Văn chương Bình Định với mạch nguồn tiếp nối

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). Bình Định được mệnh danh là miền đất võ, xứ văn chương, thời điểm nào, giai đoạn nào cũng có những tâm hồn văn chương ưu tú, tài hoa và bản lĩnh. Văn học Bình Định, chỉ tính riêng trong hơn thập niên gần đây đã cho thấy một sự tiếp nối rõ rệt giữa hai thế hệ cầm bút. Chỉ cần sơ lược văn học Bình Định qua các đầu sách mà Hội VHNT Bình Định chủ trương in ấn như Văn trẻ Bình Định 2012 – 2018, Văn xuôi Bình Định 2009 – 2019, Thơ Bình Định 2011 – 2021, Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định 2011 – 2021, đã cho thấy được điều đó.

1.

Bình Định đang có một lực lượng người viết trẻ hùng hậu, ở độ tuổi từ 35 trở xuống. Những gương mặt tác giả trẻ của tỉnh nhà với đa dạng giọng điệu, sắc thái, phân bổ đều khắp hai mảng thơ và văn xuôi. Có thể đề cập đến một số tên người viết trẻ như: Thiên Nga Sô Zuôn ở Vân Canh; Nguyễn Đặng Thùy Trang, Nguyễn Lê Thu An… ở Quy Nhơn; Vân Phi, Khổng Trường Chiến ở An Nhơn; Trần Quốc Toàn, My Tiên, Trần Văn Thiên… ở Tuy Phước; Trần Võ Thành Văn, Phạm Quyên Chi, Trần Thị Tuyết Mai, Trần Thị Hân, Nguyễn Văn Bút ở Phù Cát; Lê Văn Đồng ở Phù Mỹ; Trương Công Tưởng, Trần Thị Hồng Xuân ở Hoài Ân, Nguyễn Anh Nhật ở An Lão. Riêng ở lĩnh vực kịch bản sân khấu – một thể loại rất kén người trẻ – còn xuất hiện cây bút trẻ Lê Công Phượng, trong vài năm gần đây đã hoàn thành nhiều kịch bản, và nhận một giải Khuyến khích, một giải B về kịch bản của Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong hai năm 2019, 2020. Họ là những gương mặt người viết trẻ Bình Định đã có những sáng tác tạo nhiều dấu ấn.

Tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, Bình Định đã có 05 đại biểu được mời dự. Một con số khá đông so với khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các vùng lân cận; chỉ ít hơn hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Mỗi đại biểu được lựa chọn đều đã thể hiện năng lực sáng tác của mình. Nhiều đại biểu đã có những giải thưởng cao trong các cuộc thi lớn, như Trương Công Tưởng giải B, Vân Phi giải C, Đặng Thùy Trang giải Tác giả trẻ của giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Trong cuộc thi thơ trên Văn nghệ quân đội 2021 – 2022, các cây bút trẻ là đại biểu hội nghị như Trương Công Tưởng, Trần Quốc Toàn, Vân Phi đã có từ 2-3 chùm thơ dự thi. Các sáng tác của nhiều cây bút xuất hiện đều đặn trên báo, tạp chí văn chương như báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, Văn nghệ quân đội, tạp chí Sông Hương…

Đã có nhiều ứng cử viên khiến Hội VHNT tỉnh phải băn khoăn trong việc giới thiệu đại biểu dự Hội nghị văn trẻ toàn quốc. Ngoài 5 đại biểu trên, còn khá nhiều cây viết trẻ khác đầy triển vọng như My Tiên, Trần Văn Thiên, Trần Thị Hân, Khổng Trường Chiến… Mỗi người, đều xứng đáng là đại biểu đại diện cho văn trẻ Bình Định tham gia hội nghị.

2.

William Zinsser, nhà văn nổi tiếng người Mỹ đã có câu nói rằng: “Viết là một trong những việc khó khăn nhất mà con người có thể làm”. Người sáng tác là người cô đơn đến tận cùng mà ở đó, chỉ có anh và con chữ bầu bạn. Để tác phẩm sáng tạo nên có chất riêng, cá tính, vừa mang lại cảm xúc cho người đọc vừa thể hiện được tư tưởng của người viết, thực sự rất khó. Nó cần tố chất nghệ sĩ, sự say mê, ham thích trường lực, và đôi khi là chút điên rồ nào đó từ căn tính nghệ sĩ.

Lực lượng người viết trẻ hiện tại đông hơn trước nhưng dường như, chúng ta vẫn chưa có tác phẩm thực sự nổi bật và đánh động đến lương tri, tư tưởng, tạo sức lan tỏa lớn. Người trẻ hiện tại bị can dự quá nhiều từ những yếu tố bên ngoài. Có lúc, sự ham thích thể hiện đã kéo người viết trẻ vào những son phấn, ồn ào của mạng xã hội mà quên mất điều cần nhất của một người sáng tác là hãy gửi những tâm tưởng, những điều sâu kín nhất vào tác phẩm của mình. Người viết trẻ có thể làm điều đó, vì thế hệ trước chúng ta, đã có những người có những sáng tác lớn ngay khi họ còn trẻ. Nam Cao viết Chí Phèo lúc 24 tuổi, xoáy sâu vào sự cùng quẫn của con người, sự tha hóa nhân cách trong xã hội thuộc địa. Nguyễn Ngọc Tư khi chưa tới 30 tuổi đã viết Cánh đồng bất tận. Hay những tác giả gắn bó sâu đậm với Bình Định như Hàn Mặc Tử ra mắt tập Gái quê tuổi 24, Thơ điên tuổi 26. Đặc biệt là Chế Lan Viên, ông in tập thơ Điêu tàn gây sửng sốt văn đàn khi tuổi mới 17…

Người viết trẻ thế hệ hôm nay, dường như có quá nhiều những bận tâm khác ngoài trang viết. Thế giới mạng đa chiều, những tiện ích giải trí trong tầm tay đã khiến văn chương không phải là thứ tạo cho họ quá nhiều xúc cảm để đắm đuối, để dấn thân gắn bó đến tận cùng. Và nữa, cả những mơ hồ lắng lo, hối hả cuộc sống cơm áo đã trì níu mộng văn chương. Nhiều người viết trẻ chưa thực sự bộc lộ hết tố chất viết văn, trang viết còn hời hợt, dễ dãi, sa vào những vụn vặt kể lể, những triết lý non vặt. Ngay chính bản thân tôi, cũng có lúc như thế. Và khi tự đọc lại những trang viết của mình, thực sự thấy xấu hổ. Lúc ấy, tôi luôn tự dặn bản thân mình, phải khác, phải sâu lắng, phải để cảm xúc thiêu cháy mình. Và con chữ chảy ra trên trang viết là những ý nghĩ, tâm tưởng tâm huyết nhất. Tác phẩm hay nhất của một người viết trẻ, đang là những ý tưởng sắp được hiện thực hóa bằng ngòi bút trong tương lai, là tác phẩm còn nằm ở phía trước mà người trẻ đang ấp ủ, đau đáu…

Tại Hội nghị Những người viết văn trẻ, đã có nhiều chia sẻ, giãi bày rất đáng quan tâm. Trong đó, nhà văn Khuất Quang Thụy – Tổng biên tập Báo Văn nghệ, đã nói rằng: “Các bạn trẻ đừng tự kiểm duyệt mình trước trang viết. Các bạn hãy viết đến tận cùng và đừng hạn chế tự do của chính mình. Những giá trị nhân văn bao giờ cũng được đánh giá cao. Một Ban giám khảo cuộc thi, một ban biên tập một tòa soạn hay một nhà xuất bản không khẳng định thành công cho sự nghiệp cả đời viết của bất cứ nhà văn nào”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chia sẻ rằng, Nhà nước tạo điều kiện, cổ vũ tự do sáng tạo. Và ông nhấn mạnh: “Hãy sáng tạo khi còn trẻ”.

Văn chương bồi đắp tâm hồn, để con người sống đẹp hơn, biết bao dung san sớt hơn, tôi và những người viết trẻ sáng tác một phần cũng vì điều ấy. Bên cạnh đó, tôi nghĩ, trong thực tại này, văn chương cũng cần cất lên tiếng nói của thân phận, thời đại, xoáy vào những “mảng xám” xã hội. Người cầm bút không thể thu mình trong cái vỏ ốc để rủ rỉ rù rì những hoa, những cỏ, những cô đơn riêng mình mà ngó lơ hay thờ ơ trước nỗi đau, sự bất công, tha hóa… Tôi nhớ đến câu nói của nhà báo Hữu Thọ: “Mắt sáng – Lòng trong – Bút sắc” và đặt ngữ cảnh điều ông muốn nói về nghề báo trong sự liên tưởng đến sáng tác văn chương hiện nay. Tôi nghĩ, người viết văn cũng cần cái tinh thần ấy…

3.

Ý thức được những hạn chế của người viết trẻ để mỗi người viết trẻ thế hệ chúng tôi có trách nhiệm hơn với những trang viết của mình. Và tôi nghĩ, nhiều bạn viết, đã có những ý niệm, định hướng sáng tác rõ rệt hơn. Người trẻ, đã dần cho thấy sự chững chạc, tìm tòi bứt phá hơn trong các sáng tác. Trương Công Tưởng đi qua vỏ bọc của nỗi buồn trung du để tìm thấy những khúc xạ về thân phận. Trần Quốc Toàn vẫn những thi ảnh đẹp nhưng đề tài đã rộng mở hơn, bắt đầu đề cập đến những vấn đề lớn hơn về cảm thức làng, dòng chảy lịch sử, từ đó, vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ Trần Quốc Toàn được bung tỏa, tạo nhiều hứa hẹn. Vân Phi thâm trầm, xoáy vào bản chất, cái lõi vấn đề. Gần đây, sáng tác anh dụng công hơn về con người thời đại, về sự bào mòn, khủng hoảng của văn hóa và tâm hồn. Đặc biệt, Nguyễn Đặng Thùy Trang, My Tiên… đã dành nhiều trang viết cho thiếu nhi. Một đề tài mà khá nhiều năm nay, Bình Định có quá nhiều khoảng trống. Chỉ tính từ 20 năm trở lại, ngoài Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Mỹ Nữ, Bùi Thị Xuân Mai, Phạm Kim Sơn, Mai Đậu Hũ, Nguyễn Đặng Thùy Trang… dường như Bình Định ít người dành sáng tác cho thiếu nhi. Hoặc có, nhưng chưa có dấu ấn đặc sắc, tạo được sự chú ý. Một số tác giả trẻ Bình Định hiện tại đã “bắt nhịp” với sáng tác cho thiếu nhi.

Tôi muốn nói đến những trợ lực tinh thần, đến từ sự quan tâm, bồi dưỡng, khuyến khích sáng tác của Hội VHNT Bình Định. Nó cụ thể từ việc hỗ trợ in ấn tác phẩm, từ việc mở trại sáng tác Văn học Nghệ thuật Trẻ hàng năm. Phần lớn các cây bút trẻ Bình Định, đều từng tham gia trại sáng tác VHNT trẻ – một chương trình thiết thực và ý nghĩa được Hội VHNT khởi xướng từ năm 2014 đến nay. Trại viết là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ chân thành về văn chương, tạo chất xúc tác cho người viết trẻ mạnh dạn thể hiện ý tưởng, tung tẩy khả năng ngôn ngữ của mình. Bên cạnh đó, những cuộc thi có quy mô do Bình Định tổ chức đã tạo sân chơi cho các bạn trẻ trải nghiệm, thử sức. Sự thành công của cuộc thi Văn học Bình Định mở rộng 2018 – 2019 đã cho thấy sức hút lớn của văn chương và năng lực sáng tác của nhiều cây bút trẻ. Ở cuộc thi này, có nhiều tác giả trẻ tham gia và đạt giải như: Trần Thị Hân, Vân Phi, Trần Quốc Toàn, My Tiên, Trương Công Tưởng, Trần Văn Thiên.

Trên tinh thần ấy, tôi nghĩ rằng, ngoài sự nỗ lực của mỗi bản thân người viết, chúng ta cần có thêm những trợ lực như duy trì trại sáng tác VHNT hàng năm, các cuộc tọa đàm văn chương. Cần phối hợp tổ chức một cuộc vận động sáng tác. Đặc biệt, dành sự quan tâm hơn đối với mảng văn học thiếu nhi. Xem đó như một mảng chính trong cuộc vận động hoặc một cuộc thi riêng lẻ dành cho truyện, thơ, ca khúc về đề tài này.

Thế hệ người viết trẻ Bình Định đang có nguồn xung năng dồi dào và đã cho thấy một “sức sống” mới để chúng ta có quyền hy vọng sự bùng cháy từ họ…

Từ ngày 17 – 19.6.2022, tại TP. Đà Nẵng, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X. Phó Thủ tướng Chính phủ – Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch – Nguyễn Văn Hùng đã đến dự khai mạc. Hội nghị quy tụ 119 cây viết trẻ toàn quốc, trong đó, Bình Định có 04 tác giả: Trần Quốc Toàn, Trương Công Tưởng, Vân Phi và Nguyễn Anh Nhật.
Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X có nhiều chia sẻ, giải đáp xoay quanh câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”. Bên cạnh đó, còn có một số hoạt động như: Tham quan Tập đoàn THACO Trường Hải, Khu Kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam); Thăm và tặng quà thầy trò trường Hy Vọng; Tọa đàm “Văn học với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Hội thảo thơ và văn xuôi tập trung bàn về thái độ và trách nhiệm lương tâm của người cầm bút với cuộc sống, với xã hội và trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết”.
Dịp này, NXB Hội Nhà văn đã xuất bản hai tập sách tập hợp sáng tác của các tác giả đều là đại biểu chính thức của Hội nghị: Mắt lửa (tập truyện ngắn, tuyển chọn của 55 tác giả) và Mạch rồng (tập thơ và tiểu luận phê bình, tuyển chọn của 59 tác giả).

VÂN PHI

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…