Văn học Bình Định năm 2021: Nhiều thành tựu đáng ghi nhận

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Năm 2021, cơn “bão” Covid-19 hoành hành khốc liệt trên nhiều tỉnh thành cả nước, gây nên biến động lớn mọi sinh hoạt, đời sống xã hội. Các hoạt động văn học nghệ thuật nói chung, trong đó Chi hội Văn học của Hội VHNT Bình Định cũng không ngoại lệ. Chỉ một số hội viên thực hiện chuyến đi tham quan, thực tế sáng tác đầu năm trên vùng di tích văn hóa, danh thắng đầm Thị Nại; mọi kế hoạch khác tạm dừng. Nhưng với đặc thù công việc của mình, các cây bút Bình Định không ngừng tư duy, sáng tạo, và những nỗ lực lặng thầm của từng cá nhân đã gặt hái nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Nhiều nhà văn, nhà thơ có những trang viết xúc động về tình hình phòng chống dịch Covid-19 đăng tải trên các báo. Tạp chí Văn nghệ Bình Định cũng duy trì định kỳ, chất lượng; có nhiều số in những tác phẩm đầy xúc động của hội viên về “mặt trận” khốc liệt này. Dù in báo hay trên trang cá nhân, các dòng trạng thái, thời đàm, bút ký – tản văn, thơ… của Trần Quang Khanh, Lệ Thu, Mai Thìn, Hồng Phúc, Ngô Văn Cư, Trần Hà Nam, Nguyễn Thị Phụng, Khổng Trường Chiến, Vân Phi… đã tiếp tục khẳng định nhà văn nhà thơ luôn được nuôi dưỡng trong bầu khí quyển cộng đồng. Từng con chữ của họ chia sẻ kịp thời những cảnh đời, những tấm lòng, sự hy sinh, can trường trong cuộc sống nhiều thử thách. Đó là điểm nhấn sáng: trong tình thế gian nan, mỗi tâm hồn người cầm bút đã thực sự rung lên vì lẽ cao đẹp cho đời!

Không cứ gì đại dịch chấn động tâm tư mọi người, ngay cả những tháng tạp chí nhấn mạnh các “nhiệm vụ chính trị” của địa phương như “Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”, “Đại hội Hội phụ nữ tỉnh”, “190 năm danh xưng An Nhơn”, VNBĐ cũng có nhiều bài viết, tác phẩm phù hợp, có chất: sức sáng tạo của hội viên khá nhanh nhạy, phong phú, thích ứng lựa chọn chủ đề của Ban biên tập mà không gượng.

Không có những sinh hoạt hội đoàn, những chuyến đi, những trại sáng tác, những tọa đàm…, dường như các nhà văn nhà thơ càng chuyên tâm với các ý tưởng, với chữ nghĩa. Nhiều sáng tác của hội viên xuất hiện thật nhiều trên các báo, các diễn đàn văn chương trong tỉnh, trong nước. Ngoài việc góp phần cốt yếu cho tạp chí Văn nghệ Bình Định, những năm gần đây, các cây bút Bình Định tiếp tục góp mặt trên các báo, tạp chí: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Nhà văn & Cuộc sống, tờ báo mạng Vanvn.vn của Hội Nhà văn, Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Sông Hương, Tiền Phong…, người thường xuyên, người tiếp tục khẳng định, hoặc lần đầu có mặt. Có thể kể tên các nhà văn nhà thơ: Lệ Thu, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Trần Như Luận, Triều La Vỹ, Phạm Hữu Hoàng, Trần Quang Khanh, Trần Quang Lộc, Vân Phi, Trần Quốc Toàn, Trương Công Tưởng, Nguyễn Thường Kham, Hương Văn, Lê Thị Kim Tiết, Phạm Ánh, Khổng Trường Chiến… Cũng cần kể tên các cây bút Bình Định chưa là hội viên xuất hiện trên báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội: Duyên An, Lê Từ Hiển, Thụy Hân. Thụy Hân là cây bút trẻ ở Phù Cát, vừa mới vào đại học, một phát hiện của Bình Định từ những Trại sáng tác trẻ mấy năm qua. Thật nhiều truyện ngắn, tản văn, thơ, dịch thuật, phê bình văn học,… được in, các cây bút Bình Định thể hiện sức sáng tạo dồi dào, chất lượng, trên văn đàn cả nước.

Mảng in sách, dù qua năm “nước rút” 2020 góp mặt cho kỳ xét giải Đào Tấn – Xuân Diệu lần VI (2016 – 2020), năm 2021 cũng có 14 đầu sách của hội viên nhiều thể loại: truyện ngắn, tản văn, bút ký, thơ, trường ca, nghiên cứu văn học. Đáng chú ý những tác phẩm: Đợi những vắng xa (thơ – Trương Công Tưởng), Trường thơ Loạn – Thi pháp tượng trưng đa ký hiệu (chuyên luận – Võ Như Ngọc), Đi trong miền xanh thắm (bút ký – Bùi Tấn Phước), Văn tế Hán – Nôm Bình Định (nghiên cứu – Võ Minh Hải), Điều không thể quên (tản văn – bút ký, Trần Duy Đức),… cả tập thơ đầu tay của cô giáo – tân hội viên Lê Thị Kim Tiết Khúc hát mùa xanh, tập thơ thứ hai của Mạc Tường Là khói hay là mây cũng đọng lại chất thơ riêng có nét. Có hội viên in 2 đầu sách như Ngô Văn Cư: Mở mắt là thấy (truyện ngắn), Thời cách ly chống dịch (trường ca). Nếu kể những ngày cuối năm 2020, còn có những tác phẩm khá chất lượng: Tiếng chim về cũ (Thơ – Mai Thìn), Gió thiếu phụ (thơ – Trần Quang Khanh), Âm ỉ tàn tro (truyện ngắn – Lưu Thị Mười), Ngày mắc cạn (thơ – Vân Phi), v.v…

Điểm nhấn sách xuất bản năm 2021 là Tuyển tập 10 năm thơ Bình Định (2011-2021) của Hội VHNT Bình Định. Cùng các tuyển tập 10 năm các chuyên ngành Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Nghệ sĩ – Nghệ nhân, Văn trẻ, Văn xuôi, Tuyển tập 10 năm thơ Bình Định khá hoành tráng, bề thế: khổ lớn 16x24cm, bìa cứng, dày 600 trang, tập hợp những sáng tác chất lượng của 87 gương mặt đủ các thế hệ nhà thơ Bình Định (cả nhà thơ Bình Định xa quê). 435 bài thơ đa dạng phong cách trong một ấn phẩm sang trọng như một “sơ kết” đẹp, một chặng mới của hành trình thơ Bình Định – vùng đất thi ca đã thành danh trong văn giới cả nước.

Năm 2021, nhiều cây bút Bình Định cũng đạt các giải thưởng văn chương. Cuộc thi thơ báo Văn nghệ 2019-2020 nhiều nhà thơ Bình Định tham gia, có thơ in báo sôi nổi, nhà thơ Mai Thìn về đích với Giải KK chùm thơ được anh viết trong chuyến đi thực tế sáng tác do Hội tổ chức, năm 2020: Tạ lỗi với mây xanh, Ngược sông Lô, Hoa phượng ở nghĩa trang Trường Sơn. Trong những ngày căng thẳng cách ly, Cuộc thi thơ online của Hội VHNT Thái Nguyên phối hợp với Diễn đàn văn chương “Quán Chiêu văn”, chủ đề “Tổ quốc và mẹ”, ngoài giải Nhất của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, nhà thơ trẻ Trần Quốc Toàn đạt giải Tư, chùm thơ: Bếp quê, Tổ quốc tôi, Ở phía Đông làng. Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2021, Lưu Thị Mười đạt Giải B tập truyện ngắn Âm ỉ tàn tro; Võ Minh Hải đạt Giải B tập nghiên cứu văn học Ngôn ngữ Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa; Vân Phi đạt giải C với tập thơ Ngày mắc cạn. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bình Định có giải thưởng văn học này (2019: Trương Công Tưởng giải B, Nguyễn Đặng Thùy Trang giải Trẻ, năm 2020: Trần Quang Lộc và Nguyễn Thanh Quang giải KK). Nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng viết kịch bản sân khấu về nhân vật thời Tây Sơn – Trần Văn Kỷ, vở Cô thần được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao Giải Ba kịch bản văn học.

Cuộc thi thơ Tạp chí VNQĐ (2021 – 2022) đang diễn ra được nửa chặng đường. Bình Định cũng đã có nhiều cây bút đua tài. Ngoài nhà thơ Mai Thìn vẫn trường lực tham gia, thêm nhiều nhà thơ trẻ: Trương Công Tưởng, Trần Quốc Toàn, Vân Phi… đã xuất hiện những chùm thơ “ứng thí”. Ba tác giả này từng được giải thưởng Cuộc thi văn học Bình Định mở rộng 2018 – 2019, giờ đang “bơi” ra biển lớn. Còn nguyên một năm nữa mới kết thúc cuộc thi, tin rằng thơ Bình Định sẽ có cuộc tăng tốc và về đích.

Năm 2021 cũng là năm ghi dấu của các nhà văn trẻ tỉnh nhà với sự kiện 05 gương mặt trẻ Bình Định được Hội Nhà văn Việt Nam mời tham dự Hội nghị viết văn Trẻ toàn quốc: Vân Phi, Trương Công Tưởng, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Đặng Thùy Trang và Nguyễn Anh Nhật. Hội nghị dự kiến tổ chức tại Đà Nẵng vào giữa tháng 12.2021, nhưng do dịch Covid, nên đã lùi lại năm 2022.

Năm 2021, trong nỗ lực đổi mới chất lượng báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam mời các nhà văn nhà thơ tham gia tuyển thơ, truyện ngắn cho báo, nhà văn Lê Hoài Lương được mời tuyển truyện ngắn tháng 12.2021, anh cũng được mời vào Hội đồng sơ khảo “Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I, 2021” của Hội Nhà văn Việt Nam. Giải thưởng tác giả trẻ hàng năm này, sẽ là nguồn động viên, kích thích lớn cho nhiều cây bút trẻ cả nước, Bình Định cũng là nơi rất tiềm năng.

Nhìn chung, dù sinh hoạt bề nổi bị hạn chế, nhưng năm 2021, trong sắp xếp điều tiết chung của Hội VHNT Bình Định, Chi hội Văn học, với ý thức và nỗ lực từng cá nhân, mảng sáng tác, in ấn tác phẩm, đã có những gặt hái đáng trân trọng. Đó là sức sống một nền văn học nhiều thế hệ: những cây bút thành danh tiếp tục khẳng định, những cây bút trẻ tràn đầy năng lượng đang chững chạc xuất hiện. Nếu dùng chữ “mùa màng văn học” thì dường như Bình Định đang vào mùa, bất chấp thời tiết thế nào. Đáng mừng thay!

TUYẾT NHUNG

(Văn nghệ Bình Định số Xuân Nhâm Dần 2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…