VĂN HỌC BÌNH ĐỊNH 10 NĂM (2011 – 2021): Nối tiếp và hy vọng

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). Mười năm, quãng thời gian đâu đó, khi Phong trào Thơ mới hình thành, phát triển, đến lúc có “đúc kết” thành tựu lớn của Hoài Thanh – Hoài Chân bằng cuốn Thi nhân Việt Nam trứ danh, xuất bản năm 1942. Hoặc 10 năm (1955 – 1965), nhóm Sáng Tạo ở miền Nam, đã rực rỡ và xôm tụ anh tài, những cách tân, tìm tòi mới, trước khi chiến tranh lan rộng. Hoặc cũng chỉ mươi năm thập kỷ chín mươi thế kỷ trước, tức sau “Đổi mới”, đã xuất hiện đồng loạt các thành tựu mới từ thơ đến truyện ngắn, tiểu thuyết; xác lập những danh gia cho văn chương Việt, thế hệ sinh những năm 40, 50. Mười năm, đủ cho những chuyển động, cho khởi sắc, hoặc trì đọng, một trào lưu, một thời kỳ văn học. Nếu các 10 trước là những thời khắc đặc biệt của đất nước, những ảnh hưởng văn hóa phương Tây, chữ Quốc ngữ phát triển, hoặc chiến chinh, tao loạn… – sinh anh tài, thì 10 năm giai đoạn này là những đổi thay chóng mặt thời hội nhập, thế giới phẳng, thời công nghệ số, trí tuệ nhân tạo… – cũng nhiều thuận lợi và thử thách.

Sao lấy mốc 2011 – 2021? Đơn giản, là từ các thành tựu, đúc kết, mà Hội VHNT Bình Định đã in Tuyển tập 10 năm các chuyên ngành, trong đó mảng văn học có: Văn trẻ Bình Định (2012 – 2018), 10 năm Văn xuôi Bình Định (2009 – 2019), 10 năm Thơ Bình Định (2011 – 2021), Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định (2011 – 2021). Tuy chưa thể nói các tuyển tập trên là tất cả văn chương Bình Định 10 năm qua, nhưng cũng thấy, về căn bản đó là những tập hợp khá bao quát; có thể làm căn cứ cho một cái nhìn chung nhất về văn học vùng đất này.

Cần nói thêm về cách tuyển, các tập sách. Văn Trẻ là thành quả một định hướng đúng đắn của Hội VHNT Bình Định trong việc phát hiện, bồi dưỡng lực lượng cầm bút trẻ, từ những Trại sáng tác trẻ hàng năm. Đã có một thế hệ cầm bút mới, độ tuổi 20 – 30 đang dần hình thành, khẳng định mình một cách trẻ trung, tươi mới, táo bạo tìm tòi. Cuốn Thơ, là tập hợp mở rộng cho người thơ Bình Định trong tỉnh, trong nước, hội viên và chưa hội viên. Mảng văn xuôi, vì dung lượng in ấn chỉ khuôn lại phạm vi trong tỉnh, nhưng đa dạng: truyện ngắn, tản văn, bút ký, trích tiểu thuyết, kịch bản văn học, nhật ký… Cuốn Nhà văn là tổng hợp các thể loại của những nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định, tự nguyện tham gia tuyển tập, giai đoạn sáng tác này.

Vậy 10 năm văn học Bình Định, từ những tập hợp trên, có gì đáng nói?

1. Một đội ngũ nhiều thế hệ

Năm 2021, khi Thụy Hân in truyện ngắn Tầng cao trên báo Văn Nghệ (bộ mới), em còn đang học 12, trường THPT Nguyễn Hồng Đạo, Phù Cát. Cũng năm này, báo này, nhà thơ Lệ Thu (đã ngoại bát tuần) in bài thơ Đảo cò, sau chuyến đi thực tế sáng tác trên đầm Thị Nại, đến Cồn Chim, cùng anh chị em Chi hội Văn học, Chi hội Nhà văn. Với người cầm bút, các khái niệm trẻ, già chỉ hiểu phiên phiến theo một quy nhóm có tính định hướng, tổ chức, hội đoàn, kiểu Hội nghị Viết văn trẻ, Trại sáng tác trẻ, Giải thưởng trẻ…, chứ không nhằm phân biệt chất lượng tác phẩm. Tôi nêu hai trường hợp in cùng năm trên cùng tờ báo văn lớn như thế, chỉ để nói điều này: nếu như nhà thơ trưởng bối ở độ tuổi ấy vẫn hăm hở tìm thấy niềm vui sáng tạo sau một chuyến đi, thì cô gái trẻ kia cũng phả vào trang viết nỗi ưu tư thế hệ mình, những nghịch cảnh tưởng không thể vượt qua, cuối cùng tìm thấy điều hy vọng, để sống. Tính theo phả hệ gia đình thông thường, hai cây bút có khoảng cách khá lớn, đương nhiên các quan tâm về đề tài, phương thức sáng tác cũng rất khác nhau, nhưng giống nhau một điều: sự bộc lộ mình, từ trang viết. Đó, người Bình Định và văn chương, hôm nay!

Thụy Hân, tức Trần Thị Hân, trưởng thành từ các Trại sáng tác trẻ của Bình Định. Nhà thơ Lệ Thu, thế hệ cầm bút – cầm súng thời chống Mỹ, và là những người đầu tiên xây dựng văn nghệ Bình Định thời đất nước mới hòa bình thống nhất, từng giữ những trọng trách hàng đầu xây dựng nền văn nghệ quê hương.

Có khi chỉ là “quê” thứ hai, quê sống và sáng tác, Bình Định vốn có những tiền bối thành danh ở đây, như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, những người cùng Yến Lan, Quách Tấn tạo nên Bàn Thành tứ hữu danh tiếng. Thời nay, có Lê Văn Ngăn, Nguyễn Văn Chương; người gốc Huế từng in Vào một thời im bóng trước năm Bảy lăm có tiếng vang; người quê Hà Tây cầm súng và cầm bút rồi sáng tác trên quê hương mới; cả hai giờ đã về cõi vĩnh hằng nhưng đóng góp của họ rất đáng trân trọng.

Những người thời mới tiếp quản xã hội hòa bình thống nhất góp công xây dựng nền văn nghệ mới, mười năm qua cũng người còn, người mất. Hà Giao ra đi kịp để lại một di sản văn học miền núi đặc sắc và những vần thơ nhiều tâm tư. Nguyễn Thanh Hiện dù sức khỏe không tốt vẫn miệt mài với thế giới sáng tạo, miên man những tiểu thuyết, thơ, trường ca… Nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng mười năm qua với 2 tập thơ, 7 vở kịch thành công nhiều mặt, là sức làm việc đáng ngạc nhiên.

Thế hệ kế tiếp đã xác lập tên tuổi, mỗi người một cách, lằng lặng hoặc bứt phá, có thể kể tên: Mang Viên Long, Trương Tham, Trần Quang Lộc, Trần Như Luận, Nguyễn Mỹ Nữ, Khổng Vĩnh Nguyên, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Phạm Hữu Hoàng, Trần Quang Khanh, Trần Văn Bạn, Lê Ân… Rồi Phạm Ánh, Triều La Vỹ, Lưu Thị Mười… Có khi không thật nổi bật, hoặc không đều đặn sáng tác, in ấn, coi văn chương là niềm vui, tùy hứng, nhưng lớp cầm bút kỳ cựu hay mới xuất hiện mươi năm nay thật đông đảo: Huỳnh Kim Bửu, Hoàng Bảo Linh, Hồ Thế Phất, Trần Viết Dũng, Đào Viết Bửu, Nguyễn An Đình, Trịnh Hoài Linh, Phạm Văn Phương, Phạm Kim Sơn, Nguyễn Thanh Xuân, Mạc Tường, Nguyễn Thường Kham, Võ Ngọc Thọ, Ngô Văn Cư, Trần Xuân Toàn, Hà Diệp Thu, Bùi Tấn Phước, Nguyễn Thị Phụng, Vĩnh Tuy, Đặng Quốc Khánh, Trần Hà Nam, Thái An Khánh, Lê Vinh, Lê Thị Kim Tiết, Lý Thành Long, Hồ Thế Sinh, Duyên An…

Cùng góp mặt sang trọng cho Thơ, chúng ta vui mừng điểm tên những nhà văn Bình Định xa quê các thế hệ: Từ Quốc Hoài, Lâm Huy Nhuận, Hồ Thế Hà, Nguyễn Thái Dương, Tạ Văn Sĩ, Lê Hưng Tiến, Lê Văn Hiếu…, rồi thế hệ trẻ hơn, những Trần Lê Sơn Ý, Minh Đan, Trần Võ Thành Văn…

Tôi muốn dành phần lưu ý đặc biệt ở thống kê này cho lứa tuổi trong ngoài ba mươi của văn học Bình Định, những cây bút mười năm qua đang rất hăm hở khẳng định mình: Viễn Trình, Khổng Trường Chiến, Vân Phi, Lê Văn Đồng, Trương Công Tưởng, Trần Quốc Toàn, Mẫu Đơn, My Tiên, Phạm Quyên Chi,… Rồi Nguyễn Anh Nhật, Trần Văn Thiên, Nguyễn Văn Bút, Trần Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Bích Phượng, Trần Thị Hân,… Chưa khi nào Bình Định xuất hiện đồng loạt các cây bút trẻ tuổi, nhanh chóng, tự tin hiển lộ tài năng mình như thời kỳ này.

Tất cả hòa thành dàn đồng ca, nhiều bè, đôi khi bật lên giọng lĩnh xướng, tạo nên âm hưởng rộn rã đông vui hoặc khác biệt, nhưng vang ngân, không dứt.

2. Đã cân bằng hơn về thể loại

Với đặc trưng thể loại, vùng đất nào người làm thơ cũng đông hơn viết văn. Hoặc người cầm bút, lúc đầu thường thử sức bằng thơ rồi sau mới chuyển sang văn xuôi. Người trẻ giờ viết cả hai. Nhìn chung, từ khi thành lập Hội VHNT Bình Định (1990), mười năm đầu, người làm thơ áp đảo. Mười năm tiếp theo, đã nhiều cây bút văn xuôi hơn, và giai đoạn này đã thực có sự thăng bằng. Ngoài những cây bút chuyên tâm cho văn xuôi: Trần Quang Lộc, Lê Hoài Lương, Nguyễn Mỹ Nữ, Phạm Hữu Hoàng, Trần Văn Bạn, … thêm các cây bút thế hệ sau chọn văn xuôi: Lưu Thị Mười, Phạm Kim Sơn, Bùi Tấn Phước, Hương Văn, Nguyễn Anh Nhật…; nhiều người hoặc chuyển hẳn sang văn xuôi hoặc viết song song hai mảng như: Nguyễn Thanh Hiện, Trần Như Luận, Triều La Vỹ, Ngô Văn Cư, Mai Thìn, Trần Quang Khanh, Huỳnh Kim Bửu, Trần Duy Đức, Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Đặng Thùy Trang… Và văn xuôi Bình Định cũng đã có nhiều thành tựu chứ không chỉ là lựa chọn thể loại.

Trên đất sân khấu truyền thống Bình Định, rất đáng kể trường hợp nhà thơ – kịch tác gia Văn Trọng Hùng đã có hàng chục kịch bản được dàn dựng, nhiều thành công, nhiều giải thưởng. Bên cạnh thơ, ông đã có 2 tập kịch bản sân khấu hoành tráng.

Mảng văn học dịch có dịch giả Trà Ly xác lập uy tín với hơn chục đầu sách. Cách đây vài năm, ông đã từ biệt chúng ta, thì gần như cùng lúc, nhà văn Trần Như Luận tìm thấy niềm đam mê chuyển ngữ như cuộc chạy tiếp sức. Lại thêm Trần Minh Nguyệt cũng hứng thú vào “cuộc chơi” chữ nghĩa này.

Cùng Nguyễn Thanh Hiện – đang sống như một ẩn sĩ, viết nhiều tiểu thuyết (đã in 2 cuốn, còn lại chủ yếu công bố trên trang văn chương cá nhân) – Trần Như Luận là tác giả sống và sáng tác ở Bình Định, ngoài truyện ngắn đã in 3 cuốn tiểu thuyết. Hoặc tác giả trẻ Trần Quốc Toàn cũng in 2 tiểu thuyết trên một trang văn chương mạng. Chưa kể tác giả người Bình Định, Vũ Thanh, đang định cư ở nước ngoài, in hai bộ trường thiên tiểu thuyết về đề tài tiền Tây Sơn và Tây Sơn: Én liệng Truông Mây, Nhất thống sơn hà. Tức là, cái vũ khí “hạng nặng” này của văn học, mười năm qua ở Bình Định, đã có chuyển động tích cực.

Ở mảng nghiên cứu, phê bình, văn học Bình Định đang có những tín hiệu vui. Vốn địa bàn có trường Đại học Quy Nhơn, nhiều cây bút là giảng viên xuất bản các công trình nghiên cứu văn học có chất lượng: Trần Xuân Toàn với ngôn ngữ dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương, Lê Nhật Ký tập trung mảng văn học đồng thoại, Võ Như Ngọc chuyên luận về Trường thơ Loạn, Võ Minh Hải với ngôn ngữ Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa… Cũng vài năm nay, một hội viên mới của Chi hội Văn học vào Hội không phải mảng sáng tác mà là chuyên viết phê bình: Tuệ Mỹ. Lê Hoài Lương đã viết nhiều mảng này, nhưng gần đây chuyên tâm hơn. Vân Phi là cây bút trẻ viết khá nhiều mảng “đọc sách” cho Văn nghệ Bình Định. Cũng cần kể tên Nguyễn Thị Phụng hăng say đọc và viết cảm nhận về sách của bạn bè… Tuy chưa thật nổi trội nhưng nghiên cứu, phê bình đang được chú trọng nhiều hơn trên miền đất văn chương này.

Như vậy, ngoài thơ khá ổn định lâu nay, càng định hình nhiều thành công với Lệ Thu, Văn Trọng Hùng, Mai Thìn, Triều La Vỹ, Lê Ân, Trần Quang Khanh, Phạm Ánh…, cùng đông đảo những gương mặt kỳ cựu, những nhà thơ trẻ, những nhà thơ Bình Định đang sống ở nơi khác kể trên; mười năm qua văn học Bình Định đang khá cân bằng bởi sự phát triển các thể loại khác.

3. Những thành tựu

Đánh giá sức sống một thời kỳ văn học ở địa phương, dựa vào nhiều căn cứ, nhưng trước hết là ở phong trào sáng tác, công bố tác phẩm. Mười năm, lượng đầu sách in trên dưới chục cuốn là những: Mang Viên Long, Ngô Văn Cư, Nguyễn Thị Phụng. Năm, ba cuốn thì nhiều: Mai Thìn, Lệ Thu, Văn Trọng Hùng, Nguyễn Mỹ Nữ, Trần Như Luận, Trần Quang Khanh, Lê Hoài Lương, Khổng Vĩnh Nguyên,…, còn lại hầu hết người cầm bút đều in một vài cuốn sách. Điều quan trọng là, ngoài trang nhà Tạp chí Văn nghệ Bình Định, trên các diễn đàn văn chương lớn của đất nước: Văn Nghệ, VNQĐ, Nhà văn & Tác phẩm (giờ là Nhà văn & Cuộc sống), trang báo mạng của Hội Nhà văn Vanvn.vn… thường xuyên xuất hiện truyện ngắn, thơ, tản văn, phê bình tiểu luận của các cây bút Bình Định. Những năm gần đây, mật độ xuất hiện này đông vui hẳn, thường từ hơn 30 góp mặt. Đáng chú ý là các cây bút trẻ dần quen với bạn đọc từ các diễn đàn này: Vân Phi, Trần Quốc Toàn, Trương Công Tưởng, Mẫu Đơn, Lê Văn Đồng, Trần Văn Thiên, My Tiên, cả cây bút còn đang học PTTH như Thụy Hân kể trên…

Sáng tác đã vậy, còn các cuộc thi, các giải thưởng thì sao? Lấy năm 2021 nóng sốt thì thấy: Giải thưởng Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam, Bình Định có 4 giải: Lưu Thị Mười giải B tập truyện Âm ỉ tàn tro, Võ Minh Hải giải B tập nghiên cứu văn học Ngôn ngữ Truyện Kiều dưới góc nhìn văn hóa, Vân Phi giải C tập thơ Ngày mắc cạn. Một giải B âm nhạc nữa. Quá hoành tráng nếu so với các tỉnh thành khác. Ở giải thưởng hàng năm của diễn đàn Liên hiệp này, trước đó Trương Công Tưởng có giải B tập thơ Ngồi gỡ tơ trời (2019), Nguyễn Đặng Thùy Trang giải Trẻ tập truyện Bay (2019), Trần Quang Lộc giải KK tập truyện Làng Krona.

Các cuộc thi truyện ngắn, thơ trên các báo, tạp chí của Hội Nhà văn, VNQĐ những năm qua, Bình Định cũng có nhiều cây bút tham gia, được in ấn nhiều truyện ngắn, chùm thơ, vào chung khảo. Và đã có các tác giả đoạt giải thưởng: Lê Hoài Lương, Triều La Vỹ (truyện ngắn), Mai Thìn (thơ).

Mười năm qua, Hội VHNT Bình Định cũng tổ chức 2 cuộc thi văn học: năm 2014 – 2015 (phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đề tài người lính và quốc phòng toàn dân), năm 2018 – 2019 Cuộc thi văn học mở rộng trên toàn quốc, nhân kỷ niêm 30 năm thành lập Hội (1990 – 2020). Hai cuộc thi có kết quả khá tốt, tạo uy tín cho văn học Bình Định. Đã có nhiều cây bút khẳng định mình: Triều La Vỹ, Phạm Kim Sơn, Bùi Tấn Phước, Nguyễn Thường Kham, Trần Hà Nam, Võ Hạnh, My Tiên, Trần Quốc Toàn, Vân Phi, Trần Thị Hân, Ngô Văn Cư, Mẫu Đơn, Phạm Hữu Hoàng… Dù ký, truyện ngắn, hay thơ; đề tài người lính hay tự do, các cây bút Bình Định tham gia dự thi có nhiều tác phẩm chất lượng, mang lại không khí sôi động, và cuộc thi đã có các giải cao xứng đáng.

Mười năm qua, nhiều cây bút “xong việc”, đã đi xa, như Nguyễn Văn Chương, Lê Văn Ngăn, Hà Giao, Huỳnh Kim Bửu, Trà Ly, Đặng Quý Địch, Trương Tham, Nguyễn Huy, Đặng Tấn Tới, Mang Viên Long, Trịnh Hoài Linh, Đào Quý Thạnh, Vân Bích…, nhưng văn học Bình Định có một bổ sung thật lớn về số lượng (hiện nay gần 90 hội viên mảng văn học), và sức sáng tạo luôn dồi dào, nhất là các cây bút trẻ. Cũng 10 năm này, có đến 5 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mới, gần bằng nửa tổng số Chi hội Nhà văn tỉnh Bình Định đang sinh hoạt (11 người). Và với sức cường tráng của mình, nhiều ứng viên rất triển vọng đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký vào hội Trung ương.

Xét từ nhiều mặt, văn học Bình Định thực sự đang những ngày xuân sắc.

4. Nối tiếp và hy vọng

Trên các diễn đàn, trong các văn bản, không riêng chúng ta tự khen nhau, nhiều đánh giá từ văn giới đồng thuận coi Bình Định là vùng đất văn chương, hẳn từ thành công vang dội trong quá khứ của cha ông, những nhà soạn tuồng vĩ đại Đào Tấn, Nguyễn Diêu; từ thời Thơ mới những Bàn Thành tứ hữu, Xuân Diệu, Trường thơ Loạn; từ những nhà văn Bình Định tập kết ra miền Bắc; những cây bút lừng lững ở miền Nam: Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại Trường… Có nhà thơ, nhạc sĩ xứ khác còn gọi tên “Quy Nhơn vùng đất thi ca”…

Thì đúng, Bình Định có những thành tựu văn học chói sáng trong quá khứ, gọi chung là truyền thống văn chương. Người Bình Định có quyền tự hào về truyền thống này, như tự hào về võ. Miền đất võ, xứ văn chương.

Nhưng “truyền thống” không là chuyện bất biến, thời gian rồi sẽ hình thành những giá trị văn hóa khác chồng lấp, nếu cái truyền thống kia mai một. Văn chương cũng vậy. Tự hào về truyền thống chẳng để làm gì, thậm chí có hại, nếu chỉ mơn man, ve vuốt kiểu “ăn mày dĩ vãng” mà không biến niềm tự hào kia thành ý thức gìn giữ bằng nỗ lực tiếp nối, làm đẹp thêm truyền thống ấy.

Các thế hệ văn chương Bình Định hôm nay đã có sự tiếp nối tiền nhân xứng tầm chưa?

Văn chương mỗi thời mỗi khác, và rất khó so sánh, định giá. Nhưng trong tương quan chung của thời đại mình, Bình Định chưa có cái nhấn sáng cho văn giới ngưỡng mộ, thán phục như cha ông đã từng làm được. Sẽ không có nền văn học lớn khi chưa có tác phẩm lớn. Trách nhiệm này thuộc về chúng ta, những người cầm bút, chứ không phải từ bất kỳ lý do nào.

Có vẻ như người cầm bút Bình Định hôm nay dễ hài lòng với vài thành công nho nhỏ, mà thiếu khao khát lớn.

Tôi tin vào sự không cam chịu của bạn bè cầm bút quanh mình, như sự không cam chịu của chính tôi, nhưng nếu bày tỏ, thì tôi xin đặt cược hy vọng vào lứa trong ngoài 30 hiện nay. Họ không màng tới cách viết, truyền thống hay hiện đại. Chỉ tràn đầy sức sống, tự tin thể hiện mình, và đã có những khẳng định. Họ có thể có tài, và sẽ thành công nếu dám dấn thân, với – đúng, với chỉ duy nhất điều này – niềm khao khát lớn. Ngoài ra không còn gì khác.

Tiếp nối và hy vọng luôn song hành, là phần việc vừa hiện tại vừa hướng tới tương lai. Tôi nêu những nhận định trên chỉ là cá nhân, và nghĩ theo xu hướng chung, về một thời đoạn văn học, về tầm vóc nền văn học Bình Định từng có.

Nhưng với mỗi người cầm bút, nếu luôn duy trì mơ ước chẳng tốt hơn sao. Như nghĩ rằng, sẽ có những cuốn tiểu thuyết đình đám đang ấp ủ, sắp xuất hiện? Sẽ có những giọng thơ mới, táo bạo trong suy tưởng, độc sáng về thi pháp? Và nữa, đi, chưa chắc đã tới. Nhưng sẽ chẳng có gì nếu không đi.

Mười năm văn học Bình Định cho chúng ta cái nhìn cụ thể hơn về một năng lực, năng lượng, các thế hệ cầm bút hiện nay. Để hướng tới mấy chữ đơn giản mà cũng thật cam go: Tiếp Nối và Hy Vọng. Một hy vọng xứng tầm thời đại cho văn chương Bình Định.

13.5.2022

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…