VHNT Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI (2016 – 2020) đã kết thúc tốt đẹp, trong đó chuyên ngành văn học có 41 tác giả với 53 tác phẩm gửi tham gia với đủ các thể loại: thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn – bút ký và nghiên cứu – phê bình. Qua hai vòng bình xét, Ban tổ chức đã chọn 33 tác phẩm để trao giải. VNBĐ số này giới thiệu bài của PGS. TS. Hồ Thế Hà (Trưởng Ban tư vấn, thành viên Hội đồng chung khảo) về mảng văn học trong kỳ xét giải lần này.

Có thể nói, dù chưa thật sự có nhiều tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc và độc sáng trong 05 năm của các tác giả gửi về tham dự, nhưng với 33 tác phẩm được Ban tư vấn bình chọn gửi lên Ban chung khảo và được Ban chung khảo thống nhất cao, chọn đúng 33 tác phẩm đó để trao giải chính thức là một tín hiệu vui về văn chương của một vùng đất được mệnh danh là Đất võ, Trời văn.

Giải thưởng đã mở ra với chủ đề, đề tài đa dạng, phong phú xuất phát từ hiện thực cuộc sống; với sự tích hợp và đổi mới về phương pháp nghiên cứu và hệ hình tư duy sáng tạo, với đặc trưng loại hình nghệ thuật mới mẻ, với sự tổng hợp về diễn ngôn mà từng tác giả chiếm lĩnh và thể hiện tương thích trong từng thể loại và thể tài sở trường. Điều đó, tự nó đã cho thấy tầm đón đợi và không khí dân chủ, hội nhập của Giải thưởng đạt được tính cập nhật và thông tin đa chiều, được các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học tiếp thu, vận dụng và đổi mới khá hiệu quả trên con đường hiện đại hóa văn chương của một vùng đất.

Có được kết quả đó, trước hết phải kể đến hiện thực cuộc sống Bình Định – nơi cung cấp nguồn đối tượng nhận thức và dẫn đến thành tựu cho từng tác phẩm. Bình Định, nơi có nhiều trầm tích văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và mang đặc trưng riêng. Trong thời gian dài, Bình Định từng là nơi giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt và Chăm Pa, là kinh đô của một vùng đất miền Trung với thành Đồ Bàn, rồi thành Hoàng Đế gắn liền cùng bao triều đại lẫy lừng trong lịch sử dân tộc; là nơi tích hợp những cổ mẫu đặc sắc, những “vô thức tập thể” điển hình. Chúng kết tinh thành những giá trị vật chất và giá trị tinh thần còn lưu giữ cho đến ngày nay. Những tháp Chàm trầm mặc, các làn điệu Bài chòi trữ tình, nghệ thuật võ cổ truyền độc đáo cùng những phong tục tập quán, các ngành nghề truyền thống đa dạng đã kết tinh thành vùng địa – văn hóa độc đáo, trở thành đối tượng cho tác giả phản ánh, từ đó, vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận để làm đầy nghĩa mới và những giá trị mới cho từng tác phẩm. Các đề tài/ phạm vi hiện thực nói trên hiện rõ trong tất cả các tác phẩm đạt giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI, đặc biệt là đề tài tình yêu, đề tài đời tư – thế sự, đề tài lịch sử – văn hóa được quan tâm tối đa, có chất lượng nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn. Các tác phẩm lý luận phê bình được gia tăng và có hàm lượng khoa học tốt so với các giải thưởng lần trước.

Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng không khí hội nhập với văn học thế giới đã tác động đến những chủ thể sáng tạo, giúp họ có cơ hội tiếp cận phương pháp, hệ hình nghiên cứu hiện đại trên thế giới để sáng tạo nên những tác phẩm mới hơn và khác hơn cho giải thưởng lần này. Các tác giả, cả lớn tuổi và đặc biệt là tác giả trẻ đã thật sự có tìm tòi và đổi mới tư duy sáng tạo như: Trần Như Luận, Phạm Hữu Hoàng, Lê Hoài Lương, Nguyễn Mỹ Nữ, Triều La Vỹ, Nguyễn Đặng Thùy Trang… trong văn xuôi; Văn Trọng Hùng, Lê Ân, Trần Quang Khanh, Mai Thìn, Trương Công Tưởng, Vân Phi… trong thơ; Võ Như Ngọc, Võ Minh Hải, Nguyễn Đình Thu, Lê Nhật Ký… trong nghiên cứu phê bình. Giải thưởng đã phát hiện những tác giả mới và khẳng định những tác giả cũ. Điều vui mừng nữa là Văn học Bình Định luôn hiện hữu lực lượng cầm bút đồng hành, không đứt gãy trên hành trình hiện đại, tạo thành các thế hệ nối tiếp hùng mạnh, đa thanh cho văn chương một vùng đất. Theo tôi, đây là thành tựu có tính quyết định cho sự tồn tại và phát triển Văn học Bình Định trong hiện tại và tương lai.

Do mặt bằng chung của các tác phẩm là khá đồng đều, tương đương nhau, nhưng yêu cầu tiếp nhận của bạn đọc ngày càng cao, nên việc tiếp nhận, bình chọn của Ban giám khảo là khá khó khăn, không dễ dàng, không thể nào đáp ứng tối đa mong mỏi của mọi người và cho mỗi tác giả. Dù vậy, Ban chung khảo đã thẩm định độc lập nghiêm túc, công bằng và cuối cùng đã bình chọn được 03 tác phẩm loại A, 14 tác phẩm loại B và 16 tác phẩm loại Khuyến khích để trao giải chính thức. Đó là những con số biết nói để chúng ta hy vọng về một kết quả khả dĩ thu được những tín hiệu mới, những thang bậc nghệ thuật bổ sung cho nền văn học của một địa phương, vinh danh một vùng đất. Có thể nói, Giải thưởng VHNT Đào Tấn – Xuân Diệu tỉnh Bình Định lần thứ VI (2016 – 2020) đã thực sự thông điệp đến độc giả một trình độ tư duy mới mẻ, một cái nhìn nghệ thuật hấp dẫn, một thi pháp văn chương vững chắc thông qua cái sườn móc xích ngôn từ – hình tượng – tư tưởng khá chỉnh thể, mang tính tự trị với đẳng cấp cao.

BTC trao giải A cho các tác giả. Trong ảnh: Tác giả Võ Như Ngọc nhận giải A (thể loại Văn học)
với tập nghiên cứu LLPB Trường thơ Loạn – Thi pháp tượng trưng đa ký hiệu. Ảnh: S.P

Cũng cần nói thêm, giải thưởng lần này đã qui tụ được những tác giả người Bình Định nhiều thế hệ. Tất cả các cây bút đều ý thức thể hiện yếu tố địa văn hóa, địa tâm thức trong các tác phẩm để làm đầy nghĩa cho đối tượng được phản ánh. Bên cạnh những đề tài thuộc đời sống đương đại, nhiều tác giả quan tâm đến đề tài lịch sử, văn hóa để có dịp đối thoại với lịch sử, với tiền nhân về những vấn đề tưởng như đã bình ổn, nhưng vẫn còn khoảng trống cho sự bình giá và tiếp nhận theo tinh thần hiện đại. Điều đó đã làm cho nội dung tác phẩm có thêm độ sâu về tư tưởng kết hợp với sức thông diễn mới lạ.

Tính văn hóa, triết mỹ bên cạnh tính hiện thực, lịch sử đan xen đã làm cho diễn ngôn các tác phẩm tăng thêm hàm lượng nghệ thuật; tư duy song song đối lập cũng được tăng cường nhằm bộc lộ tâm thức hiện sinh cho hình tượng cái tôi tác giả hiện lên đa phân, đa tính chất. Vấn đề truy tìm bản thể ở đối tượng và sau đó lắng nghe lòng mình là thi pháp song hành để tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm. Có nghĩa là các tác giả đã nỗ lực huy động tất cả các khả năng vốn có của mình để thoả mãn “cơn khát thẩm mỹ” và “cơn khát trí tuệ” ở chính mình và chính người đọc qua từng tác phẩm.

Cũng cần nhận thức về sự quan tâm nhận thức tối đa của các tác giả về mối quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái trong tính toàn cầu hóa hiện nay. Các quan hệ bản chất và quan hệ tương tác giữa con người và thiên nhiên được đặt ra một cách khẩn thiết; từ đó cắt nghĩa mối quan hệ sinh thái tự nhiên và sinh thái văn hóa tinh thần, đạo đức một cách chân thật. Nhiều tác giả và tác phẩm quan tâm dự báo sự xuống cấp và băng hoại đạo đức giữa con người và thiên nhiên trong tính đối lập của chúng đã làm hủy hoại môi sinh của đời sống xã hội hiện đại. Trong văn xuôi, các tác giả đã thể hiện cái nhìn sinh thái nói trên một cách trực diện và bản lĩnh.

Riêng các tác phẩm thơ và trường ca lần này được các tác giả quan tâm đến nghệ thuật diễn ngôn. Họ ưu tiên cho ngôn ngữ ý tượng kết hợp song hành với ngôn ngữ suy cảm, triết luận một cách nghệ thuật. Dù vậy, tâm thức hậu hiện đại vẫn còn khoảng trống của vô thức sáng tạo, chưa được các nhà thơ trẻ quan tâm khai thác một cách có hiệu quả. Cảm hứng, linh cảm, ấn tượng, trực giác, cấu tứ… thường vẫn còn nằm ở hệ hình tiền hiện đại và hiện đại, chưa lấn sang hệ hình hậu hiện đại, tâm thức hậu hiện đại. Điều này có lý do khách quan và chủ quan, khiến các nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ trẻ không dám phiêu lưu một cách chới với và mạo hiểm. Bù lại, các tác phẩm thơ đạt giải lần này đã đáp ứng khá tốt tâm lý tiếp nhận của người đọc khi thể hiện tư duy kết hợp và tư duy lựa chọn một cách thuần thục theo yêu cầu của nhà thi học R. Jakobson để đem lại sự tương hợp cao giữa ngôn từ, hình tượng và ý tưởng đa dạng, tạo nên giá trị thi ca mới mẻ theo tầm đón nhận hiện đại của chính tác giả và nhu cầu của chính người đọc, khi chưa có hoàn cảnh hậu hiện đại xuất hiện. Nghĩa là trong quá trình sáng tác, các tác giả đều trăn trở và quan tâm đến việc viết cái gì, viết cho ai và viết như thế nào. Đó tưởng là vấn đề xưa cũ, nhưng thực ra đó là qui luật muôn đời của quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học.

Nếu xem văn học là một loại hình nghệ thuật đa hình hài, đa cảm xúc, sẵn sàng cho mọi biến đổi và biến hóa về hình thức; sẵn sàng cho các sắc thái tình cảm, các phương thức thể hiện được huy động trong những chủ đề cũng như những lát cắt hiện thực hấp dẫn khác nhau, thì Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu lần này có khả năng khám phá những yếu tố đó trong từng tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ một cách hiệu quả. Qua đó, giúp cho từng tác phẩm có khả năng du hành đến trái tim người đọc đồng sáng tạo bằng con đường tắt, nhưng đầy cỏ hoa, hương thơm và mật ngọt, dẫu có lúc cũng gập ghềnh sỏi đá, nhiều chông gai và nước mắt để tạo nên dưỡng chất tinh thần cho người tiếp nhận.

Với những thực tế và kết quả như trên, Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI (2016 – 2020) đã đạt được mục tiêu cần thiết: Đó là bình chọn được những tác phẩm hay, qua đó, phát hiện những tài năng văn học mới, xác lập được những giá trị thi pháp và hệ hình văn học bổ sung cho văn chương một vùng đất. Đó là những điều tưởng dễ, nhưng kỳ thực khó lắm thay! Và giải thưởng lần này đã đạt được, dù chưa nhiều, chưa đều tay, nhưng đó là cái chưa nhiều của chất lượng, cái chưa đều tay của những tín hiệu nghệ thuật mới mẻ. Qua cuộc thi, mỗi tác giả sẽ tự mình sàng lọc và rút bài học kinh nghiệm cho cá nhân để có nhiều tác phẩm xuất sắc, độc đáo cho những tác phẩm mới trong tương lai.

Chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi thành tựu mới của Văn học Bình Định trên hành trình hiện đại ở những mùa giải tiếp theo!
Vỹ Dạ – Huế, 4.2023
HỒ THẾ HÀ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…